V- CHÁNH MẠNG

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41542)
V- CHÁNH MẠNG

CHÁNH VĂN

          CHÁNH-MẠNG.- Sanh mạng chơn chánh, trong sạch.

          Ở đời người ta hay lấy xác thân mình làm gốc và hay quý trọng săn-sóc nó. Ấy cũng do lục-căn mà ra: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Mắt ưa xem sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi ưa ngửi hương thơm, lưỡi ưa đồ ngon béo, thân ưa sự sung-sướng, ý ưa chức phận cao.

          Người ta tìm đủ phương thế bổ dưỡng thân xác mình, làm cho trí-tuệ càng ngày càng thêm mờ-ám, ngu đần, không còn lo lắng đến sự tiêu-diệt.

          Thế nên, hãy xa lánh những điều làm tinh thần bị đen tối, bỏ tất cả đài các xa hoa, thân mình tự chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh: thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, linh hồn nhập liên hoa, siêu sanh vào cõi Niết-Bàn.

 

LƯỢC GIẢI

(Chánh thứ năm trong Bát chánh)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          CHÁNH MẠNG: là sanh mạng chơn chánh trong sạch, sống theo trí huệ đạo đức.

          TÀ MẠNG: Đời sống tà vạy nhơ xấu, sống theo vô minh dục vọng.

2- NGUYÊN NHÂN:

          Người đời vì quá quí trọng xác thân và lo bảo vệ săn sóc nó, nên tạo nếp sống nhơ bẩn tà ác…

3- HÀNH TRẠNG:

          Bởi tâm hồn sống theo tà mạng, nên để lục căn ô nhiễm lục trần, như:

          -“Mắt ưa xem sắc đẹp – Tai ưa nghe tiếng hay.

          - Mũi ưa ngửi mùi thơm - Lưỡi ưa đồ ngon béo.

          - Thân ưa sự sung sướng – Ý ưa chức phận cao”.

4- TAI HẠI:

          Người sống theo Tà mạng nên thường chuốc lấy những tai hại:

          a)- Trí huệ mờ ám ngu đần.

          b)- Không còn lo nghĩ đến sự tiêu diệt giống sanh tử.

          c)- Gây nhiều nghiệp tội để phải luân hồi đền trả.

5- HÀNH CHÁNH MẠNG:

          Để sống đúng theo chánh mạng, hành giả phải ghi nhớ những điểm như sau:

          a)- Đối với bên ngoài ta phải xa lánh những điều làm cho tinh thần bị đen tối, như: lục trần, lục dục, đài các xa hoa. Lục căn đối với lục trần, tâm không hề ô nhiễm, lúc nào cũng vẫn như như bất động.

          b)- Bên trong tự chủ thân tâm, nhắm mục tiêu bất diệt, bất sanh tiến tới. Đức Thầy dạy:

                   Mục chánh mạng chúng sanh ơi hỡi,

                   Cho linh hồn cai quản châu thân.

                   Lấy chơn nhơn dẹp tánh phàm trần,

                   Mới có thể mong về Cực Lạc”.

          c)- Muốn đạt đến Cực lạc tự tánh ta phải tu tập Thiền định làm thể chất căn bản. Thiền định được, tức trí huệ sáng mầu, từ đó ta cứ sống theo trí huệ, nên khỏi bị khách trần lôi kéo, gạt gẫm.

6- LỢI ÍCH:

          Tu chánh mạng hành giả sẽ được các điều lợi ích:

          a)- Linh hồn đặng nhập liên hoa tự tánh (thể thanh tịnh).

          b)- Siêu sanh vào cõi Niết Bàn (bất diệt bất sanh).

          Tóm lại hai phần: thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng là cái nhân tu hành; còn linh hồn nhập liên hoa và siêu sanh vào cõi Niết Bàn là cái kết quả.

7- KẾT LUẬN:

              Đại khái khi hành được chánh mạng, không còn ác duyên trầm trệ trong lục đạo, thân tâm khinh khoái mà vào cõi giải thoát và hóa độ đặng vô số chúng sanh.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          TRÍ TUỆ: (Xem chữ Trí huệ NĐSL, T-1, Q.7).(?)

          XA HOA: Chưng diện lòe loẹt tốn kém. Đức Thầy dạy:              Khuyên đừng xài phí xa hoa,

                   Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”.

          THIỀN ĐỊNH: Do chữ Thiền na. Có nghĩa để tâm trong sạch, yên lặng mà suy gẫm việc Đạo lý mầu nhiệm, không phân biệt ngồi nằm hay đi đứng, cách nào cũng thiền định được cả. Đức Thầy khuyên:

                   Sớm tối đi nằm y chánh pháp”

          Và:     “Quay về cội phúc đường chân Đạo,

                     Phật pháp Thiền na dốc thực hành”.

          THỂ: là gốc, là bản chất của mọi sự vật. Ví như tất cả bàn, ghế, giường, ngựa…thể chất nó bằng cây làm ra. Các món nữ trang, thể chất nó bằng vàng. Các loại bánh ngọt, thể chất nó bằng bột và đường. Thể chất tốt thì các món làm ra đều tốt. bằng thể chất xấu thì cái gì cũng xấu.

          THIỀN ĐỊNH ĐẶT LÀM THỂ: Nhà tu muốn tiến đến Niết Bàn trước phải tu Thiền định làm căn bản. Có thiền định được trí huệ mới sáng tỏ và mọi suy nghĩ nói làm đều được trọn lành trọn sáng, tiến đến giải thoát. Bằng thiếu thiền định thì ý nghĩ hay nói làm đều xấu ác, quả Đạo bất thành.

          TRÍ TUỆ ĐẶT LÀM MẠNG: Người tu khi trí huệ được sáng tỏ, từ ấy mạng sống nương theo trí huệ mà vào Niết Bàn, không hề sai lệch. Như người đi đêm có đèn đuốc không lầm đường hay va chạm vào cây đá làm thiệt hại thân mạng.

          LINH HỒN NHẬP LIÊN HOA: Thần thức được hòa vào bản lai thanh tịnh tự tánh. Ý nói khi tâm hồn nhà tu được vào thể thanh tịnh, thì đối với các cảnh tượng lành dữ hay danh, lợi, tình…tâm mình vẫn an nhiên tự tại. Cũng như hoa sen dầu sống trong bùn vẫn không bị bùn làm hoen ố. “Cư trần bất nhiễm”, “Lẫn tục đừng mê”.

          SIÊU SANH VÀO CÕI NIẾT BÀN: Cũng gọi là nhập Niết Bàn, tức là siêu thoát vào cõi bất sanh bất diệt. Người tu thiền định được, tuy còn mang xác phàm như bao nhiêu kẻ khác, nhưng tâm hồn đã dứt sạch hoặc nghiệp phiền não, sanh tử luân hồi, nên gọi là vào Niết Bàn. Đức Thầy từng nói:

                   Cảnh Niết Bàn là nơi cứu cánh,

                     Về chốn ni xa lánh hồng trần”.

          Hoặc là:“Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa Chánh mạng và Tà mạng ?

          2/-Nguyên nhân nào sanh Tà mạng ?

          3/-Hành trạng của tà mạng ra sao ?

          4/-Người sống theo tà mạng có tai hại gì ?

          5/-Muốn được Chánh mạng ta phải tu cách nào ?

          6/-Hành chánh mạng xong được lợi ích gì ?

          7/-Thiền định là gì ? Và tại sao Đức Thầy dạy ta phải đặt nó làm thể chất ?

         8/-Tại sao trong Chánh mạng nói linh hồn nhập liên hoa tự tánh mà không nói nhập liên hoa cõi Cực Lạc ?

          9/-Kết luận mục Chánh mạng ra sao ? 
Ý kiến bạn đọc
23 Tháng Ba 20127:00 SA
Khách
So much info in so few words. Toltstoy could learn a lot.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn