185.“Tay chèo miệng lại hát ca,
Ca cho bá-tánh biết đời loạn-ly.
A-Di-Đà Phật từ bi,
188. Ở bên Thiên-Trước chứng tri lòng này.
Từ ngày thọ giáo với Thầy,
Dẹp lòng vị-kỷ đầy lòng yêu dân.
Ngày nay chẳng kể tấm thân,
192. Miễn cho bá-tánh được gần Bồng-Lai”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 185 đến câu 192)
-Đoạn nầy ý nói Đức Thầy đi dạo Lục châu. Ngài vừa chèo vừa ca hát cảnh tỉnh nhơn sanh, nhứt là Ngài tiên báo về thế cuộc sắp xảy ra cảnh giặc loạn khắp nơi, nhà cửa tan nát, thân tộc chia ly.
-Ngài cũng cho biết từ khi thọ giáo với Đức Phật, Ngài đã giũ sạch lòng trần; tham lam, vị ngã, sân si đều dứt bặt; quyết đem đạo mầu rộng độ quần sanh. Dù bao thử thách chua cay, bao sự tù đày hiểm họa dồn tấp đến, nhưng Ngài chẳng hề nao núng; miễn sao bá tánh biết hồi tâm, quay về nẻo Đạo để sau nầy được thọ hưởng cảnh thanh bình của Tiên Phật.
-Đức Thầy cũng nguyện với Đức Phật A Di Đà chứng minh cho cuộc xả thân độ chúng của Ngài.
“Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện Đạo mầu sẽ chấn hưng”.
(Hiến Thân Sãi Khó)
CHÚ THÍCH
A DI ĐÀ PHẬT: Phạn ngữ Amitabha Bouldha. Tàu dịch là Vô Luợng Thọ Phật, Ngài thọ mạng dày dặc vô biên triệu ức kiếp và Vô Lượng Quang Phật, hào quang của Ngài sáng vô cùng, chiếu khắp 10 phương, không bị sự vật nào ngăn che. Phật A Di Đà là Giáo Chủ cõi Tây Phương Cực Lạc.
Có nhiều kinh chép về sự tích A Di Đà, ở đây chúng tôi xin lược ghi hai chuyện.
1.- Căn cứ theo Kinh Bi Hoa, vào thời quá khứ tại thế giới San Đề Lam, có vua Chuyển Luân Thánh Vương
tên là Vô Tránh Niệm, quan đại thần là Bảo Hải, sanh được người con trai tướng mạo trang nghiêm, đức độ siêu thường. Sau xuất gia tu hành đắc đạo hiệu là Bảo Tạng
Như Lai.
Một hôm Đức Bảo Tạng đến thuyết pháp gần hoàng thành, vua Vô Tránh Niệm và đại thần Bảo Hải đến dự thính. Nghe pháp xong vua quyết tu thành Phật để độ khắp chúng sanh. Ngài liền đến trước Đức Bảo Tạng Như Lai xin cúng dường các món y thực cho Phật và đại chúng trọn 3 tháng. Đồng thời vua phát 48 lời đại nguyện rộng lớn. Đức Bảo Tạng liền thọ ký cho nhà vua nhiều kiếp sau sẽ thành Phật A Di Đà, làm Giáo chủ cõi Cực lạc.
2.- Theo Kinh Vô Lượng Thọ: Vào thời quá khứ lúc Phật Tự Tại Vương ra đời, có một nhà vua tên là Nguyệt Thượng Luân Vương, hoàng hậu là Thù Thắng Diệu Nhan đang ngự trị, Quốc Vương Diệu Hỷ. Vua và hoàng hậu sanh được 3 người con:
1./ Nhựt Nguyệt Minh.
2./ Kiều Thi Ca.
3./ Nhựt Đế Chúng.
Sau khi nghe Phật Thế Tự Tại Vương thuyết pháp, Thái tử Kiều Thi Ca bỏ ngôi xuất gia thọ Tỳ kheo giới. Phật đặt pháp danh cho Ngài là Pháp Tạng. Ngài liền quỳ trước mặt Phật phát 48 lời Đại nguyện. Phật Thế tự Tại Vương liền thọ ký cho Ngài. Sau sẽ thành Phật hiệu A Di Đà, làm Giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc.
Lúc bấy giờ quả địa cầu rúng đông, chư thiên ở các cõi Trời đều mưa hoa cúng dường, trổi nhạc chúc tụng mà tán thán rằng:“Ngài Pháp Tạng Tỳ kheo chắc chắn sẽ thành Phật A Di Đà”.
THIÊN TRƯỚC: Cũng đọc là Thiên trúc, hay gọi là Tây Thiên Trước, bởi nơi ấy có Phật giáng sanh và
phát xuất đạo Phật; từ đó người tu Phật cũng coi như vậy. Nhưng chữ Thiên Trúc còn có nghĩa rộng là chỉ cho cõi Tây phương Cực lạc (An Dưỡng Quốc) của Đức Phật A Di Đà. Trong Kệ Dân (quyển Nhì), Đức Huỳnh Giáo Chủ có cho biết:
“Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống phàm trần”.
Và:
“Cảnh Tây Thiên báu ngọc đầy lầu,
Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng”.
THỌ GIÁO: Cũng đọc là thụ giáo. Có nghĩa vâng chịu sự dạy dỗ của một ông Thầy hay một Đạo (quy y thọ giáo).
VỊ KỶ: (Xem chú thích đoạn 1, Bài Sứ Mạng).
MIỄN: Cốt, gắng sức, khuyến khích (tiếng so sánh để chọn lựa cái chánh). Đức Thầy có nói:
“Miễn cho được ngày hai cơm tẻ,
Buổi bần hàn đặng có tu thân”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
BỒNG LAI: Tên một hòn đảo ở biển Bột Hải. Các từ điển chép: Trong biển Bột Hải có ba hòn đảo: 1/. Bồng Lai. 2/. Phương Trượng. 3/. Doanh Châu. Nước ở biển nầy rất yếu nhẹ (nhược thủy) cho đến lông chim rớt xuống cũng không chìm. Trong văn chương thường dùng
“Non Bồng nước Nhược” để chỉ cho cảnh Tiên (cảnh tiêu diêu thanh thoát) đối với cõi trần đầy tục lụy.
“Bầu trời man mát xa trông,
Biết đâu nước Nhược non Bồng là đâu”. (Cổ thi)
Đức Thầy cũng viết:
“Cảnh dương trần khó sánh Bồng Lai,
Về Tiên cảnh say mùi rượu Thánh”.
(Diệu Pháp Quang Minh)