CHÁNH VĂN (Từ câu 493 đến câu 524)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 41572)
CHÁNH VĂN (Từ câu 493 đến câu 524)

493.“Nói ra thêm thảm thêm thê,

         Ông Lãnh dựa kề giả Bán Trầu Cau.

                   Bạn hàng xúm lại lao-xao:

          496. Ông bán giá nào nói thử nghe coi ?

                   Trầu thời kẻ móc người moi,

         Còn cau bẻ giấu thấy lòi tánh tham.

                   Thấy già bán rẻ nó ham, 

         500. Bị thêm quê dốt nó làm thẳng tay.

                   Ghe người biến mất bằng nay,

         Cho chúng biết tài của kẻ Thần Tiên.

                   Bến Thành đến đó đậu liền,

         504. Gặp hai thằng lính tra liền thuế thân.

                   Tớ Thầy nói chuyện cân-phân:

         Mới lỡ một lần xin cậu thứ-tha.

                   Hai người tôi ở phương xa,

          508. Bởi chưng khổ-não mới là nổi trôi.

                   Lính nghe vừa dứt tiếng rồi,

         Khoát nạt một hồi rồi lại bắt giam.

                   Thấy đời trong dạ hết ham,

         512. Ghe người biến mất coi làm chi đây”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 493 đến câu 512)

          -Thuyền Đức Thầy rời khỏi Ba Cụm, liền đến cầu Ông Lãnh. Nơi đây, Ngài giả ra ông lão chèo ghe, rao bán trầu cau, các bạn hàng xúm lại hỏi mua, thấy Ngài bán rẻ và có dạng quê mùa chất phác, họ bèn dở trò

 

tham lam, quèo móc, chẳng nghĩ đến người tuổi tác thật thà. Để cảnh tỉnh số người ấy, Ngài và ghe đều biến mất, liền theo đó Ngài lại có mặt ở Bến Thành Sài Gòn.

          -Thuyền vừa cắp bến, bỗng  gặp hai người lính xét hỏi giấy thuế thân, Ngài bèn giả vờ không có giấy và năn nỉ: hai người tôi vì quá nghèo khổ, mới trôi nổi xin ăn đến đây, mong hai cậu nghĩ tình đồng bào chủng loại tha cho một lần. Nghe qua, hai người lính chẳng những không thông cảm, lại còn khoát nạt xài xể đủ điều. Nói rồi, chúng sửa soạn bắt Thầy trò đem giam. Trước tình cảnh ấy, Ngài cho ghe cùng người đều biến mất một lượt, để coi bọn lính làm chi được Ngài.

 

CHÚ THÍCH

          ÔNG LÃNH: Tên một cây cầu bắc ngang rạch Bến Nghé nối vùng Khánh Hội với Thành phố Sài Gòn, cũng là khu đất nằm dọc theo Rạch phía Sài Gòn, thuộc quận II Đô Thành.

          TÁNH THAM: Lòng tham lam, tức là sự ham muốn quá độ, không nghĩ đến lẽ công bằng Đạo lý là gì. Nó là một trong ba điều Ác của Ý nghiệp và thứ 8 trong Thập Ác.

          Đức Thầy diễn tả tánh tham của con người:“Tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế…”(Quyển 6 – Ác tham lam). Và:

                   “Sẵn túi tham bất cứ chuyện gì,

          Dầu xấu tốt cũng là dồn chứa”.(Khuyến Thiện, Q.5)

          QUÊ DỐT: Dốt nát, thật thà, kém hiểu biết. Ở đây Đức Thầy giả kẻ quê dốt để thử lòng người thành thị. Ca dao có câu:

 

“Tới đây xứ lạ quê người,

Trăm bề nhẫn nhịn đừng cười tôi quê”.

          Trong Kệ Dân, Q.2  Đức Thầy cũng bảo:

                    “Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ,

                     Giả bán buôn thức giấc người đời”.

          BẾN THÀNH: Một cái bến dành cho ghe tàu đậu trên sông Bến Nghé, ở ngay trung tâm Sài Gòn. Đọc cho đủ là Bến Thành Sài Gòn.

          THUẾ THÂN: Thuế người. Người Pháp cai trị nước Việt Nam bắt dân ta phải đóng nhiều sắc thuế, mà thuế người là một. Chúng bắt mỗi người đàn ông từ 18 tuổi trở lên là phải đóng thuế thân. Họ chia ra làm hai hạng: hữu sản mỗi người 5$60, vô sản mỗi người 4$60. Lúc bấy giờ (1939-1945) một đầu thuế như vậy phải bán từ 15 đến 18 gịa lúa mới đủ đóng, vì giá lúa khi đó chỉ có 25 tới 30 xu một giạ. Thời ấy dân ta có người làm không đủ ăn nên thường bị thiếu thuế. Nhà cầm quyền Pháp cho lính chận khắp nơi để bắt bớ giam cầm những người chưa đóng thuế, thật là khổ sở.

          Đức Thầy đã diễn tả cảnh ấy:

                   “Ngồi Khùng trí đoái nhìn cuộc thế,

                    Thấy dân mang sưu thuế mà thương.

                     Chẳng qua là Nam Việt vô Vương,

                    Nên tai ách xảy ra thảm thiết”.(Kệ Dân,Q.2)

            CÂN PHÂN: Đồng đều, bằng nhau; nhưng chữ cân phân ở đây ý nói bày tỏ sự tình, phân trần phải trái.

          KHOÁT NẠT: Quát tháo, nạt nộ to tiếng, như khoát nạt tôi tớ. Đây chỉ cho hạng người cường hào, dựa bệ ăn lương bắt nạt dân chúng.

 

 

CHÁNH VĂN

                   513.“Tức thời Điên giả làm thầy,

         Đi coi đi bói khắp trong phố phường.

                   Có người tu niệm đáng thương,

          516. Điên mới chỉ đường Tịnh-Độ vãng sanh.

                   Dạo cùng khắp cả Sài-Thành,

         Khi ca khi lý nói rành Thiên-cơ.

                   Bá-gia bá-tánh làm ngơ,

         520. Tưởng như những kẻ nói thơ kiếm tiền.

                   Văn-minh trọng bạc trọng tiền,

         Khôn-ngoan độc-ác làm phiền người xưa.

                   Mặc ai ghét ghét ưa ưa,

         524. Chẳng dám nói bừa cho bá-tánh nghe”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 513 đến câu 524)

          -Sau khi cho ghe người biến mất tại Bến Thành Sài Gòn, Đức Thầy liền giả một Thầy bói dạo khắp phố phường. Bỗng gặp một người tỉnh ngộ tu hành, Ngài động lòng thương nên chỉ dạy pháp môn niệm Phật cho người ấy tu hành theo. Đoạn rồi Ngài cũng tiếp tục ca hát việc Thiên cơ Đạo lý, nhưng dân chúng ở đây ít có ai để tâm đến, họ ngờ rằng Đức Thầy cũng như bao nhiêu kẻ khác chỉ biết nói thơ để xin tiền.

          -Bi con người đời nay mãi chạy theo văn minh vật chất, tập tành lối sống khôn ngoan gian xảo:

                   “Đời văn vật khôn ma khôn quỉ,

                     Lo trang sức kim thời huê mỹ.

                     Rồi phụ phàng tục cổ nước nhà,

                     Trong tâm thì chứa chữ gian tà.

                     Chớ chẳng chứa tấm lòng bác ái”.

         

          Do đó ông cha ta:

                   “Rất đau xót cho nòi cho giống”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

          Lời khuyến tu của Đức Thầy phát xuất tự đáy lòng chơn thật, bác ái, vị tha nên dù cho người đời có trọng kỉnh hay chê bai, Ngài cũng chẳng màng tới.

 

CHÚ THÍCH

          PHỐ PHƯỜNG: Phố là nhà lầu ở thành thị. Phường là khu xóm. Nói chung là khu nhà phố, buôn bán rộn rịp.

          TỊNH ĐỘ: Có hai nghĩa.

          1./ Tịnh Độ: Cũng gọi là Tịnh Thổ. Một quốc độ hoàn toàn an vui, trang nghiêm thanh tịnh, tức là cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà làm Giáo chủ.

          Đức Thầy có câu:

                   “Cõi Tịnh độ lắm điều thanh nhã,

                     Khổ buồn rầu lo sợ chẳng còn”.

          2./ Tịnh Độ: Là pháp môn Tịnh Độ, cũng gọi là pháp môn Niệm Phật. Phương pháp chỉ dạy người tu chỉ chuyên tâm trì niệm 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật để lúc lâm chung nhờ sự hóa độ của Đức Phật A Di Đà mà được vãng sanh về cõi Cực lạc của Ngài. Đức Thầy từng dạy trong quyển Khuyến Thiện:            

                   “Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh,

                     Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa”.

          VÃNG SANH: Người được giải thoát kiếp ở trần gian, sanh qua đất Phật (cõi Cực lạc) gọi là Vãng sanh.

          SÀI THÀNH: Tên gọi có văn vẻ, thành phố Sài Gòn là thủ đô nước Việt Nam, gồm hai thành phố Sài

 

Gòn và Chợ Lớn nhập lại từ năm 1956; Đông giáp sông Bến Nghé, Tây giáp rạch Lò Gốm, Nam giáp kinh Bến Nghé và kinh Tàu Hủ, Bắc giáp rạch Thị Nghè; diện tích

52 km vuông, dân số trên 2 triệu người. Năm 1956 do sắc lịnh ngày 02/10 của Tổng Thống nước Việt Nam, Đô thành Sài Gòn và Chợ Lớn được đổi lại là Thủ đô Sài Gòn.

          CA VÀ LÝ: Ca cũng gọi là hát, tức nói lên những giọng ngân nga, cao thấp, ngắn dài theo bài bản nhất định. Lý là hát theo âm điệu vui và nhanh. Vậy ca và lý là tiếng gọi chung về hát.

          VĂN MINH: Văn là văn vẻ; minh là sáng sủa; là cái văn vẻ, sắc thái sáng sủa, lối sáng suốt của loài người khi đã tiến ra khỏi thời kỳ dã man, và khi đã khai hóa đến chỗ sáng sủa. Nhưng chữ văn minh ở đây là chỉ cho số người học đòi theo nếp sống mới của Âu Tây, xem tiền bạc địa vị là trọng, quên hết nền Đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Đức Thầy có câu:

                   “Đời văn minh vật chất bỏ gương xưa,

                     Nghiệp tổ tiên con cháu vày bừa.

                     Học thói mới lăn loàn theo sở dục”.

                                                (Khuyến Thiện, Q.5)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn