CHÁNH VĂN (Từ câu 437 đến câu 466)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 42820)
CHÁNH VĂN (Từ câu 437 đến câu 466)

437.“Hết tây Điên lại nói đông,

         Có ai thức-tỉnh để lòng làm chi !

                   Mặc-Dưng mất dạng Từ-Bi,

         440. Thuyền đi trở ngược về thì Vàm-Nao.

                             Dòm xem thiên-hạ lao-xao,

                   Không ghé nhà nào cũng gọi vài câu.

                   Con sông nước chảy vòng cầu,

         444. Ngày sau có việc thảm-sầu thiết-tha.

                   Chừng ấy nổi dậy phong-ba,

          Có con nghiệt-thú nuốt mà người hung.

                   Đến chừng thú ấy phục-tùng,

         448. Bá-gia mới biết người Khùng là ai.

                   Bây giờ phải chịu tiếng tai,

         Giảng Đạo tối ngày mà chẳng ai nghe.

                   Đời như màn nọ bằng the,

         452. Hãy rán đọc vè của kẻ Khùng Điên”.

 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 437 đến câu 452)

          -Đức Thầy dùng lời lẽ kêu gọi bá tánh, nhưng chẳng thấy ai hồi tâm thức tỉnh. Trên con đường từ Mặc Dưng về Vàm Nao, tuy chẳng ghé đâu, nhưng Ngài cũng không ngớt giảng khuyên mọi người.

          -Ngài còn tiên tri về sau tại dòng sông nầy (Vàm Nao) sẽ có con nghiệt thú nổi lên nhiễu hại người hung, gây nên cuộc thảm sầu không sao kể xiết, chính Ngài phải ra tay bắt nó. Đến khi con thú ấy chịu tùng phục thì vạn dân mới rõ được Ngài là ai; còn hiện giờ họ chưa biết nên cứ mãi chê bai gièm siễm, không màng tới lời Kinh tiếng Kệ.

          -Thời cuộc quá mỏng manh sắp đến ngày khổ thảm, Đức Thầy hằng kêu gọi bá tánh hãy rán tìm đọc thơ vè của Ngài vì chính đó là phương thuốc có diệu năng cứu thoát bịnh khổ của chúng sanh.

 

CHÚ THÍCH

          TỪ BI: Hai trong bốn Đại đức của chư Phật. Có nghĩa hiền lành thương xót, thường ban vui cứu khổ cho muôn loài. Nhưng chữ Từ Bi ở đây là chỉ Đức Kim Sơn Phật (Đức Thầy). Như Ngài từng thốt:

                   “Cơn dông tố mịt mù bụi cát,

            Chẳng nao lòng của Đấng Từ Bi”.(Sa Đéc)

          VÀM NAO: Tên chữ là “Hồ Oa”, tức là con sông ăn thông Tiền Giang qua Hậu Giang, làm ranh giới hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Bên trên nước là xã Hòa Hảo, phía dưới nước là xã Kiến An và Mỹ Hội Đông (cù lao Ông Chưởng). Năm Đinh Vì (1787) Nguyễn Ánh (Gia Long) hội binh các trấn tại đây để đánh Tây Sơn.

         

          PHONG BA: Sóng và gió, chỉ cảnh trạng khi con nghiệt thú sắp nổi lên.

          NGHIỆT THÚ: Con thú ác nghiệt ăn thịt cả người. Đây chỉ cho con sấu đỏ mũi (sấu Thần) có năm cái chơn, truyền thuyết gọi là ông Năm Chèo.

          Về nguồn gốc của con sấu ấy như sau:

          Một hôm, ông Đình Tây, một trong Thập nhị Hiền thủ (12 Đại đệ tử) của Đức Phật Thầy Tây An, được lịnh Thầy đi xuống vùng Láng Linh, gặp lúc vợ anh Xinh chuyển bụng đẻ mà không có chồng ở nhà. Ông Đình Tây thấy vậy, lo làm giường và rước mụ giùm. Khi anh Xinh đi bắt rùa rắn ở ngoài đồng về, nghe rõ tự sự thì hết sức cám ơn ông Đình Tây…Ông Đình Tây thấy trong giỏ của anh Xinh có một con sấu con, mũi đỏ, năm cái giò thì rất thích, nên ngỏ lời hỏi mua. Vì mới thọ ân ông Đình Tây giúp vợ mình sinh đẻ, nên Xinh vui lòng biếu con sấu ấy cho ông. Đưọc con sấu ông Đình đem về khoe với Thầy, Đức Phật Thầy nhìn biết đó là sấu Thần, nên bảo ông Đình đem giết đi để trừ hậu hoạn. Đã không nghe lời Thầy, ông Đình còn lén nuôi con sấu ấy.(Ai có viếng vùng Thới sơn thấy một bên Đình Thần có cái ao xây đá chung quanh đó là ao nuôi sấu hồi trước).

          Được ba năm, con sấu mau lớn phi thường, bỗng một hôm nó bứt dây bò đi mất. Không dám dấu giếm, ông Đình bèn đem việc ấy bạch với Đức Phật Thầy thì Ngài chắc lưỡi, rồi cắt nghĩa cho ông Đình biết: sau nầy con sấu ấy sẽ nhiễu hại dân chúng không biết bao nhiêu mà kể. Ngài liền cấp cho ông Đình Tây một lưỡi câu, một sợi dây se bằng chỉ ngũ sắc, một mũi mun và hai cây lao, dặn hãy giữ gìn, phòng khi trừ con sấu ấy. (Bây giờ những vật ấy còn để tại nhà ông Năm Hạnh (rể thứ tư của ông Đình).

 

Lưỡi câu dài một tấc 4 phân rưỡi, ngạnh bén và dài 3 phân 3 ly. Mũi mun thì bị mẻ một góc ở đích (?), bề dài 3 tấc 6 phân có lỗ ở hậu như cây đục tông (?) để tra cán. Hai mũi lao nhọn và dài 5 tấc. Tất cả đều rèn bằng sắt. Còn sợi dây thì se bằng tơ, cỡ đầu đủa, dài 16 m).    

          Sau thời gian gặp mùa nước nổi, con sấu trườn lên ở vùng Láng Linh rượt bắt người và thú vật mà ăn thịt. Người ta kinh sợ, đến báo với ông Đình Tây, nhưng cứ mỗi lần ông mang bửu bối tới thì sấu lặn mất, không tìm đâu được. Đã nhiều phen tới lui như thế, nhưng không lần nào gặp được sấu Thần. Lần chót ông Đình lưu ở Láng Linh chờ đợi ngót nửa tháng mà sấu vẫn bặt tăm, ông bèn ra đồng kêu lớn giữa thinh không rằng: Bớ sấu Thần ! Nếu nhà ngươi chưa tới số thì từ nay hãy lặng yên đừng nổi lên phá hại xóm làng nữa. Còn như mạng nhà ngươi đã hết thì nên sớm chịu lịnh Trời, đừng để ta phải lâu ngày, nhọc công chờ đợi. Nói xong ông đợi suốt ngày, sấu vẫn im bặt. Thế rồi từ ấy trở đi, sấu không còn trườn lên nhiễu hại lê dân nữa.

          Theo lời ông Biện Đài (Ngô Thành Bá) kể lại thì Đức Huỳnh Giáo Chủ có cho ông biết, con sấu ấy sau nầy sẽ xuất hiện tại sông Vàm nao. Thân hình nó to lớn nằm muốn giáp sông, ăn thịt người ta không sao kể xiết. Dầu ai có đem súng thần công đại bác cũng chẳng trị nó được. Nhưng điều đặc biệt là nó chỉ nuốt những hung ác mà thôi. Ông Biện Đài bạch Thầy:

          -Ông Đình Tây tịch rồi lấy ai mà bắt nó ?

          Đức Thầy đáp:

          -Ông Đình Tây đã làm rồi nhiệm vụ lúc ở Láng Linh; còn sau nầy, Thầy sẽ trở về bắt nó.

         

 

Vấn đề con nghiệt thú nói trên, Đức Thầy còn nói rất nhiều với tín đồ, ở đây chúng tôi chỉ chép một ít cũng đủ chứng minh sự việc.

          Trong một đoạn giảng khác Ngài đã nói:

                   “Ta chịu lịnh Tây Phương thọ ký,

              Gìn Nghiệt long đặng cứu dương trần”.(Q.4)

            TIẾNG TAI: Mang tai tiếng, bị người chê bai gièm siễm đủ cách. Đức Thầy có câu:

“Mặc tình ai nói thiệt hơn,

Thấp cao tai tiếng làm ơn cho đời”.

 

CHÁNH VĂN

                   453.“Khỏi vàm Điên mới quày thuyền,

         Xuống miền Cao-Lãnh lại phiền lòng thêm.

                   Tới đây ca hát ban đêm,

         456. Ai có thù hềm chửi mắng cũng cam.

                             Cho tiền cho bạc chẳng ham,

                   Quyết lòng dạy-dỗ dương-trần mà thôi.

                   Nghe rồi thì cũng phủi rồi,

                   460. Nào ai có biết đây là người chi.

                             Trở về Phong-Mỹ một khi,

                   Thuyền đi một mạch tới thì Rạch-Chanh.

                   Ghe chèo khúc quẹo khúc quanh,

                   Ở đây có một người lành mà thôi.

                             Nhắc ra tâm trí bồi-hồi,

                   466. Khó đứng không ngồi thương xót bá-gia”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 453 đến câu 466)

          -Khi ra Vàm Nao, Đức Thầy cho thuyền quay xuôi theo dòng sông để xuống vùng Cao Lãnh. Đến đây nhằm

 

lúc ban đêm, nhưng Ngài cũng luôn ca hát Đạo lý, dầu ai có thù khích, mắng chửi, Ngài vẫn cam tâm.

          -Ngài giả dạng ăn xin không phải vì ham tiền bạc, mà việc chính yếu là quyết lòng giáo hóa nhân sinh, nhưng rất tiếc cho người đời nghe qua lại quên mất, không nhớ lời Đạo lý cũng chẳng rõ Ngài là người như thế nào.

          -Kế đó Ngài chèo thuyền trở về Phong Mỹ. Trên con đường dài gần 100 km (?), Ngài cho thuyền đi thẳng một mạch tới Rạch Chanh. Ở đây dân chúng cũng đông đảo, nhưng xét ra chỉ được có một người hiền lương mà thôi. Thế nên khi kể đến đoạn nầy, Ngài đứng ngồi không an vì lòng quá thương xót lo lắng cho chúng sanh.

 

CHÚ THÍCH

          CAO LÃNH: Một quận trong tỉnh Sa Đéc, gồm có 19 xã, được làm nơi tập kết trong 6 tháng cho quân du kích kháng chiến Đồng Tháp, sau hiệp định Genève, từ năm 1956 là tỉnh lỵ Kiến Phong (Việt Nam).

          PHONG MỸ: Một xã trong quận Cao Lãnh, giáp với xã Bình Thành. Tại đây thời Pháp thuộc họ cho xáng múc một con kinh xuyên qua Đồng Tháp trổ ra Rạch Chanh, để đến Sai Gòn, gọi là Kinh Xáng Phong Mỹ. Ghe xuồng ở các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc theo con kinh nầy đi tắt về thủ đô Sài Gòn gần hơn ngã Tiền Giang, ra Láng Lộc, vô kinh nước mặn.

          RẠCH CHANH: Con rạch nằm gần làng Trà Yến, Kiến Vàng, quận Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn