637.“Giả ra một Kẻ Hàn Nồi,
Khắp trong hàng xóm đi rồi sạch trơn.
Tới đâu cũng tỏ thiệt hơn,
640. Nhà tôi vốn thiệt có đờn năm dây.
Tôi còn mắc cái nợ nầy,
Nên mới làm vầy cho giải quả-căn.
Nhà tôi đâu phải khó-khăn,
644. Đem theo trong xách bạc hằng tám mươi.
Nhiều người nghe nói reo cười,
646. Thân tôi lao-lý anh cười tôi chi ?”
LƯỢC GIẢI (Từ câu 637 đến câu 646)
-Bấy giờ Đức Giáo Chủ giả ra ông thợ hàn nồi, tay xách giỏ đồ nghề rảo khắp thôn xóm, khi dừng lại nơi nào. Ngài cũng không ngớt khuyên nhắc bá gia thức tỉnh tu hành. Ngài còn thố lộ cho mọi người được biết nơi Ngài tu hành đắc Đạo trước kia, là tại núi Tà Lơn.
-Nay vì lòng từ bi và nghiệp nguyện tế độ chúng sanh, nên Ngài lâm phàm rưới nguồn mưa pháp khắp nơi, để bao hạt giống lành từ lâu bị vùi dưới lớp vô minh ngày nay có cơ hội nức mầm nảy tược. Công việc nầy dầu gặp
nhiều gian khổ hay thế trần cười nhạo, Ngài cũng vẫn làm tròn chí nguyện:
“Thân ta dầu lắm đoạn trường,
Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn loài”.(Cảm tác)
CHÚ THÍCH
ĐỜN NĂM DÂY: là một vị trí trên núi Tà Lơn. Nơi đây cũng gọi là ruộng Năm Dây; ý chỉ chỗ ông Cử Đa tu đắc Đạo.
CÁI NỢ NẦY: Cái nghiệp nguyện cứu khổ chúng sanh. Theo một nhà tu khi hoàn toàn đắc Đạo, thì nợ trần và nợ nhân quả không còn vướng mắc, chỉ còn nghiệp nguyện rộng độ chúng sanh và ân nợ của những người hảo tâm trợ duyên trên đường tu học. Và cái nợ mà Đức Thầy đề cập ở đây là:“Nợ cùng bách tính hãy còn vương”. Cho nên , trên con đường truyền Đạo, Ngài chẳng nệ sự gian lao cực khổ:
“Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh”.(Sa Đéc)
Và:“Vì thể lòng từ bi bác ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều tiền kiếp giúp ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh”.(Bài Sứ Mạng)
BẠC HẰNG TÁM MƯƠI: Bạc thiệt thời xưa, bạc tốt (Bạc tám mươi, vàng mười tuổi). Ý nói Đức Giáo Chủ
là người xưa trở lại. Ngài là Phật đã thành hôm nay Ngài kêu gọi mọi người, nên trở về với bản tánh lành, tánh Phật của mỗi người sẵn có với thuần phong mỹ tục của ông cha từ xưa rèn đúc, đừng đam mê theo đời văn vật của Âu Tây. Như Ngài từng nhắc nhở:
“Giống hiền xưa bây giờ mới tỉa,
Dốc chờ ngày bông trổ thơm tho”.
(Nang thơ Cẩm Tú)
Để xác minh “Đờn Năm Dây” và “Bạc Hằng Tám Mươi”, chúng tôi xin kể lại câu chuyện do ông Lâm Văn Tuấn ở xã Long Điền tường thuật:
Vào đầu mùa Xuân năm Canh Thìn (1940), lúc Đức Thầy còn ở Tổ Đình Hòa Hảo. Chiều hôm nọ Ông Tuấn đến Tổ Đình nghe Đức Thầy giảng Đạo, số thính giả dự nghe khá đông. Lúc đó ông Thầy Ba Thận ở Phú Lâm kêu:
-Hương Hào hãy đưa miếng giấy cho tôi coi (người cùng đi với ông Thận).
Đức Thầy nghe liền cười, hỏi:
-Giấy gì đó ?
Ông Thận quay lại bạch với Đức Thầy:
-Ngài viết quyển Nhứt có câu:“ Đem theo trong xách bạc hằng tám mươi”. Tôi lục hết sách vở không có nơi nào giải nghĩa Bạc Tám Mươi hết Thầy ?
Đức Thầy liền nói:
-Ông học Nho mà hiểu như vậy là lầm nghĩa rồi !
-Bạch Thầy, lầm ở chổ nào ?
-Ai mà để tiền bạc trong sách vở được ? Đây là tôi nói tiền bạc để trong cái giỏ xách. Lúc đi dạo Lục châu về tới Chợ Mới (Ông Chưởng), Ông Đò có giả ra người thợ hàn nồi, trong cái giỏ xách của Ông có để bạc tám mười, tức là bạc hồi xưa đó (bạc tốt). Ý Đức Thầy muốn nhắc lại tánh xưa (tánh hiền lành quí báu). Thầy Ba có dịp xuống miệt Ông Chưởng, hỏi thăm mấy ông già thì biết chuyện đó.
Đức Thầy còn nhấn mạnh một lần nữa, “Đây là nói cái giỏ xách, chớ không phải là sách vở nhen ! Đó là tại nhà in sắp chữ sai, cái xách mà sắp lộn ra sách vở. Đoạn Ngài đọc luôn đoạn giảng nói trên cho mọi người cùng nghe, rồi Ngài nói tiếp: “Còn Đờn Năm Dây là chỉ trên núi Tà Lơn chỗ Ông Cử Đa tu đắc Đạo”.
CHÁNH VĂN
647.“Giã từ Chợ-Mới một khi,
Thuyền đi xuôi ngược đến thì Ba-Răng.
Ít ai biết được đạo hằng,
650. Ghé am thầy pháp nói rằng lỡ chơn.
Trước sau bày tỏ nguồn cơn,
Vì thương lê-thứ chi sờn lòng Đây.
Có người lối xóm muốn gây,
654. Xin sáu trái bắp liền quày xuống ghe.
Ghe Điên vốn thiệt ghe be,
Mà lại Điên nhè nước ngược thẳng xông.
Ra oai thuyền chạy như dông,
658. Người nhà xuống bến trong lòng ngại nghi.
Ông này chẳng biết người chi,
Chèo quế vậy thì mạnh bạo quá tay.
Thần Tiên mà chẳng ai hay,
662. Cứ biếm nhẻ hoài buồn dạ Người Xưa”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 647 đến câu 662)
-Khi ra khỏi Chợ Mới, Đức Giáo Chủ cho thuyền đi xuôi xuống đuôi Cù lao (Tân Long), rồi chèo ngược lên vàm Ba Răng. Ngài thấy ở đây ít người hiểu đặng
“Đạo Thường” của “Con người phải làm gì trong kiếp sống”.(Bài Trong việc Tu thân Xử kỷ)
-Khi thuyền vô khỏi vàm Ba Răng một đỗi thì Ngài ghé cái am của Ông Mười Phố. Trong lúc Ngài nói rõ nguyên nhân lâm phàm cứu thế và giảng giải Đạo mầu cho Ông Phố nghe thì có Ông Hương tuần Dậu (tức Ông Sáu Dậu, anh của Ông Phố) đang uống rượu tại đó. Ông Dậu thấy Đức Thầy luận Đạo thông suốt làm cho Ông Phố nghe một cách say mê thì ông sanh lòng đố kỵ, kích bác. Thấy vậy, Đức Thầy liền giã từ chủ am ra đi, ông Phố tiễn đưa Ngài, hai bên đường xuống sông có trồng bắp vừa được ăn, ông Phố bẻ biếu cho Đức Thầy 6 trái.
Đức Thầy liền bước xuống ghe chèo ra Vàm, tuy ngược nước, nhưng Ngài chèo rất nhanh, làm cho ghe chạy nhanh, khác hơn xuồng ghe thường. Ông Phố đứng tại bến nhìn theo giựt mình lo sợ: Đây là bậc thần tiên mà
anh mình coi thường, thật là điều rất lo ngại, khiến cho các Ngài phải buồn lòng thương xót !
CHÚ THÍCH
BA RĂNG: Một cái rạch tại xã An Phong ăn sâu vô Đồng Tháp. Thời Pháp thuộc gồm có 3 xã: An Phong, An Phú, An Thành. Năm 1939 thuộc quận Chợ Mới (Long Xuyên). Sau đổi lại còn hai xã: An Phong và Phú Thành, quận Thanh Bình (Kiến Phong).
ĐẠO HẰNG: Đạo là đường lối phải noi theo; hằng là thường. Là Đạo thường xưa nay, những phép tắc mà mọi người phải tuân theo để ăn ở cho phải lẽ, phải pháp. Cổ Thi có câu:“Xướng tùy đều giữ Đạo hằng”. Đức
Thầy dạy:“Rày con xin giữ Đạo Hằng”.(Bài nguyện trước Bàn thờ Ông bà).
Đạo hằng còn có nghĩa “Đạo Ngũ Thường”(năm mối thường hằng) gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đó là giềng mối của Đạo làm người.
Đức Thầy thường nói:
“Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,
Tam cang trung trực người rằng ngu si”.
(Để chơn đất Bắc)
AM THẦY PHÁP: Am là cái nhà nhỏ người ta cất để tu hoặc thờ phượng. Thầy pháp là thầy phù thủy điều trị bịnh nhơn bằng cách dùng bùa chú hoặc bày binh bố trận, lên cốt lên đồng, điều binh khiển tướng nên có cất cái am để thờ.
Ông Thầy pháp nói đây tức là ông Nguyễn Văn Phố ở trong Vàm Ba Răng một đỗi. Từ khi quy y với Đức Thầy thì ông bỏ nghề nầy để lo tu hành theo Phật Đạo, hiện giờ con cháu ông cũng còn tinh tấn tu hành theo giáo lý PGHH.
CHI SỜN: Chẳng nản lòng nao núng. Ý nói dù gặp gian nguy, thử thách thế nào cũng chẳng sờn lòng nản chí.
RA OAI: Cũng gọi là ra uy, là tỏ vẻ oai vệ mạnh dạng.
NGƯỜI XƯA: Nghĩa của chữ cổ nhân. Người mà trước kia đã có nhiều lần chuyển kiếp độ đời, nay cũng trở lại giác chúng, Người xưa ở đây là chỉ cho Đức Phật Thầy Tây An, một trong nhiều tiền kiếp của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Như Ngài từng thốt trong bài “Dặn dò Bổn đạo”: “Chim Ô đà dựa cầu Ngân,
Người xua trở gót cho gần người nay.
Người nay rồi vẹn thảo ngay,
Thì là thấy tạn mặt mày người xưa”.
CHÁNH VĂN
663.“Đời nay mỏng tựa màn thưa,
Khuyên trong lê-thứ chẳng thừa một câu.
Thân Nầy chẳng nệ mau lâu,
666. Miễn cho bá-tánh gặp chầu vinh-huê.
Thương trong trần-hạ thảm-thê,
Lao-khổ nhiều bề chớ chẳng còn vui,
Nhiều người nghèo khổ hẩm-hui,
670. Không đất cặm dùi mà chẳng ai thương”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 663 đến câu 670)
-Đoạn nầy ý nói sự thay đổi cuộc đời không còn xa lắm. Lời tiên tri của Đức Thầy chẳng hề sai ngoa và công
việc độ thế của Ngài không nệ sự mau lâu hay nhiều gian khổ, miễn sao cho toàn dân được hưởng cảnh vinh quang rực rỡ sau nầy.
Ngài cũng rất cảm thương cho bá tánh, từ đây phải gánh chịu vô vàn sầu khổ.
“Lao với khổ, khổ lao chẳng xiết”.(Kệ Dân, Q.2)
-Biết bao nhiêu gia đình cơ hàn đói khổ, thế mà kẻ phú quí chẳng chút đoái thương. Cho nên Đức Giáo Chủ hằng kêu gọi mọi người, hãy xét kỹ mà thi thố tình tương thân tương ái:
“Làng gần chí những tỉnh xa,
Lúc xưa thì cũng ruột rà với nhau.
Ngày nay tốt phước sang giàu,
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi.
Cậu cô chú bác cùng dì,
Khắp nơi Thầy chú một khi hảo lòng.
Việc nhà quí bạn đã xong,
Hiệp nhau làm phước rõ lòng hiền nhơn”.
(Khuyên người giàu lòng Phước thiện)
CHÚ THÍCH
ĐỜI NAY MỎNG TỢ MÀN THƯA: Ý nói cuộc đời Ngươn hạ rất mỏng manh, sắp đến ngày tàn cỗi, cả nhơn loại phải trải qua:
“Cuộc tang thương biến cải cảnh trần”.
(Thu đã cuối)
Những phần tử xấu xa sẽ bị luật đào thải lọc lừa, chỉ tồn tại phần thiện lương tốt đẹp, Đức Thầy từng cho biết:
“Kẻ gian tà sau bị lửa thiêu,
Người tu niệm sống đời thượng cổ”.(Kệ Dân, Q.2)
VINH HUÊ: Cây cỏ tốt tươi gọi là Vinh. Cây nở hoa gọi là huê; nghĩa bóng là sự vẻ vang phú quí. Nhưng chữ Vinh Huê ở đây chỉ cho được dự Hội Long Vân và đời Thượng ngươn hay cõi Cực lạc.
Đức Thầy thường nói:
“Ai mà sửa đặng vuông tròn,
Long Vân đến hội lầu son dựa kề”.(Sám Giảng,Q.3)
Và:
“Vinh nầy của Đức Phật Bà,
Của Ông Phật Tổ ban mà cho dân”.(Sám Giảng,Q.3)
HẨM HIU: (Xem chú thích câu 397, Q.1)
KHÔNG ĐẤT CẶM DÙI: Thành ngữ dùng để chỉ cho người quá nghèo, không có đất cát, tiền của.