Bài thứ bảy mươi mốt-> Bài thứ tám mươi

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 35395)
Bài thứ bảy mươi mốt-> Bài thứ tám mươi

Bài thứ bảy mươi mốt

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Rừng thông bên cạnh gần kề,

Bôn phi lê thứ nhiều bề gian nan.

Bắc kỳ còn hỡi hò khoan,

Chúng dân đi cấy reo vang ruộng đồng.

Thấy đời cũng luống động lòng,

Xứ quê nghèo cực muỗi mòng thiếu chi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          RỪNG THÔNG: Rừng trồng cây thông. Loại cây thân lớn và cao, thường mọc ở rừng đồi, lá nhỏ cứng.

          GẦN KỀ: Bên cạnh.

          BÔN PHI: Bôn: Chạy. Phi: Bay. Nghĩa bóng: Đây đó.

          LÊ THỨ: Như chữ Thứ dân. Những người cùng chung sống trong quả đất.

          GIAN NAN: Vất vả, khổ cực.

          BẮC KỲ: Miền Bắc nước Việt Nam.

          HÒ KHOAN: Tiếng hò sau câu hát để cùng làm một công việc nặng nhọc.

          CHÚNG DÂN: Chúng: Nhiều. Dân: Người dân. Nhiều người dân.

          ĐI CẤY: Cấy lúa. Miền Bắc đất hẹp người đông, nên công việc ruộng nương phải trải qua hai giai đoạn: Gieo mạ, sau đó khoảng 15 ngày mới nhổ lúa non (gọi là mạ), để chia thành tép nhỏ cặm xuống đất thành hàng. Gọi là cấy.

          LUỐNG ĐỘNG LÒNG: Thường bận tâm đến, nghe xao xuyến trong lòng.

          XỨ QUÊ NGHÈO CỰC: Nơi thôn dã, trình độ dân trí còn thấp kém. Người dân đa phần sống bằng nghề nông lạc hậu và làm mướn. Cho nên rất nghèo túng, cực khổ vất vả khôn cùng.

          MUỖI MÒNG: Hai loài chuyên hút máu con người và thú vật.

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Miền Bắc chuyên sống bằng nông nghiệp, vì đất hẹp người đông, cho nên người dân nơi thôn dã rất nghèo nàn cực khổ.

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Dạo miền thành thị một khi,

Chán chê thế sự sầu bi trong lòng.

Ca xang thảm cảnh não nồng,

Cả kêu dân chúng Lạc Hồng hỡi ơi !

Giống xưa Tiên cảnh tuyệt vời,

Ngày nay đã lạc đạo đời nhuốc nhơ.

Người hiền nghe thấu ngẩn ngơ,

Đớn đau sắp đến bơ vơ một mình.

Muốn xem được hội Long Đình,

Thì dân hãy rán sửa mình cho trơn.

Ở ăn cho vẹn mười ơn,

Cảnh tình hiền đức gặp cơn khải hoàn.

Gắng công khỏi buổi nghèo nàn,

Sum vầy một cuộc Hớn Đàng toại thay.

Người nào vẹn được thảo ngay,

Dựa kề cửa Thánh đài mây an nhàn.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          THÀNH THỊ: Chợ Tỉnh hay Thành phố. Nghĩa rộng: Nơi đô hội.

          THẾ SỰ: Thế: Đời. Sự: Việc. Nghĩa rộng: Những việc thường xảy ra ở đời.

          SẦU BI: Sầu: Buồn rầu. Bi: Thương xót. Buồn rầu đau xót.

          CA XANG: Như ca xướng. Nói chung về nghề ca hát.

          THẢM CẢNH: Cảnh đau xót, ảm đạm.

          NÃO NỒNG: Thê thảm, đau đớn.

          DÂN CHÚNG: Nhiều người cùng sống với nhau trong quả địa cầu.

          LẠC HỒNG: Còn gọi Hồng Lạc. Tức họ Hồng Bàng sanh ra Lạc Long Quân, vị vua đầu tiên của nước Việt Nam. Gọi chung Hồng Bàng và Lạc Long Quân là “Hồng Lạc”, Tổ Tiên của người Việt Nam.

          TIÊN CẢNH: Nơi Tiên ở.

          TUYỆT VỜI: Cực kỳ cao xa, tốt đẹp.

          LẠC: Rơi rụng.

          ĐẠO ĐỜI: Đạo: Con đường hợp với lẽ phải, bổn phận của mỗi người phải đền trả. Đời: Cõi thế gian mà mọi người đang sinh sống.

          NHUỐC NHƠ: Rơi vào chỗ thấp hèn, tội lỗi.

          NGƯỜI HIỀN: Nghĩa của chữ hiền nhân: Người có đạo đức, phẩm hạnh cao cả.

          NGẨN NGƠ: Rất đổi ngạc nhiên đến thừ người ra.

          BƠ VƠ: Một mình, không nơi nương tực.

          HỘI LONG ĐÌNH: Hội họp mặt Chúa tôi, ngày Long Hoa đại hội. Đánh dấu thời Thượng Nguơn Thánh Đức, chúa Thánh ra đời mở đầu một kỷ nguyên trong lý tam nguơn.

          SỬA MÌNH CHO TRƠN: Rán lo tu hành để trở thành người hiền lương đức hạnh.

          MƯỜI ƠN: Trong Phụ Mẫu Báo Hiếu Ân kinh, Đức Phật giảng như sau:

          1/-Lâm sản thọ khổ: Sanh đẻ chịu khổ.

          2/-Hoài đảm thủ hộ: Bồng bế giữ gìn.

          3/-Yến khổ thổ cam: Uống đắng nhả ngọt.

          4/-Di can tựu thấp: Dời chỗ khô đến chỗ ướt.

          5/-Sanh tử vong ưu: Sanh được con, mừng mà quên lo.

          6/-Tẩy trạc bất tịnh: Giặt rửa mọi thứ dơ bẩn.

          7/-Nhũ bộ dưỡng dục: Nuôi dưỡng bú mớm.

          8/-Vị tạo ác nghiệp: Vì con làm điều ác.

          9/-Viễn hành ức niệm: Con đi xa thì thương nhớ.

          10/-Cứu cánh lân mẫn: Thương yêu cùng tột.

          CẢNH TÌNH: Cảnh: Hình sắc có thể ngắm và thưởng thức. Tình: Mối cảm xúc trong lòng phát lộ ra ngoài.     Nghĩa rộng: Tình cảm được bộc lộ qua hành động hay tình cảnh của một người nào.

          HIỀN ĐỨC: Hiền: Tài giỏi, đức độ. Đức: Hạnh tốt. Có tài năng đức hạnh.

          KHẢI HOÀN: Khải: Thắng trận. Hoàn: Trở về. Thắng trận trở về. Nghĩa rộng: Hát hò mừng rỡ.

          SUM VẦY: Hiệp mặt, đoàn tụ.

          HỚN ĐÀNG: Hay Hớn Bang, một Quốc hiệu của nước Việt Nam, khi thời Thượng Nguơn khai mở (Theo quan điểm của Phật Giáo Hòa Hảo).

          THẢO NGAY: Hiếu thảo với cha mẹ, trung quân ái quốc. Nghĩa rộng: Trung hiếu lưỡng toàn.

          DỰA KỀ: Gần bên.

          CỬA THÁNH: Nơi dạy đạo Nho của Đức Khổng Tử. Nghĩa rộng: Trường dạy đạo Nho của các bậc Thánh hiền.

          ĐÀI MÂY: Đài: Kiến trúc cất trên cao, có thể nhìn khắp bốn phương. Mây: Nghĩa của vân. Nghĩa rộng: Đài trên mây, nơi các chư Tiên hội họp.

          AN NHÀN: Yên ổn, rảnh rang không vướng bận.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ thường đến miền Bắc để khuyến khích tu hành. Ngày Thượng nguơn khai mở chúa tôi trùng phùng, cũng là lúc mọi người hưởng hạnh phúc.

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Khuyên răn cuối xóm cùng làng,

Giàu sang nắm giữ của ngàn làm chi.

Việc đời nhiều nỗi sầu bi,

Hạ nguơn đã hết loạn ly cơ đồ.

Bây giờ còn hỡi mơ hồ,

Chẳng nghe dạy chỉ cơ đồ về sau.

Thử xem cho biết vàng thau,

Tình yêu sanh chúng chẳng nao tấc lòng.

Tu hiền như thể phụng rồng,

Mắt nhìn Tiên cảnh mây hồng toại thay.

Bây giờ rán chịu đắng cay,

Ngày sau mới biết mặt mày Khùng Điên.

Đạo đời nào có tư riêng,

Minh Vương sửa trị mới yên ngôi trời.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          KHUYÊN RĂN: Dạy bảo.

          CUỐI XÓM CÙNG LÀNG: Cuối xóm: Cuối Ấp, nơi gần. Cùng làng: Khắp trong Xã, chốn xa. Nghĩa rộng: Cùng khắp thôn làng. Khắp nơi trong địa phương nào đó.

          GIÀU SANG: Nghĩa của chữ Phú quí: Có của ăn của để. Nghĩa rộng: Có tiếng tăm địa vị trong xã hội.

          CỦA NGÀN: Của cải tiền bạc rất nhiều.

          SẦU BI: Sầu: Buồn lo. Bi: Thương xót. Lo lắng và thương xót.

          HẠ NGUƠN: Nguơn cuối cùng của Lý Tam Nguơn (Thượng thượng nguơn, Thượng trung nguơn, thượng hạ nguơn, Trung thượng nguơn, Trung trung nguơn, Trung hạ nguơn, Hạ thượng nguơn, Hạ trung nguơn và Hạ hạ nguơn).

          LOẠN LY: Loạn: Lộn xộn, chỉ khi có chiến tranh hay tai ách. Ly: Lìa. Nghĩa rộng: Tai ách và chiến tranh làm cho người thân phải chia cách nhau.

          CƠ ĐỒ: : Nền tảng. Đồ: Bức vẻ, bức họa đồ. Nghĩa rộng: Đất nước. Ngoài ra cũng có nghĩa: Sự nghiệp vững chắc.

          VÀNG THAU: Vàng và thau là hai thứ kim loại. Vàng: Rất quí, thường được dùg để giao dịch ngang hàng với tiền tệ. Thau: Không có giá trị bằng vàng, thường dùng vào việc luyện kim, đúc ra các đồ gia dụng. Nghĩa rộng: Quí báu (giá) và thông thường.

          SANH CHÚNG: Còn gọi chúng sanh. Mọi người cùng sinh sống trong quả đất.

          PHỤNG RỒNG: Hai trong tứ linh thuộc họ bay (Long, Lân, Qui, Phụng). Nghĩa bóng: Có Rồng và Phụng tức sẽ có Thánh nhân hay Thánh Chúa ra đời.

          TIÊN CẢNH: Cõi Tiên, nơi Tiên ở.

          MÂY HỒNG: Mây màu đỏ. Tượng trưng cho niềm hy vọng tốt lành. Nghĩa rộng: Điềm lành.

          ĐẮNG CAY: Hai vật làm thấm tê đầu lưỡi, như mật đắng, ớt cay. Nghĩa rộng: Nhiều nỗi tai tiếng.

          KHÙNG ĐIÊN: Danh xưng khiêm nhượng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

          ĐẠO ĐỜI: (Xem phần trước).

          MINH VƯƠNG: Ông vua sáng suốt.

          SỬA TRỊ: Chỉnh đốn, làm cho trở nên yên ổn, tốt đẹp hơn.

          YÊN: An ổn.

          NGÔI TRỜI: Ý nói nhà vua thay trời hành đạo.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ cảnh báo đời Hạ Nguơn sắp kết thúc để lập lại Thượng Nguơn. Hãy cố gắng tu hành để được có mặt Long Hoa đại hội, trở thành người hiền phò chơn chúa.

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Xa xăm các chỗ các nơi,

Đâu đâu cũng rán nghe lời tiên tri.

Kẻ hung ngạo nghễ khinh khi,

Nữa sau đến việc sầu bi nhiều bề.

Tớ Thầy non núi dựa kề,

Cũng tìm am cốc liệu bề dạy khuyên.

Quyết lòng rửa sạch tiền khiên,

Ra oai ra lực hùng yêng mới là.

Bây giờ còn liệu tây tà,

Cho nên đạo đức khó mà cạn phân.

Nam thiền báu ngọc châu trân,

Phật Tiên phân định tấm thân mới nhàn.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          XA XĂM: Xa lắm, rất xa.

          TIÊN TRI: Tiên: Trước. Tri: Biết. Biết trước. Có thể hiểu theo hai nghĩa: 1- Hiểu mau, giải thích mau hơn những người khác. 2- Có năng khiếu để biết tương lai.

          NGẠO NGHỄ: Ngạo mạn, xem thường người khác.

          KHINH KHI: Coi nhẹ. Nghĩa rộng: Khi dễ ra mặt.

          SẦU BI: (Xem phần trước).

          AM CỐC: Am: Cái nhà lợp bằng tranh nhỏ để thờ phượng. Cốc: Cái hang, lỗ sâu. Nơi các nhà tu hành thường mượn cảnh để ở tu.

          LIỆU BỀ: Tính cách nào cho toàn vẹn. Nghĩa rộng: Lo toan.

          DẠY KHUYÊN: Dỗ dành, khuyến khích.

          TIỀN KHIÊN: Tiền: Trước. Khiên: Lỗi lầm. Nghĩa rộng: Những lỗi lầm mà trước kia đã gây ra.

          HÙNG YÊNG: Còn gọi hùng anh. Hùng: Mạnh mẽ, tài sức hơn người. Yêng: Cái gì tốt đẹp nhứt trong các loài hoa. Nghĩa rộng: Tài đức hơn người, mạnh mẽ trí lược hơn người.

          TÂY TÀ: Tây: Phương tây. Ngoài ra chữ Tây cũng có nghĩa riêng tư. “Việc công là trọng, niềm tây sá nào”(Chinh phụ ngâm). : Không ngay thẳng, gọi chung các loài yêu ma quỉ quái.

          ĐẠO ĐỨC: (Xem phần trước).

          CẠN PHÂN: Nói hết lời, phân bày rõ ràng minh bạch.

          NAM THIỀN: (Xem phần trước).

          BÁU NGỌC CHÂU TRÂN: Ngọc quí và ngọc trai quí. Nghĩa rộng: Hết sức tốt đẹp. Hết sức sâu xa mầu nhiệm.

          PHẬT TIÊN: Phật: Nói cho đủ là Phật Đà. Do câu “Phật giả Phật Đà chi tỉnh xưng, thị giác ngộ tự tâm, đạt đáo viên mãn. Giả chi đức hiệu” (Chữ Phật nói cho đủ là Phật Đà, bậc đã hoàn toàn giác ngộ tự tâm. Đó chính là danh hiệu của Ngài). Tiên: Người tu trên núi, có phép thuật. Cốt tu cho được trường sanh bất lão. Hai ngôi vị trong quả Phật Tiên.

          TẤM THÂN MỚI NHÀN: Tâm hồn và thể chất được thanh thản, không còn bị ngoại cảnh chi phối. Quan niệm về chữ Nhàn, cụ Nguyễn Công Trứ trong bài “Kẻ sĩ”, ông đã viết: “Thị tại môn tiền náo, Nguyệt lai môn hạ nhàn” (Chợ trước cửa nhà thì ồn ào, Trăng rọi trước nhà thì nhàn).

          Chúng tôi xin chiết tự hai câu trên, để thấy tài dùng chữ của cụ Nguyễn Công Trứ:

          -Câu “Thị tại môn tiền Náo”: Chữ Môn tượng trưng cho cái nhà. Chữ Thị là chợ. Trước cửa nhà có cái chợ thì phải ồn ào náo nhiệt (chữ Náo).

          -Câu “Nguyệt lai môn hạ Nhàn”: Chữ Môn tượng trưng cho cái cửa nhà. Chữ Nguyệt tượng trưng mặt trăng. Trước cửa nhà có ánh trăng rọi đến, khiến phong cảnh trở nên nhàn nhã (chữ Nhàn).

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Bước chân của Đức Huỳnh Giáo Chủ dạo khắp miền đất nước, để khuyến khích mọi người tu hành, trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội.

 

Bài thứ bảy mươi hai

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Duyên sự đê mê cảnh Hớn Đàng,

                   Lần dò cho thấu nẻo Tiên bang.

                   Xuê xang mấy kiểng nhìn sương gió,

                   Lòn cúi chờ trông lúc khải hoàn.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-DUYÊN SỰ: Duyên: Mối liên lạc từ kiếp nầy lưu lại kiếp sau. Sự: Việc. Nghĩa rộng: Những mối liên hệ ràng buộc giữa người nầy với người khác.

          ĐÊ MÊ: Mê mẩn.

          CẢNH: Hình sắc có thể ngắm và thưởng thức.

          HỚN ĐÀNG: Theo quan điểm Phật Giáo Hòa Hảo, ngày Thượng Nguơn khai lập, Đức Minh Chúa ra đời trị chúng, lúc bấy giờ quốc hiệu của nước là Hớn Đàng, Hớn Bang.

          *Tóm lược ý câu “Duyên sự đê mê cảnh Hớn Đàng”: Chờ đợi cho chóng đến ngày Thượng Nguơn khai lập.

          2/-LẦN DÒ CHO THẤU: Tìm hiểu một cách đích xác.

          NẺO: Lối đi, đường đi.

          TIÊN BANG: Nước Tiên, nơi Tiên ở.

          *Tóm lược ý câu “Lần dò cho thấu nẻo Tiên bang”: Rán tu hành để được xem cảnh Tiên sau ngày lập hội Long Hoa.

3/-XUÊ XANG: Xinh tốt, sang trọng.

MẤY KIỂNG: Còn gọi mấy cảnh. Những hình sắc có thể ngắm và thưởng thức

NHÌN SƯƠNG GIÓ: Cảnh ngoài trời có sương rơi và gió thổi. Nghĩa rộng: Ung dung, thong thả.

*Tóm lược ý câu “Xuê xang mấy kiểng nhìn sương gió”: Ngày đó sẽ được thung dung tự tại.

4/-LÒN CÚI CHỜ TRÔNG: Lòn cúi: Lách mình qua, cúi thấp xuống. Nghĩa rộng: Nép mình chịu đựng. Chờ trông: Đợi một việc gì. Nghĩa bóng: Ẩn nhẫn để chờ ngày tháo cũi xổ lồng.

LÚC: Khi nào đó. Dịp nào đó.

KHẢI HOÀN: Khải: Vui mừng. Hát mừng thắng trận. Hoàn: Trở lại. Nghĩa rộng: Hát khúc khải hoàn khi chiến thắng trở lại triều ca.

*Tóm lược ý câu “Lòn cúi chờ trông lúc khải hoàn”: Hãy ẩn nhẫn chờ cho đến ngày thành công kết quả mỹ mãn.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Khi đời Thượng Nguơn lập lại, người tu sẽ được ung dung tự tại và thấy được Phật Tiên Thánh cùng chung cảnh giới.

Bài thứ bảy mươi ba

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Mê man danh lợi cõi hồng trần,

                   Có một hội nầy lập lấy thân.

                   Nếu để trễ chầy e chẳng kịp,

                   Khuyên ai khuya sớm rán chuyên cần.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-MÊ MAN: : Rối trí. Man: Mờ mịt. Trí não rối loạn nên không còn hay biết điều gì.

          DANH LỢI: Danh: Tiếng tăm địa vị trong xã hội. Lợi: Cái có ích mang lại. Công danh và lợi lộc.

          CÕI: Nơi, vùng, khu.

          HỒNG TRẦN: Hồng: Màu đỏ. Trần: Bụi bặm. Bụi đỏ. Cõi đời đầy bụi bặm nhớp nhơ. Nghĩa rộng: Cõi chúng ta đang sinh sống.

          *Tóm lược ý câu “Mê man danh lợi cõi hồng trần”: Chúng sanh sống trong thế gian thường đua đòi theo danh lợi, làm cho tâm trí bị mê tối.

          2/-CÓ MỘT HỘI NẦY: Tức hội Long Hoa hay hội Long Đình (Hội tôi chúa trùng phùng) để định công phạt tội: Đức Huỳnh Giáo Chủ:

“Muốn xem được hội Long Đình,

Thì dân hãy rán sửa mình cho trơn”.

          LẬP LẤY THÂN: Cố gắng tu hành để có đầy đủ công đức, hầu có mặt tại Long Hoa đại hội.

          *Tóm lược ý câu “Có một hội nầy lập lấy thân”: Cố gắng tu hành để có đầy đủ công đức hầu dự Long Hoa đại hội, vì dịp nầy là cơ hội duy nhứt cho chúng sanh giải thoát cảnh thế gian, đầy nhớp nhơ đau khổ.

          3/-NẾU ĐỂ TRỄ CHẦY: Nếu chậm trễ thì cơ hội may mắn duy nhứt sẽ đi qua.

          E CHẲNG KỊP: Sợ rằng chẳng còn có thời gian nữa.

          *Tóm lược ý câu “Nếu để trễ chầy e chẳng kịp”: Nếu không nhứt quyết tu hành, thì không còn kịp đến ngày Thượng nguơn tái lập.

          4/-KHUYÊN AI KHUYA SỚM: Khuyến khích người nào đó ngày đêm làm việc (tu hành).

          GẮNG CHUYÊN CẦN: Siêng năng cần mẫn để làm việc (tu hành).

          *Tóm lược ý câu “Khuyên ai khuya sớm gắng chuyên cần”: Khuyến khích mọi người ngày đêm siêng năng, cần mẫn lo tu tập, để có đầy đủ công đức dự hội Long Hoa.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Chúng sanh sống cõi thế gian thường đeo đắm theo danh, lợi, tình, thế nên Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyến tấn tu hành để giải thoát cảnh nhớp nhơ đau khổ. Hầu có mặt ngày Long Hoa đại hội sắp khai.

 

Bài thứ bảy mươi bốn

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Huyền vi cơ đạo kiến linh kỳ,

                   Tự thán dương trần tốc kham bi.

                   Vô vị phi liên tâm phế kỷ,

                   Điểm hồng nê địa tự thiên chi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-HUYỀN VI: Huyền: Sâu xa, kín đáo. Vi: Nhỏ nhặt. Nghĩa rộng: Sự mầu nhiệm của Trời đất.

          CƠ ĐẠO: : Nền móng. Đạo: Đường lối thích hợp với lẽ phải, bổn phận phải tuân thủ. Nghĩa rộng: Căn bản của Đạo Phật.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          LINH KỲ: Linh: Thiêng liêng, ứng nghiệm. Kỳ: Lạ lùng. Nghĩa rộng: Thiêng liêng ứng nghiệm lạ lùng.

          *Tóm lược ý câu “Huyền vi cơ đạo kiến linh kỳ”: Căn bản của Phật Giáo rất là sâu xa huyền diệu.

          2/-TỰ THÁN: Tự: Chính mình. Thán: Than thở. Nghĩa rộng: Than thở lấy một mình.

          DƯƠNG TRẦN: Dương: Cõi dương. Trần: Bụi bặm. Nghĩa rộng: Cõi đời hay cõi thế gian đầy bụi bặm.

          TỐC: Mau, gắp.

          KHAM BI: Kham: Chịu đựng. Bi: Thương xót. Nghĩa rộng: Kiên nhẫn để chịu đựng những điều thương cảm.

          *Tóm lược ý câu “Tự thán dương trần tốc kham bi”: Tự dặn lòng mình rán chịu đựng những nghịch cảnh trái ngang.

          3/-VÔ VỊ: : Không. Vị: Mùi vị. Không có mùi vị. Nghĩa rộng: Không có ý nghĩa gì cả.

          PHI LIÊN: Phi: Chẳng phải. Liên: Nối liền, hợp lại. Nghĩa rộng: Không được nối kết, liên tục.

          TÂM: Lòng.

          PHẾ KỶ: Phế: Bỏ. Kỷ: Mấy. Nghĩa rộng: Nhiều lần không nhìn nhận, chấp nhận.

          *Tóm lược ý câu “Vô vị phi liên tâm phế kỷ”: Những việc không quan trọng mà lòng cứ nghĩ ngợi đến.

          4/-ĐIỂM HỒNG: Điểm: Chấm, tô. Hồng: Sắc đỏ. Nghĩa rộng: Cảnh vật (sắc) màu đỏ.

          NÊ ĐỊA: : Bùn. Địa: Đất. Đất bùn. Nghĩa bóng: Chỗ thấp hèn nhơ nhớp.

          TỰ: Bởi vì, từ đó.

          THIÊN CHI: Thiên: Dời đi từ nơi nầy đến nơi khác. Chi: Phân chia, cầm giữ. Nghĩa rộng: Chủ động di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác.

          *Tóm lược ý câu “Điểm hồng nê địa tự thiên chi”: Những sắc thể ở cõi thế gian không thể tồn tại.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Cuộc biến vi thương hải tại thế gian, mà Tạo hóa đã định phần không thể thay đổi.

 

Bài thứ bảy mươi lăm

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Chừng nào thấy được phụng hoàng,

Rồng chầu chớp nhoáng Hớn Đàng hiển vinh.

Sớm chiều rèn đúc kỉnh tinh,

Ngày sau mới thấy phép linh của trời.

Ai ai cũng ở trong đời,

Chốn nào không đạo là đời vô liêm.

Xét suy cho cạn cổ kim,

Hết tâm bền chí rạch tim xem nhìn.

Ta đây ưa ghét mặc tình,

Dương gian cứ mãi chống kình làm chi.

Chừng nào Thượng cổ hồi qui,

Thế trần mới hết khinh khi Phật trời.

Tu hành đạo đức rao mời,

Như người ngu dại với đời loạn ly.

Ở sao cho biết tôn ti,

Dể ngươi Phật Thánh sầu bi mãn đời.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          CHỪNG NÀO THẤY ĐƯỢC PHỤNG HOÀNG: Phụng Hoàng: Cũng gọi Phượng hoàng: Một loài chim (linh điểu). Con trống là Phụng, con mái gọi là Hoàng. Phụng Hoàng là giống chim đem lại điềm lành cho mọi người. Khi nào phụng hoàng xuất hiện, thì có Thánh nhân ra đời. Ngoài ra, phụng hoàng cũng liệt vào bốn con vật linh (Long, Lân, Qui, Phụng).Nghĩa bóng: Điềm lành ắt có Thánh nhân, Thánh chúa xuất hiện, Đức Huỳnh Giáo Chủ:

                   “Chừng trần gian kiến thấy phụng hoàng,

                          Xòe cánh múa chào mừng Phật Thánh”.

          (Câu nầy nguyên văn là “Xòe cánh múa chào mừng chúa Thánh” nhưng khi xin xuất bản, nhà cầm quyền người Pháp buộc phải sửa chữ Chúa Thánh thành chữ Phật Thánh).

          CHỚP NHOÁNG: Sáng lòa như ánh điện lóe lên.

          HỚN ĐÀNG: (Xem phần trước).

          HIỂN VINH: Vẻ vang.

          RÈN ĐÚC: Luyện với lửa để làm nên vật dụng gì. Nghĩa bóng: Luyện tập đến thuần thục.

          KỈNH TINH: Kỉnh: Tôn trọng. Tinh: Chân thành. Nghĩa rộng: Hết lòng kỉnh trọng, tôn sùng.

          PHÉP LINH: Phép: Thuật riêng của Thần Tiên. Linh: Ứng nghiệm, thiêng liêng.

          CHỐN NÀO KHÔNG ĐẠO: Nơi nào không có luân thường đạo lý.

          LÀ ĐỜI VÔ LIÊM: Tức là xã hội sẽ biến thành một chiến trường tranh đấu. Không có kỷ cương, luật pháp, tôn ti trật tự bị đảo lộn. Con người biến chất, vô liêm sỉ.

          CỔ KIM: Xưa và nay.

          HẾT TÂM BỀN CHÍ: Quyết tâm cố gắng để đạt được mục đích.

          RẠCH TIM: Rạch: Chia, phân. “Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà”(Nguyễn Du). Tim: Tâm. Nghĩa bóng: Nhận định một cách rõ ràng, chính xác.

          DƯƠNG GIAN: Dương: Cõi dương. Gian: Khoảng giữa. Nghĩa rộng: Nơi chúng sanh đang sinh sống.

          CHỐNG KÌNH: Chống báng, đối lập. Nghĩa rộng: Không nhượng bộ.

          THƯỢNG CỔ: Còn gọi Thượng Nguơn. Nguơn đầu trong Lý Tam Nguơn: (Thượng thượng nguơn, Thượng trung nguơn. Thượng hạ nguơn. Trung thượng nguơn, Trung trung nguơn, Trung hạ nguơn, Hạ thượng nguơn, Hạ trung ngươn, Hạ hạ nguơn).

          HỒI QUI: Hồi: Trở lại. Qui: Về.

          THẾ TRẦN: Thế: Đời. Trần: Bụi bặm. Cõi đời đầy bụi bặm nhớp nhơ.

          KHINH KHI: Xem thường ra mặt.

          TU HÀNH: Tu: Sửa đổi. Hành: Làm. Nghĩa rộng: Sửa sang, chỉnh đốn lại cho tốt đẹp hơn.

          ĐẠO ĐỨC: (Xem phần trước).

          RAO MỜI: Quảng bá và khuyến khích.

          NHƯ NGƯỜI NGU DẠI VỚI ĐỜI LOẠN LY: Gặp cảnh chiến tranh gây ra cảnh chia lìa, thường những người dốt nát, dại khờ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Bởi vì họ kém mở mang dân trí, không lường trước sự việc sắp xảy ra. Cho nên nói đến họ là nói đến những gì cần phải khắc phục, khó an vui hạnh phúc.

          TÔN TI: Cao thấp, sang hèn.

          DỂ NGƯƠI: Xem thường, khinh mạn.

          PHẬT THÁNH: Phật: (Xem phần trước). Thánh: Bậc “sanh nhi tri” không học mà biết. Người tài đức và phẩm hạnh cao cả. Hai ngôi vị trong hàng Phật Thánh.

          SẦU BI: Sầu: Buồn rầu. Bi: Thương xót. Lo lắng và thương xót.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Chừng nào thấy được phụng hoàng, tức là ngày Chúa Thánh ra đời khai lập hội Long Hoa, đánh dấu một thời đại Thượng Ngươn Thánh đức.

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Khùng điên ẩn nhẫn tùy thời,

Có cơn giả dạng dắt đời Hạ nguơn.

Mặc tình ai nói thiệt hơn,

Thấp cao tai tiếng làm ơn cho đời.

Luân phiên Thầy tớ tách vời.

Chẳng nài lao lý miễn đời bình an.

Tiếng đàn hò líu cống xang,

Đêm khuya khuyên nhủ khắp tràng chúng sanh.

Buổi nầy nhằm lúc vắng thanh,

Lời ta khuyên nhủ như cành ghẹo chim.

Trau giồi đúng bực thanh liêm,

Nửa sau mới biết thành kim đền đài.

Việc đời nhiều lúc khôi hài,

Quyết lòng cho thế một bài học hay.

Chuyển miền Nam địa lung lay,

Nam Trung cùng Bắc một tay giáo đời.

Thiếu ai mà bị réo mời,

Đầu trên xóm dưới thỉnh mời liên thinh.

Trớ trêu phải mượn kệ kinh,

Mặc tình dân sự biện minh lẽ nào.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          KHÙNG ĐIÊN: (Xem phần trước).

          ẨN NHẪN: Ẩn: Che giấu. Nhẫn: Bền chí. Nghĩa rộng: Nhẫn nại giấu mình không để ai biết đến.

          CÓ CƠN GIẢ DẠNG: Hành tung như người không bình thường, hoặc giả dạng như người bị tâm thần.

          HẠ NGUƠN: (Xem phần trước).

          TAI TIẾNG: Biếm nhẻ, đặt điều nói không đúng sự thật.

          LUÂN PHIÊN: Thay đổi.

          THẦY TỚ: (Xem phần trước).

          TÁCH VỜI: Lìa khỏi chỗ nào đó. Nghĩa rộng: Ra đi.

          NÀI: Từ chối, nề hà. “Dẫu rằng uống nước ăn rau chớ nài” (Nhị Độ Mai).

          LAO LÝ: Mệt nhọc vì phải đi xa hay mắc trong vòng tù tội.

          BÌNH AN: Bình: Bằng phẳng. An: Yên ổn. Không có việc gì xảy ra.

          TIẾNG ĐỜN HÒ LÍU CỐNG XANG: Tiếng đờn: Âm thanh phát ra từ cây đàn. Hò: Một điệu hát bình dân, có âm tiết đơn giản. Líu cống xang: Tức ba trong năm cung bậc: (Xự, Xang, Xê, Cống, Líu). Nghĩa bóng: Lời giảng kệ thâm trầm.

          KHUYÊN NHỦ: Dạy bảo, khuyến dụ.

          CHÚNG SANH: (Xem phần trước).

          VẮNG THANH: Vắng vẻ, yên tĩnh. Nghĩa rộng: Trời trong mây tạnh.

          LỜI TA KHUYÊN ĐÓ: Lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên bảo về một vấn đề nào đó.

          NHƯ CÀNH GHẸO CHIM: Cành cây nào cũng hấp dẫn để cho loài chim nghỉ cánh. Nghĩa bóng: Lời pháp giáo của Đức Huỳnh Giáo Chủ rất thích hợp với mọi căn cơ trình độ của chúng sanh, nhứt là đúng chỗ đúng lúc.

          TRAU GIỒI: Làm cho tốt hơn.

          THANH LIÊM: Thanh: Trong sạch. Liêm: Tinh khiết, không tham lam. Nghĩa rộng: Trong sạch không ham của người.

          THÀNH KIM ĐỀN VÀNG: Cung điện, đền đài bằng vàng. Nghĩa bóng: Nơi vua ngự.

          KHÔI HÀI: Khôi: Đùa bỡn. Hài: Nói đùa. Nghĩa rộng: Lời nói đùa cợt, trò đùa.

          CHO THẾ: Cho đời. Nghĩa rộng: Cho mọi người cùng sinh sống trong trái đất.

          MỘT BÀI HỌC HAY: Lời vàng tiếng ngọc. Những tấm gương trung hiếu lưỡng toàn…Đó là những bài học hữu ích để chúng ta lấy đó làm gương.

          MIỀN NAM ĐỊA: Đất miền Nam Việt Nam.

          LUNG LAY: Rung chuyển.

          NAM TRUNG CÙNG BẮC: Chỉ chung ba miền của nước Việt Nam: Bắc Kỳ (Bắc Bộ, Bắc Phần), Trung Kỳ (Trung Phần) và Nam Kỳ (Nam Phần).

          MỘT TAY GIÁO ĐỜI: Một mình Đức Huỳnh Giáo Chủ, đi khắp nước Việt Nam để khuyến khích tu hành.

          THIẾU AI: Vắng mặt người nào đó, kêu mời một ai đó.

          RÉO MỜI: Kêu gọi, mời mọc.

          ĐẦU TRÊN XÓM DƯỚI: Khắp cùng cả làng xóm. Nghĩa bóng: Hết thảy mọi giới, mọi người.

          THỈNH MỜI: Cung nghinh, mời mọc.

          LIÊN THINH: Liền tiếng.

          TRỚ TRÊU: Đùa bỡn. Nghĩa rộng: Dối gạt người một cách lắc léo.

          KỆ KINH: Kệ: Một thể văn trong Kinh Phật. Thường cứ một thiên kinh, lại có một bài kệ để tán tụng, diễn dịch ý trong bài văn đó. Nghĩa rộng: Những lời của chư Phật được ghi lại, gọi chung là sách của Tôn giáo.

          DÂN SỰ: Việc thuộc về dân, có tính cách dân chúng.

          BIỆN MINH: Biện: Tranh luận, bàn cãi. Minh: Rõ ràng. Nghĩa rộng: Tranh luận để cho rõ lý lẽ.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng lắm lần giả dạng Khùng Điên, để dễ bề vân du giáo hóa, cứu độ chúng sanh.

Bài thứ bảy mươi sáu

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Thâm trầm đạo đức quá thanh thao,

                   Rừng rú kệ kinh cắt khoen vào.

                   Rước đưa sanh chúng rời bể ái,

                   Thử thét cho cùng cạn thấp cao.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          THÂM TRẦM: Sâu xa, kín đáo. Trái với nông nổi.

          ĐẠO ĐỨC: (Xem phần trước).

          THANH THAO: Thanh nhã, cao thượng.

          RỪNG RÚ KỆ KINH: Sách của chư Phật nhiều như cây rừng. “Rừng Nhu bể Thánh”.

          CẮT KHOEN RÀO: Làm cho đứt lìa đi. Nghĩa bóng: Mở cửa để vào đạo hay mở rộng nền đạo ra khắp mọi nơi.

          SANH CHÚNG: (Xem phần trước).

          BỂ ÁI: Lòng yêu thương, sự yêu đương của chúng sanh ví như biển cả. Nghĩa rộng: Sự ái dục lớn lao.

          THỬ THÉT CHO CÙNG: Hãy vạch một con đường duy nhứt.

          THẤP CAO: Thấp: Kém. Cao: Hơn. Nghĩa rộng: Thiếu kém tài đức hay hơn hẳn.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

Lời dạy của chư Phật, kinh sách của chư Phật, để lại không thể nào đếm được.

 

Bài thứ bảy mươi bảy

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Liên lụy trần mê bể ái hà,

                   Bỗng xuất thoàn tình mượn thi ca.

                   Thể thống Thần Tiên kiên bế chí,

                   Tương đồng sanh chúng gội Ma ha.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          LIÊN LỤY: Liên: Nối liền. Lụy: Ràng buộc, vương vấn. Nghĩa rộng: Làm ảnh hưởng đến người khác.

          TRẦN MÊ: Trần: Bụi bặm. : Rối loạn. Nghĩa rộng: Mất khả năng nhận biết.

          BỂ ÁI HÀ: (Xem phần trước)

          BỖNG XUẤT: Tự nhiên hiện ra trước mặt.

          THOÀN TÌNH: Thoàn: Thuyền. Tình: Những mối cảm xúc trong lòng phát ra ngoài. Nghĩa rộng: Mối cảm xúc trong lòng ví như chiếc thuyền chở được tình cảm.

          THI CA: Thi: Thơ văn. Ca: Những lời có vần, có điệu. Có thể ngâm hay hát được.

          THỂ THỐNG: Thể: Cách thức. Thống: Nối tiếp nhau. Nghĩa rộng: Đúng cách thức, qui củ.

          THẦN TIÊN: (Xem phần trước).

          KIÊN: Cứng, vững bền.

          BẾ CHÍ: Bế: Đóng, giấu kín. Chí: Điều hướng đến của tâm.

          TƯƠNG ĐỒNG: Cùng giống nhau.

          SANH CHÚNG: (Xem phần trước).

          MA HA: Phiên âm Phạn ngữ (Mâha), dịch nghĩa: Rộng lớn. Nói đến Ma ha tức là nói đến đại đạo.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng tác thi văn để khuyến khích mọi người tìm nguồn đại đạo, nối chí theo các bậc hiền nhơn Thánh đức.

 

Bài thứ bảy mươi tám

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Si lung á giá tọa phú hào

                   Tiên kiến hậu hiền quí kỷ cao

                   Thố tử hồ bi ghi chí hứng,

                   Đại đồng đạo cả khắp trùm bao.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          SI LUNG: Si: Mê muội. Lung: Cái lồng, sự ràng buộc. Nghĩa rộng: Vô minh ví như chiếc lồng trói buộc.

          Á GIÁ: Á: Không nói thành tiếng. Giá: Đổ họa cho người. Nghĩa rộng: Ghét hại người một cách âm thầm.

          TỌA: Ngồi.

          PHÚ HÀO: Phú: Giàu sang. Hào: Thế lực. Nghĩa rộng: Có tiếng tăm địa vị trong xã hội.

          TIÊN KIẾN: Tiên: Trước. Kiến: Thấy. Nghĩa rộng: Đã dự kiến trước việc sắp xảy ra.

          HẬU HIỀN: Hậu: Sau. Hiền: Người có tài năng đức hạnh.

          Người chết được làng lập đền thờ gọi là “Tiên Hiền”. Người đang còn sống gọi là “Hậu Hiền”.

          QUÍ KỶ CAO: Quí: Địa vị cao sang. Kỷ: Năm, tuổi. Cao: Trên, lớn. Nghĩa rộng: Tên tuổi, địa vị cao sang trong xã hội.

          THỐ TỬ HỒ BI: Thố: Con thỏ. Tử: Chết. Hồ: Con chồn. Bi: Thương xót. Con thỏ chết, chồn thương tiếc. Nghĩa rộng: Con vật còn biết thương đồng loại.

          GHI: Biên chép.

          CHÍ HỨNG: Chí: Điều hướng đến của tâm. Hứng: Còn gọi hướng: Nghĩ về việc gì đó, nơi nào đó. Nghĩa rộng: Quyết định theo đuổi một công việc gì. Hướng về một ngã nào.

          ĐẠI ĐỒNG: Đại: Lớn, khắp nơi. Đồng: Như nhau. Nghĩa rộng: Nói đến một thế giới mà mọi người đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp hay màu da sắc tộc.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Cho dù có giàu sang phú quí hay thế lực mạnh mẽ đến đâu, cũng phải chịu dưới sự chi phối của tạo hóa. Chỉ có con đường tu hành giải thoát, mới có cuộc sống tự tại, mọi người đều bình đẳng trong cộng đồng xã hội.

 

Bài thứ bảy mươi chín

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Toan ly bể khổ, khổ tới à !

                   Dân sự an nhàn sướng dữ a.

                   Ta mảng lòng lo gìn sanh chúng,

                   Gội nhuần ân đức vịnh phong ca.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          TOAN LY BỂ KHỔ: Chuẩn bị để thoát ra khỏi cảnh khổ, rộng lớn ví như bể cả. Nghĩa bóng: Cố gắng tu hành giải thoát, để thoát ra cảnh khổ.

          DÂN SỰ: (Xem phần trước).

          AN NHÀN: Yên ổn, rảnh rang. Nghĩa rộng: không vướng bận, ràng buộc.

          SANH CHÚNG: (Xem phần trước).

          GỘI NHUẦN: Lan tỏa khắp nơi.

          ÂN ĐỨC: Ân: Ơn. Đức: Tâm lành. Ăn ở hợp với đạo lý. Nghĩa rộng: Hay làm ơn cho kẻ khác với tấm lòng nhơn hậu.

          VỊNH: Ca hát. Nghĩa rộng: Sáng tác thơ văn.

          PHONG CA: Các câu hát về tập tục cũng gọi là phong. Ví dụ: Phong dao (những câu vận văn nói về phong tục tập quán). Ca: Hát. Nghĩa rộng: Nói về những tập quán, phong tục của con người.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ dùng văn thơ để nhắc nhở mọi người phải giữ phong hóa nước nhà.

 

Bài thứ tám mươi

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

                  

Ma ha thoàn nhỏ dọn rồi đa,

                   Chèo lái trương buồm chớ thả trôi.

                   Bến giác bờ mê, mê phải tránh,

                   Ly biệt hồng trần hỡi ai ôi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          MA HA: Phiên âm Phạn ngữ: Mâha, dịch nghĩa: Rộng lớn. Sự lớn rộng ví như hư không. Nói đến Ma ha tức là nói đến đại đạo.

          THOÀN NHỎ: Chiếc ghe nhỏ, làm phương tiện giao thông đường thủy. Nghĩa bóng: Nguồn Giáo pháp ví như chiếc ghe, có thể đưa người qua sông.

          MA HA THOÀN NHỎ: Nguồn đại đạo ví như chiếc thuyền, có công năng đưa người từ bờ mê, sang qua bến giác.

          CHÈO LÁI TRƯƠNG BUỒM: Người điều khiển tay lái của chiếc ghe, thả cánh buồm bọc gió, để cho thuyền đi nhanh hơn. Nghĩa bóng: Gặp nguồn đại đạo thì phải cố gắng tu tập tin tấn (?), để trở thành người đức hạnh.

          CHỚ THẢ TRÔI: Không chèo, không trương buồm, tất nhiên chiếc ghe chẳng tiến tới được. Nghĩa bóng: Không tin tấn (?) tu hành, thường bị giải đãi.

          BẾN GIÁC BỜ MÊ: Bến giác: Do chữ Giác ngạn: Tức bờ giải thoát của chư Phật. Bờ mê: Tức bến mê tân của chúng sanh. Nghĩa bóng: Giải thoát và còn sanh tử luân hồi.

          MÊ PHẢI TRÁNH: Cố gắng tu hành để được giải thoát, tránh ra được sự trói buộc của kiếp nhân gian.

          LY BIỆT: Ly: Chia lìa. Biệt: Chia cắt. Nghĩa rộng: Xa cách.

          HỒNG TRẦN: Hồng: Màu đỏ, sắc đỏ. Trần: Bụi bặm. Bụi đỏ. Nghĩa rộng: Ý nói cõi thế gian đầy bụi bặm nhớp nhơ.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Muốn xa lánh hồng trần đầy nhớp nhơ khổ sở, thì phải cố gắng tin tấn (?) tu hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn