CHÁNH VĂN (Từ câu 97 đến câu 104)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 41226)
CHÁNH VĂN (Từ câu 97 đến câu 104)

97. “Chuyện này cũng lắm tuyệt-vời,

  Giả như Hàn-Tín đợi thời lòn trôn.

  Đến sau danh nổi như cồn,

  100. Làm cho Hạng-Võ mất hồn mấy khi.

 Chuyện xưa thanh-sử còn ghi,

  Khen anh Hàn-Tín vậy thì mưu cao.

 Chuyện đời phải có trước sau,

  104. Điên Khùng khờ dại mà cao tu hành”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 97 đến câu 104)

 -Đoạn giảng trên Đức Thầy nhắc tích Hàn Tín và Hạng Võ là hai bậc kỳ tài đất Trung Hoa. Nhận thấy tuy Hạng Võ có sức địch muôn người, binh hùng, tướng dõng ồ ạt, nhưng lại dùng bạo lực theo Bá đạo (dĩ lực trị dân giả Bá), nên kết cuộc phải thất bại chua cay.

 -Còn Hàn Tín tuy yếu sức, nhưng có tài thao lược, đức nhẫn cao, lại theo kế hoạch của Trương Lương và chủ trương đường lối Vương đạo của Lưu Bang (dĩ đức trị dân giả Vương) nên sau được toàn thắng.

 Ở đây Đức Thầy muốn nêu lên đức nhẫn nhục của Hàn Tín, mặc dù Tín thừa sức trừ bọn thiếu niên tại chợ Hoài Âm nhưng lúc chưa phải thời cơ Tín đành ẩn nhẫn:

 “Gương trước Hớn Tần, Hàn Tín nhẫn,

  Đã không khổ nhục khỏi ưu phiền”.

 (Nhẫn Đợi Thời Cơ)

 Hiện nay công cuộc cứu thế độ dân của Đức Thầy dưới thời Pháp thuộc, nên Ngài phải giả dại giả ngu mà:
 “
Ẩn nhẫn hoài chờ đợi vận hanh thông”.
 (Gởi Bác sĩ Cao Triều Lợi). 
Hay là:

 

 “Đợi cơ thiên địa xây vần đến,

 Chờ cuộc phong lôi đổi vận lành”.

 (Nhẫn Đợi Thời Cơ)

 

CHÚ THÍCH

 TUYỆT VỜI: Cực kỳ, cao xa rất mực.

  “Chim hồng bay bổng tuyệt vời”.(truyện Kiều)

 HÀN TÍN: Người ở đất Hoài Âm, nước Sở (TH) sanh thời Tần, Hớn và Sở. Nhà rất nghèo, Tín thường đi câu cá đổi gạo; lắm khi cơm chẳng đủ no, Tín phải ăn nhờ nơi bà Phiếu Mẫu, nhưng Tín tích cực học hành binh pháp và lúc nào cũng mang theo mình một thanh kiếm.

 Ngày nọ, Tín đem cá ra chợ bán, có bọn thanh niên côn đồ, đứa cầm đầu nhục mạ và bảo Tín:“Nếu không dám giết hắn thì phải luồn qua trôn hắn mà đi”. Qua phút suy nghĩ kỹ, Tín liền cúi mình chun luồn qua trôn kẻ côn đồ. Mọi người ở chợ cười vang lên chê Tín là hèn nhát. Duy có thầy tướng số tên Hứa Phụ biết Tín là bậc nhân tài chưa gặp vận.

 Khi chú cháu Hạng Võ khởi nghĩa đánh Tần. Tín tìm đến đầu quân, nhưng họ Hạng không rõ chê Tín là kẻ luồn trôn vô dụng, cho Tín làm quân vác kích theo hầu, mặc dầu quân sư Phạm Tăng biết Tín có tài, đã nhiều lần tiến cử song Hạng Võ vẫn không nghe.

 Lúc bấy giờ Hán Vương (Lưu Bang) chuẩn bị đánh Sở, binh mã đầy đủ, nhưng còn thiếu một viên đại tướng, chỉ huy quân đội trong cuộc đông chinh nên Trương Lương phải đi tìm bậc kỳ tài để giao phó chức vụ tối quan trọng ấy. Ngày nọ nhân khi ghé nhà Hạng Bá (chú Hạng Võ), Trương Lương bắt gặp trên bàn một tờ biểu

 

của Tín bày tỏ về việc chính trị lợi hại với chú cháu Hạng Võ. Trương Lương toát mồ hôi nghĩ rằng: nếu người khác biết dụng Tín sẽ chiếm cả Thiên hạ. Trương Lương tìm cách dụ được Tín và viết mật thư giới thiệu với Lưu Bang, nhưng Lưu Bang cũng chưa rõ được tài nên chỉ cho Tín làm quan giữ kho lương thực. Sau nhờ Tiêu Hà và Hạ Hầu Anh hết lòng tiến cử và Hàn Tín đưa thư giới thiệu ra, Lưu Bang mới trọng dụng, đoạn làm lễ Bái Tướng phong Tín làm Phá Sở Đại Nguyên soái, điều khiển ba quân đánh Sở.

 Qua thời gian huấn luyện binh tướng tinh thông chiến pháp. Tín đem quân đánh chiếm các nơi; đi đến đâu giặc đều tan vỡ đến đó. Các nước Tề, Yên, Triệu bao lần phải khiếp uy, binh tướng của Hạng Võ mấy lượt phải mất vía kinh hồn trước tài hành quân thần tốc đầy thao lược của Tín. Nhứt là trận đánh ở Huỳnh Đương, tiêu diệt hơn 20 vạn quân của Hạng Võ; và trận đại chiến ở Cửu Lý Sơn một trận quyết định sự tồn vong giữa Hán và Sở làm cho quân Sở hoàn toàn tan rã. Hạng Võ phải chấm dứt cuộc đời uy dũng ở bến Ô Giang, bởi không địch nổi với mưu lược của vị anh hùng đất Hoài Âm.

 Đức Thầy nhắc điển tích trên đây, ý muốn nói vì thời vận chưa đến, Ngài phải ẩn nhẫn đợi thời và cam chịu lắm nỗi gian truân, thế nhân khinh bỉ, nhưng đến một ngày kia, Ngài sẽ:

 “Đem tài thao lược giúp non sông”.

  (bài Dụng kinh Quyền)

 Thì:

 “Sau danh thể sạ hương khắp chốn”.

 (Giác Mê Tâm Kệ)

 Và chừng đó:

 

 “Bá gia mới biết người Khùng là ai”.

   (Sấm Giảng Q.1)

 HẠNG VÕ: Người ở Hạ Tượng, thuộc Cối kê (Trung Hoa) tên là Tịch, sức mạnh cử cái đỉnh ngàn cân. Vào thời Tần Sở không ai đánh lại. Trong cuộc diệt nhà Tần, vì tánh háo sát mà không được lòng quân dân nên vào Bá Trượng (Hàm Dương) sau Lưu Bang. Hạng ỷ mạnh phụ lời Vua ước hẹn, giành làm vua Tây Sở Bá Vương và đẩy Lưu Bang (Hán Trung Vương) vào Bao Trung. Sau Võ phải đánh với binh Hán ròng rã 6 năm, bao phen phải thất điên bát đảo trước tài chỉ huy mưu lược của Hàn Tín, rốt cuộc Hạng Võ phải bỏ mình tại bến Ô Giang.

 THANH SỬ: Cũng gọi là sử xanh. Thời xưa ngành ấn loát và việc chế tạo giấy chưa có, nên nhà chép sử phải dùng tre cật xanh để ghi chép cho dễ nhớ. Nhân đó gọi sử ký bằng Thanh sử hay Sử xanh,

 Đại Nam Quốc sử Diễn ca có câu:

“Lam đài dừng bút thảnh thơi,

Dâng đem quốc ngữ diễn lời sử xanh”.

 TU HÀNH: (Xem chú thích đoạn 4, Bài Sứ mạng).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn