CHÁNH VĂN (Từ câu 585 đến câu 606)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39918)
CHÁNH VĂN (Từ câu 585 đến câu 606)

585.“Có người xưng hiệu ông Quan,

         Tên thiệt Vân-Trường ở dưới dinh Ông.

                   Thấy đời cũng bắt động lòng,

          588. Ghé vào tệ-xá thẳng xông lên nhà.

                   Mình người tu-niệm vậy mà,

         Nói chi lớn tiếng người mà khinh-khi.

                   Người nhà cảm tạ một khi,

         592. Cúng năm cắc bạc tiền đi Non Bồng”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 585 đến câu 592)

          -Đức Thầy từ Mỹ Tho theo sông Tiền Giang chèo về vàm Ông Chưởng, thuyền Ngài vô khỏi Chợ Mới là đến Dinh Ông xã Long Điền rồi xuống tới nhà Ông Năm Hẳn thì Ngài ghé lại.

          -Theo lời ông Năm Hẳn kể rõ: Vào khoảng tháng 6 năm Kỷ Mão (1939), có một ông già tóc râu bạc trắng, diện mạo khác thường, xưng là ông Đò, có ghé nhà ông thuyết Đạo ngâm giảng ứng khẩu nghe hay lắm ! Ông Đò giảng nói rất nhiều, nhưng Ông Năm chỉ nhớ đoạn ông Đò khuyên ông:“Mình là người tu hành nên ăn nói nhu hoà trầm tĩnh, chớ không nên la lối lớn tiếng người ta khinh thường”.

          -Ông Năm có hỏi Ông Đò:“ Ông đưa người về Tiên cảnh ăn tiền mỗi người bao nhiêu ? Và chừng nào đi ?” Ông Đò liền đáp:

         

 

          - Có ba hạng: Hạng nhứt 1$50, hạng nhì 1$00, hạng ba là 0$50, bây giờ bán giấy, sau mới đi. Ông Năm liền xin mua giấy hạng 0$50 (50 xu). Ông Đò liền xé một tấm giấy vàng trao cho Ông Năm rồi từ giã ra đi. Thời gian sau Ông Năm đọc đến đoan giảng nói trên, ông rất hối tiếc, phải hồi đó mình mua giấy hạng nhứt (1$50), Ông Năm giữ kỹ mảnh giấy đó cho đến khi từ trần.

 

CHÚ THÍCH

          NGƯỜI XƯNG HIỆU QUAN VÂN TRƯỜNG: Là ông Năm Hẳn, tức Lê Văn Hẳn ở ấp Kiến Phú Thượng, xã Kiến An, quận Chợ Mới (An Giang). Ông thuờng xưng là Quan Vân Trường về phần cho Ông để trị bịnh cứu dân, mỗi lần như vậy là có la hét lớn tiếng.

          DINH ÔNG: Dinh thờ Chưởng cơ Lễ Thành Hầu. Ngài tên thật là Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) người làng Gia Miêu, huyện Tổng Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nội tổ là Nguyễn Triều Văn, thân phụ là Nguyễn Hữu Dật, bào huynh là Nguyễn Hữu Hào, ba ông đều phò chúa Nguyễn, làm tới chức Đại Tướng.

          Triều Chúa Nguyễn Phúc Chu, Ngài Nguyễn Hữu Kính theo cha đánh giặc có công to, đặng thăng chức Cai Cơ và được người đương thời xưng tặng danh hiệu là Hắc Hổ.

          Năm Quí Dậu (1692) Ngài đem quân chinh phạt nước Chiêm Thành. Năm Mậu Dần (1668) Ngài được cử làm Kinh Lược xứ Chân Lạp và gia công khai thác đất Đông Phố (hiện nay là Sài Gòn), lập phủ Gia Định, một năm sau Ngài mới trở về Kinh Đô.

         

         

          Năm 1699 (Kỷ Mão) vì vua xứ Chân Lạp là Nặc Ông Thu làm phản, Ngài được lịnh Chúa Nguyễn kéo binh đến Nam Vang vấn tội. Nặc Ông Thu chống không nổi phải bỏ Kinh thành mà chạy. Con là Nặc Yêm ra hàng, sau Nặc Ông Thu cũng trở về chịu tội, xin triều cống và xưng thần như cũ. Xong việc, Ngài rút quân trở về Cù lao Tiêu Mộc (tức Cù lao Ông Chưởng hiện giờ) tạm nghỉ binh và sai người báo cáo cho vua hay trước. Đêm ấy Trời u ám có trận giông to, gò đất cao nơi mỏm Cù lao đó bị sụp (tức tại đầu cồn Thuận Giang, ngang chợ Đình Hòa Hảo). Qua đầu canh năm, Ngài chiêm bao thấy Thần nhơn mách bảo:“Mạng Lý do định nghiệp, không phải chỗ nầy làm chết người ta đặng”. Sáng ra Ngài thấy trong người mỏi mê rồi phát bịnh. Chiều lại Ngài gượng vui cùng các Tướng sĩ, trong bữa tiệc hốt nhiên Ngài khạc ra một cục máu, cách vài hôm sau bịnh càng nặng; Ngài than với các tướng sĩ:“Ta muốn kế thừa tiên chí, tận báo quân ân, song nhân lực nan khan, thiên số hữu hạn”. Ngài liền ra lịnh di quân về trấn Biên Dinh ( nay thuộc xã Hiệp Hòa, quận Châu Thành - Biên Hòa), nhưng vừa tới Rạch Gầm thì Ngài dứt hơi, hôm ấy nhằm ngày mùng 8 tháng 5 năm Canh Thìn (1699), Ngài thọ được 51 tuổi. Linh cửu của Ngài được đưa về Trấn Biên Dinh an táng.

          Hay được tin ấy vua thương tiếc vô cùng liền truy phong cho Ngài là:

          “Hiệp Tấn Công Thần Đặc Tấn Chưởng Binh Tướng Quân Lễ Thành Hầu”.

          Được trùng tu tại Thái Miếu, nơi thờ các Tiên Vương nhà Nguyễn. Sau đến triều Gia Long truy phong

 

 

thêm cho Ngài là:“Thượng Đẳng Công Thần Đặc Tấn Phụ Quốc Đại Tướng Quân Chưởng Cơ”.

          Hiện nay các Dinh thờ Ngài còn được biết như tại phần mộ, thành phố Nam Vang, tỉnh lỵ Châu Đốc. Còn tại Ông Chưởng quận Chợ Mới (An giang) có 4 cái Dinh thờ Ngài trong xã: Long Điền, Kiến An. Long Kiến và An Thạnh Trung.

          TỆ XÁ: Tệ là tiếng khiêm xưng, xá là nhà. Ý nói cái nhà nhỏ của người dân nghèo.

 

CHÁNH VĂN

               593.“Xuống thuyền xuôi nước thẳng xông,

         Ghé nhà chủ Phối xem lòng Đạo Ba.

                   Ngồi chơi đạo-lý bàn qua,

         596. Mấy bà có biết lúa mà bay không ?

                   Có người đạo-lý hơi thông,

          Xin Ông bày tỏ cho tôi hiểu rày.

                   Điên nghe liền mới tỏ bày:

         600. Lúa bay về núi dành rày ngày sau.

                   Hỏi qua tu niệm âm-hao,

         Không biết câu nào trái ý Đạo Ba.

                   Buồn đời Điên mới bước ra,

         604. Tay gay chèo quế dạo thì khắp nơi.

                   Đi hoài chẳng có nghỉ ngơi,

         606. Miệng cũng rao mời Tiên-cảnh Bồng-Lai”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 593 đến câu 606)

          -Đức Thầy rời khỏi nhà Ông Năm Hẳn, liền xuống thuyền chèo xuôi theo lòng Ông Chưởng, đến nhà Ông Chủ Phối, Ngài cho thuyền ghé lại rồi lên nhà. Khi đó có

 

mấy bà lão ở xóm tựu đến nghe Ngài giảng dạy Đạo lý. Có bà hỏi thăm về việc lúa bay, Đức Thầy cũng giải rõ cho mọi người cùng nghe. Đoạn rồi Ngài day qua, thử bàn câu chuyện Đạo đức với ông Đạo Ba, tức con của ông Chủ Phối, nhưng coi bộ ông nầy không mấy hài lòng, nên Ngài từ giã xuống thuyền.

          -Con đường khuyến hóa nhân sanh, dù có nhiều cực khổ, Ngài cũng không ngừng nghỉ, chèo đến đâu miệng Ngài cũng luôn rao mời:

          “Đò tôi đưa người tác phước thiện duyên. Đò tôi đưa về Bồng lai Tiên cảnh. Ai có rảnh thì đi, còn mắc nợ trần thì ở lại”.

CHÚ THÍCH

          CHỦ PHỐI: Là ông Lê Văn Phối, ở ấp Long Quới II, xã Long Điền, quận Chợ Mới (An Giang), ở phía trên rạch Xẻo Môn khoảng 1 cây số, ông làm Hương chủ trong Ban Hội Tề làng, dưới thời Pháp thuộc, nên gọi tắt là Chủ Phối.( Ông nầy có bà con với Đức Bà, thân mẫu Đức Thầy).

          ĐẠO BA: là Lê Văn Nguyên tức con trai thứ ba của Ông Chủ Phối. Sở dĩ có danh là Đạo Ba vì ông Nguyên có lên xác tướng hốt thuốc Nam độ bịnh.

          LÚA BAY: Theo lời xác nhận của ông Đạo Ba và các bà lão ở xóm đó thì thuở ấy (1939) có Ông Chèo Đò ghé lại đây nói Đạo và giải rõ việc lúa bay:

          “Trời Phật dùng huyền diệu đem số lúa ấy về cất trong núi, để dành sau nầy đến kúc đói khổ, dân chúng có đó mà đỡ lòng”.

         

 

 

          Năm ấy chính tôi (soạn giả) có theo thân phụ làm ruộng ở Cái Sắn (Long Xuyên), đất giáp ranh với Điền Chủ Nhỏ (người Pháp) tôi có nghe tá điền trong đó kể lại:

          “Trong một đêm mà mấy lẫm (kho) lúa của ông Chủ Nhỏ, tự nhiên gió thổi dỡ ngói lúa bay đi hết. Nên biết, số lúa của mỗi lẫm có đến ba bốn chục ngàn giạ”

          ÂM HAO: Tin tức, nhưng âm hao ở đây là chỉ cho việc gạn hỏi, thăm dò Đạo lý.

          Trong Khuyến Thiện, Đức Thầy có nói:

                   “Nữ nam muốn rõ âm hao,

               Rán trau đức hạnh ngày sau sẽ tường”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn