CHÁNH VĂN (Từ câu 297 tới câu 368)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 31736)
CHÁNH VĂN (Từ câu 297 tới câu 368)

297.-Khuyên bổn-đạo chớ nên mê ngủ,

Thức dậy tìm Đạo chánh của Khùng.

Đặng sau xem liệt quốc tranh hùng,

300.-Được sanh sống nhờ ơn Chín-Bệ.

Hóa phép lạ biết bao mà kể,

Chín từng mây nhạc trổi tiêu-thiều.

Kẻ tà-gian sau bị lửa thiêu,

304.-Người tu niệm sống đời thượng-cổ.

Khùng vưng lịnh Tây-Phương Phật-Tổ,

Nên giáo-truyền khắp cả Nam-Kỳ.

Hội Long-Hoa chọn kẻ tu-mi,

308.-Người hiền đức đặng phò chơn Chúa. 

Khuyên những kẻ giàu sang có của,

Hãy mở lòng thương-xót dân nghèo.

Cảnh vinh- hoa lại quá cheo-leo,

312.-Nhà giàu có sau nhiều tai-ách.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 297 tới câu 312)

          -Đoạn nầy Đức Giáo Chủ khuyên trong bổn đạo, chớ đắm mê theo danh lợi ảo huyền mà hãy sớm thức tỉnh, nương theo con đường Đạo đức chân chánh, do Ngài đã vạch sẵn, hầu sau nầy:“ Đặng coi chư quốc non Tần giành chia”. (Thiên lý ca) Chừng ấy sẽ có: Đức Minh Vương ngự chốn Nam Thành”.(Kệ Dân, Q.2), biết bao cảnh vui tươi báu lạ, nhạc Tiên reo mừng khắp ba cõi, chín từng để tiếp rước Phật, Thánh, Tiên lâm phàm “..An bang cùng định quốc”. Ai biết tu tỉnh hiền lương thì được “…gội nhuần ân Thánh Đế”, và Ngài sẽ ban thưởng cho sống đời thượng cổ; còn hạng gian tà bạo ác, tất bị luật đào thải diệt vong.

          -Đức Phật Tổ ở Tây Phương đã sắc lịnh Đức Thầy truyền dạy cho nhân dân được rõ; Phật Trời sẽ lập Hội Long Hoa, để chọn những ai xứng đáng là bực râu mày quân tử, tài đức vẹn toàn, hầu được phò trì Đức Thánh Vương và sống đời Ngươn thượng.

          -Ngài cũng hằng khuyên hạng người giàu sang dư ăn dư để hãy mở rộng lòng nhơn, giúp đỡ cho kẻ cơ bần, bệnh tật. Vì bao sự nghiệp phú quí vinh hoa đối với thời chiến loạn, khó mà bảo tồn vĩnh cửu:“Giàu sang như nước trên nguồn, gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ”.(SG, quyển 1).

CHÚ THÍCH

          ĐẠO CHÁNH: (Xem chú thích câu 161, Q.2)

          LIỆT QUỐC: Các nước trên thế giới. Cũng như chữ chư quốc hay chư bang. Đức Thầy có câu:

                   “Các nơi liệt quốc chư bang,

                Chúc cầu bình trị trướng loan sum vầy’.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          TRANH HÙNG: Tranh giành để xưng hùng với thiên hạ.

          CHÍN BỆ: Cũng gọi là chín từng, là nghĩa của chữ Cửu trùng, tức là chín bực thang (thềm), bước lên ngai vua. Ý chỉ cho ngai vua hay là ông vua. Ví dụ: Tâu qua chín bệ; “Trên chín bệ mặt trời gang tấc”. (Cổ thi)

          TIÊU THIỀU: Tiếng dùng để chỉ chung cho âm nhạc trong cung vua. “Tiêu thiều nhả nhạc vang lừng”. (Cổ thi)

          THƯỢNG CỔ: Thời Thái cổ, đời xưa; thời xa xưa trước thời trung cổ. Nghĩa cũng như chữ Thượng ngươn.

          HỘI LONG HOA:(Xem chú thích đoạn 4 bài Sứ Mạng).

            TU MI: (Xem chú thích câu 111, Q.2).

          CHƠN CHÚA: Cũng viết là chân chúa. Có nghĩa ông vua rất chân chánh, công bằng và sáng suốt, được lịnh Trời sai xuống trị dân.

          VINH HOA: (Xem chú thích câu 804, Q.1).

          CHEO LEO: Lắt lẻo, không vững; rất nguy hiểm, rất có thể ngã rơi bất cứ lúc nào. Người xưa từng hát;

                   “Phượng Hoàng đậu chốn cheo leo,

                      Đến khi thất thế phải theo đàn gà”.

          TAI ÁCH: (Xem chú thích câu 4, Q.2).

 

CHÁNH VĂN

313.-Hỡi bá-tánh rừng sâu có mạch,

Tuy u-minh mà có đền vàng.

Lịnh Quan-Âm dạy biểu Khùng troàn,

316.-Cho bổn-đạo rõ nguồn chơn-lý.

Lũ thầy-đám hay bày trò khỉ,

Mượn kinh luân tụng mướn lấy tiền.

Chốn Diêm-Đình ghi tội liên-miên,

320.-Mà tăng-chúng nào đâu có rõ.

Theo Thần-Tú tạo nhiều chuông mõ,

Từ xưa nay có mấy ai thành ?

Phật từ-bi độ tử độ sanh,

324.-Là độ kẻ hiền-lương nhơn-ái.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 313 tới câu 324)

          -Đoạn giảng trên Đức Thầy ý thức cho mọi người được biết: dù là ở chốn núi cao rừng thẳm song nơi nào cũng có sẵn mạch nước ngọt trong lòng đất. Còn miền Thất sơn, tuy hiện giờ chỉ thấy toàn là cây đá âm u nhưng sau nầy sẽ có đền vàng điện ngọc:“Chừng Bảy núi lầu son lộ vẻ”.( Đáp họa cho ông Lương văn Tốt) Hoặc là:

                   “Chừng nào tiếng sấm nổ vang,

                   Thất sơn lộ vẻ đền vàng báu thay”.

                                      (Vọng Bắc hòa Nam)

          Lại nữa, Đức Quan Thế Âm đã sắc lịnh cho Đức Thầy truyền dạy khắp giới tu hành được rõ đâu là chơn thật ngay chánh nên theo; và đâu là tà mị nên tránh.

          Bởi hiện tình có số người tu giả dối, đã mang lốt Sư mà còn đem kinh kệ đi tụng mướn để thọ hưởng tiền công đức của bá tánh, mê hoặc thiện tín, làm sai tông chỉ tu hành, đó là điều nên tội mà tăng chúng nào đâu hay biết !

          Những âm thinh sắc tướng, cúng kiếng chè xôi, tụng tán cầu siêu, làm đám.v.v…là do phái Thần Tú bày ra từ trước, làm sai lạc chân truyền của Đạo Phật. Thế mà trong giới tu hành chẳng lo cải sửa. Cho nên từ ấy đến nay ít có nhà tu được chứng đắc.

          -Vẫn biết chư Phật đầy lòng từ bi bác ái, lúc nào cũng muốn độ hết chúng sanh, nhưng nếu hành giả nào muốn được sự cứu độ của các Ngài, cần phải tu sửa thân tâm trở nên hiền lương nhân ái. Chớ chẳng phải do sự mướn người tụng kinh, cầu siêu hoặc bày ra cúng kiếng lễ mễ mà được.

CHÚ THÍCH

          MẠCH: Mạch máu hay mạch nước. Đây chỉ cho mạch nước, tức đường đi ngầm dưới đất, cung cấp nước ngọt cho nhân loại. Trong trái đất dù rừng sâu hay đồng nội, nơi nào cũng có mạch nước.

          U MINH: Tối tăm, mờ mịt. Ví dụ: nơi u minh, rừng u minh.

          TROÀN: là truyền. Ví dụ: Lịnh trên troàn dạy cho mọi người được biết.

          CHƠN LÝ: (Xem chú thích câu 301, Q.1).

          TRÒ KHỈ: Pháp ngữ gọi là Singerie (trò nỡm). Ý chỉ cho việc gì không nên, không thành công, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Kinh sách đạo Phật có chép câu chuyện ngụ ngôn:

          Xưa, ở khu rừng nọ, có đàn khỉ độ 500 con. Hôm nọ, chúng rủ nhau đến cây cổ thụ bên bờ giếng cư ngụ. Tối lại chúng thấy dưới giếng nước có mặt trăng nằm tận đáy. Một con khỉ hốt hoảng kêu ầm lên:

          -Ôi ! Chết rồi anh em ơi ! Hôm nay mặt trăng bị chết, nó rơi xuống đáy giếng đây nầy ! Chúng ta hãy mau tìm cách vớt nó lên, kẻo thiên hạ bị tối tăm, khổ sở lắm ! Chúng xôn xao nhảy nhót, cuống quít với nhau, chưa biết phải làm thế nào ? Bỗng nghe con khỉ chúa nói lớn:

          -Tất cả anh em hãy yên lòng, tôi đã có cách rồi. Việc nầy chẳng khó chi, miễn là các anh em nghe theo tôi. Phần tôi nắm lấy cành cây rồi một anh bám lấy đuôi tôi, và cứ thế lần lượt cứ bám đuôi nhau hết cả đàn. Thế là chúng ta sẽ xuống tận đáy giếng để vớt trăng lên.

          Cả đàn khỉ nghe nói reo mừng đều cho đó là diệu kế, bèn làm đúng như lời khỉ chúa. Khi chúng nối nhau gần đến nơi, vì nặng quá nên cành cây bị gãy lìa, cả lũ khỉ đều rơi xuống giếng. Chúng lúng túng không có lối lên mà cũng chẳng có ai ở đó cứu vớt; kết cuộc cả đàn khỉ đều bị chết nơi đáy giếng.

          Lúc ấy có vị thần ở trên cây trông thấy liền ngâm bài kệ:   “Một con ngu dại đã xong,

             Thương thay ! Cả lũ đều không biết gì.

                     Trăng còn vằng vặc trên kia,

              Dắt nhau xuống giếng làm chi cực lòng”.

          -Ở đây, ý nói những người tu hành sai chơn lý, đã tốn công mà không kết quả, chỉ làm trò cười cho thiên hạ, thật đáng tiếc ! Đáng thương hại !

          KINH LUÂN: Công việc kéo tơ. (Kinh là sắp từ mối tơ và chia ra; Luân là so từ sợi tơ mà hợp lại). Nghĩa rộng là sắp đặt và sửa sang chánh trị theo qui củ và có kế hoạch…Song chữ kinh luân ở đây là chỉ cho Kinh Kệ của Phật.

          DIÊM ĐÌNH: Triều đình của Diêm La Vương nơi phân xử tội phước các linh hồn sau khi bỏ xác (chết) lại thế gian.

          LIÊN MIÊN: Liền liền, không dứt.

          TĂNG CHÚNG: Phạn ngữ là Samgha. Tăng là tiếng đọc tắt, nói cho đủ là Tăng già (sanngha). Tức là một số đông nhà sư (Tỳ Kheo) hòa hợp nhau thành một đoàn thể, sống với tinh thần lục hòa. Chúng là chữ Hán, dịch nghĩa là đông người (chúng Tăng). Vậy chúng Tăng là hai tiếng: Phạn và Hán đồng nghĩa, ghép lại dùng để gọi chư Tỳ Kheo ở một ngôi chùa hay một Giáo hội đạo Phật.

          THẦN TÚ: (Xem chú thích câu 296, Q.2).

          TỪ BI: (Xem chú thích đoạn 2 bài Sứ Mạng).

          NHƠN ÁI: (Xem chú thích câu 281, Q.2).

 

CHÁNH VĂN

325.-Xá với phướn là trò kỳ-quái,

Làm trai-đàn che miệng thế-gian.

Kẻ vinh-hoa phú-quí giàu sang,

328.-Mướn tăng-chúng đặng làm chữ hiếu.

Thương bá-tánh vì không rõ hiểu,

Tưởng vậy là nhơn nghĩa vẹn tròn.

Thấy lạc-lầm Đây động lòng son,

332.-Khuyên bổn-đạo hãy nên tỉnh-ngộ.

Ở dương-thế tạo nhiều cảnh khổ,

Xuống huỳnh-tuyền Địa-Ngục khảo hình.

Tuy lưới Trời thưa rộng thinh-thinh,

336.-Chớ chẳng lọt những người hung-ác.

Khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác,

Quỉ Vô-Thường dắt xuống Diêm-Đình.

Sổ sách kia tội phước đinh-ninh,

340.-Phạt với thưởng hai đường tỏ rõ.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 325 tới câu 340)

          -Bởi nhận thấy một số tăng chúng thời nay, đáng lẽ họ phải gắng sức trau giồi trí tuệ để khuyên dạy bá tánh tự lo khử ác tùng thiện, hiếu thuận từ hòa hầu hồi hướng công đức cho Cửu huyền Thất tổ được siêu thăng. Đằng nầy họ lại bày vẽ những cuộc trai đàn với các nghi thức rườm rà, đượm màu mê tín. Khiến cho những kẻ giàu sang hiểu lầm: hễ có tiền của nhiều mang đến cho chúng Tăng cầu siêu giùm là vẹn tròn hiếu nghĩa, khỏi cần phải tu hành, tác phước làm chi cho cực.

          -Đức Thầy thấy sự lầm lạc như thế mà động lòng thương, nên Ngài kêu gọi khắp thiện tín mau tỉnh ngộ trở về với chơn lý:“Mình làm chữ hiếu mới hay, Chớ muớn người ngoài cầu nguyện khó siêu”.(Sám Giảng, Q.3). Và phải tin sâu nơi luật nhân quả, hễ làm lành hưởng phước, tạo ác mang tai, chẳng hề sai chạy. Xưa, Đức Phật từng bảo:“Cầu phước chẳng qua trai giới bố thí; Cầu thọ chẳng qua giới sát, phóng sanh; cầu huệ chẳng qua học rộng nghe nhiều, suy tư, tịnh ý; cầu an tâm chẳng qua xét ngăn tư tưởng phải quấy, chớ không phải đem tài vật lễ mễ Phật Trời mà được”.

          -Nhân loại ở thế gian nếu ai làm điều hung ác thì khi chết linh hồn bị nghiệp lực hút vào Địa ngục chịu sự hình phạt khốc liệt. Lưới trời tuy thưa, nhưng khó lọt dù một mảy lông (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu). Kiếp sống của con người cứ miệt mài con đường tội ác, một khi số vô thường đến thì trước công án của Diêm Vương, dù một điểm nhỏ cũng không cãi chối được:“Bán điểm nan mãn nguyệt cảnh minh, Bá kế thiên mưu đô thị thố”.( Đến lúc thác xuống âm ti dù nửa điểm tội cũng khó che dấu được, vì cái kiếng tại đài nguyệt cảnh chiếu rất rõ ràng. Ở đây có trăm điều mưu kế lầm lỗi đều hiện ra tất cả).(Trong Tỉnh thế Ngộ chơn)

          -Bấy giờ Phán quan sẽ đem bản ghi chép tội phước hằng ngày ra và Diêm Vương sẽ xét xử, kẻ tội phước; đâu đó thưởng phạt rất công minh.

 

CHÚ THÍCH

          XÁ VỚI PHƯỚN LÀ TRÒ KỲ QUÁI: Xá hạc, xá ngựa, lầu kho, phướn sớ là những đồ vật của mấy ông Nhưn bông, làm đám tạo ra để đốt, khi có người đem tiền của đến để nhờ làm lễ cầu siêu. Họ nói với tang chủ rằng: Đốt đồ ấy cho người chết ở dưới âm phủ xài được và xá hạc, xá ngựa sẽ mang sớ đến Trời Phật, thật là điều rất giả dối lạ lùng, thế mà người ta vẫn tin. Sau đây là câu chuyện có liên quan đến vấn đề, do ông Võ Quang Lệ ở xã Hòa Hảo tường thuật:

          Vào ngày 27 tháng 8 năm Kỷ Mão (1939), tại An Hòa Tự làng Hòa Hảo, có cuộc trai đàn do ông Võ Quang Lệ là tang chủ. Ông đem tiền đến chùa, nhờ Sư trụ trì là Yết Ma Thường, tổ chức lễ cầu siêu cho thân phụ ông, nhân lễ tuần bá nhựt.

          Trong cuộc trai đàn ấy, dĩ nhiên là có tụng kinh, gõ mõ, có xá phướn lầu kho theo tục lệ của mấy Thầy làm đám. Giờ cúng ngọ gần tới thì cũng chính nhằm dịp Đức Thầy vừa đến. Sau khi đi một vòng thăm Đại hùng Bảo điện, Đức Thầy bước vào hậu đường, trong khi Yết ma Thường cùng ông Lệ đang săm soi sửa chữa lại mấy xá hạt, xá ngựa, để chuần bị cho kịp giờ “đưa tiễn về Trời”.

          Đã biết tin Đức Thầy bất thần ghé chùa và cũng biết ý Đức Thầy lúc nào cũng đả phá những điều dị đoan và lợi dụng, nên Yết ma Thường không vui. Ông muốn nhân dịp nầy “hạ uy tín” Đức Thầy để bù trừ điều Ngài không chấp nhận việc:“Làm chay đám tạo nhiều xá mã”.(Giác mê, Q.4) “Mượn kinh luân tụng mướn lấy tiền” của ông; đồng thời cũng để thử xem oai linh của Đức Thầy, nên Yết ma Thường lén để dưới manh chiếu xếp lại, đặt trên chiếc trường kỷ đối diện ngay Ông, một quyển Kinh Phổ Môn, rồi chờ đợi.

          Khi Đức Thầy đến, Yết ma Thường giả bộ niềm nỡ mời Ngài ngồi ngay trên chiếc ghế ấy. Đức Thầy với cử chỉ hòa hưởn và tự nhiên, trả lời với Yết Ma:

          -Được, Ông cứ để tôi đứng đây nói chuyện. Đoạn, Ngài nhìn ngay ông Lệ đang ngồi trên chiếc trường kỷ bên kia với Yết ma Thường, ứng khầu một bài thi tứ tuyệt:               “Cho hay Đạo cả thiệt vì tiền,

                     Đạo cả không tiền, Đạo ngửa nghiêng.

                     Có bạc sợ chi miền Địa ngục,

                     Không tiền khó đến cảnh Tây Thiên”.

          Nghe bài thi của Đức Thầy, ông Thường nóng mặt; còn ông Lệ như thoát cơn say. Khi Đức Thầy ra về, Yết ma Thường dở chiếu lấy quyển kinh lên, cho ông Lệ xem và cả hai đều gật gù nghĩ ngợi.

          Mẩu chuyện nầy là một nhát búa đẽo mạnh vào những mắt cây cong, nó có hiệu năng khuyến cáo mọi người chừa bỏ các điều phi lý, chỉ thể hiện sự mê tín hoang đàng, chớ không đem lại một mảy may lợi ích.

          TRAI ĐÀN: Đàn làm chay. Là những Tăng chúng hội hiệp một ngôi chùa nào đó, để làm lễ cầu siêu cho các vong hồn trong thân nhân của chư thiện tín, do họ đem tiền của, vật thực đến nhờ các sư tổ chức giùm để họ lễ bái cầu nguyện.          

          NHƠN NGHĨA: (Xem Chú thích câu 868, Q.1).

          LÒNG SON: (Xem Chú thích câu 711, Q.1).

          TỈNH NGỘ: (Xem Chú thích câu 93, Q.2).

          HUỲNH TUYỀN: (Xem Chú thích câu 66, Q.1).

          ĐỊA NGỤC KHẢO HÌNH: Sự hành phạt tra khảo nơi Địa ngục. Do sự tội ác nặng hay nhẹ của mỗi cá nhân, mà khi chết linh hồn bị đọa vào cảnh giới Địa ngục, họ cảm thấy mình bị sự trừng phạt, mỗi nơi mỗi khác.

          Có ngục tội nhân bị kéo lưỡi dài ra cho trâu cày; hoặc có nơi quỉ sứ móc trái tim của tội nhơn cho quỉ Dạ xoa ăn; có nơi quỉ sứ đun sôi vạc dầu mà nấu thân thể kẻ có tội; có nơi đốt cột đồng cho đỏ, rồi bắt kẻ có tội ôm vào; có nơi người ta thổi cho lửa bay gộp lại, áp vào kẻ có tội. Có ngục toàn là giá lạnh, hoặc có ngục toàn là phân người và nước tiểu; có nơi bay tới những cây gai toàn bằng sắt ghim vào mình người tội, hoặc có nơi gươm giáo đâm vào tội nhơn; có nơi bị gậy gộc đánh vào bụng, vào lưng liên tiếp. Hoặc có ngục hình, hành bằng cách đốt cháy tay chơn tội nhơn; hoặc có nơi tội nhơn bị rắn sắt quấn chung quanh mình, hoặc chó sắt đeo tội nhơn mà cắn xé.v.v…

          QUỈ VÔ THƯỜNG: Quỉ bắt người tới số phải chết; cũng gọi như chữ Tử Thần. Vì cái chết làm cho con người phải mất đi tất cả (số vô thường đã đến) nên người ta quá ghê sợ mà gọi nó là quỉ vô thường hay là Tử Thần.

 

CHÁNH VĂN

341.-Tìm Cực-Lạc, Đây rành đường ngõ,

Hãy mau-mau tu tỉnh mới mầu.

Tận thế-gian còn có bao lâu,

344.-Mà chẳng chịu làm tròn nhân-đạo.

Kẻ nghèo khó hụt tiền thiếu gạo,

Mở lòng nhơn tiếp rước mới là.

Làm hiền-lành hơn tụng hơ-hà,

348.-Hãy tưởng Phật hay hơn ó-ré.

Đã chánh Đạo thêm còn sức khoẻ,

Đặng nuôi cha dưỡng mẹ cho tròn.

Vẹn mười ơn mới đạo làm con,

352.-Lúc sanh sống chớ nên phụ-bạc.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 341 tới câu 352)

          -Đoạn nầy Đức Giáo Chủ chỉ cho biết: nếu ai muốn vãng sanh Cực lạc thì đây, Ngài vạch sẵn đường lối, tức là Pháp môn Tịnh độ. Đại ý Ngài dạy: hành giả cần có đủ Tín, Nguyện và chuyên tâm niệm Phật, làm lành:“Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm, ngồi rán niệm chớ quên không đợi gì thời khắc”.(Niệm Phật) Nếu ai nhứt tâm trì chí như vậy, quyết đặng vãng sanh Cực Lạc, như Ngài đã viết:

          “Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh độ,

  Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.

                     Nếu như ai cố chí làm lành,

            Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.

            Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,

            Dầu Tiên, Phàm, ma quỉ, súc sanh.

            Cú nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,

            Được cứu cánh về nơi an dưỡng.

            Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,

            Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.(Khuyến Thiện,Q.5)

            Vậy chúng sanh nào muốn được kết quả như trên, phải mau thức tỉnh tu hành. Lại nữa, ngày tận diệt gần kề, thế mà chúng dân chẳng chịu tu tròn Nhân Đạo. Bởi phần Nhân Đạo có xong toàn (?) mới được sống tồn ngày Thượng ngươn Thánh đức và cũng gọi là trả xong nợ thế, vẹn đáp tứ ân:“Tứ ân đã trả chẳng còn tội căn”.(Cho ông Cò Tàu Hảo).

          -Ngoài ra còn phải rộng lòng thương những người nghèo khổ, tàn tật để tùy phương giúp đỡ:“Nếu đã xả thân tầm Đạo đức, Mở lòng bố thí ngộ thần ca”.(Khuyên người giàu lòng Phước Thiện). Bởi điểm trọng yếu của người tu Phật là bên ngoài lo làm lành lánh dữ, tác phước thiện duyên, bên trong thì chuyên tâm niệm Phật và tảo trừ vô minh phiền não để kiến diện Phật tâm. Chính đó là chánh Đạo, là chơn lý tuyệt vời. Bằng ai mảng lo tụng kinh gõ mõ, ó ré theo hình tướng thì mong gì đạt Đạo:

                   “Kinh Thích Đạo, Kinh xem chẳng tụng,

                     Việc thinh âm sắc tướng chẳng dùng.

                     Đạo tại tâm, tâm Đạo xuất tùng,

                     Tùng tam Đạo mới là Phật Đạo”.

                                   (Kim cổ Kỳ quan của Ô.Ba Thới)

          -Thêm nữa, người tu có hành đúng theo chánh Đạo mới bảo tồn được sức khỏe, hầu làm tròn bổn phận người con, đối với công ơn trời biển của cha mẹ. Nghĩa là phải ghi nhớ mười điều ân vào thâm tâm để sớm lo đền đáp: Lúc cha mẹ còn sanh tiền thì lo cung cấp từ miếng ăn, thức mặc, cho đến chỗ được chu toàn. Vâng lời dạy bảo của cha mẹ và hằng khuyên cha mẹ làm việc phước nhân, tránh điều tội lỗi. Còn khi cha mẹ quá vãng thì rán tu cầu cho linh hồn được siêu sanh cõi thọ, thoát đọa trầm luân. Đó là vẹn tròn Đạo làm con.

CHÚ THÍCH

          CỰC LẠC: (Xem chú thích câu 28, T1, QV ???)

          TU TỈNH: Thức tỉnh và trau sửa thân tâm cho được trọn lành, trọn sáng.

          TẬN THẾ GIAN: (Xem chú thích câu 25, T2, QII)

          NHƠN ĐẠO: (Xem chú thích câu 250, Q1).

          TỤNG HƠ HÀ: Cách tụng kinh như la lối lớn tiếng, có giọng điệu ca kệ.

          MƯỜI ƠN: Những công ơn của người con thọ nơi cha mẹ. Trong “Phụ mẫu Báo hiếu Ân trọng Kinh”, Phật có giảng mười điều ơn, tạm lược như sau:

1-     Thập ngoạt hoài thai ân: Ơn mười tháng cưu mang.

2-     Lâm sản thọ khổ ân: Ơn sanh đẻ chịu khổ.

3-     Sanh tử vong ưu ân: Ơn sanh được đứa con, mừng mà quên lo rầu.

4-     Yến khổ thổ cam ân: Ơn uống đắng nhổ ngọt.

5-     Hồi can tựu thấp ân: Ơn nhường chỗ khô nằm chỗ ướt.

6-     Nhũ bộ dưỡng dục ân: Ơn bú mớm và nuôi nấng.

7-     Tẩy trạc bất tịnh ân: Ơn rửa ráy mọi điều dơ bẩn.

8-     Viễn hành ức niệm ân: Ơn con đi xa thì cha mẹ nhớ tưởng.

9-     Vị tạo ác nghiệp ân: Ơn vì con mà cha mẹ nhiều khi làm điều chẳng lành.

          10- Cứu cánh lân mẫn ân: Ơn cha mẹ thương con                                      không có cái thương nào bằng.

          Bởi công ơn của cha mẹ lớn lao như thế, nên cổ nhân từng bảo:“Lên non mới biết non cao, Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”. Và trong kinh “Tâm Địa Quán”, Phật dạy:“ Ân từ phụ cao như núi Chúa; Ân bi mẫu sâu tợ đại dương”. Đức Thầy hiện nay cũng khuyên:

                   “Ở ăn cho vẹn mười ơn,

            Cảnh tình hiền đức gặp cơn khải hoàn”.

                                                       (Để chơn đất Bắc)

          ĐẠO LÀM CON: Bổn phận làm con phải vẹn tròn hiếu thảo với cha mẹ. Bởi hạnh hiếu là đứng đầu các hạnh. Cổ nhân từng nói:

                   “Công cha như núi Thái Sơn,

              Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

                     Một lòng thờ mẹ kính cha,

              Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

          Sách “Liên Tông Bửu Giám” cũng bảo:“Hiếu dưỡng bách hạnh vi tiên; Hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh vô phi Phật hạnh. Dục đắc Đạo đồng chư Phật, tiên tu hiếu dưỡng nhị thân”.(Điều hiếu dưỡng là đứng đầu trăm hạnh, tâm hiếu thảo tức là tâm Phật; hạnh hiếu đâu chẳng là hạnh của chư Phật. Vậy muốn đắc Đạo ngang hàng với chư Phật, trước hết khá nên hiếu dưỡng cha mẹ). Kinh Đạt Ma cũng có thi rằng:

                   “Làm con khá trả đặng ơn sâu,

                     Muôn việc trần gian hiếu đứng đầu.

                     Chín tháng cưu mang nhiều khó nhọc,

                     Ba năm nhũ bộ cũng hèn lâu.

                     Tu hành trước hết tròn Nhân Đạo,

                     Ra thế mới mong tránh bể dâu,

                     Ba vạn sáu ngàn là dễ mấy,

                     Ngày qua tháng lại bóng thiều thâu”.

          Tóm lại, Đạo làm con là hiếu hạnh mà hiếu hạnh tức là Phật hạnh, và nó đứng đầu các hạnh, Đức Thầy cũng bảo:“Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên”.(Hiếu nghĩa vi tiên).

          PHỤ BẠC: Bội bạc ân nghĩa. Không nhớ đến công ơn của cha mẹ, nỡ lòng cư xử bất hiếu. Đức Thầy thường thống trách hạng người phụ bạc (trong Giác mê TK, Q.4):

                   “Ham công danh quên chữ sanh thành,

                     Mến phú quí quên câu dưỡng dục”.

 

CHÁNH VĂN

353.-Nếu làm đám được về Cực-Lạc,

Thì giàu-sang được trọn hai bề.

Ỷ tước-quyền làm ác ê-hề,

356.-Khi bỏ xác nhiều tiền lo-lót.

Kinh với sám tụng nghe thảnh-thót,

Lũ nhưn-bông tập luyện đã rành.

Đẩu với đờn, kèn, trống, nhịp sanh,

360.-Làm ăn-rập đặng đòi cao giá.

Tâm trần-tục còn phân nhơn ngã,

Thì làm sao thoát khỏi luân-hồi.

Những giấy-tiền vàng-bạc cũng thôi,

364.-Chớ có đốt tốn tiền vô lý.

Xưa Thần-Tú bày điều tà-mị,

Mà dắt-dìu bá-tánh đời Đường.

Thấy chúng-sanh lầm lạc đáng thương,

368.-Cõi Âm-Phủ đâu ăn của hối.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 353 tới câu 368)

          -Giả sử có kẻ mướn người cầu siêu mà linh hồn kẻ chết được về Cực Lạc thì tu quá dễ dàng vậy sao ? Và kẻ quyền thế bình nhựt cứ tha hồ lường gạt dân chúng, rồi đến khi chết con cháu tung tiền ra mướn các Thầy Nhưn bông làm sự hiếu cho mình, thế thì họ “bắt cá hai tay” đều được cả sao ? Như vậy, còn gì là chơn lý ?

          Người xưa từng bảo:“ Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, bất tu bất đắc”. Và người tu có “xả phú cầu bần, xả thân cầu Đạo” mới mong thành quả và cứu thoát Cửu huyền:“Nhứt nhơn thành Đạo, Cửu Huyền thăng”.

          -Còn các món: đẩu đờn, kèn trống, chuông mõ, tụng tán v.v…do mấy thầy Nhưn bông bày ra để đi làm đám, lòng còn đầy tham, sân, si, nhân, ngã. Cộng với sự lừa người, dối Phật, họ đã tự trói mình vào luân hồi sanh tử, mong gì cầu siêu cho ai được.

          -Lại còn những giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo, vốn xuất phát từ đời Đường bên Trung Hoa. Đương thời Thần Tú chẳng những không cấm lại còn mặc nhận cho các môn đồ chứa chấp và hiệp nhau lừa bịp bá tánh, rồi lưu truyền mãi đến ngày nay.

          -Đức Giáo Chủ nhìn thấy chúng dân bị lầm lạc mê tín, Ngài động lòng từ bi giác tỉnh mọi người, nên nhận rõ: Ở thế gian còn phải tôn trọng lẽ công bằng thì chốn âm phủ có lý nào còn dùng hối lộ hay sao ? Thế nên trong tám điều răn cấm, Đức Thầy có dạy: Điều thứ sáu: Ta không nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường, đói rách, tàn tật”.

CHÚ THÍCH

          NHƯN BÔNG: Là những người dọn sắc diện như nhà tu, nhưng chỉ chuyên đi làm đám, cầu siêu và tụng kinh mướn cho người ta, làm hoen ố Đạo Phật.

          TÂM TRẦN TỤC: Nghĩa cũng như tâm trần cấu. Tức là tâm nhiễm ô trần trược. Vì các phiền não mê tình đã kết cấu từ vô thỉ, khiến tâm càng ngày càng thêm ô trược . Đây chỉ cho tâm của mỗi chúng sanh.

          PHÂN NHƠN NGÃ: Tức là tâm phân biệt nhân ngã. Có nghĩa lòng phân biệt người ta, và của người, của ta trong chỗ hơn thua cao thấp, xấu tốt. Sự phân biệt ấy như sau:

          Nhơn: Vọng tâm phân biệt người với ta khác nhau, muốn người lúc nào cũng phải theo cái ta muốn và phải lệ thuộc, phải kém thiếu hơn ta mọi việc.

          Ngã: Phân biệt rằng ta quí trọng hơn người, đáng sống hơn người và mỗi việc cao sang sung sướng chi đều phải chiếm trên, hưởng trước hơn người.

          Của Người: Phân biệt thấy người có món chi tốt đẹp quí báu, đều muốn lấy về làm của mình, dù người không bằng lòng hay không hợp lý. Trái lại của ấy xấu kém hơn của mình thì tìm đủ cách chê bai hất hủi.

          Của Ta: Phân biệt cái gì của ta là quí, là phải hơn của người gấp bội và lo bảo thủ không để hở. Rủi mất đi thì sầu não, tìm kiếm và nghi ngờ đủ thứ. Nhiều khi vì chuyện nhỏ của ta mà nỡ hại sanh mạng hay tài sản của người.

          Tóm lại vì cái vọng tâm phân biệt nhơn ngã, khiến con người tham đắm danh, lợi, tình…để bồi bổ cho giả thân mà phải luân hồi mãi mãi. Đức Thầy từng khuyên (trong Giác Mê TK, Q.4):

                   “Chữ nhân ngã cũng là quá gắt,

                     Ta chớ nên phân biệt với người”.

          LUÂN HỒI: (Xem chú thích đoạn 1, bài Sứ Mạng)

          NHỮNG GIẤY TIỀN VÀNG BẠC CŨNG THÔI, CHỚ CÓ ĐỐT TỐN TIỀN VÔ LÝ: Từ lâu dân ta có tục lệ dùng giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo và xá phướn lầu kho để đốt cho người chết mang theo hoặc gởi xuống âm phủ. Mê tín rằng làm như vậy là người chết xài được, chớ họ có biết đâu những sự vật ấy là do Vương Dư và Vương Luân đời Đường (Tr.Hoa) chế ra để phỉnh gạt người đời mà trục lợi.

          Sách “Trực ngôn Cảnh giáo” có chép: Vương Luân là miêu duệ của Vương Dư, lập mưu với người bạn để tiêu thụ số giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo do y làm ra còn ứ đọng quá nhiều.

          Người bạn của Luân giả đau rồi chết, thân nhân liệm vào quan tài đem chôn. Luân bèn đem giấy tiền, vàng bạc đến đốt để cầu xin chuộc mạng. Người bạn của Luân từ từ sống lại. Mọi người tưởng thật đều tin theo và càng đốt giấy tiền vàng bạc nhiều hơn trước, khiến Vương Luân trở nên giàu to.

          Sự mê tín nhảm nhí ấy từ nước Tàu, truyền lần sang nước ta. Bấy giờ nhà nhà đều đốt, nên Đức Thầy cảnh tỉnh:

                   “Vàng bạc bởi tay khách trú làm,

                      Phật, Thần, Tiên, Thánh chẳng dùng ham.

                     Giấy quần, giấy áo không nên đốt,

                     Nghĩ chuyện dối ma chẳng đáng làm”.

                                                       (Hai mươi chin tháng Chạp)

          THẦN TÚ: (Xem chú thích câu 296, Q.2).

          TÀ MỊ: (Xem chú thích câu 156, Q.2).

          ĐỜI ĐƯỜNG: Tức nhà Đường (Tr.Hoa. 618-906) Vị cao tổ sáng lập nhà Đường là Lý Uyên, kế truyền được 20 đời và trị vì được 290 năm.

          CÕI ÂM PHỦ: Cũng gọi là cõi âm cung hay âm ty, nơi Diêm Vương ngự để thưởng công phạt tội những linh hồn người chết. Cõi âm phủ đối với cõi dương gian :“Dương gian âm phủ đôi đàng cách xa”.(Cổ thi).

          CỦA HỐI: Của hối lộ. Tức là của lo lót, đút nhét, dâng của cách kín đáo cho kẻ có quyền thế, để nhờ cậy che chở hoặc ban ân huệ. Ví dụ: Quan ăn hối lộ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn