6- ÁC KHẨU

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42517)
6- ÁC KHẨU

CHÁNH VĂN

          ÁC KHẨU.- Những tiếng thề thốt, lỗ mãng, chưởi (chửi) mắng tục tằn làm ra tội này; con chưởi (chửi) mẹ mắng cha, không kể luân thường thảo hiếu, mạnh bạo hăm he đánh giết kẻ yếu hèn, hiếp đáp xóm chòm cô bác. Mở miệng ra chửi gió mắng mây, trù rủa gia đình, không kiêng Thần Thánh. Tối ngày kêu réo Phật Trời, mời thỉnh Long-cung, làm cho tội lỗi càng thêm chồng chập.

          Hãy bỏ những tiếng tục-tằn thô lỗ, làm cho đời sống được êm-dịu thanh bai hơn. Đối với cha mẹ phải có lễ-độ, với gia đình, với bà con cô bác, với xóm chòm quen thuộc, lời nói mình phải đoan trang nghiêm chỉnh. Đối với con cháu trong nhà, không nên nói những điều ác đức, phải dùng lời nói dịu dàng hiền hậu dạy-dỗ chúng.

 

LƯỢC GIẢI

(Ác thứ ba trong Khẩu nghiệp)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          Ác khẩu cũng gọi là ác ngôn hay ác ngữ. Có nghĩa những tiếng thô lỗ độc ác, tục tằn, chưởi rủa Thần Thánh.

2- NGUYÊN NHÂN:

          - Do hoàn cảnh nghịch ý đưa đến liền phát ra những tiếng thề thốt, lỗ mãng, chưởi mắng, tục tằn, trù rủa hoặc kêu réo Trời Phật, Thần Thánh.

3- SỰ TRẠNG:

          Chưởi mắng cha mẹ, hăm đánh giết mọi người từ gia đình đến xã hội, trù rủa con cháu, xóm chòm, kêu réo khiến sai cả Thần Thánh đủ cõi. Đức Thầy đã diễn tả trạng huống nầy trong một đoạn giảng:

                  “Tới ác khẩu thứ ba bày biện,

                   Tiếng tục tằn thô lỗ hung hăng.

                   Nào chưởi cha mắng mẹ lăng xăng,

                   Chẳng kể đến luân thường thảo hiếu.

                   Hăm đánh giết những người hèn yếu,

                   Hiếp xóm chòm cô bác chẳng kiêng.

                   Trong gia đình chưởi rủa liên miên,

                   Hết dương thế kêu sang Thần Thánh.

                   Chẳng kiêng nể Phật Trời thượng cảnh,

                   Cõi Long cung mời thỉnh tối ngày”.

4- TAI HẠI:

          a)- Người phạm ác khẩu tội lỗi ngày càng thêm chồng chập, nghiệp quả báo đền.

          b)- Nhiều kiếp sau mắt, tai, miệng, lưỡi bị đui, điếc, câm, ngọng. Nói ra điều gì bị nghiệp báo y như vậy, như trường hợp trong tiền thân Đức Phật có anh chàng buôn ngọc “hăm móc cặp mắt của cô Tiểu thơ”. Tiểu thơ và người đánh xe hăm lại:“Nếu ngươi còn cượng lý sẽ sai lính bắt đánh cho rách da, rồi lấy mủ nấu sôi thoa vào và đem chôn tại ngã ba đường cho người tởn”. Những lời thề thốt hăm he nầy, nhiều kiếp sau 3 người đều bị trả báo y như vậy.

5- CÁCH GIẢI TRỪ:

          a)- Muốn diệt trừ ác khẩu, hành giả hãy bỏ tiếng tục tằn thô lỗ; chỉ nói những lời êm dịu thanh bai, tôn trọng đạo luân thường thảo hiếu:

                   Trọng mẹ cha kính nể Phật Trời,

              Đừng nhiều tiếng nghinh ngang mang lỗi”.( ĐT)

          b)- Đối với mọi người cần giữ lễ độ khiêm cung, kính nể Trời Phật Thánh Thần, không nên kêu réo khiến sai.

          c)- Bỏ những lời ác đức, cần nói những lời dịu dàng hiền hậu. Đức Thầy đã hằng khuyên:

                   Lựa lời tiếng dịu dàng trong sạch,

                   Khi thốt ra đoan chánh hiền từ.

                   Tích thiện thì thường có phước dư,

                   Bằng tích ác họa ương đeo đắm”.

6- LỢI ÍCH:

          Người tu chừa đặng ác khẩu được nhiều lợi ích:

          a)- Lời mình nói ra được mọi người ưa thích, tin tưởng và vâng nghe.

          b)- Không còn quả báo xấu và đến khi thành Đạo, được đầy đủ tiếng Phạm âm của Như Lai. (Phạm âm của Như Lai có 5 đặc tính cao thắng: 1- Tiếng nói ra nghe thâm trầm như tiếng nhạc sấm. 2- Tiếng trong trẻo, nghe rất xa. Ai nghe đến cũng lấy làm vui vẻ sung sướng. 3- Ai nghe đến cũng đầy lòng kính mến, vâng theo. 4- Tiếng thuyết giảng Đạo lý rất gọn ghẽ, dễ nghe, dễ hiểu. 5- Mọi người nghe đều tin cẩn, không chán mỏi.)

7- KẾT LUẬN:

          Tóm tắt, ác khẩu là ác thứ ba trong Khẩu nghiệp, nó là một tai hại lớn lao, nhứt là giới nữ dễ vi phạm. Cho nên nhà tu cương quyết trừ bỏ, để tránh khỏi nghiệp báo luân hồi và đặng an vui tự tại trên đường giải thoát.

 

CHÚ THÍCH

          LUÂN THƯỜNG: Giềng mối và phép tắc chính của mọi người nên noi theo, gồm có Ngũ luân và Ngũ thường. - Ngũ luân là Đạo Vua tôi, Đạo Thầy trò, Đạo Cha con, Đạo Chồng vợ, Đạo Huynh đẹ và bè bạn. – Ngũ thường là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đức Thầy thường dạy:

                   Luân thường nặng nợ phải vai mang,

                     Nhuần gội thừa ân của Phật đàng”.

          THẢO HIẾU: Cũng gọi là hiếu thảo. Có nghĩa tôn kính và bảo dưỡng cha mẹ. Đây là đức tánh quan trọng mà bổn phận làm con ai cũng phải có, không thể thiếu được. Đức Thầy luôn nhắc nhở;

                   Sách có chữ thâm ân dục báo,

                   Phận làm người hiếu thảo noi gương”.

          LONG CUNG: Cảnh và cung điện của Long Vương (Vua Rồng) ở sâu nơi đáy biển. Đó là đền đài do thần lực của Long Vương hóa hiện ra.

          TỤC TẰN: Bẩn thỉu, nhơ nhớp, lời lẽ có tánh cách thô tục, dâm ô, trây trúa.

          THÔ LỖ: Cộc cằn lỗ mãng.

          LỄ ĐỘ: Phép lịch sự, ăn nói xử sự biết kính người trên, nhường kẻ dưới.

          THANH BAI: Trong sạch dịu dàng và lịch sự.

          ĐOAN TRANG: Nghiêm chỉnh, đàng hoàng.

          NGHIÊM CHỈNH: Nghiêm trang tề chỉnh.

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa ác khẩu ?

          2/-Nguyên nhân nào có ác khẩu ?

          3/-Hành trạng ác khẩu ra sao ?

          4/-Người phạm ác khẩu có tai hại gì ?

          5/-Muốn chừa ác khẩu phải làm sao ?

          6/-Trừ xong ác khẩu được lợi ích gì ?

          7/-Kết luận ác khẩu ra sao ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn