595.-Lo trang-sức kim-thời huê mỹ,
Rồi phụ-phàng tục cổ nước nhà.
Trong tâm thì chứa chữ gian-tà,
598.-Chớ chẳng chứa tấm lòng bác-ái.
Học chữ nghĩa cho thông cho thái,
Đặng xuê-xang đài-các xe-tàu.
Tiếng chào mừng cửa miệng làm màu,
602.-Trong tâm-ý mưu-mô đủ thế.
Ta còn mắc phiêu-lưu dương-thế,
Dạo Lục-Châu đặng cứu bá-gia.
Mặc tình ai xem kệ ngâm-nga,
606.-Hay sửa-đổi tùy lòng hưu-hỷ.
Thương sanh-chúng tỏ bày quá kỹ,
Hỡi dương trần nên sớm quày đầu.
Đặng sau xem Phật-pháp nhiệm-mầu,
610.-Với báu-quí đài-lầu tươi-tốt.
Xác Ta vốn là người quê dốt,
Nên mở mang chưa được mấy rành.
Khắp dương-gian như sợi chỉ mành,
614.-Mong bổn-đạo tâm thành trở lại.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 595 đến câu 614)
-Con người thời nay hay tập nhiễm theo sự ăn xài chưng diện, trang sức lụa là v.v…vội quên đi phong tục tốt đẹp của nước ta từ xưa. Lòng họ luôn chứa chấp điều ác gian tà vạy, chẳng hề để tâm thương xót một ai.
-Lại nữa từ ngày có làn sóng văn vật của Tây Âu tràn ngập vào, phần đông dân ta đua đòi theo lối học mới, ai cũng muốn lo cho mình văn hay chữ giỏi, song chỉ để tranh đoạt lợi danh, tiêu xài xa xí. Về sự giao thiệp họ tỏ vẻ ngọt ngào óng chuốt bên ngoài, nhưng trong thâm ý thì đủ đầy mẹo mưu để lường gạt mọi người.
-Riêng phần Đức Thầy còn phải rày đây mai đó, dạo qua 6 tỉnh miền
-Bởi quá thương xót chúng sanh nên Ngài giải bày cặn kẽ để mỗi người nhận thức được lẽ tội phước mà qui y đầu Phật, gấp rút tu rèn tâm trí, bòn mót phước nhân hầu sau nầy thấy sự diệu mầu trong Đạo pháp, và cảnh quí báu đền vàng điện ngọc của nước Việt Nam.
-Đức Giáo Chủ cũng khiêm nhượng cho biết: Ngài là người ít học quê mùa, việc Đạo đức chưa rành mấy, nhưng vì nhận thấy cõi đời Hạ ngươn sắp đến ngày tàn cỗi, như chỉ mành treo chuông. Vốn sẵn lòng từ bi, Đức Thầy đâu nỡ yên nhìn chúng sanh đang vướng vòng khổ lụy, nên Ngài không ngần ngại ra tay tế độ. Vậy mỗi người trong bổn đạo, muốn vượt qua truông khổ, phải thật lòng tu thân, hành thiện mới mong kết quả:“Tu thật tâm thì được thảnh thơi”.(Kệ Dân Q.2)
CHÚTHÍCH
TRANG SỨC: Ăn mặc lụa là và đeo đồ nữ trang để chưng diện cho đẹp.
KIM THỜI: Thời đại hiện giờ, sự mới mẻ.
HUÊ MỸ: Cũng gọi là hoa mỹ. Có nghĩa đẹp đẽ lộng lẫy.
PHỤ PHÀNG: Bỏ bê khinh bạc, không kể đến.
TỤC CỔ: Những phong tục lễ nghi của ông cha từ xưa để lại.
THÔNG THÁI: Hiểu biết rộng rãi hơn người. Đây chỉ cho sự thông hiểu về việc đời (thế trí biện thông).
XUÊ XANG: (
MƯU MÔ: Mưu mẹo khôn xảo quỉ quyệt.
PHIÊU LƯU: Phiêu là gió thổi bay; lưu là trôi đi. Ví như con thuyền bị trôi giạt theo sóng gió, linh đinh vô định. Đây ý nói vì muốn rộng độ chúng sanh, Đức Thầy phải lưu hành khắp nơi, rày đây mai đó, như Ngài từng nói trong bài “Đến làng Nhơn Nghĩa”:
“Thân Khùng vận bĩ trớ trêu,
Phiêu lưu trôi giạt danh nêu khắp cùng”.
LỤC CHÂU: (
HƯU HỶ: Vui vẻ.
PHẬT PHÁP: (
NHIỆM MẦU: Cũng gọi là mầu nhiệm. Có nghĩa sự cao sâu huyền diệu khó nghĩ lường. Ý nói lý nghĩa trong Phật pháp sâu kín mầu nhiệm, không thể dùng ngôn ngữ hay bút mực mà diễn tả cho hết được. Chỉ có kẻ tu hành khi trực nhận được bản tâm mới thông đạt mà thôi.
CHÁNH VĂN
615.-Dầu cực-khổ thân này chẳng nại,
Chẳng cần ai bái lạy khẩn-cầu.
Bỏ dị-đoan mới thấy Đạo-mầu,
618.-Bớt giả-dối gặp Người Thượng-Cổ.
Gốc thuở trước của Tông của Tổ,
Đâu có bày dối-mị như vầy.
Những sấm truyền xưa của Phật Thầy,
622.-Dân rán kiếm mà truy thì biết.
Xưa để lại nhiều câu thảm-thiết,
Mà nào ai có biết để lòng.
Chuyện Thiên-Cơ nói rất não-nồng,
626.-Câu hữu lý bá tòng khó sánh.
Chốn tựu hội chớ nên léo hánh,
Vì lời xưa có dặn rạch-ròi.
Dân chớ nên phụ bạc giống nòi,
630.-Thì lao-lý tấm thân vô ích.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 615 đến câu 630)
-Trên con đường độ chúng của Đức Giáo Chủ, dầu có gặp nhiều gian khổ, Ngài cũng chẳng nệ hà, và không hề mong mỏi một ai cung phụng bái quì. Ngài còn kêu gọi mọi người, hãy bỏ dứt các điều kỳ hoặc, mê tín để thật lòng tu niệm, mới mong thấu đạt lý thâm huyền của Đạo pháp và được kiến diện người xưa, trong ngày lập hội.
Bởi từ căn nguyên ông cha ta cũng từng sùng ngưỡng Đạo mầu, song chẳng hề có hành động mị dân dối chúng. Vậy ai muốn rõ thông con đường chánh tín, hãy tìm xem những sấm kinh của Đức Phật Thầy xưa kia truyền lại.
-Vì trong đó Ngài giải bày rành mạch, vế chánh Pháp vô vi của Đạo Phật, và cho biết trước những tai nạn khổ sầu của chúng sanh sau nầy. Các lời tiên tri ấy, ai xem đến cũng bắt buồn thảm cho cảnh khổ chung của nhơn loại. Còn những lời dạy Đạo, đúng với chơn lý, nếu ai chịu thực hành theo sẽ được kết quả cao diệu. Cho nên nói loại tòng bá đều có sức vững bền, chịu đựng với thời gian, sương tuyết, nhưng cũng không thể sánh được một câu hữu lý !
-Đức Thầy cũng đã hằng khuyên mọi người, chẳng nên bén mảng đến các nơi tựu hội đông đảo, để ăn chơi xa xí, hoặc hành động điều vô liêm bất nghĩa và cũng chẳng chạy theo một hội nhóm nào, có tánh cách phụ rải Tổ Tiên nòi giống, bởi giảng xưa đã từng giáo huấn minh bạch điều nầy:
“Đạo nhà chẳng tưởng, tưởng Đạo xa,
Đạo gốc
Đạo của Phật thầy truyền kim cổ,
Đạo trung Đạo hiếu Đạo nhơn hoà”.
Nếu ai chẳng tuân theo lời chỉ dạy trên, ắt sau nầy khó tránh khỏi cảnh khổ sầu lao lý.
CHÚ THÍCH
DỊ ĐOAN: (
ĐẠO MẦU: (
NHỮNG SẤM TRUYỀN XƯA CỦA PHẬT THẦY Phật Thầy là Đức Phật Thầy Tây An (xem CT chữ “Đức Thầy Bửu Sơn”, câu 38, T-1, Q.1).
Ngài đã tiên đoán về thiên cơ thời cuộc, từ đó nhẫn nay, mọi việc đều xảy ra rất đúng. Những sấm truyền ấy còn để lại khá nhiều; ngoài bài “Tứ Bửu Linh Tự” và các đoạn trong phần CHÚ THÍCH từ ngữ “Những chuyện lạ kỳ”(câu 122, Q.1). Ở đây chúng tôi trích dẫn thêm ít đoạn.
-Về cuộc đổi đời:
“Thế nay cạn sự đã rồi,
Mở mang dời đổi lập đời Thượng ngươn.
Chuyển luân thiên địa tuần hườn,
Hội nầy thấy lửa tàm lam cháy mày”.
-Về các tai biến xảy ra:
“Nghĩ trong cuộc thế chơi vơi
Khổ tăng gia khổ trong đời gian nan
Kìa kìa quỉ mị khởi loan,
Xà thương hổ giảo đa đoan hội nầy
Phần thời giặc giả phủ vây.
Phần thời đói khát thân rày chẳng yên
Lăng xăng nhiều cuộc đảo điên,
Sợ trong thế sự như thuyền chạy khơi”.
-Về thời gian:
“Mèo kêu vang, mèo kêu vang
Rắn rồng sợ chạy vào ngàn ẩn thân”.
Hoặc là:
“Cuộc đời càng gắt lại càng gay
Ngặt nỗi thiên cơ chẳng dám bày
Rắn núp dưới hang coi ngựa chạy
Khỉ ngồi trên ngọn ngó gà bay
Đông Tây chộn rộn trời che xác
Nhơn vật mười phần hao bảy tám,
Thần Tiên thấy vậy cũng châu mày”.
-Về lập hội và cuộc thái bình:
“Long Hoa thắng hội tiêu diêu
Dữ lành đến đó mai chiều sẽ hay”.
Và:
“Bao giờ hưởng thọ kỳ hương,
Tuế tăng vạn tuế lưu phương lâu dài”.
NÃO NỒNG: Cũng đọc là não nùng. Có nghĩa buồn thảm, xót xa đau đớn.
CÂU HỮU LÝ BÁ TÒNG KHÓ SÁNH: Ý dạy rằng một câu nói đúng với lý nghĩa Đạo đức, thì cao cả quí báu vô cùng, vẫn được truyền tụng mãi mãi, dù thời đại nào cũng được mọi người học theo. Cổ nhân từng bảo:“Nhứt ngôn đắc ngữ thắng thiên kim”.( Được người nói cho nghe một lời lành, quí báu hơn ngàn lượng vàng). Cho nên loại tòng bá là thứ cây sống lâu, có đặc tánh không thay đổi, dù vậy chớ không sánh được lời hữu lý.
CHỐN TỰU HỘI: Những nơi hội họp đông đảo vui chơi trái với đạo nghĩa hoặc các đảng nhóm có tánh cách hại dân phản nước, bội bạc phong tục tốt đẹp của nòi giống Tiên Rồng.
LÉO HÁNH: Bén mảng đến gần. Ví dụ: nơi đó nguy hiểm, ta không nên léo hánh đến.
CHÁNH VĂN
631.-Phải nhẫn-nhục chờ Người Cổ Tích,
Phật với Trời phân định cho Ta.
Người xưa tuy ít chữ nôm-na,
634.-Chớ chơn-chất người ta ngay thẳng.
Dạy bổn-đạo lấy câu trung đẳng,
Chẳng nói cao vì sắp rốt đời.
Đấng nam-nhi ẩn-nhẫn tùy thời,
638.-Vậy mới gọi khôn-ngoan hữu chí.
Ta ra sức viết câu huyền-bí,
Chúng dân ôi ! Rán kiếm rán tầm.
Giống thú kia là loại sanh cầm,
642.-Mà còn biết kiếm tầm đạo-đức.
Thú-vật biết tu-hành náo-nức,
Còn người sao chẳng rứt hồng-trần ?
Việc tu-hành phải vẹn nghĩa ân,
646.-Kinh với sấm chúng dân thường thấy.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 631 đến câu 646)
-Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ khuyên tín đồ, nên nhẫn nhịn tu hành cho qua thời gian khó khăn, thử thách để chờ người xưa trở lại, và chờ sự phân định của Phật Trời, tất hưởng được mọi điều cao quí. Nhắc lại ông cha ta thuở xưa, tuy ít người thông minh chữ nghĩa, nhưng tấm lòng rất thật thà ngay chánh.
-Bởi muốn rộng độ các tầng lớp nhân sanh trong thời mạt hạ, nên Đức Thầy dùng những lời lẽ trung hòa giản dị mà giáo hóa, để mỗi ai khi xem, nghe đều được thấu hiểu. Và Ngài còn khuyên: bổn phận nam nhi phải biết tùy thời xử thế, lúc gặp nghịch cảnh, cần nên ẩn nhẫn để nuôi chí, chờ thời. Pháp Nhẫn ví như tánh của nước (Quân tử tánh như thủy), tuy nó rất mềm yếu, nhưng cũng cứng mạnh vô cùng. Bởi nó có thể xói mòn cả sắt đá. Và cũng ví như con rồng, có khi phải nép mình nơi vực sâu kín đáo, rồi có lúc nó tung bay theo mây gió, dạo khắp bốn phương. Cho nên người có ý chí cao cả cũng phải thức thời như thế.
-Đức Thầy còn cho biết trong Sấm Kinh của Ngài đã hàm chứa nhiều lý nghĩa, thâm huyền diệu pháp, vậy mỗi người hãy tìm hiểu cho chính xác để thi hành theo. Lại nữa, từ xưa đến nay, Kinh sách thường ghi chép: các loại cầm thú còn biết quày đầu hướng thiện, huống chi ta là loài người, có tánh linh hơn muôn vật mà chẳng sớm xa lánh trần ai, tầm đường giải thoát thì so với loài vật chẳng thẹn lắm sao ?
-Do đó, Đức Thầy khuyên khắp tín đồ, đã là người tu hành thời những nghĩa ân mà ta đã thọ cần phải lo đền đáp cho tròn vẹn, vì đó là điều căn bản, xưa nay sách kinh nào cũng dạy như thế.
CHÚ THÍCH
NHẪN NHỤC: Do chữ Phạn Kshâti, phiên âm là Sẵn đề, dịch là Nhẫn nhục. Có nghĩa: Nhẫn là nhịn chịu; nhục là xấu xa hèn kém. Là một pháp tu, hành giả nén lòng chịu đựng với những sự khó khăn, từ mọi cảnh vật bên ngoài, đến các vọng tâm phiền não bên trong và thời gian dày đặc, để hoàn thành Đạo hạnh..
Nhẫn nhục là một trong sáu pháp “Ba La Mật” mà chư Bồ Tát thường hành, gồm có ba phần như sau:
1-Sanh nhẫn: Khi có kẻ khác dùng quyền lực, áp bức hay đánh đập hoặc chửi mắng, trêu tức, ta vẫn nhẫn nhịn không chống trả, không chứa chấp oán hờn.
2-Pháp nhẫn: Nhà tu cam chịu với mọi hoàn cảnh khó khăn, do các tai nạn xảy đến cho mình, như: lạnh nóng, gió mưa, đói rách, bịnh tật.v.v…mà lòng không hề than buồn thối chí trên đường Đạo đức.
3-Vô sanh pháp nhẫn: Đã nhịn được các tai họa do chúng sanh khác và mọi cảnh vật đưa đến mà mình chẳng hề còn chút động tâm phân biệt. Vì đã quán xét rằng: thân chúng sanh và vạn pháp, vạn cảnh đều không thật thể (vô ngã), không sanh khởi và cũng không còn thấy, có pháp chi để nhẫn diệt.
Xưa, Đức Phật có kể lại rằng: Vào thời quá khứ, trong một tiền kiếp Ngài mang tên là Xằn Đề Ba La, chuyên tu hạnh nhẫn nhục trên một hòn núi.
Hôm nọ, vua Ca Lợi Vương dắt quan quân và cung nữ lên núi du ngoạn. Lúc trời trưa nắng, vua dừng lại một nơi, truyền căng lều nghỉ. Bấy giờ các cung nữ tản mát chung quanh, hái hoa ngắm cảnh; bỗng gặp Đại Tiên đang ngồi trên tảng đá, dáng vẻ trang nghiêm, tịch tĩnh, cả bọn đem lòng kính tin, bèn dâng hoa cúng dường cầu được nghe pháp. Đại Tiên liền xuất định thuyết pháp cho đám cung nữ nghe.
Khi Ca Lợi Vương tỉnh giấc, thấy các cung nữ vắng mặt hết, liền cùng quan cận vệ đi tìm. Đến nơi, gặp bọn cung nữ đang quì nghe Đại Tiên thuyết pháp. Vua sanh lòng đố kỵ, liền bước lại với dáng điệu tự kiêu, hỏi:- Ông ở đây tu hành có rõ được pháp tứ không thiền định chăng ? Hãy giải cho Trẫm nghe thử ?
Đại Tiên thưa:
-Rất hổ thẹn cho phận tôi, chưa thấu đạt pháp ấy.
Vua đổi giọng, nói:
-Những điều đó ngươi chưa thông hiểu vậy mà dám thuyết pháp cho cung nữ nghe, ai mà tín nhiệm cho ? Vậy ngươi ở đây tu pháp gì ?
-Thưa, tôi ở đây tu pháp nhẫn nhục.
-À ! Vậy để ta làm coi ngươi có nhẫn nhục được không? Vua liền rút gươm chặt đứt tay chân của Đại Tiên quăng ra, rồi hỏi tiếp:
-Ngươi ở đây tu pháp gì ?
Lúc ấy Đại Tiên vẫn an nhiên, mặt không đổi sắc, ôn tồn đáp:
-Tôi ở đây tu pháp nhẫn nhục.
Vua giận thêm liền cắt tai, thẻo mũi của Đại Tiên nữa !
Bấy giờ các vị Lôi thần thấy lòng của Vua Ca Lợi quá độc ác, bèn kéo mây nổi sấm toan đánh chết nhà vua, nhưng vị Đại Tiên ngước mặt lên trời van xin:
-Các Ngài ơi ! Các Ngài nên vì tôi mà tha tội cho người nầy đi ! Tức thời mây tan sấm tạnh.
Lúc ấy, vua Ca Lợi khiếp sợ, nhưng còn gượng hỏi:
-Ngài nhẫn nhục như vầy, biết lấy chi làm bằng chứng cho Ngài thật lòng ?
-Đại Tiên liền phát nguyện: Nếu tôi thật tâm nhẫn nhịn, không hề có chút hờn oán nhà vua thì xin Trời Phật chứng minh cho các vết thương của tôi đều lành lại như cũ và máu chảy ra được trở thành sữa. Linh nghiệm thay ! Đại Tiên vừa nguyện xong thì thân thể và máu của ông đều chứng nghiệm như ý.
Vua quá cảm phục liền quỳ lại Đại Tiên, cầu được ăn năn sám hối và qui y thọ giáo. Ít hôm sau vua Ca Lợi lập pháp tòa, rước Đại Tiên về thuyết pháp cho cả thần dân cùng nghe.
Xét ra, nhờ pháp “Nhẫn nhục” mà Đại Tiên Xằn Đề Ba La cảm hóa được Ca Lợi Vương và Thần dân trong nước, biết tỉnh ngộ tu hành.
Thêm nữa, trong văn chương Việt
“Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa
Nhẫn điều khó nhẫn, mới là chơn tu”.
-Song chữ nhẫn nhục ở đây, ý Đức Thầy dạy phải nhịn chịu với thời gian dày dặc, khó khăn cho qua cơn vận bĩ. Cũng như Hàn Tín xưa kia, tuy có đủ tài thao lược, nhưng phải nhẫn bọn thiếu niên, để chờ đến thời Hán Bái Công mới trổ tài làm nên danh phận:
“Gương trước Hớn, Tần Hàn Tín nhẫn
Đã không khổ nhục khỏi ưu phiền”.
(Nhẫn đợi Thời cơ)
NGƯỜI CỔ TÍCH: (
CHƠN CHẤT: (
TRUNG ĐẲNG: Cấp giữa, bực giữa (trung dung) chẳng cao quá, cũng không thấp quá, cũng gọi là “con đường trung Đạo”. Ở đây chỉ cho lời luận giải giản dị rõ ràng, người nghe dễ lãnh hội. Đức Thầy có câu:
“Quyết dạy trần nên nói lời thường,
Cho sanh chúng đời nay dễ biết”.(Giác Mê, Q.4) HỮU CHÍ: (
HUYỀN BÍ: (
SANH CẦM: Chỉ chung cho hai loài vật, là thượng cầm và hạ thú.
THÚ VẬT BIẾT TU HÀNH NÁO NỨC, CÒN NGƯỜI SAO CHẲNG RỨT HỒNG TRẦN: Dầu loài người hay loài vật đồng có Phật tánh như nhau:“Nhứt thiết chúng sanh, Giai hữu Phật tánh”, nhưng vì nghiệp mê quá nặng, nên chúng sanh phải đầu thai làm thú, đến khi nghiệp thú trả gần hết và gặp bậc Đạo đức cao cả khai hóa thì biết tu hành. Trong Tây Qui trực chỉ có chép:
Đời Trinh ngươn nhà Đường có Bùi thị ở đất Hà Đông, nuôi một con két, thường học theo người mà niệm Phật. Một hôm trời quá ngọ mà nó bỏ ăn, lúc gần chết, nó niệm lên 10 tiếng Phật thì dứt hơi. Người chủ đem xác nó ra thiêu thì được hơn 10 hột ngọc xá lợi chiếu sáng lòa cả mắt. Ông Huệ Quang thấy vậy mới dựng tháp thờ.
Lại ở đất Đàm Châu có người nuôi một con Cưởng, cũng học nói được tiếng người và thường niệm Phật. Khi nó chết, bỗng có một hoa sen từ trong miệng mọc ra. Nhơn đó Ngài Liên tri Đại sư có lời rằng:“Giống chim Két, chim Cưởng dạy nó còn biết niệm Phật, huống chi người lại không biết niệm Phật, há chẳng thẹn lắm ru ?”
Còn gần đây, trong chuyện chung quanh Đức Phật Thầy Tây An được nhiều người kể lại:
Lúc còn ở trại ruộng Thới Sơn, một hôm Ngài kêu các đệ tử, đem xấp vải màu đỏ ra xé nhỏ cỡ ngón tay, dài năm sáu tấc, vì mai nầy có người ta đến thọ giáo rất đông.
Sáng lại, ai cũng trông xem lễ qui y ấy ra sao ? Bỗng thấy đủ loại thú rừng, từ từ kéo đến sắp hàng trước cửa trại càng lúc càng đông. Đức Phật Thầy liền bảo các môn đồ, đem số vải đã xé hôm qua, cột trên cổ, trên sừng của mỗi con thú một sợi. Nhiều người trông thấy quá sợ sệt, chỉ có các đại đệ tử, đạo pháp cao siêu mới dám thi hành. Cột xong, Đức Phật Thầy bèn thuyết pháp cho chúng nghe và dặn dò, từ đây hãy ẩn ánh tu hành.v.v…
Nghe xong, cả đoàn thú đồng cúi đầu, tỏ vẻ vâng lời dạy bảo, rồi lui ra tản mát vào rừng núi mất dạng. Từ độ ấy, người ta ít gặp chúng lai vãng phá vườn rẫy nữa và những người đi viếng non, thỉnh thoảng cũng bắt gặp vài lọai thú ẩn trong hang vắng, tánh tình chúng đã đổi lại rất hiền từ.
NGHĨA ÂN: Cũng gọi là Ân Nghĩa, tức là tình nghĩa và ân đức, như ân nghĩa giữa cha con, thầy trò, chồng vợ.v.v…”Tình xưa ân trả nghĩa đền”(Tr.Kiều). Nghĩa ân ở đây chỉ cho những ân đức, mà con người đã thọ như:“Tứ Đại Trọng Ân”, giờ đây ta có bổn phận đền đáp. Đức Thầy từng nói:
“Trả nợ thế nghĩa ân trọn vẹn
Cảnh non bồng kỳ hẹn ngày kia”.
CHÁNH VĂN
647.-Chữ Bát-Chánh rõ-ràng trong giấy,
Là chơn truyền của Đức Thích-Ca.
Người tu hành cần phải tìm ra,
650.-Cho dân biết mục đầu Chánh-Kiến.
Trí linh-mẫn nhìn xem các chuyện,
Phải đừng cho lầm-lạc nẻo tà.
Dầu việc người hay việc của ta,
564.-Nên phán-đoán cho tường cho tận.
Tội với phước xét coi nhiều bận,
Mới khỏi lầm tà-kiến đem vào.
Chánh Tư-Duy mục ấy thanh-cao,
658.-Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ.
Trên cùng dưới dầu thầy hay tớ,
Cũng tưởng điều trung-chánh mới mầu.
Việc vui say mèo-mả đâu đâu,
662.-Hãy dẹp gác nhớ câu Lục-Tự.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 647 đến câu 662)
-Bát Chánh là pháp tu căn bản, trước tiên do Đức Thích Ca truyền dạy, các kinh xưa đều có ghi chép rạch ròi. Ngày nay Đức Kim Sơn Phật cũng thuyết giáo môn đồ :“Diệu thâm Bát Chánh lời truyền giáo”.(Cho Ô. Chín Diệm) và:“…Vì đó là quyển Kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, tấn triển trên đường giải thoát”.(Luận về Bát Chánh) Vậy người tu cần phải tìm học cho thông suốt để thật hành theo.
-Đứng đầu hết là Chánh Kiến, dạy hành giả lúc nào cũng lấy trí thông minh mà phán xét mọi việc cho đặng ngay chánh đúng với sự thật (chơn lý). Bất cứ việc chi dù đời hay Đạo, từ cá nhân đến xã hội, ta phải tận tâm suy cứu, cân nhắc nhiều lần để thấy rõ tận gốc của các việc chánh tà, tội phước rồi sẽ quyết đoán. Có thế, ta mới khỏi bị tà kiến ám ảnh, nhận định sai lầm.
-Đến thứ nhì là Chánh Tư Duy, chánh nầy khuyên ta nên giữ tư tưởng cho được chân chánh trong sạch, lọc bỏ tư tưởng xấu xa, tà vạy và những ý nghĩ bông lơn, dục lạc; dù là nghĩ việc hiện tại, quá khứ hay vị lai cũng đều trừ sạch. Thay vào những ý tưởng đạo đức cao siêu, từ bi hỉ xả, hoặc trì niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” không để sơ hở, gián đoạn. Đặng vậy, tâm trí ta sẽ đặng bình tĩnh sáng suốt mà tiến thẳng theo con đường chơn lý giải thoát.
CHÚ THÍCH
BÁT CHÁNH: Nói cho đủ là Bát Chánh Đạo, do Phạn ngữ Aryatanga-marga. Có nghĩa tám con đường chơn chánh, đối trị với Bát tà (tám điều tà vạy). Bát Chánh Đạo cũng gọi là Bát Thánh Đạo (tám nẻo ra), vì pháp nầy có diệu năng đưa hành giả giải thoát sanh tử, đạt đến Thánh quả A La Hán và chứng đắc Niết Bàn. Bát Chánh là nghĩa của Đạo Đề, một trong “Tứ Diệu Đề”(bốn pháp thẩm xét mầu nhiệm chơn thật).
Xưa, lần đầu tiên Đức Phật đã thuyết Tứ Diệu Đề và Bát Chánh Đạo tại rừng Lộc Giả, gần thành Ba La Nại, cho năm anh em Kiều Trần Như nghe. Nghe xong, năm vị nầy đều chứng quả A La Hán. Cho nên Bát Chánh Đạo được xem là pháp tu căn bản của Đạo Phật. Có lần các môn nhơn hỏi Phật, qua đời sau lấy chi làm chứng cứ để biết đâu tà, đâu chánh ? Phật liền đáp:
-“Nơi nào có Bát Chánh Đạo là Chánh Đạo, nơi nào không có Bát Chánh Đạo là tà Đạo”. Do đó, nên Đức Thầy nói Bát Chánh “Là chân truyền của Phật Thích Ca”.
Ngày nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng nhắc lại:
“Thiền lâm Phật Thích thuở xưa kia,
Non tuyết rèn ra Bát Chánh kìa.
Phổ hóa dân lành trong khắp chúng,
Hoàn cầu bốn biển khắc bia chung”.
CHÁNH KIẾN: Cũng viết là Chánh tri kiến, do Phạn ngữ Samyak-droti. Có nghĩa nhận thấy xét đoán chân chánh đúng với sự thật (chơn lý). Chánh kiến có hai bực:
1-Chánh kiến hữu lậu thế gian: Cũng gọi là Chánh kiến Tiểu thừa, tức là bực nhận thấy thế gian và vạn vật đều là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh của các pháp hữu vi, rồi tự tu giải thoát cho chính mình.
2-Chánh kiến vô lậu xuất thế gian: Cũng gọi Chánh kiến Đại thừa, tức là nhận thấy tất cả chúng sanh và vạn pháp đều có Phật tánh, nên không chỉ riêng tu đạt chơn lý giải thoát cho mình mà còn cho cả vạn loại chúng sanh và quyết định tiến tới Phật quả (Đại Niết bàn).
TRÍ LINH MẪN: Trí linh diệu sáng suốt, thông minh hoạt bát.
PHÁN ĐOÁN: Xem xét và định đoán coi phải trái thế nào ?
TÀ KIẾN: Ý kiến Tà Khúc, nhận thấy lầm lạc. Không nhận có, có nhận không chẳng tin nhân quả báo ứng, cho rằng sau khi chết là mất, thấy ngược lại chơn lý và chánh kiến. Tà Kiến là một trong “Ngũ lợi sử”(Năm cái thấy biết lầm lạc mê chấp danh lợi). [Ngũ lợi sử là: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm kiến thủ].
Niết Bàn Kinh có chép:“Bồ Tát tu hành theo lý Kinh Đại Niết Bàn, vì quả chánh giác, vì độ khắp chúng sanh, tự mình rời xa tà kiến”.
CHÁNH TƯ DUY: Do Phạn ngữ Samyak Samkagia .Có nghĩa: Suy gẫm và tư tưởng chơn chánh. Là một cách hành đạo trong Bát Chánh, chỉ chuyên suy xét nghĩ tuởng về Đạo lý, và chiêm nghiệm các pháp môn thoát khổ, dứt sạch phiền não, vọng tưởng danh, lợi, tình v.v…Đức Thầy từng dạy trong bài “Dặn dò Bổn đạo”:
“Thứ ba Tư Duy bằng nay,
Các điều tưởng nhớ thẳng ngay mới mầu”.
TRUNG CHÁNH: Ngay thẳng chân chính, không thiên vị.
CHÁNH VĂN
663.-Câu Chánh-Nghiệp cũng là quá bự,
Dầu nghề chi làm việc ngay đường.
Ta đừng nên theo kẻ bất lương,
666.-Học ngón xảo để lừa đồng loại.
Chánh Tinh-Tấn dầu thành hay bại,
Cứ một đường tín-ngưỡng của mình.
Dầu cho ai phá rối đức tin,
670.-Ta cũng cứ một đàng đi tới.
Mục Chánh-Mạng chúng sanh ơi hỡi,
Cho hồn-linh cai-quản châu-thân.
Lấy chơn-nhơn dẹp tánh phàm-trần,
674.-Mới có thể mong về Cực-Lạc.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 663 đến câu 674)
-Chánh Nghiệp là phương cách quan trọng của nhà tu giải thoát, bất cứ việc làm nào cũng giữ ngay chánh thiện lương và hằng an vui cứu khổ cho vạn loại chúng sanh. Bỏ hẳn những hành động gian ác, xảo quyệt, gây tai hại cho kẻ khác.
-Đến Chánh Tinh Tấn, Đức Giáo Chủ dạy ta rèn luyện cho mình có một đức tánh dõng mãnh, một ý chí sắt đá kiên trinh. Dù ai có dùng quyền lực áp bức, hay tà thuyết vô thần cám dỗ, cũng không thể làm lay chuyển được lòng mình, để vững tiến trên con đường chánh Đạo, hầu đạt quả Niết bàn và rộng độ quần sanh.
-Còn phần Chánh Mạng dạy ta tạo một nếp sống thanh khiết về tinh thần, lấy chơn thân linh diệu điều khiển lục căn đừng để duyên nhiễm lục trần, và trừ sạch những tư tưởng trần tục thường tình. Đặng vậy, tâm hồn ta sẽ được nhập vào thể thanh tịnh (liên hoa), chơn trí sáng mầu mà chứng đắc “Niết Bàn tự tánh”.
CHÚ THÍCH
CHÁNH NGHIỆP: Do Phạn ngữ Samyak Karmanta.
Có nghĩa: việc làm ngay chánh, lương thiện, tức nhà tu dùng thân xác làm những việc có lợi ích cho mình và cả chúng sanh. Chánh Nghiệp là một cách hành Đạo trong Bát Chánh, kẻ xuất gia hay cư sĩ đều tu được cả. Hành Chánh Nghiệp tránh được ba điều tội: Sát sanh, Đạo tặc, Tà dâm; không làm việc nào có tai hại cho Quốc dân và cả chúng sanh. Lại còn hay bố thí, phóng sanh và hoằng pháp độ muôn loài, như Đức Thầy có dạy trong bài “Dặn cò Bổn đạo”:“Thứ tư Chánh nghiệp mặc dầu, Nghề chi thì cũng ngõ hầu làm ngay”.
BẤT LƯƠNG: Tánh gian xảo hung ác, không hiền từ, không có lương tâm, Đức Thầy có câu:
“Có đâu như thể bây chừ,
Loạn luân cang kỷ bất từ bất lương”.(Cảm tác)
NGÓN XẢO: Mánh khóe, xảo trá cách khéo léo để gạt người.
CHÁNH TINH TẤN: Cũng viết là Chánh Tin Tấn, do Phạn ngữ Samyak Vyayama. Có nghĩa tín ngưỡng chơn chánh, trong sạch và mạnh mẽ lướt tới, tức là siêng năng dõng mãnh diệt trừ phiền não để hoàn thành Đạo hạnh giải thoát. Đây là một cách hành Đạo trong Bát Chánh, đối trị tánh giải đãi, yếu ớt, tà vọng mê tín. Đức Thầy hằng khuyên (trong bài “Dặn dò Bổn đạo”):
“Thứ năm Tinh Tấn hội đàm,
Sạch trong kỹ lưỡng mà làm mới ngoan”.
TÍN NGƯỠNG: Lòng tin tưởng và hướng theo một Tôn giáo hay một chủ nghĩa, học thuyết. Tín ngưỡng khác với mê tín.
ĐỨC TIN: Lòng tin tưởng tốt lành chánh đáng.
CHÁNH MẠNG: Do Phạn ngữ Samyak Ajiva có nghĩa: Sanh mạng chơn chánh trong sạch, tức là cuộc sinh hoạt đời sống của nhà tu lúc nào cũng lấy giới hạnh làm căn bản. Cả tư tưởng, hành động, ngôn ngữ luôn giữ được thuần chánh cao khiết; chẳng hề để lục trần cám dỗ làm mờ đục trí huệ. Đây là một cách hành Đạo trong Bát Chánh, có hiệu năng đối trị Tà mạng.
CHO HỒN LINH CAI QUẢN CHÂU THÂN: Theo Đạo giáo thì mỗi người có ba hồn: Linh hồn, Giác hồn và Mê hồn. Giác hồn thì thường khiến linh hồn làm điều phải, còn Mê hồn hay xúi linh hồn tạo việc quấy. Hồn linh ở đây chỉ cho Giác hồn. Đức Thầy dạy người tu đừng để linh hồn bị Mê hồn lôi cuốn làm việc quấy ác, mà luôn luôn lấy Hồn linh chỉ huy mọi việc. Cho đến khi tâm được hoàn toàn giác ngộ thì ba hồn ấy không còn nữa mà chỉ còn lại một là “Giác tánh”(Phật tánh). Như Đức Lục Tổ có nói:“Hội giả xưng vi Phật tánh, bất hội giả hoán tác linh hồn”.(Người tỏ ngộ thì xưng là Phật tánh, người chưa tỏ ngộ thì gọi là Linh hồn).
CHƠN NHƠN: (