CHÁNH VĂN (Từ câu 277 tới câu 354)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 32418)
CHÁNH VĂN (Từ câu 277 tới câu 354)

277.-Nếu không tu chừng khổ cũng ưng,

Đừng có trách sao không chỉ bảo. 

Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,

280.-Mắc trong vòng sanh tử luân hồi.

Xuống Diêm-Đình thấy tội hỡi ôi ! 

Đó mới biết có nơi địa-ngục.

Kỳ xá tội nay còn một lúc,

284.-Sao chẳng tu đặng có hưởng nhờ.

Gặp giảng kinh trần cứ làm ngơ,

Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy. 

Địa-ngục cũng tại Tâm làm quấy,

288.-Về thiên-đàng Tâm ấy tạo ra.

Cái chữ Tâm là Quỉ hay Ma,

Tiên hay Phật cũng là tại nó.

Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,

292.-Nếu lặng Tâm tỏ-ngộ Đạo mầu.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 277 đến câu 292)

          -Theo ý đoạn giảng trên, nếu ai chịu thi hành y lời khuyên dạy của Đức Thầy, thì được chứng Đạo; bằng chẳng tu, đợi khi gặp cảnh khổ đưa đến, phải đành chịu, chớ đừng trách Phật Tiên “sao không chỉ bảo”. Ngài cũng cho biết, khắp chúng sanh trong cõi trần, dầu già, trẻ, trí, ngu, ai cũng phải chịu cảnh chết đi rồi sanh trở lại, và cứ thế mà lên xuống mãi trong sáu đường luân hồi thống khổ:“Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra”.(Cho Ô. Cò Tàu Hảo)

          -Lại nữa, có nhiều người trong kiếp sống, không tin Phật pháp và luân hồi, nhân quả, nên họ mãi gây tội ác. Kịp khi tử thần gõ cửa, bị đọa vào cảnh giới Địa ngục, phải chịu sự hình phạt đau đớn muôn phần; chừng ấy dầu muốn hối lỗi cũng không sao tránh khỏi. Đức Thầy từng khuyến cáo: thời kỳ “Thiên đình ân xá bớt tội căn…”, chẳng còn bao lâu nữa là hết hạn, sao chúng sanh không sớm thức tỉnh tu hành để được hưởng mọi điều cao quí.

          -Bởi có lắm người không để ý đến lời Kinh, tiếng Kệ, Đức Thầy mới nói rõ lý nhân quả: hễ gieo giống chi tất hưởng trái nấy, để cho mọi người trọn tin nơi việc làm lành hưởng phúc, tạo ác mang tai. Và Ngài cũng cho biết: muôn vật trong thế gian, từ san hà đại địa, đến vạn loại chúng sanh và mọi sự thăng trầm vui khổ, Địc ngục hay Thiên đường, thành Tiên Phật hay làm ma quỉ…cũng đều do tâm mình ra cả. Nghĩa là tùy theo tâm thức của mỗi người, mà có thể tiến lên cảnh siêu thoát an vui, hay bị đọa vào chỗ thấp hèn tội khổ.

          -Vậy ai muốn được cao cả, phải sớm thức tỉnh tu hành, và nếu biết rõ phương cách cũng chẳng khó lắm. Hễ giữ lòng mình được thanh tịnh trừ hết phiền não ngã chấp, tất nhiên được “tỏ ngộ Đạo mầu”.

 

CHÚ THÍCH

          LUÂN HỒI: (Xem CT đoạn 1, T-1, bài Sứ Mạng)

          DIÊM ĐÌNH: (Xem CT câu 319, T-2, Q.2)

          ĐỊA NGỤC: (Xem CT câu 66, T-1, Q.1).

          XẢ TỘI: Cũng đọc là xá tội. Có nghĩa: tha tội, miễn tội, cũng như cuộc ân xá, ân giảm cho các tội nhân. Trong Giảng “Mười Một Hồi” Ngài Huệ Lựu bảo:

“Phật đà cảm động lòng thương,

Nói cho ai nấy muốn còn tu thân.

May mà Trời Phật bố ân,

Xả bớt tội đó thanh nhàn tấm thân”.

          THIÊN ĐÀNG: Cũng đọc là Thiên đường, tức là cõi Trời. Đây chỉ cho cảnh siêu thoát, thường an nhiên tự tại, đối với cảnh Địa ngục, là nơi bị buộc ràng đầy lao khổ. Đức Thầy có câu:

                   Thiên đường siêu thoát thời thong thả,

                     Địa ngục trầm luân ắt đảo điên”.

                                                (Tỉnh bạn Trần gian)

          CÁI CHỮ TÂM MÀ QUỈ HAY MA, TIÊN HAY PHẬT CŨNG LÀ TẠI NÓ: Hai câu giảng nầy là nói lên cái lý “Nhứt thiết duy tâm tạo”. Tất cả muôn pháp, muôn cảnh, từ tốt xấu, cao thấp, trí ngu; đến Phật, Tiên, Thần, Thánh hay ma quỉ, cũng đều do tâm tạo ra cả. Trong “Tâm Địa Quán Kinh”, Phật bảo:“Tâm như Họa sư, năng họa chủng chủng sắc cố. Tâm như đồng bộc vi chư phiền não sở sách dịch cố. Tâm như Quốc vương khởi chủng chủng tự đắc tại cố. Tâm như oán tặc, năng linh tự thân thọ đại khổ cố”.(Tâm như thợ vẽ, vẽ được tất cả các thứ hình sắc. Tâm như đứa tớ bé, bị các phiền não thúc hối và sai khiến. Tâm như vị Quốc vương, phát khởi được các việc an vui tự tại. Tâm như cừu thù, khiến tự thân phải chịu các điều thống khổ).

          Và trong “Pháp Bửu Đàn Kinh”, Đức Lục Tổ cũng nói:“Lòng từ bi, tức là Quan Âm, lòng hỉ xả tức là Thế Chí, lòng năng tịnh (trong sạch) tức là Thích Ca, lòng bình trực (bình đẳng và chánh trực) tức là Di Đà”.

          Ngược lại, “lòng nhơn ngã là núi Tu Di, lòng tà vạy là nước biển, lòng phiền não là sóng trào, lòng độc hại là rồng dữ, lòng dối trá là quỉ thần, lòng trần lao là cá trạnh, lòng tham sân là Địa ngục, lòng ngu si là súc sanh”. Đức Thầy hiện nay cũng cho biết:

                   Làm gian ác là quỉ là ma,

                  Làm chơn chánh là Tiên là Phật.(Kệ Dân, Q.2)

            TỎ NGỘ ĐẠO MẦU: Thấu đạt cái chơn lý diệu mầu của Đạo, gọi tắt là ngộ Đạo, tức là cái tri kiến chơn thật bừng mở ra, liền chứng ngộ Đạo Bồ Đề mà kinh Pháp Hoa thường gọi “Ngộ Phật Tri Kiến”.

          Xưa, Ngài Huy Sơn đến Giang Tây tham học với Tổ Bá Trượng. Tổ vừa thấy liền biết Ngài là bậc đã học đến chỗ sâu kín, bèn cho làm đầu trong đại chúng.

          Hôm nọ, Huy Sơn đang đứng hầu, Tổ kêu Ngài, bảo:

          -Vào trong nhà lấy lửa !

          Ngài vào trong khươi tro hồi lâu trở ra nói:

          -Bạch Thầy ! Trong lò không có lửa.

          Tổ tiên rời chỗ ngồi, bước đến lò lửa bươi sâu xuống, gắp được cục lửa đỏ, đưa lên cho Huy Sơn xem và thốt:

          -Ngươi nói không có lửa, chớ cái gì đây ?

          Ngài Huy Sơn nhơn đó mà tỏ ngộ chơn tánh.

          Câu chuyện trên cho ta thấy; Huy Sơn bươi lò tìm không ra lửa, ý nói chưa rõ tâm mình có Đạo (chơn tánh), và cũng chưa biết phương pháp, nên chưa tỏ ngộ. Còn Tổ sư bươi lò được lửa đưa lên, khiến cho Huy Sơn tỏ ngộ. Ý nói nhờ có Thầy chỉ cho phương cách, Ngài mới hoát nhiên trực nhận bản tâm, liễu ngộ chân tánh.

          Xưa, Ngài Thanh Lương Quốc Sư bảo:“Cái chí lý của Đạo vốn nơi tâm, pháp của tâm vốn nơi vô trụ, tâm vô trụ rất mầu sáng, không tối tăm. Tánh và tướng đều yên lặng, trùm khắp muôn đức, muôn dụng, gồm nhiếp trong ngoài rất sâu rộng, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng sanh chẳng diệt, không trước không sau, tìm nó không ra, bỏ nó không mất. Mê đắm hiện cảnh thì khổ não rối ren. Bằng tỏ ngộ được chơn tánh thì rỗng thông sáng suốt”. 

          Hiện nay, Đức Giáo Chủ PGHH cũng nói rõ:“Biết tỏ ngộ ấy là gặp Đạo”, mà ai muốn được tỏ ngộ, tức phải lặng tâm:“Nếu lặng tâm tỏ ngộ Đạo mầu”.

 

CHÁNH VĂN

293.-Cảnh dương-gian muôn thảm ngàn sầu,

Ngó vạn vật đài lầu chẳng có.

Sông với núi trước kia mắt ngó,

296.-Khi chết rồi thấy nó đặng nào.

Ai biết đường hãy sớm tẩu-đào,

Kiếm Đạo-lý mà nhờ mà nhõi.

Chịu cay-đắng tu hành mới giỏi,

300.-Ta thương đời len-lỏi xuống trần.

Đạo vô-vi của Phật ân-cần,

Nối theo chí Thích-Ca ngày trước.

Câu phú-quí Ngài không màng-ước,

304.-Chữ bồ-đề như cội bá-tòng.

Rán dưỡng-nuôi chữ đó trong lòng,

306.-Thì là được định chừng diệu-quả.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 293 đến câu 306)

          -Đoạn kệ trên Đức Thầy diễn tả lý vô thường, khổ não, vô ngã. Ý chỉ con người sống trong cảnh trần, phải gánh chịu muôn ngàn đau khổ, nào sự sanh, già, bịnh, chết; nào mưu cầu chẳng thành, thương yêu ly biệt, oán ghét gặp nhau, và ưu sầu lo ngại. Tất cả đều dồn vào một chữ khổ. Hơn nữa, trong lúc sống còn, dẫu ta có tạo bao nhiêu của tiền đài các…Cho đến mọi cảnh vật sơn hà đại địa…Nhưng đến ngày giã biệt cõi đời, ta chẳng mang theo được một sự vật nào cả. Đúng là “Phù sanh nhược mộng đời lao khổ”.(Khuyến Thiện, Q.5)

            -Vậy ai rõ được lý trên, hãy sớm tìm con đường Đạo lý hầu thoát ly cảnh khổ. Song trên bước hành Đạo, nhà tu cần rèn luyện đức kiên nhẫn: nhịn tất cả lời cay tiếng đắng và vượt qua mọi khó khăn thử thách, để đạt thành mục đích.

          -Bởi lòng quá thương xót sanh linh, Đức Thầy đã nhiều lần nhập thế, đem chánh pháp vô vi hưng truyền trong đại chúng. Ngài nêu tấm gương hy sinh tầm Đạo của Đức Thích Ca:“Mình vàng Thái tử ngôi còn bỏ, Vóc ngọc Đông Cung tước phế liền”,(Luận việc tu hành) để khuyên nhủ tín đồ nên phát tâm Bồ đề. Bởi có lòng Bồ đề nhà tu mới đủ nghị lực lướt qua mọi gian khổ, cũng như loại tòng bá, chẳng hề bị tuyết sương làm tàn cỗi. Và nếu ai biết nuôi dưỡng hột giống giác ngộ ấy nơi tâm mãi, thì quả vị Chánh giác lo gì chẳng đạt thành.

 

CHÚ THÍCH

          DƯƠNG GIAN: Cũng gọi là nhân gian hay dương thế, dương trần. Chỉ cho cõi đời, nơi loài người sanh sống.

          TẨU ĐÀO: Chạy trốn cho khỏi. Đức Thầy có câu:“Tầm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan”.(Thiên lý ca)

            ĐẠO LÝ: (Xem CT câu 155, T-1, Q.1).

          LEN LỎI: Chen mình vào, cố chen cho vào được. Ví dụ: Dầu gặp cản trở vẫn len lỏi vào. Đây ý nói mặc dù đời có nhiều bạc đãi, đầy khó khăn cản trở, nhưng Đức Thầy cũng đã nhiều lần nhập thế độ dân.

          VÔ VI: (Xem CT câu 290, T-2, Q.2).

          THÍCH CA: (Xem CT câu 390, T-2, Q.2).

          BỒ ĐỀ: Phiên âm của Phạn ngữ (Bodhi) Tàu dịch là Chánh Giác. Có nghĩa: lòng giác ngộ chơn chánh. Đức Thầy đã nói:“Lòng Bồ đề sắt đá dám kình”.(Diệu pháp Quang minh)

            DIỆU QUẢ: Quả vị thù diệu của Bồ đề và Niết bàn, do các thắng nhân tu hành mà được.(Thắng nhân là người có năm sức lực siêu thắng (ngũ lực).

 

CHÁNH VĂN

307.-Lời thuyết-pháp chẳng vì nhơn-ngã,

Người nào đâu có Phật-tánh là.

Xem kệ này như ngọc như ngà,

310.-Phải nảy nở như cơn mưa thuận.

Hạp mùa tiết giống kia bất luận,

Thảy mọc mầm trổ lá mới mầu.

Trông chúng-sanh nghĩ tận đuôi đầu,

314.-Về Cực-Lạc mới là hết khổ.

Đạo với lý từ đây nhiều chỗ,

Phải lọc-lừa cho kỹ mà nhờ.

Chọn nơi nào đạo chánh phượng thờ,

318.-Thì mới được thân sau cao-quí.

Nhìn Phật-Giáo mà tìm cái lý,

320.-Coi tại sao ta phải tu hành.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 307 tới câu 320)

          -Đức Giáo Chủ cho biết, lời luận giải Đạo đức của Ngài, chẳng hề để tâm phân biệt một cá nhân nào, mà vì lòng từ bi của người đã tìm ra chân lý giải thoát, nay có bổn phận giác tỉnh kẻ trần gian:“Cứu dân bất luận giàu sang khó nghèo”.(Sám Giảng Q.3) Cũng như trời mưa không dành riêng cho loại hoa cỏ nào mà bất cứ nơi đâu, hễ có sẵn hột giống và hạp thời tiết thì tự nhiên nức mầm nẩy tược. Vậy ai là người đã có hạt giống Phật, và hữu duyên cùng Đạo pháp, khi nghe đến lời Kệ nầy, hãy sớm tỉnh ngộ tu hành; bởi hiện tình là hợp thời và đúng lúc, cho các căn lành chớm nở.

          -Đức Thầy rất mong đợi mọi người, khi xem Kệ Giảng của Ngài, hãy sớm nghĩ suy cạn lẽ để thấy rằng: đối với cõi Ta bà thống khổ, chỉ có cõi Cực lạc là nơi an vui trường cửu:

                   Ta bà khổ, ta bà lắm khổ,

                     Có bao người xét cho tột chỗ.

                     Tịnh độ vui, tịnh độ nhàn vui,

                     Cảnh thanh minh sen báu nặc mùi,

                     Nào ai rõ cái vui triệt đáo”.(Kh/thiện Q.5)

          Nhân đó, Ngài khuyên chư thiện tín, nên nhứt tâm niệm Phật làm lành, để được vãng sanh về Lạc Quốc.

          -Ngài cũng nói rõ, giữa thời nầy có rất nhiều mối Đạo ra đời, tà chánh lẫn lộn:“Tam thiên lục bá khắp tràng hại dân”. (Thiên lý ca) Vậy ai muốn tu hành, hãy dùng trí sáng suốt của mình mà chọn lọc cho kỹ, xem nền Đạo nào thật sự là giải khổ cho chúng sanh. Và có đủ giới luật, tôn chi, cũng như phương pháp tu hành, để đưa chúng sanh đến mục đích giải thoát mà nương theo, tất tương lai được kết quả cao quí. Bằng ngược lại, sẽ lạc vào tà thuyết, mê tín, rất nguy hại cho đời mạng ta:“Lầm tà đạo nhơn hư bất dụng”.(Kim cổ Kỳ quan của Ô. Ba Thới)   

          -Song muốn cho sự tu hành được kết quả chắc chắn, hành giả phải nghiên cứu sâu vào giáo lý Đạo Phật, coi tại sao ta phải tu, tu với phương pháp nào và được kết quả ra sao ? Có thế ta mới vững đức tin và gắng sức tu tiến đến ngày viên mãn.

CHÚ THÍCH

          LỜI THUYẾT PHÁP CHẲNG VÌ NHƠN NGÃ: Câu giảng nầy ý nói lời thuyết pháp của Đức Thầy, chẳng hề có lòng phân biệt, người và ta trong chỗ cao thấp, trí ngu mà chỉ vì lòng từ mẫn. Ngài có bổn phận đánh thức kẻ còn mê để sớm được tỉnh giác. Trong Hoa Nghiêm, Phật có nói;“Ví như mặt trời mọc, trước tiên chiếu các dãy núi chúa, kế đến chiếu tất cả núi lớn, rồi chiếu núi Kim Cang Bảo, sau rốt chiếu khắp đại địa. Ánh sáng mặt nhựt chẳng nghĩ rằng: trước tiên ta nên chiếu các núi chúa lớn, lần lượt mới chiếu đến đại địa. Nhưng vì núi non đất liền có cao thấp, nên ánh sáng chiếu có trước sau. Tâm của Đức Như Lai cũng y như vậy, Ngài thành tựu vô lượng vô biên pháp giới trí huệ, nhựt luân thường phóng vô lượng trí huệ quang minh vô ngại, trước hết chiếu các vị Bồ Tát,…Kế đến chiếu các bậc Duyên Giác, Thinh Văn, kế nữa chiếu những chúng sanh có thiện căn, quyết định tùy theo chỗ đáng hóa độ. Sau cùng chiếu đến cả thảy chúng sanh, nhẫn đến kẻ tà định, vì họ mà làm nhơn duyên lợi ích cho đời vị lai…”

          Đức Thầy hiện nay cũng từng nói:

                   “Giàu sang nghèo khó cũng người,

                  Nên ta thương hết dầu cười hay khen”.

                                    (Khuyên người giàu lòng Phước thiện)

            CỰC LẠC: (Xem CT câu 28, T-2, Q.2)

          ĐẠO CHÁNH: (Xem CT câu 161, T-2, Q.2).

          NHÌN PHẬT GIÁO MÀ TÌM CÁI LÝ, COI TẠI SAO TA PHẢI TU HÀNH: Hai câu giảng trên có ý khuyên mỗi người hãy nhìn sâu vào Giáo lý của nhà Phật để tìm hiểu coi do đâu mà ta phải tu ?

          Thấy rằng, xưa nay số người tu hành rất đông, nhưng trường hợp phát tâm thì ít ai giống ai, xét bởi cơ duyên và trình độ chẳng đồng nhau. Song căn cứ vào giáo lý của Đức Phật, Đức Thầy ta có thể đại lược một ít lý do chánh như sau:

          1/- Vì muốn cứu khổ vạn loại chúng sanh: Bởi lòng từ bi, thấy chúng sanh mãi luân chuyển trong bể trần thống khổ, nên các bậc đại căn đại trí, phát tâm tìm Đạo để giải khổ cho muôn loài. Như trường hợp Đức Thích Ca cùng chư Bồ tát trước kia. Cũng như Ngài Kim Sơn Phật hiện nay cho biết:“Tu hành tầm Đạo một mai cứu đời”.(Sám Giảng Q.3)

          2/- Vì có duyên lành gặp được Phật pháp: Bởi có gieo sâu duyên lành với Đạo pháp, trong nhiều tiền kiếp, nên kiếp nầy vừa nghe được lời sấm kinh là chúng ta phát tâm tu niệm. Ví như có hột giống sẵn, hễ gặp mưa thì nứt mầm đâm tược:

                   Duyên lành rõ được Khùng Điên,

            Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần”.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          3/- Vì tin nơi luật Nhân quả: Bởi nhận xét sự trả vay của luật nhân quả rất nghiêm minh, hễ gieo giống chi tất hưởng trái nấy; mọi cuộc sống sang hèn vui khổ trên đời, đều do nghiệp nhân của mỗi người đào tạo vừa qua mà bây giờ nó trả lại:“Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy”.(Giác Mê TK, Q.4) Và:

                   Luật nhân quả thật là cao viễn,

                     Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.(Kh/Thiện, Q.5)

            Do đó chúng ta cải ác tùng thiện.

          4/- Vì nghĩ đến nỗi khổ của xác thân: Xét thấy xác thân là nguyên nhân của sự khổ, hễ có sanh ra tất có già, bịnh, chết và mọi sự ái ân phiền não ràng buộc không ngừng. Khi chết đi chưa phải là hết khổ, thần thức phải tùy theo nghiệp lực, mà tạo thành thân chúng sanh khác, để rồi tiếp tục chịu khổ. Đối với cảnh giả tạm đau khổ nầy, là có Niết Bàn, Cực lạc. Thân người ở cõi ấy:“Không già không bịnh chẳng ngày nào lo”.(Từ giã làng Nhơn Nghĩa) và an lạc trường miên, vì thế chúng ta mới phát tâm tu hành để thoát khỏi cảnh luân hồi sanh tử.

          5/- Vì tin sự chuyển biến của lý Tam ngươn: Bởi nhận xét quả Địa cầu sắp đến ngày biến hoại, nhân sanh phải trải qua cuộc tang thương biến đổi, để lập lại Thượng ngươn, mà bấy giờ chỉ có những phần tử ưu tú, thiện lương mới được tồn tại:

                   Khắp lê thứ biến vi thương hải,

                   Dùng phép mầu lập lại Thượng ngươn”.

          Và:

                   “Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu,

              Người tu niệm sống đời thượng cổ”.(Kệ Dân Q.2)      

          Đại khái 5 lý do vừa kể trên, tùy theo căn duyên của mỗi người mà lý do nào cũng là nguyên nhân khiến chúng ta phát tâm hành Đạo.

 

CHÁNH VĂN

321.-Vì yêu dân Ta kể ngọn-ngành,

Khuyên lê-thứ làm lành mà tránh.

Cảnh Niết-Bàn là nơi cứu cánh,

324.-Về chốn ni xa lánh hồng-trần.

Dầu không siêu cũng đặng về Thần,

Nhờ hai chữ trung-quân ái-quốc.

Chừng lập Hội biết ai còn mất,

328.-Giờ chưa phân chưa biết chánh tà.

Ta vì vưng sắc lịnh Ngọc-Tòa,

Đền Linh-Khứu sơn trung chịu mạng.

Nền đạo-đức Ta bày quá cạn,

332.-Mà dương-gian còn gạn danh từ.

Làm cho Ta lỡ khóc lỡ cười,

Khóc là khóc thương người ngu muội.

Thấy Điên Khùng làm như sắt nguội,

336.-Chẳng tranh đương nó lại khinh-khi.

Ngó về Tây niệm chữ từ-bi,

338.-Cười trần-thế mê-si thái quá.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 321 đến câu 338)

          -Bởi lòng quá thương xót dân sanh, nên Đức Thầy đem nguồn Đạo lý giải bày cặn kẽ, khuyên mọi người sớm hồi tâm hướng thiện, để được tránh khỏi cảnh khổ đau giả tạm. Nếu ai y pháp tu hành, đúng theo đường lối mà Ngài đã vạch, tất được siêu sanh về cõi Tịch tịnh (Niết Bàn). Chính nơi ấy là mức giải thoát cuối cùng của nhà tu. Bằng ai chưa trừ dứt hoặc nghiệp phiền não, chỉ lo tu tròn nhân Đạo, bảo vệ Quốc dân, cũng đặng liệt vào bậc Thần Thánh.

          -Hiện giờ chánh tà còn đang lẫn lộn, nhưng đến ngày Phật Tiên lập hội Long Hoa, sẽ có cuộc chọn lọc, khi ấy sự chơn giả tà chánh rất phân minh:“Long Hoa Tiên Phật đáo Ta bà, Lừa lọc con lành diệt quỉ ma”.(Thức tỉnh một nữ Tín đồ) Đức Thầy còn cho biết: Ngài lâm phàm độ chúng, là vì vâng sứ mạng của Đức Phật Tổ tại Linh Khứu Sơn.

          -Ngài giảng dạy giáo pháp rất đầy đủ, rành mạch cho bá tánh nghe, thế mà có nhiều người mãi còn nghi nan gạn hỏi, làm cho lòng Ngài bắt buồn cười, rất thương xót cho những kẻ quá si mê, mờ ám.

          -Cũng có lắm người thấy Đức Thầy ra đời dạy Đạo, đầy lòng nhu hoà nhẫn nhịn, chẳng hề tranh luận, hơn thua với ai, họ lại khinh chê nhạo báng. Nhưng Ngài lúc nào cũng yên tâm hướng về Đức Phật và nhủ lòng thương xót các chúng sanh đó, vì quá tối tăm nên phải lầm lỗi đáng tiếc !

CHÚ THÍCH

          NIẾT BÀN: Phiên âm của Phạn ngữ (Nirvara) Tàu dịch có nhiều nghĩa như sau:

          a)- Diệt độ: một cõi hoàn toàn an nhiên tịch tịnh, không còn hoặc nghiệp phiền não sanh tử luân hồi.

          b)- Viên tịch: Công đức viên mãn trùm khắp sa trần, gọi là viên; trí huệ cụ túc dứt sạch nghiệp chướng, khổ lụy gọi là tịch. Cũng chỉ trở lại bản tâm viên tịch, để thoát trầm nịch khổ hải.

          c)- Tịch diệt: lặng lẽ, trống không và dứt hết các họa hại của sanh tử.

          d)- Bất sanh bất diệt: Chẳng còn một niệm sanh nên chẳng còn sự chết khổ.

          e)- Vô vi: không có nhơn duyên tạo tác, không có bốn tướng: sanh, trụ, dị, diệt.

          g)- Giải thoát: Chẳng còn các vi tế phiền não ràng buộc.

          h)- An lạc: Yên ổn khoái lạc, dứt hết nghiệp nhân khổ não.

          Lại nữa cảnh trí Niết Bàn có bốn đức, gọi là “tứ đức Ba La Mật” (Giải thoát cõi mê, sang qua bờ giác), tức là: chơn thường, chơn lạc, chơn ngã và chơn tịnh.

          -Chơn thường: Là đạt được cái tánh thể Niết Bàn (Pháp thân thường trụ) chẳng biến đổi, không sanh không diệt; nhưng lại thường tùy duyên ứng dụng không dứt.

          -Chơn lạc: Thường thường an vui, dứt hết khổ lụy, lại vận dụng các pháp, hợp với chơn tâm một cách tự tại.

          -Chơn ngã: Vào tới cái thể chơn thật (đại ngã) và ứng dụng độ chúng không chi ngằn ngại.

          -Chơn tịnh: Được vào cái thể an nhiên trong sạch lại tùy duyên khai hóa chẳng hề bị ô nhiễm trần trược. Trong Pháp Bửu Đàn Kinh, Đức Lục Tổ nói :

                   Ấy tịch diệt chơn thường lạc hiện,

                     Thế mới là thật diệu Niết Bàn…”

          Đức Thầy hiện nay cũng khuyên:

                Tầm vô vi kiếm cảnh Niết Bàn”.(Diệu pháp QM)

            Hoặc là:“Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.(Bài nguyện trước bàn thờ Ông Bà)

            Sự chứng đắc Niết Bàn lại chia làm hai thời kỳ:

          1/- Nhà tu nhờ nương theo “Tứ Diệu Đề, Bát Chánh Đạo”, diệt trừ hết tập nghiệp vô minh phiền não nên được chứng quả A La Hán, tức đắc Niết Bàn; nhưng vẫn tiếp tục hành hóa Đạo mầu, rộng độ chúng sanh, đây gọi là “Hữu dư Niết Bàn”, như trường hợp các Đại đệ tử của Đức Phật.

          2/- Những bậc đã qua thời kỳ tu hạnh “Lục Ba La Mật(Bố thí, Nhẫn nhục, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ) tiến tới thi hành “Tứ vô lượng tâm”,( Đại từ, Đại bi, Đại hỉ, Đại xả) dẫn đến khi hoàn toàn thanh tịnh: tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn, tức đạt quả vị Bồ Tát và Như Lai, và đến ngày nhập diệt gọi là đắc “Đại Niết Bàn”. Ấy cũng gọi là “Vô dư Niết Bàn”, như trường hợp Đức Bổn Sư Thích Ca.

          Kinh Đại Niết Bàn, Phật bảo:“Tất cả phàm phu vì nghiệp chẳng thanh tịnh nên chẳng có Niết Bàn. Như Lai vì nghiệp thanh tịnh nên gọi là đại định, do đại định nên gọi là “Đại Niết Bàn”.

          CỨU CÁNH: Phiên âm của Phạn ngữ Utara. Có nghĩa cái kết quả cuối cùng, giải thoát rốt ráo. Đại thừa khởi Tín luận có câu:“Lìa tất cả khổ não, Tất được an lạc cứu cánh”. Và trong “Bát Nhã tâm Kinh” cũng nói:“Bực Bồ Tát nhờ nương theo các đại hạnh trí huệ, tâm không quái ngại, lìa xa những điên đảo mộng tưởng, nên được cứu cánh Niết Bàn”.

          Vậy cứu cánh là chỗ giải thoát rốt ráo của nhà tu Phật.

          CHỐN NI: Chốn nầy, chỉ cảnh cứu cánh Niết Bàn vừa kể trên.

          HỒNG TRẦN: (Xem CT câu 249, T-1, Q.1).

          THẦN: (Xem CT câu 24, T-2, Q.3).

          TRUNG QUÂN ÁI QUỐC: Lòng ngay thật thương yêu Quốc dân (Xem thêm phần CT câu 586, T-2, Q.3 và câu 290, T-1, Q.1).

          NGỌC TÒA: Chỗ an tọa (ngồi) bằng ngọc, chỗ ngai vị cao quí. Đây chỉ nơi Đức Phật Tổ ngự. Đức Thầy thường nói:“Ngọc tòa Phật Tổ nấy sai ta”.(Tối Mùng Một)

            LINH KHỨU: Phạn ngữ Grudhakyta, phiên âm là Kỳ Xà Quật, dịch nghĩa có nhiều danh xưng: Linh Khứu Sơn, Linh Thứu Sơn, cũng gọi là Kê Túc Sơn. Một ngọn núi ở gần thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, thuộc Trung bộ xứ Ấn Độ. Đứng xa nhìn nó như con chim Khứu (Kên kên) nên gọi là Khứu Lĩnh. Lúc Đức Phật Thích Ca còn trụ thế Ngài thường cu hội đại chúng thuyết pháp. Có lần Ngài thuyết Kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa tại đây. Kinh Sách xưa nay thường dùng Linh Thứu Sơn để chỉ cho xứ Phật hay chỗ Phật ngự. Đức Thầy nay cũng từng bảo:

                   Quyết đưa chúng về nơi Non Thứu,

                     Tạo lư bồng ngỏ hội quần Tiên”.

                                                (Diệu pháp Quang minh)

          TỪ BI: (Xem CT đoạn 2, T-1, bài Sứ Mạng)

          THÁI QUÁ: Quá chừng mực, quá lắm, vượt hơn mức bình thường.

CHÁNH VĂN

339.-Tranh với luận đặng giành cơm cá,

Khuyến-dụ người đặng kiếm bạc tiền.

Thấy chúng-sanh ghét ngỏ ganh hiền,

342.-Theo chế-nhạo những người tu tỉnh.

Tu không tu cũng không mời thỉnh,

Mặc tình ai trọng-kỉnh hay chê.   

Thương lê-dân còn mảng say mê,

346.-Chẳng tu tỉnh cho rành sương nắng.

Thấy Ta lại nói cay nói đắng,

Đắng với cay Ta cũng chẳng màng.

Chừng trần-gian kiến thấy phụng-hoàng,

350.-Sè cánh múa chào mừng Phật Thánh.

Thấy đạo-lý chớ nào thấy tánh,

Còn ẩn nơi tim óc xác phàm.

Ai biết tri việc phải cứ làm,

354.-Sau mới biết ai Phàm ai Thánh.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 339 đến câu 354)

                    -Người sống trong thế gian, phần đông mãi lo tranh giành lợi lộc, họ dùng đủ mưu mô xảo quyệt dụ dỗ dân chúng, lợi dụng tiền bạc. Hễ thấy ai có tài năng, đức hạnh hơn mình thì ghét ghen, đố kỵ, khinh chê gièm siểm.

          -Do đó, Đức Thầy cho biết: Lời khuyến tu của Ngài, mặc tình ai kính mộ tu hành, hay chê bai khinh rẻ. Chớ lòng Ngài lúc nào cũng thương hết chúng sanh, mãi còn đắm say trong cảnh đời ảo mộng, nên Ngài dùng đủ phương tiện đánh thức họ sớm tỉnh ngộ tu hành, hầu vượt qua mọi khổ nạn tới dây.

          -Lại có hạng người thấy sự độ dân của Đức Thầy, chẳng những không nhận được, còn dùng đủ lời cay đắng; nhưng dù họ đối xử bất nhã như thế nào, Ngài cũng chẳng màng kể. Ngài còn tiên tri đến chừng nào dân chúng được nghe:“Trên non Tiên văng vẳng tiếng Phụng Hoàng” tất được thấy:“Phật Tiên Thánh an bang cùng định quốc”.(Không buồn ngủ)

          Thêm nữa, trên con đường học Phật và tu Phật để tiến tới mục đích giải thoát, đa số người tu chỉ thấy Đạo lý qua mặt văn tự và lời luận giải, chớ ít ai thấy được chân tánh của mình; bởi nó còn lẫn lộn trong tâm hồn của mỗi chúng sanh, ví như chất vàng còn lộn quặng. Do đó, Đức Giáo Chủ dạy tín đồ hãy:“…tìm kiếm chân tánh của mình”. Muốn thế hành giả cần xoay vào nội tâm, theo dõi tư tưởng từng giây, từng phút, rồi dùng trí huệ thanh lọc hết vọng trần phiền não, tất màn vô minh tan mất, Phật tánh hiện bày:“Trí hiền tâm đức chùi lau, Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng”.(Sám Giảng Q.3)

          Vậy ai là người đã suy tầm thấu rõ chơn lý của Đạo, thì cứ hành y theo Tôn chỉ của Đức Thầy đã vạch cho đến ngày kết cuộc, tất sẽ thấy rõ ai phàm ai Thánh.

 

CHÚ THÍCH

          GHÉT NGỎ GANH HIỀN: Cũng gọi là ganh hiền ghét ngỏ. Là một thành ngữ để chỉ cho những kẻ thấy ai có tài đức, được nhiều người mến chuộng thì hay ghét ganh đố kỵ. Đức Thầy từng nói:

                   Thấy Đạo lý còn lu chưa tỏ,

                    Dân ganh hiền ghét ngỏ làm chi”.(Thiên lý ca)

            TRỌNG KỈNH: Cũng gọi là kính trọng. Có nghĩa tôn kính và quí trọng. Ví dụ: Kính trọng Trời Phật hoặc bậc già cả. Đức Thầy có câu:

                   “Rán nghe lời của kẻ Khùng Điên,

            Phật Tiên Thánh hãy nên trọng kỉnh”.(Kệ Dân Q.2)

            PHỤNG HOÀNG: Cũng gọi là Phượng hoàng, tên của một loài chim quí thời xưa, được liệt vào một trong bốn con thú linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Con trống gọi là Phụng hay Phượng, con mái gọi là Hoàng. Phụng Hoàng Linh Điểu là chúa các loài chim (đứng đầu 360 giống). Khi nào và nơi đâu có chim Phụng Hoàng xuất hiện, đó là điềm báo trước sẽ có Thánh Nhân hoặc Thánh Vương ra đời. Như thời Nghiêu, Thuấn chim Phụng có mặt khắp đồng nội còn đời Châu Võ Vương thì nghe tiếng chim Phụng gáy trên núi Kỳ Châu, sự trạng nầy Đức Giáo Chủ đã nói:

                   Xưa mạt Thương, Phụng gáy non Kỳ,

                    Bởi Võ Vương đáng bậc tu mi

                    Nay trở lại khác nào đời trước”.(Kệ Dân, Q.2)

          Và Ngài cũng cho biết về tương lai:

                   Phải ngóng chờ cho Phụng gặp Kê,

              Ấy thời đại Thánh Tiên trổ mặt”.(Nang thơ cẩm tú)

            Phụng Hoàng còn ám chỉ cho các bậc có tài đức.

          PHẬT THÁNH: (Xem CT câu 149, T-3, Q.4)

          THẤY ĐẠO LÝ CHỚ NÀO THẤY TÁNH. CÒN ẨN NƠI TIM ÓC XÁC PHÀM: Hai câu nầy có nghĩa phần đông người tu chỉ thấy giáo lý của Đạo, chớ ít kẻ được thấy tự tánh của mình. Bởi nó tiềm ẩn nơi tim óc của mỗi người, đây là chỉ cái bản tánh chơn như sẵn có từ vô thỉ, nhưng bị lấp vùi bởi vô minh vọng niệm. Ví như trong ly nước đục vẫn có sẵn thể nước trong, nhưng vì ta chưa lọc được số bùn cặn ra, nên không thấy được nước trong.

          Kinh Di Đà Sớ Sao, có chép:“Linh minh đổng triệt, trạm tịch thường hằng, phi trược, phi thanh, vô bối vô hướng, đại tai chân thể bất khả đắc như tư nghị giả(Người đời hễ có huyễn thân, tất nhiên có tự tánh. Bản thể của tự tánh là linh thiêng sáng suốt, rổng rang thông thấu, trong trẻo vắng lặng, còn hoài chẳng mất, chẳng phải trược, chẳng phải thanh, không lui, không tới; rất lớn thay cái chơn thể của nó, không thể nghĩ bàn được).

          Vậy hành giả muốn thấy được tự tánh cần phải phản chiếu nơi tâm một cách rõ ràng vi tế, không để một nhân duyên tập khí nào ám ảnh, và lòng cứ luôn như thế, mới hoát nhiên trực kiến được bản tánh. Lúc ấy ta sẽ tự thấy viên minh, tự tại vô ngại, không còn bị trói trăn câu thúc, trong lẽ hư vọng vô minh. Đúc Thầy có dạy:

                   Tu rèn tâm trí cho minh,

     Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau”.(Sám Giảng Q.3)

          VIỆC PHẢI: Việc đúng lẽ phải. Ý nói cả hành động, ngôn ngữ và ý nghĩ đều đúng theo Đạo nghĩa và chơn lý.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn