IV.- ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 47467)
IV.- ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI

CHÁNH VĂN

          ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI : Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung quanh, và cái niên kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ nhõi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.

          Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng: ta đồng hưởng với họ. Hoạn nạn: họ cùng chịu với ta.

          Họ và ta cùng một màu da, cùng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một: ấy Quốc-Gia đó. Họ là ai ? Tức những người ta thường gọi bằng đồng-bào vậy.

          Đồng-bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch-sử vẻ-vang oanh-liệt, cùng tương-trợ lẫn nhau trong cơn nguy-biến, cùng chung phận-sự đào-tạo một tương-lai rực-rỡ trong bước tiền-đồ của giang-san đất nước. Đồng-bào ta và ta có một liên-quan mật-thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau, và chẳng khi nào có ta mà không có đồng-bào, hay có đồng-bào mà không có ta. Thế nên, ta phải rán giúp đỡ họ hầu đáp-đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.

          Chẳng những thế thôi, ngoài đồng-bào, ta còn có thế-giới người đang cặm cụi cần lao cung cấp những điều nhu-cầu cần-thiết. Họ là nhân-loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa-cầu. Nếu không có nhân loại, thử hỏi dân-tộc ta ra như thế nào ? Ta có đủ vật-liệu để dùng chăng ? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng ? Nói tóm lại, ta có thể lẻ-loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn, với những lúc ốm đau, nguy biến, giữ vững cuộc sống còn này chăng ? Hẳn không vậy. Thế nên dân-tộc ta phải nhờ đến Nhân-loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình.

          Vả lại cái tình từ-bi bác-ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm huyền quảng huợt. Cái tính ấy, nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn và xoá bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội, mà chỉ đặt vào một: Nhân Loại Chúng Sanh.

          Thế, ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng-bào mình gây ra tai hại cho các dân-tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tư-tưởng nhân-hoà, một tinh-thần hỉ-xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.

          Đối với những kẻ xuất-gia quy-y đầu Phật, phụ vào những ân-huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực-tiếp chịu ân của các đàn-na thí chủ, nghĩa là những thiện-nam tín-nữ có hảo tâm cung-cấp những vật dụng cần thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống. Rốt lại, họ phải nhờ sự nuôi dưỡng hoàn-toàn của những kẻ tốt lòng.

          Với quần sanh, họ mang cái ân rất nặng cho nên họ phải dìu dắt sinh linh đi tầm Chân-lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu cố của Thiện tín.

 

LƯỢC GIẢI

          Ở đời không ai có thể sống riêng biệt, mà phải có sự tương quan với các dân tộc trong đất nước mình và với các dân tộc các nước bạn có mặt trong quả địa cầu. Ấy gọi là đồng bào và nhân loại.

1.- LÝ DO THỌ ƠN ĐỒNG BÀO

          a)- Kẻ thiếu vật nầy, người thiếu vật khác nên cần phải mua bán trao đổi nhau.

          b)- Tương trợ lẫn nhau khi có tai nạn: thiên tai, địa ách, chiến tranh, đau yếu…

2.- LÝ DO THỌ ÂN NHÂN LOẠI

          a)- Bởi phong hóa và nếp sống giữa nhân loại khác nhau và sự phát minh có mau chậm; không đủ vật liệu cần dùng, nên cần có mua bán và viện trợ lẫn nhau khi thiếu hụt hoặc tai nạn.

          b)- Cùng nhau trao đổi mọi mặt: văn hóa, xã hội, khoa học, kinh tế…

3.- CÁCH ĐÁP ƠN ĐỒNG BÀO

          a)- Phải biết thương yểu liên kết và giúp đỡ đồng bào từ tinh thần lẫn vật chất.

          b)- Không nên vì lòng tham lam, vị kỷ mà gây khổ cho đồng bào, Đức Thầy đã cảnh giác:

                   “Đồng bào nỡ giết nhau chi,

               Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông”.

          Cho nên Ngài hằng khuyên:

                  Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,

                   Tha thứ nhau để sống cùng nhau.

                       Quí nhau từng giọt máu đào,

                  Để đem máu ấy tưới vào địch quân”.  

4.- CÁCH ĐÁP ƠN NHÂN LOẠI

          a)- Hãy nhận thức và thi thố lòng từ bi, bình đẳng của Đức Phật đối với cả nhân loại.

          b)- Đặt tình thương yêu đoàn kết, không phân biệt màu da, chủng tộc:

                   Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

                 Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”.( ĐT)

          c)- Nỗ lực phát triển tinh thần lẫn vật chất.

          d)- Không nên vì mình hay đồng bào mình gây đau thương cho dân tộc khác hay nhân loại.

          e)- Hãy lấy đức nhân hòa, bình đẳng, hỉ xả, từ bi đối xử với cả nhân loại để xây dựng nền an vui hạnh phúc và bác ái đại đồng.

                   Đem nguồn sống mới cho nhân loại,

                     Để tiến, tiến lên cõi đại đồng”.

5.- LỢI ÍCH

          Người đáp được ân đồng bào và nhân loại sẽ được nhiều lợi ích đáng kể:

          a)- Đem lại nếp sống tự do, bình đẳng cho đồng bào và nhân loại, thế giới hết chiến tranh.

          b)- Được đời ca ngợi là bực Hiền Thánh.

          c)- Khi lâm chung đặng siêu thoát.

6.- TAI HẠI

          Nếu người không đáp ân đồng bào và nhân loại, sẽ gặp nhiều tệ hại:

          a)- Đưa dân tộc mình đến chỗ lạc hậu.

          b)- Sống lối ích kỷ tổn nhân.

          c)- Chết đọa ba đường ác.

 

KẾT LUẬN

          Đại lược, con người không ai sống đơn độc. Nếu có tương quan tất có thọ ơn đồng bào nhân loại. Thế nên ta cần phải lo đền đáp cho trọn vẹn để được phúc báo trong hiện tại, và tương lai sẽ đặng siêu thoát khổ đau sanh tử.

CHÚ THÍCH

          ĐỒNG BÀO: Cùng một bọc, một bào thai sanh ra. Đồng bào có hai nghĩa:

          1/-Nghĩa rộng là những người cùng sống chung một vòm trời, một giồng đất hay một giống dân (cũng gọi là Trời cha Đất mẹ).

          2/-Nói riêng về giống Việt Nam thì do bà Âu Cơ, vợ vua Lạc Long Quân sanh ra một cái bọc, có 100 trứng, nở ra 100 người con. Tương truyền 100 người con ấy sản sanh giống Việt Nam, nên dân tộc ta thường gọi nhau bằng đồng bào:

                   Khuyên đồng bào hãy rủ cho đông.

                           Nắm tay trở lại cánh đồng,

                  Cần lao nhẫn nại Lạc Long Tổ truyền”.( ĐT)

          NHÂN LOẠI: Loài người. Chỉ cho các dân tộc sống chung trong quả Địa cầu.

          NIÊN KỶ: Số năm, tuổi tác.

          PHONG VŨ: Gió và mưa, chỉ cho thời tiết.

          QUỐC GIA: Nhà nước hay nước nhà.

          CHỦNG TỘC: Nòi giống.

          OANH LIỆT: Khí khái anh hùng hay công nghiệp lừng lẫy.

          TƯƠNG TRỢ: Giúp đỡ lẫn nhau.

          TIỀN ĐỒ: Con đường tương lai.

          NGUY BIẾN: Tai biến ngặt nghèo.

          GIANG SAN: Sông núi. Ý chỉ cho đất nước.

          LIÊN QUAN: Liên hệ giữa nhau.

          MẬT THIẾT: Gần sát nhau, thân mật nhau.

          MUÔN MỘT: Một phần trong muôn phần.

          THẾ GIỚI: Cũng viết là thế gian. Có nghĩa gồm cả không gian và thời gian. Nghĩa thứ hai là vũ trụ hoàn cầu, chỉ chung cho các nước trên mặt đất. Ví dụ: Thế giới ta bà chúng ta đang sống.

          CẬM CỤI: Cần cù, cố gắng.

          CẦN LAO: Siêng năng khó nhọc.

          CUNG CẤP: Tiếp giúp cho, cấp phát cho.

          NHU CẦU: Cần dùng mà tìm kiếm.

          CẦN THIẾT: Cần có mới được.

          ĐỊA CẦU: Trái đất.

          TỰ TÚC: Tự làm cho mình được đầy đủ.

          NHIỆT HÀN: Nóng nực và rét lạnh.

          ĐỒNG CHỦNG: Cùng chung một nòi giống.

          TỪ BI: Hai trong bốn đại đức của chư Phật. Hán học giải là hiền lành thương xót. Phật học giải là ban vui cứu khổ; do câu:“Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc, Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ”. Đức Thầy có giải:

          1- Đức Từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến hết lòng dìu dắt dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não”.

          “2- Đức Bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe làm điều độc ác để phải tội, thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng”.

          BÁC ÁI: Lòng thương yêu rộng lớn.

          THÂM HUYỀN: Sâu kín mầu nhiệm.

          QUẢNG HƯỢT: Rộng rãi bao la.

          NHÂN HÒA: Lòng thương yêu hòa hài tốt đẹp và thích hợp. Đức Thầy có câu:

               Lúc sống sanh tìm lấy cuộc nhơn hòa,

                 Chữ thuận thảo hay hơn là tranh đấu”.

          HỈ XẢ: Thường an vui và không câu chấp, vướng mắc. Là hai trong bốn đại đức của chư Phật. Đức Thầy có giải:

          “3- Đức Hỉ: thường thường an vui mà làm những việc lành, dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bã”.

          “4- Đức Xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng còn vướng víu chi với cuộc lợi danh tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái”.

          HOẠN NẠN: Tai nạn, gian lao khổ sở.

          THIỆN NAM: Phiên âm Phạn ngữ Ưu Bà Tắc, dịch là Cận sự Nam. Có nghĩa: hàng nam giới tu tại nhà, thọ tam qui ngũ giới, thường thân cận các chùa lễ Phật nghe Pháp và giúp đỡ các Tăng Ni.

          TÍN NỮ: Phiên âm Phạn ngữ là Ưu Bà Di, dịch là Cận sự Nữ, tức chỉ cho hàng nữ giới tu tại gia thọ tam qui ngũ giới. Thường thân cận các chùa lễ Phật nghe Kinh pháp và giúp đỡ các Tăng Ni.

          HẢO TÂM: Lòng tốt đối với mọi người.

          CHƠN LÝ: Lý lẽ chơn thật, lẽ phải. Chơn lý cũng gọi là Đạo. Đức Thầy có viết:

                   Bàn với luận đặng coi chơn lý”.

          CHIẾU CỐ: Đoái tưởng và chăm sóc đến.

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa chữ đồng bào và nhân loại ?

          2/-Tại sao ta thọ ơn đồng bào ?

          3/-Đồng bào ta và ta có liên quan mật thiết như thế nào ?

          4/-Muốn đáp ơn đồng bào phải làm sao ?

          5/-Lý do nào ta mang ơn nhân loại ?

          6/-Tại sao ta không nên gây tai hại cho dân tộc khác ?

          7/-Tư tưởng ta đối với nhân loại như thế nào ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn