CHÁNH VĂN (Từ câu 879 đến câu 912)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 40935)
CHÁNH VĂN (Từ câu 879 đến câu 912)

879.“Ngồi buồn kể chuyện huyên-thiên,

         Chẳng có ham tiền cũng bị ghét vơ.

                   Viết cho bá-tánh ít tờ,

         882. Đi làm ruộng rẫy bỏ hờ theo xem.

                   Thương người nghèo khổ lấm-lem,

         Thấy cảnh sung-sướng nó thèm quá tay.

                   Ai mà biết đặng ngày mai,

        886. Ngày nay yên-tịnh ngày mai thảm-sầu.

                   Từ rày gặp cảnh buồn rầu,

         Cho người tàn-bạo cứng đầu khinh-khi.

                   Dương-trần nay đáng sầu-bi,

         890. Nên Điên mới nói chuyện ni tỏ tường.

                   Đêm ngày tưởng Phật cho thường,

         Phải rán lo-lường kim-chỉ từ đây.

                   Thương đời Điên mới tỏ bày,

         894. Dạy trong trần-hạ ngày rày rán nghe.

                   Đừng khi nhà lá chòi tre,

         896. Nhà săng cột lớn bù-xè hay ăn”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 879 tới câu 896)

         

         

          -Đoạn nầy ý nói vì lòng từ bi, Đức Giáo Chủ khuyên dạy bá tánh thật nhiều, chớ chẳng phải vì ham tiền bạc, thế mà cũng bị lắm kẻ chẳng ưa. Ngài khuyên mọi người dầu có đi làm ruộng rẫy phương xa, cũng nên đem Kinh Giảng theo, để lúc rảnh việc xem coi tìm hiểu nghĩa lý, hầu có thực hành theo.

          -Thảm thương cho những kẻ nghèo khó tay lắm chơn bùn, sống cuộc đời cơ cực, vất vả quanh năm suốt tháng; nhìn hạng người giàu sang sống trong phong cảnh đài các họ rất  thèm thuồng, nhưng nào có ai ngờ trước:

                   “Máy thiên cơ mỗi phút mỗi thay,

                     Nẻo thạnh suy như thể tên bay,

                     Đường vinh nhục rủi may một lát”.

          -Tuy ngày nay thấy yên lành sung sướng, nhưng biết đâu ngày mai biến loạn thảm sầu. Đức Giáo Chủ còn cho biết thêm: rồi đây kẻ tàn bạo sẽ thấy cảnh đau thương sầu khổ dồn đôn tới tấp. Vì lòng quá thương bá tánh nên

Ngài chỉ bày cặn kẽ để khuyên mọi người hãy rán niệm Phật thường xuyên và biết lo cần kiệm làm ăn, bớt xa hoa phung phí, vì cảnh:

                   “Nghèo với đói từ đây sẽ biết,

                   Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài”.

          -Ngài còn chỉ dạy chúng dân, thấy kẻ nghèo khổ chớ vội khinh khi mà hãy thương xót, vì cảnh giàu sang phú quí giữa thời nay:“Như cành hoa sớm nở chiều tàn, không chi bền chắc(bài Lời khuyên Bổn đạo).

 

CHÚ THÍCH

          CHUYỆN NI: Chuyện nầy, chỉ cho chuyện đã hoặc đang trình bày. Đức Thầy từng khuyên:

                  

                   “Ai ai phải rán mà suy,

              Thương đời ta tỏ chuyện ni rõ ràng”.

                                                (Sám Giảng, Q.3)

          KIM CHỈ: Cây kim và sợi chỉ. Nghĩa rộng là chỉ cho người tiết kiệm tiền của, kỹ lưỡng trong việc tiêu xài, không xa hoa phung phí. Đức Thầy có khuyên:

                   “Trong bổn đạo từ đây kim chỉ,

                  Đói với nghèo sắp đến bây giờ”.(Kệ Dân, Q.2)

          BÙ XÈ: Một loại côn trùng, thích đục ăn các thứ cây khô và cứng, nhưng không phải là danh mộc, dù cột nhà hay ván ngựa v.v... Ở ngoài da coi làu làu, nhưng bên trong chúng đã đục khoét bỏng lỏng hết. Đây ý nói kẻ giàu sang làm điều dối trá, tuy họ có nhà săng, cột lớn, nhưng từ đây sẽ gặp nhiều tai nạn, phải hao tài tốn của. Đây có ý chỉ những nhà giàu có thường bị những kẻ gian tà nịnh tặc, làm tiền đủ cách:

                   “Cảnh vinh hoa lại quá cheo leo,

                   Nhà giàu có sau nhiều tai ách”.(Kệ Dân, Q.2)

 

CHÁNH VĂN

                   897.“Lúc này Điên mắc lăng-xăng,

         Dương trần biết đặng đạo-hằng mới thôi.

                   Chẳng ham cúng kiếng chè xôi,

         900. Phật Trời chẳng muốn điều tồi ấy đâu.

                   Muốn cho dân hiểu Đạo-mầu,

         Chớ không có muốn chùa lầu cho cao.

                   Bao nhiêu cũng biết vàng thau,

         904. Dạy khôn trần-thế chớ nào dạy ngu.

                   Sáng ngày con chó sủa tru,

         Chừng heo cắn ổ hiềm thù mới yên.

 

                   Đừng ham giành-giựt của tiền,

         908.Người hung hay gọi kẻ hiền rằng ngu.

                   Nay Điên chỉ rõ đường tu,

         Ấy là đủ việc tài bù cho dân.

                   Thôi thôi nói riết dần lân,

         912. Tới đây cũng lần ngừng lại bút nghiên”.

                   NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 897 tới câu 912)

          -Bước đầu của công cuộc cứu thế, Đức Giáo Chủ có rất nhiều trách nhiệm, mong sao khắp bá tánh “Hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống”.(bài Trong việc Tu thân Xử kỷ).

          Tức là phải đối xử cho tròn Nhân đạo là điều trước hết. Ngài kêu gọi mọi người hãy bãi bỏ tục lệ cúng kiếng chè xôi, lầu kho xá phướn, chuông mõ tụng tán, vì đó là những tệ đoan, do từ đời Thần Tú bày ra đến nay, làm cho dân chúng tin theo một cách mù quáng. Nếu ai tu hành như thế thì biết bao giờ thấu đạt lý mầu của Đạo pháp. Đức Thầy từng cho biết:

                    “Đạo mầu diệt khổ có từ lâu,

                    Thần Tú ra đời lại góp thâu.

                     Chuông mõ sám kinh bèn cải sửa,

                     Xá phướn truyền lưu lấp đạo mầu”.

                                      (Muốn lánh phồn hoa)

          -Trước khi dừng bút Đức Thầy dặn dò bá tánh, bao nhiêu lời lẽ trong đây cũng đủ giúp cho mọi người nhận được đâu chơn đâu giả. Lời giảng của Ngài làm cho ai cũng hiền lành sáng suốt, chớ chẳng phải làm cho mờ tối đâu, mà họ còn ngờ vực. Ngài cũng tiên tri đến thời kỳ

 

thái bình an lạc, qua hai câu giảng 905-906. Hạng người hung bạo thấy kẻ hiền lành, không tranh đua tiền bạc thì họ cho là ngu dại, đó là sự thường.

          -Bài thi Tứ cú khoán thủ sau quyển Nhứt nầy, tựa đề là “Hãy chờ Thiên định”, đã có bên phần Thi văn Giáo lý, nên ở đây chúng tôi không chú giải.

          -Để kết thúc quyển “Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm”, Đức Giáo Chủ cho mọi người được biết; những lời chỉ dạy trong đây có đủ diệu năng giúp chúng sanh tiến đến chỗ vinh quang rực rỡ. Vì Ngài đã vạch rõ con đường tu niệm, nếu ai cố gắng trì hành theo đó, tất được toại nguyện.

CHÚ THÍCH

          LĂNG XĂNG: Nhiều việc bận rộn.

          ĐẠO HẰNG: Đạo Thường, tức năm mối Thường Hằng, “Ngũ Thường”, gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.        -Nhân là lòng hiếu Đạo hay thương người mến vật.

         

          -Nghĩa là biết phải, làm các việc ngay thẳng chơn chánh, hợp với Đạo lý.

          -Lễ là biết kẻ lớn người nhỏ, chỗ trọng chỗ khinh, kính người trên, nhượng chỗ dưới, đầy lòng cung kính chùa miễu lăng mộ.

          -Trí là sáng suốt, biết phương kế mưu lược, hiểu rõ việc hư nên tốt xấu, chẳng bị lầm lạc.

          -Tín là lòng thành tín, chân thật của con người, không gian dối lừa phỉnh ai.

          Đạo Hằng cũng gọi là Đạo làm người.

          Đức Thầy có câu:

                    “Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,

             

            Tam cang trung trực người rằng ngu si”.

          ĐIỀU TỒI: Điều tệ hại, dị đoan mê tín như: cúng kiếng che xôi, xá phướn lầu kho, giấy tiền vàng bạc v.v…

          ĐẠO MẦU: Đạo rất mầu nhiệm sâu kín, không phải tìm qua loa bằng hình tướng mà được, hành giả phải xoay về bản tâm đem hết trí năng suy gẫm nghiên cứu mới mong thấu rõ. Pháp Bửu Đàn Kinh có câu:

                   “Biển tâm yên lặng thấy minh châu,

                     Thanh tịnh vô vi ấy đạo mầu.

                     Chư Phật ba đời nương một mạch,

                     Hồi quang phản chiếu vọng tâm thâu”.

          Nay Đức Giáo Chủ cũng dạy”

                   “Xả thân tầm đạo vô vi,

          Nhiệm mầu thâm diệu nan tri lão bày”.

          BIẾT VÀNG THAU: Biết được sự giả hay thiệt. Lúc viếng làng Mỹ Hội Đông, Đức Thầy nói:

                   “Lọc lừa hiểu đặng vàng thau,

           Đem thân mua lấy mận đào thiên nhiên”.

          TÀI BÙ: Cũng gọi là tài bồi. Có nghĩa là vun trồng hay nâng đỡ và đào tạo. Ca dao có câu:

                   “Nước còn quến cát làm doi,

                Huống chi ta chẳng tài bồi lấy nhau”.

          Đức Thầy từng nhắc nhở:

                    “Bắc Nam một dãi sơn hà,

                 Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi”.

                                      (Gọi đoàn Tráng sĩ)

          DẦN LÂN: Nói nhiều, nói hết việc nầy sang việc khác, cách nói cốt kéo dài câu chuyện hoặc nhắc tới nhắc lui nhiều lần./. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn