CHÁNH VĂN (Từ câu 759 đến câu 814)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 31590)
CHÁNH VĂN (Từ câu 759 đến câu 814)

759.“Dạy rồi Điên lại xuống ghe,

        

          Long-Xuyên, Sa-Đéc nói ròng vè-thơ.

                   Vợ chồng nghèo khổ bơ-vơ,

         762. Ở nơi giữa chợ lại khờ lại quê.

                   Buồn trong lê thứ ủ-ê,

         Sóc-Trăng chợ ấy thuyền kề đến nơi.

                   Đến đâu thì cũng tả-tơi,

          766. Nói rõ việc đời sắp khổ sắp lao.

                   Thị-thiềng thiên hạ lao-xao,

         Chẳng có người nào tu niệm hiền-lương.

                   Thấy trong trần-hạ thảm thương,

         770. Đâu có biết đường chơn chánh mà đi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 759 đến câu 770)

         

          -Đức Giáo Chủ giảng khuyên dân chúng ở Rạch Giá xong, Ngài liền xuống thuyền trở về Long Xuyên và Sa Đéc. Hai nơi nầy Ngài cũng dùng vè thơ thức tỉnh bá gia, sớm quày đầu hướng thiện. Ngài còn giả ra hai vợ chồng nghèo khổ, quê khờ trong tình cảnh bấp bênh, xin ăn theo chợ búa.

          -Hết đây, Ngài cho thuyền tiến thẳng đến chợ Sóc Trăng, tới đâu cũng với hình thức cơ hàn, áo quần tơi tả, nhưng miệng Ngài không ngớt báo tin cho dân chúng rõ, cuộc đời sắp đến hồi điêu linh thống khổ. Nhìn chung cảnh vật chợ Sóc Trăng Ngài rất thảm thương cho ở đây, tuy dân chúng đông đảo, nhưng ít có người hiền lành tu niệm, bởi họ quá say mê vật dục, không rõ đâu là nẻo tà để tránh và đâu là đường chánh nên theo.

 

CHÚ THÍCH

         

          LONG XUYÊN: Tỉnh số 8 của Nam Kỳ thời Pháp thuộc, 1956 nhập với tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang, đặt tỉnh lỵ tại Long Xuyên, từ năm 1964 Châu Đốc được tách rời ra và lấy tên cũ, thành ra An Giang chỉ còn phần tỉnh Long Xuyên hồi trước. Đông giáp Kiến Phong; Tây giáp Kiên Giang; Nam giáp Phong Dinh; Bắc giáp Châu Đốc và Kiến Phong. Diện tích 4140 km vuông. Dân số 1.361.700, trên 80% tín đồ PGHH. Hiện giờ tỉnh An Giang (Long Xuyên) và Châu Đốc coi như hai tỉnh Thánh Địa PGHH.

          SA ĐÉC: Tỉnh số 6 của Nam kỳ thời Pháp thuộc. Đông giáp tỉnh Tân An (Long An); Bắc và Tây giáp An Giang; Nam giáp Vĩnh Long và Phong Dinh, năm 1956 đổi lại là tỉnh Kiến Phong. Đến năm 1967 được trở lại Sa Đéc như trước.

          SÓC TRĂNG: Tỉnh số 10 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 được nhập với một phần lớn của tỉnh Bạc Liêu để làm thành tỉnh Ba Xuyên.

          BƠ VƠ: Linh đinh thất thiểu, không chỗ nương tựa.

CHÁNH VĂN

                   771.“Lìa xa đô-thị một khi,

         Thuyền-loan trực chỉ đến thì Bạc-Liêu.

                   Chợ nầy tàn ác quá nhiều,

         774. Phố-phường dân Thổ dân Tiều nhiều hơn.

                   Đi cùng thành-thị ráo trơn,

         Cà-Mau đến đó thiệt hơn tỏ bày.

                   Cho trong bá-tánh chợ nầy,

         778. Rõ việc dẫy đầy lao-lý về sau.

                   Đường đi lao-khổ sá bao,

        

          Miễn cho trần-hạ biết vào đường tu.

                   Tu-hành đâu có tốn xu,

         782. Mà sau thoát khỏi lao-tù thế-gian”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 771 tới câu 782)

          -Rời khỏi Đô thị Sóc Trăng, Đức Thầy lái thuyền tiến thẳng đến Bạc Liêu, Ngài thấy dân chúng ở chợ nầy quá bạo tàn gian ác, đồng bào phần đông là người Việt gốc Miên và Việt gốc Hoa.

          -Ngài giảng dân khắp vùng thành thị rồi cho thuyền đi luôn Cà Mau. Ở đây Ngài kêu gọi, giải bày cặn kẽ về việc lao khổ sắp tới cho mọi người được hiểu.

          -Trên con đường giác chúng cứu đời dù có gặp nhiều khổ nhọc Ngài cũng không màng kể:

                   “Thân nầy sá quản cần lao,

               Miễn cho bá tánh được mau an nhàn”.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          - Chỉ mong sao cho vạn dân sớm quay về nẻo Đạo. Với phương thức tu hành theo Ngài chỉ dạy khỏi phải hao tiền tốn của, chỉ lo trau thân lập hạnh niệm Phật làm lành mà sau nầy được thoát cảnh trần gian thống khổ.

 

CHÚ THÍCH

          ĐÔ THỊ: Chỗ thị tứ lớn, nơi tụ họp mua bán đông đảo.

          BẠC LIÊU: Nguyên xưa là quận Trần Di của  trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích lập từ năm Ất Mão (1735). Thời Pháp thuộc thành tỉnh thứ 20 của Nam Kỳ, năm 1956 được nhập với tỉnh Sóc Trăng để thành tỉnh Ba Xuyên.

         

          DÂN THỔ: Cũng gọi là thổ dân (Đàn thổ). Tiếng nầy do dân ta từ Bắc, Trung mới vào Nam gọi người Cao Miên là Đàn Thổ. Khi đất Thủy Chân Lạp thuộc về Việt Nam thì họ chịu thần phục Chúa Nguyễn và ở lại nước ta luôn, bấy giờ gọi là người Việt gốc Miên. Họ còn ở các vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng (Ba Xuyên) và Trà Vinh (Vĩnh Bình) rất nhiều.

          DÂN TIỀU: Người Việt gốc Hoa. Nguyên là người ở xứ Tiều Châu (Triều Châu) Trung Hoa, theo Mạc Cửu chống nhà Thanh, chạy sang Chân Lạp. Sau thần phục Chúa Nguyễn rồi ở luôn nước ta, hiện giờ họ còn ở Bạc Liêu khá đông.

          CÀ MAU: Doi đất ở cực Nam nước Việt Nam. Nguyên là đất Thủy Chân Lạp, tiếng Cam Bốt gọi là Tukhmau (nước đen). Hồi Pháp thuộc là một Quận lớn của tỉnh Bạc Liêu. Năm 1956 cùng với một vài quận khác trở thành tỉnh An Xuyên. Tây giáp Vịnh Thái Lan; Nam giáp bể Nam Hải; Bắc giáp Kiên Giang. Diện tích 4.906 km vuông; dân số 256.442. Tỉnh giàu về ngư nghiệp và lâm sản: Than, củi, mật ong…

          SÁ BAO: Chẳng kể là bao. Ý nói dù đường đi có xa xôi cực khổ bao nhiêu cũng chẳng kể (chẳng quản), miễn được việc là hơn.

CHÁNH VĂN

                   783.“Thầy Trò lắm cảnh gian-nan,

         Chừng nào hết khổ mới an tấm lòng.

                   Đằng-vân đến tỉnh Gò-Công,

          786.Vì thương dân-thứ mới hòng đến đây.

                   Xưa kia bão-lụt tỉnh này,

         Mà sau cảnh khổ xứ này gần hơn.

                  

                   Yêu dân lòng nọ chẳng sờn,

          790. Thầy hát Tớ đờn dạy cũng khắp nơi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 783 tới câu 790)

          -Trên đường châu du độ thế, Thầy trò Đức Giáo Chủ gặp nhiều cam go thử thách, nhưng Ngài cũng nhứt quyết làm tròn chí nguyện cho đến khi nào chúng sanh hết đắm chìm trong bể khổ mới an lòng:

                   “Nếu thế gian còn chốn mê tân,

                     Thì ta chẳng an vui Cực Lạc”.

          -Bấy giờ Ngài rời Bạc Liêu đằng vân tới tỉnh Gò Công. Sở dĩ Ngài hằng mong tới tỉnh nầy là vì lòng quá thương xót chúng dân ở đây, trước kia đã phải chịu nạn lụt lội khủng khiếp mà nay sắp gặp tai khổ nhiều hơn nữa.

          -Hai Thầy trò giả ra một người đờn và một người hát. Ngài hát toàn việc Thiên cơ, Đạo lý để giác tỉnh bá tánh khắp nơi.

CHÚ THÍCH

          ĐẰNG VÂN: Đi trên mây, cách đi của các Tiên gia.

          GÒ CÔNG: Tên chữ là Khổng Tước Nguyên, tỉnh thứ 18 của Nam kỳ thời Pháp thuộc. Năm 1956 nhập với Mỹ Tho để thành tỉnh Định Tường, hiện giờ là một quận của tỉnh nầy, gồm có 15 xã.

          HÒNG: Hầu, mong. Ca dao có câu:

                   “Cái vòng danh lợi cong cong,

                 Kẻ toan ra khỏi người mong bước vào”.

          BÃO LỤT: Bão là gió lớn và có mưa to; lụt là nước dâng lên dữ dội. Trận bão ở Gò Công xuất phát tại

 

biển Tân Thành, thuộc tỉnh lỵ Gò Công, vào đêm 16 tháng 3 năm Giáp Thìn (1904) làm chết 5.000 người, nhà cửa và các gia súc trong tỉnh bị thiệt hại không kể xiết và các tỉnh như: Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang cũng bị ảnh hưởng rất nặng. Hiện giờ dân chúng còn nhớ hai câu thơ của người xưa truyền lại:

                    “Bão rồi thành ngọn sơ rơ,

             Chim không nơi đậu vật vờ khá thương”.

          CHẲNG SỜN: Chẳng khờn, lòng chẳng hề nao núng trước nghịch cảnh. Đức Thầy hằng khuyên:

                   “Khuyên dân lòng chớ có sờn,

                   Rán tu thì được xem đờn trên mây”.

         

CHÁNH VĂN

                    791.“Khỏi đây Bà-Rịa tách vời,

         Đến đó vậy thời trời mới sáng ra.

                   Chợ này đông-đúc người ta,

          794. Nhiều đuông chà-là lại với nho tươi.

                   Đến đây Thầy Tớ hoá mười,

         Nói nói cười cười bán thuốc Sơn Đông.

                   Ai ai đều cũng ngóng trông,

         798. Coi lũ khách này hát thuật làm sao.

                   Hát mà trong bụng xáo-xào,

         Nói chuyện bên Tàu máu đổ tuôn rơi.

                   Cả kêu dân-chúng hỡi ôi !

         802. Sao không thức tỉnh việc đời gần bên”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 791 tới câu 802)

          -Khi Đức Giáo Chủ đặt chân đến Bà Rịa trời vừa sáng, chợ nầy nhóm rất đông, phần nhiều là họ bán nho

 

tươi và đường chà là. Thầy trò Ngài giả ra một gánh hát Sơn Đông gồm có 10 người và đủ tiện nghi bán thuốc. Dân chúng tựu lại khá đông, ai ai cũng trông coi lũ khách trú nầy hát thuật hay dở ra sao.

          -Tuy bên ngoài giả dạng hát để bán thuốc, chớ lòng Ngài lúc nào cũng xót xa, nhứt là Ngài chỉ cho bá tánh biết cảnh chiến tranh tàn khốc bên Trung Hoa hiện giờ, để rồi Ngài kêu gọi mọi người nên ý thức rằng nạn khổ ấy sẽ đến với chúng ta không còn xa mấy:

                   “Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,

                     Sao dân còn tríu mến trần mê ?

                            Mắt nhìn ngoại quốc thảm thê,

                    Nam bang cảnh khổ cũng kề bên tai”.

                                                (Để chơn đất Bắc)

CHÚ THÍCH

          BÀ RỊA: Tỉnh thứ 15 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 họp cùng Vũng Tàu và Đảo Hoàng Sa để thành tỉnh Phước Tuy.

          ĐUÔNG: Giống sâu bằng ngón tay hai đầu nhọn, thân có ngấn cạn, màu hột gà, thường ở giữa cổ hủ cây dừa và chà là. Ví dụ ăn Đuông, bị Đuông ăn.

          THẦY TỚ HÓA MƯỜI: Hai người mà hóa ra tới mười người cho đủ đoàn hát Sơn Đông.

          BÁN THUỐC SƠN ĐÔNG: Đầu tiên do nhà thuốc người Trung Hoa lập ra, rồi cho từng đoàn đi bán quảng cáo khắp nơi; phần nhiều là người Quảng Đông. Họ dọn bán theo chợ hoặc nơi nào có dân đông, bày đủ trò ca hát, ảo thuật, xiếc,v.v…để cho người ta thấy tựu lại xem rồi họ quảng cáo bán thuốc. Sau người Việt ta cũng lần lần lập ra nhà thuốc và cũng cho người đi bán thuốc lối ấy.

         

          LỮ KHÁCH: Đám khách trú, người Việt ta thường gọi người Trung Hoa là khách trú hay các chú (tiếng lóng).

          XÁO XÀO: Rầy rà, xung đột, làm rối loạn, nhưng chữ xáo xào ở đây ý nói cõi lòng Đức Thầy quá xót xa đau đớn, vì thấy vạn dân sắp lâm cảnh khổ.

 

CHÁNH VĂN

                   803.“Khổ đà đi đến như tên,

         Rán lo tu niệm tìm nền vinh-hoa.

                   Vinh này của Đức Phật-Bà,

         806. Của Ông Phật-Tổ ban mà cho dân.

                   Tu cho nhàn toại tấm thân,

         Đừng làm tàn-ác xa lần Tiên bang.

                   Hát kêu bớ kẻ giàu sang,

         810. Rán lo làm phước làm doan mới là.

                   Đến lâm cảnh khổ có Ta,

          Với lịnh Phật Bà cứu vớt giùm cho.

                   Tu hành phải rán trì mò,

         814. Gặp Lão Đưa Đò đừng có khinh-khi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 803 đến câu 814)

          -Đoạn nầy Đức Giáo Chủ cho biết việc khổ não sẽ đến với nhân loại rất mau lẹ, nếu ai cố gắng trau thân gìn Đạo sẽ được nhiều hạnh phúc. Với điều vinh hạnh an vui, đây là do Đức Quan Thế Âm và Đức Phật Tổ Thích Ca ban cho. Bằng ai tiếp tục con đường tội ác thì sau nầy phải vương lấy khổ sầu, không thể nào gần được nhà Tiên cửa Thánh.

         

 

          -Ngài hằng kêu gọi những người giàu sang dư ăn, dư để nên mở lòng thương xót kẻ cơ bần, tận tâm giúp đỡ cho họ có cơm ăn, áo mặc, thuốc uống.v.v…và trau tâm sửa tánh. Nếu ai làm được như vậy, thì hiện tại, được Đức Thầy và Đức Quan Thế Âm cứu độ khỏi cảnh hãi hùng của cơ tận diệt, và còn gây được duyên lành, để hoàn thành quả vị Phật Thánh ở tương lai.      

          -Bước tu hành của mỗi người nên kiên tâm bền chí, thực hành đúng theo quy cũ và đường lối của Đức Thầy đã vạch thì sớm muộn gì cũng đặng kết quả như ý.

          Và kể từ đây:

              Phật Tiên Thánh cùng nhau xuống thế”.

                                                (Kệ Dân, Q.2)

          Các Ngài giả dạng đủ hạng người: Buôn bán, chèo đò, tàn tật, ăn xin…để thức tỉnh bá gia. Đức Thầy căn dặn chúng ta phải dè dặt kính nhường, nếu lăng mạ khinh khi, ắt bị lầm lỗi.

CHÚ THÍCH

          VINH HOA: (Xem chú thích câu 666, Q.1)

          NHÀN TOẠI: Thanh nhàn thỏa nguyện. Người rút bỏ hết nghiệp duyên trần tục, tranh đấu lợi danh thì thân tâm lúc nào cũng an nhàn tự tại.

          Như Đức Giáo Chủ cho biết:

                   “Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao”.

          Và: “Gót sen thong thả xiết bao thanh nhàn”.

                                                (Khuyến Thiện, Q.5)

          TIÊN BANG: Nước Tiên hay cảnh Tiên. Đây chỉ cõi đời Thượng ngươn Thánh đức, con người sống thời đó như ở cảnh Tiên. Đức Thầy từng kêu gọi:

                   “Theo Ta đến chốn Tiên Bang,

                Đặng coi các nước hội hàng Năm Non”.

                                                (Thiên lý ca)

          LÀM PHƯỚC LÀM DOAN: Tức là tu phước là làm các việc từ thiện, bằng cách là đem các vật sở hữu của mình như: Tiền của, vải sồ, thuốc uống v.v…châu cấp cho mọi người được phúc lợi. Tất cả những việc làm lành, làm phải đều gọi là tu phước.

          Trong Tăng Nhứt A Hàm Kinh, Phật có nói với A Nan Luật:

                   “Thế gian muốn có sức,

                     Dạo trong hàng Trời, Người.

                     Phước Lực là hơn hết,

                     Do phước thành Phật Đạo”.

          Đức Thầy nay từng dạy:

                   “Muốn cho rắn đặng hóa cù,

                Xả thân làm phước Diêm Phù vượt qua”.

                              (Khuyên người giàu lòng Phước Thiện)

            LÀM DOAN: là làm duyên. Ý nói người thi hành việc lành, việc phải thì chẳng những được hưởng hạnh phúc ở hiện tại, mà còn được gieo duyên lành, để tương lai hoàn thành ngôi Phật quả.

          Xưa kia, tại nước Xá Vệ có vợ chồng ông Trưởng Giả, sanh được người con gái nết hạnh phi thường, đặt tên là Thúc Ly. Điều lạ khi mới sanh, cô đã có sẵn bộ y phục trắng mịn che thân. Cô càng lớn, y phục ấy càng lớn theo.

          Đến tuổi cập kê, cha mẹ định gả chồng, nên sắm đủ đồ trang sức. Cô không đồng ý, cầu xin cha mẹ, cho cô đến gặp Phật để xuất gia. Cha mẹ rất nuông chiều nên đưa cô đi, sau khi yết kiến Phật, Ngài liền thâu nhận Thúc Ly vào hàng Tỳ Kheo Ni, bỗng nhiên y phục của cô đang mặc, biến thành pháp y (tức y phục nhà tu). Cô luôn

 

tinh tấn tu hành, ít lâu được chứng quả A La Hán. Ông A Nan lấy làm lạ, bạch hỏi Phật, do phước duyên gì, Thúc Ly Tỳ Kheo được như thế ?

          Phật liền giảng cho A Nan và đại chúng nghe: Thuở quá khứ, lúc Đức Phật Tỳ Bà Thi trụ thế. Có một nhà vua mở đại hội bố thí và cúng dường Phật, cùng chư Tăng để cầu nghe Pháp. Các Tỳ Kheo đi khắp nơi, tuyên truyền công quả bố thí và nhận thực phẩm về hội.

          Bấy giờ có hai vợ chồng cô Đàn Nị Già, gia đình rất nghèo, cơm áo không đủ dùng, chỉ có tấm chăn rách, hễ chồng đi làm thì vợ ở nhà đóng cửa lại, còn vợ đi ra thì chồng cũng phải như thế. Hôm nọ cô Đàn Nị Già được nghe Thầy Tỳ Kheo thuyết giảng về công hạnh bố thí trừ được lòng tham xẻn v.v…Cô bèn bàn với chồng nên bố thí tấm chăn nầy, để giải thoát kiếp cùng khổ dầu chết cũng cam. Người chồng thuận ý, cô liền thỉnh Thầy Tỳ Kheo vào gần cửa để gởi tấm chăn về hội thí. Thầy Tỳ Kheo cảm động chú nguyện cho tín thí rồi lãnh chăn về.

          Tại Pháp hội, Đức Phật gọi Tỳ Kheo, trao tấm chăn ấy cho Ngài trước hết. Lúc đó nhà Vua và cả đại chúng đều có ý hiềm tỵ, vì sao Phật lại dùng cánh tay muôn phước, trang nghiêm thọ lãnh vật thô bẩn như thế ?

          Phật biết rõ tâm lý chúng nhơn, bèn đưa chăn ra bảo:“Ta xem tất cả các món quí giá trong Đại hội cúng thí hôm nay, chưa bằng được vật nầy”.

          Phật liền thuật rõ vợ chồng Đàn Nị Già cam chịu lõa lồ chết đói trong xó nhà để tròn hạnh bố thí. Đây là món vật khinh mà tình trọng. Nghe Phật nói, mọi người đều cảm động, Hoàng hậu tháo đồ trang sức vàng ngọc,

 

cả Vua quan cũng đem y phục, tiền bạc góp lại gởi giúp vợ chồng Đàn Nị Già và bảo đến chỗ Phật nghe Pháp. Thuật đến đây, Phật Thích Ca bảo A Nan:

          “Đàn Nị Già nghèo khổ xưa kia, nay là Thúc Ly Tỳ kheo vậy. Do lòng thanh tịnh bố thí nên trải qua 91 kiếp, sanh ra nơi nào đều có y phục tùy thân, không hề bị túng thiếu. Và do ngày trước nơi Pháp hội của Phật Tỳ Bà Thi, nghe Pháp phát nguyện tu giải thoát, nên nay được gặp ta và đắc Đạo quả A La Hán. Các ông nên tinh tấn tu Pháp bố thí ấy”.

          Vậy danh từ “Làm phước làm doan”là Đức Thầy khuyên mọi người nên thi hành Pháp bố thí gieo duyên lành với Phật Pháp, hầu sau nầy được thành Đạo giải thoát. Như Ngài từng khuyên nhủ:

                   “Khuyên người hữu phước giàu sang,

                    Mau mau làm phước làm doan cho rồi”.

                                                (Sám Giảng, Q.3)

          TRÌ MÒ: Trì là giữ gìn bền chặt. Mò là dò dẫm kỹ lưỡng mà đi lần lần. Đức Thầy từng dạy:

          “Tu hành trì chí mới là liễu mai”.(Sám Giảng,Q.3)

 Và:     “Đường Đạo đức bước đi từ nấc”.

                             (Diệu pháp Quang Minh)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn