CHÁNH VĂN (Từ câu 607 đến câu 636)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 41503)
CHÁNH VĂN (Từ câu 607 đến câu 636)

607.“Có người xuống bến bằng nay,

         Mách chơi ít tiếng người rày mạng vong.

                   Nhà ngươi thiệt chẳng có lòng:

         Đòi đã hai lần sao chẳng chịu đi ?

                   Thương đời ta luống sầu-bi,

          612. Đò đi tới chốn ăn thì bao nhiêu ?

                   Điên rằng tôi chẳng ham nhiều,

         Bao nhiêu tự ý cho nhiều chẳng ham.

                   Điên này bụng chẳng có tham,

         616. Ghe đã chở đầy chật nứt trong mui.

                   Già đây cũng chở cầu vui,

          Vậy chú hãy ngồi ngay chỗ sau đây.

                   Thấy người lòng dạ tà-tây:

        620. Thân tôi làm vầy ông chẳng cho vô ?

                   Trong mui đã mát lại khô,

         Tôi có đủ tiền mà trả cho ông.

                   Trong mui dòm thấy trống không,

        

          624. Bước nhầu vào đó máu hồng trào ra.

                   Cho người hung bạo biết Ta,

         626. Thuyền Người biến mất vậy mà còn chi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 607 đến câu 626)

          -Con thuyền của Đức Giáo Chủ đang chèo xuôi theo dòng nước, bỗng có một người xuống đứng mé sông, Ngài bèn cho người ấy biết: Nhà ngươi thật không có lòng tin tưởng Phật Trời, đã được giác tỉnh hai lần mà chẳng chịu vâng theo; nay nghiệp quả đã đến, tuy Trời Phật đầy lòng Từ bi Bác ái, nhưng không thể cứu sống được ngươi nữa.

          -Tiếp đó lại có người nghe rao đò, tưởng đâu đò đưa sang sông vội kêu ghé lại hỏi giá. Đức Thầy cũng hứa đưa giùm, khách muốn trả bao nhiêu cũng tốt, nhưng với điều kiện là phải ngồi gần sau lái, vì trong mui đã chở chật nức hết rồi. Người ấy nhìn vào mui ghe, thấy trống không và khô ráo nên đòi vào mui ghe, bất chấp lễ nghi phải quấy và cũng chẳng đợi ông chủ đò bằng lòng hay không, người ấy cứ bước dại vào mui ghe, bỗng bị tuôn trào máu họng. Liền theo đó Đức Giáo Chủ cho ghe và Ngài đều biến mất một lượt.

 

CHÚ THÍCH

          MÁCH: (Xem chú thích câu 376, Q.1).

          MẠNG VONG: Mất mạng, chết.

          LUỐNG: Khiến, bắt, xuôi nên. Ca dao có câu:

                   “Thấy trăng luống hổ với đèn,

                  Ai cho sang cả, khó hèn khác nhau”.

         

         

          SẦU BI: Âu sầu buồn thảm, thương xót. Ý nói Đức Thầy cũng như chư Phật quá đau xót cho chúng sanh mãi còn si mê tội lỗi. Ngài từng thốt:

                   “Buồn đời gát bút nghĩ suy,

                Suy cho cạn lẽ sầu bi quá chừng”.

                                      (Viếng làng Phú An)

          LÒNG DẠ TÀ TÂY: Tâm gian tà dối trá, thầm kín riêng tư; thiếu lễ nghĩa và không chơn chánh ngay thẳng.

 

CHÁNH VĂN

                    627.“Trở lên Chợ-Mới một khi,

         Chèo lên chèo xuống vậy thì cũng rao.

                   Năm xưa đây có máu đào,

         Mà nay chưa có người nào chơn tu.

                   Nào Điên có muốn kiếm xu,

         632. Mà trong trần-hạ đui mù không hay.

                   Hỏi ông người ở đâu rày,

         Trả lời rằng ở Non cày Vua Nghiêu.

                   Tới đây trong dạ buồn hiu,

         636. Bỏ ghe Điên cũng đánh liều chưa thôi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 627 đến câu 636)

          -Sau khi ghe người biến mất, Đức Giáo Chủ liền trở về Chợ Mới, cũng chèo lên chèo xuống rao đò và nhắc cho bá tánh nhớ lại, trước kia ở đây có cuộc máu đổ thịt rơi, mà nay sao chưa có mấy người hồi tỉnh tu hành.

          -Với lòng Từ Bi, vì muốn rộng độ chúng sanh chớ chẳng phải vì tiền bạc mà bá tánh còn hoài nghi, ngờ vực chưa chịu hồi tâm. Ngài cũng không ngần ngại cho mọi người được biết, Ngài từ đời thượng cổ Thánh Đức trở lại

 

giác đời như trong bài Xuân Hạ tác Cuồng Thơ:“Ta Điên thuở Tam Hoàng thượng cổ”. Hoặc là:

                   “Non lịch rừng nhu lộ vẻ hồng,

                   Danh hiền ban rải khắp Tây Đông”.

                             (Đáp lời ông Nguyễn Thanh Tân)

          -Đức Thầy còn có sứ mạng xây dựng cho nhân loại một cuộc sống thanh bình, nhà khỏi đóng cửa, ngoài đường của rơi không người lượm:

                   “Gia vô bế hộ im lìm,

               Lập thành mối Đạo rõ điềm xưa kia”.

                                      (Thiên lý ca)

          Thế nên, dầu cho người đời có nghe hay không, Ngài cũng quyết làm tròn sứ mạng:

          “Dầu đời bạc đãi ngọn đèn cứ nêu”.(Tự Thán)

 

CHÚ THÍCH

          CHỢ MỚI: Một quận trong tỉnh An Giang, gồm có 12 xã. Đông giáp quận Lấp Vò (Sa Đéc); Tây giáp sông Vàm Nao; Nam giáp Hậu Giang; Bắc giáp Tiền Giang. Rạch ông Chưởng nằm xuyên trổ ra sông Hậu.

          NĂM XƯA ĐÂY CÓ MÁU ĐÀO: Đây ám chỉ vào năm 1930 và 1936, tại quận Chợ Mới, phong trào chống Pháp bừng dậy, nhứt là năm 1936 quân Pháp thẳng tay đàn áp khiến đồng bào đổ máu quá nhiều.

          NON CÀY VUA NGHIÊU: Non cày là chỉ nơi Lịch sơn (núi Lịch). Xưa ông Thuấn lên Lịch sơn cày ruộng, nơi có tiếng là nhiều thú dữ, cha mẹ ông có dụng ý để ông chết đi cho khuất mắt. Không ngờ khi ông đến nơi thì có voi ra cày ruộng, chim chóc đáp xuống nhổ cỏ giúp ông. Sau vua Nghiêu mến đức, vời ông Thuấn về truyền ngôi trị vì Thiên hạ.

         

          Đức Thầy có câu (trong bài Vén Màn Bí Mật):

                   “Non Lịch đài mây rạng tu mi”.     

          VUA NGHIÊU: Người ở đất Đơn Lăng, họ Y Kỳ, tên là Phòng Huân, cha là Đế Cốc, mẹ tên Khánh Đô. Ngài lên ngôi 20 tuổi, trị vì được 101 năm (2357-2256, Tr.TL), thọ 123 tuổi, Quốc hiệu là Đào Đường. Ngài rất nhân từ minh chánh, tài an bang trị quốc tinh anh. Tuy chế độ Quân chủ, nhưng đối với dân rất được lòng. Vua tôi coi nhau như là ruột thịt; dân chúng thời ấy được sống cảnh thanh bình an lạc. Như Cổ thi có câu:

          “Toàn dân đều vui sống dưới Trời Nghiêu”.

          Mặc dù Ngài có tới 9 người con trai, nhưng xét thấy chẳng có người nào đủ tài đức trị dân, sau nghe ông Thuấn là bậc đại hiền thảo, bèn cho rước về truyền ngôi.

          Nói đến câu “Non cày vua Nghiêu” là muốn nhắc đến thành ngữ “Đất Thuấn Trời Nghiêu”, tức là nói đến cảnh thanh bình của hai nhà vua đời Ngũ Đế (Tr.H). Ông Nguyễn Thanh Tân một trong tín đồ PGHH có tán thán:

                   “Trời Nghiêu phụng múa vòng tay áo,

                      Đất Thuấn voi cày ruộng trổ bông”.

          Đức Thầy cũng luôn nhắc đến cảnh ấy:

                   “Thuở xưa thời buổi Thuấn Nghiêu,

                   Thái bình thạnh trị mến yêu khắn tình”.

                                      (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          Sở dĩ Đức Thầy nhắc đến điển tích trên đây là ý muốn nói đến sứ mạng:

                   “Dựng cuộc hòa minh khắp đại đồng”.

                                                (Phỏng đá trả lời)

          Nghĩa là Ngài có trách nhiệm thiết lập một thế giới đại đồng, công bằng trật tự. Và: Định ngôi phân thứ,

 

 

gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang”.(Bài Sứ Mạng)

          Hầu làm cho nhân loại đều hưởng cảnh thanh bình an lạc như thời Nghiêu Thuấn thuở xưa:

          “Thương Minh Vương bắt chước Thuấn Nghiêu,

              Lòng hiền đức nào ai có biết”.(Kệ Dân, Q.2)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn