525.“Phiền-ba ngựa ngựa xe xe,
Điên giả người què Gia-Định thẳng xông.
Què này đường xá lảu-thông,
528. Khắp trong thiềng-thị rồi thì nhà-quê.
Kêu cơm bá tánh nghe ghê,
Thêm nói bộn-bề những việc về sau.
Dương-trần bàn tán thấp cao,
532. Chẳng biết người nào rõ việc tiên-tri.
Giã từ Gia-Định một khi,
Thuyền loan trực chỉ đến thì Cần-Thơ.
Tới đây giả Kẻ Quá Khờ,
536.Vợ điên chồng lại đứng hờ một bên.
Phố-phường xóm dưới đầu trên,
Cùng người đi chợ xúm nhau reo cười.
Thị-thiềng hiền-đức được mười,
540. Phần nhiều xúm lại chê cười người điên.
Vợ thời ca hát huyên-thiên,
Chồng chẳng có tiền lại quán xin cơm.
Bá gia coi thể rác-rơm,
544. Ai cũng sẵn hờm đặng có ghẹo chơi.
Điên mà ca hát việc đời,
546.Với việc hiện thời khổ não Âu-Châu”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 525 đến câu 546)
-Trước cảnh phồn hoa náo nhiệt, xe cộ dập dìu, Đức Giáo Chủ giả ra người có tật một chân lần bước về phía Gia Định. Hết phố chợ tới thôn quê, đường nào Ngài cũng rõ thông tất cả. Tiếng hát xin cơm pha lẫn với lời tiên tri việc khổ thảm sắp tới, khiến dân chúng ở đây bắt đầu ghê sợ. Nhiều người bàn tán với nhau: Ông già tàn tật nầy chẳng hiểu là bậc chi mà biết được những điều như vậy ?
-Kế đó Ngài rời khỏi tỉnh Gia Định, dùng thuyền đi thẳng đến Cần Thơ. Tới đây, Ngài giả hai vợ chồng nghèo khổ. Chồng thì lần theo tiệm quán xin cơm, còn vợ thì giả như người mất trí và ca hát thật nhiều. Ngài nhận
xét bá tánh trong vùng chợ Cần Thơ cũng được mười người hiền đức, còn phần đông cứ lo cười nhạo kẻ Điên Khùng. Họ đâu ngờ kẻ Điên mà biết giác đời, biết nói rõ cảnh chiến tranh hiện có bên Âu châu, để rồi báo tin cho dân chúng Việt Nam hay, cảnh đau thương ấy sẽ diễn đến với nước ta, không còn xa lắm.
“Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,
Sao dân còn tríu mến trần mê ?
Mắt nhìn ngoại quốc thảm thê,
(Để chơn đất Bắc)
CHÚ THÍCH
PHIỀN BA: Cũng đọc là phồn hoa, có nghĩa cảnh rộn rịp, náo nhiệt. Đây chỉ cho cảnh chợ búa đông đảo.
Đức Thầy có câu:
“Chạnh lòng nghĩ lại cảnh phiền ba,
Nghi ngút bợn nhơ khói vạy tà”.(Than đời)
GIA ĐỊNH : Một trong sáu tỉnh miền
THIỀNG THỊ: Tức là thành thị, chỉ nơi thành phố chợ búa, buôn bán đông đảo. Đức Thầy có câu:
“Muốn lánh phồn hoa lánh thị thành,
Tìm nơi non thẳm ngõ mai danh”.
(Muốn lánh phồn hoa)
THUYỀN LOAN: Có hai nghĩa.
1./ Thuyền có chiếc buồm như cánh chim Loan (cũng gọi là buồm cánh Dơi). Người xưa đi thuyền dùng
thứ buồm nầy, gió cách nào cũng bọc cho thuyền chạy được cả.
2./ Thuyền Loan cũng gọi là Thuyền Lan, dịch nghĩa của chữ “Lan Chu”. Ngày xưa Lỗ Bang (người ở nước Lỗ thời Xuân Thu) lấy gỗ mộc Lan làm thuyền, thường hai đầu nhỏ, giữa to, giống chiếc lá cây lan. Từ đó người ta lần lần đóng theo. Trong văn chương hễ nói đến thuyền thì người ta đệm thêm chữ Lan cho đẹp lời.
Truyện Hoa Tiên có câu:
“Lĩnh lời, sắp gánh dục đồng,
Thuyền Lan một lá xuôi dòng thênh thênh”.
CẦN THƠ: Tỉnh số 19 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, tức Kinh đô miền Tây, vì là nơi trù phú, mối đường thương mãi thạnh hành nhứt ở Hậu Giang. Từ năm 1956 đổi lại là tỉnh Phong Dinh. Đông giáp tỉnh Vĩnh Bình, Tây giáp Kiên Giang, Nam giáp Ba Xuyên, Bắc giáp Vĩnh Long và An Giang. Diện tích 2.496 km vuông, dân số 425.105 người, trong ấy có 10.000 người Việt gốc Miên và hơn 900 người Việt gốc Hoa.
HUYÊN THIÊN: Nhiều, nói thật nhiều.
KHỔ NÃO: Khổ sở đau buồn. Đây ý chỉ cảnh giặc giã trong thời Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) các nước Âu châu chịu sự chết chóc, khổ sở thảm thiết.
Đúc Thầy từng nói:
“Gió Á mưa Âu bùng sấm dậy,
Hãi hùng tranh chiến xé xâu nhau.
Hồng trần trở lại màu u ám,
Khắp cả chúng sanh nhuộm máu đào”.
(bài Xé Xâu Nhau)
ÂU CHÂU: Cũng gọi là Âu La Ba (Europa), một trong năm châu của thế giới, thuộc phía Tây Bắc cực Đại Lục, châu nhỏ hơn hết, nhưng tương đối dân đông hơn hết. Diện tích 10 triệu km vuông, dân số 565 triệu gồm nhiều giống dân; Bắc giáp Bắc Băng Dương; Nam giáp Địa Trung Hải và núi Cô Cút (Cau-case); Đông giáp biển Cát Biên (Cas-pienne) và dãy núi Ô Ranh (Aura); Tây giáp Đại Tây Dương.
CHÁNH VĂN
547.“Chạy cùng chẳng sót đâu đâu,
Lòng quá thảm sầu lìa lại Vĩnh-Long.
Chợ quê giảng dạy đã xong,
550. Thuyền loan trực chỉ đến rày Bến-Tre.
Chợ này đậu tại nhà bè,
Giả Chị Bán Chè dạo khắp các nơi.
Giọng rao rặt tiếng kim thời,
554. Rước rước mời mời anh chị mua ăn.
Trẻ già qua lại lăng-xăng,
Nói nói rằng rằng những việc bướm-ong.
Gánh chè bán hết vừa xong,
558. Điên cũng nói ròng chuyện khổ về sau.
Nói rồi chơn bước mau mau,
Lìa xa thiềng-thị đến thì thôn-quê.
Đi đâu cũng bị nhún trề,
562. Kẻ lại chửi thề nói: lũ bá-vơ.
Thấy đời tai lấp mắt ngơ,
564. Lúc ở trên bờ khi lại đi ghe”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 547 đến câu 564)
-Đức Giáo Chủ dạo khắp Châu thành Cần Thơ, lòng Ngài rất buồn thương cho dân chúng ở đây, chưa mấy người thức tỉnh. Đoạn rồi Ngài cho thuyền quay lại Vĩnh Long, từ chợ đến thôn quê, nơi nào Ngài cũng dạo qua và dùng lời Đạo lý giáo hóa mọi người.
-Kế tiếp là thuyền tiến thẳng tới Bến Tre. Đến đây, Ngài liền giả ra một cô bán chè. Con thuyền vừa cặp sát Nhà Bè, người ta đã nghe tiếng rao lãnh lót của một cô gái duyên dáng, ăn nói sành điệu tân thời. Khách hàng qua lại ai thấy cũng muốn dừng bước, nhưng không phải thực sự là muốn ăn chè mà dừng lại là để dùng lời bướm ong ghẹo cợt.
-Bán chè xong, Ngài cũng hát lời giác tỉnh nhơn sanh, từ thành thị đến thôn xóm. Khi thì Ngài chèo thuyền, lúc thả bộ theo đường kêu gọi, nhưng đi đến đâu dân chúng chẳng hề để ý họ còn tỏ vẻ khinh chê chửi mắng.
CHÚ THÍCH
VĨNH LONG: Tỉnh số 17 ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Đông giáp tỉnh Kiến Hòa và Vĩnh Bình; Tây giáp Kiến Phong (Sa Đéc);
BẾN TRE: Tỉnh số 7 ở Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 đổi lại là Kiến Hòa. Đông giáp biển Nam Hải; Tây giáp Vĩnh Long:
TIẾNG KIM THỜI: Tiếng nói theo thời đại bây giờ.
BƯỚM ONG: Con bướm và con ong, loài côn trùng chuyên hút nhụy hoa; nghĩa bóng là lời nói ve vãn tình tứ giữa nam và nữ. Ca dao có câu:
“Vườn có chủ giữ gìn cỏ chạ,
Hoa có rào ngăn đón bướm ong”.
Đức Thầy cũng thường khuyên:
“Chuông kia treo sợi chỉ mành,
Chẳng lo thân phận, lo giành bướm ong”.
(Sám Giảng. Q.3)
BÁ VƠ: Vu vơ, lôi thôi, không nhà cửa gốc tích. Nghe chi cái “đồ bá vơ” (tiếng người chê bai Đức Thầy lúc đó).
TAI LẤP MẮT NGƠ: (xen chú thích câu 274, Q.1).