2- Số Phận Binh Sĩ Phật Giáo Hào Hỏa

02 Tháng Hai 201511:21 CH(Xem: 11827)
2- Số Phận Binh Sĩ Phật Giáo Hào Hỏa
Số quân sĩ Phật Giáo Hòa Hảo đã quốc gia hóa, sau khi lực lượng quân sự bị dẹp tan, nằm trong các tiểu đoàn khinh quân số 513, 522, 528, 550, 551, 552 (Nguyễn Giác Ngộ), 540 (Nguyễn Văn Huê), 539 (Nguyễn Thành Đầy), 549 (Lâm Thành Nguyên) và các tiểu đoàn mới sau khi ông Trần Văn Soái về hợp tác.

Sau thời gian thụ huấn tại quân trường (Trung tâm Huấn luyện Quang Trung) và điều chỉnh, hợp thức hóa cấp bực, các đơn vị trên đây, hoặc không còn tồn tại nữa, vì bị phân tán, hoặc được đưa ra miền Trung để cho xa khu vực tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Chánh sách của chánh phủ Ngô Đình Diệm lúc đó là tách rời số binh sĩ này khỏi quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo, với mục đích đề phòng phản ứng chống đối của khối Phật Giáo Hòa Hảo. Hậu quả của chánh sách này là các binh sĩ gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã bỏ ngũ rất nhiều. Khi đưa Trung đoàn 63 (gồm Tiểu đoàn 550 ,551, 552) ra miền Đông, binh sĩ lộ vẻ bất mãn, nhiều người đào ngũ trở về miền Tây làm ăn. Các đơn vị được đưa ra miền Trung thường công khai chống đối lại chánh quyền.

Ngày 16-9-1956, Bộ Tổng Tham mưu ra lịnh giải tán Trung đoàn 63 và Tiểu đoàn 540, cùng với một số đơn vị gốc Cao Đài, cũng ở trong tình trạng tâm lý phức tạp ấy. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần do sự mất tin tưởng của các binh sĩ gốc giáo phái đối với chánh phủ, một phần khác do sự bạc đãi của chế độ đối với họ. Sự bạc đãi này không phải chỉ là thái độ của các cá nhân trong quân đội quốc gia, mà là một chính sách của chánh phủ.
Một sĩ quan cao cấp quân lực Việt Nam Cộng Hòa, gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, Trung tá Lê Quang Trường, trong cuộc phỏng vấn về vấn đề này, đã cho biết rằng binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo về hợp tác đã bị đối xử như con ghẻ. Họ không được sinh hoạt như đơnvị quân sự mà như một đoàn dân công, tay xẻng tay cuốc đi theochiến dịch hành quân để phục dịch. Thí dụ: số binh sĩ thuộc nhóm quân sự Trần Văn Soái về hợp tác, được phân ra làm bốn tiểu đoàn A, B, C, D phải đi theo chiến dịch Trương Tấn Bửu để làm công tác phá rừng, lấp đường, bắc cầu. Một năm sau, họ bị cưỡng bách giải ngũ. Khi còn tại ngũ, họ lãnh lương "chết đói" thấp nhứt: binh sĩ 400 đồng, sĩ quan cấp tá 1.800 đồng mỗi tháng, chỉ bằng 1/4 lương các binh sĩ khác.

Các biện pháp khắt khe mang tính chất trừng trị của chánh phủ như không chấp nhận thâm niên trong sự khảo hạch ấn định lại cấp bực, đối đãi kỳ thị tại các quân trường, thái độ miệt thị của một số sĩ quan quân đội quốc gia có trách nhiệm, làm cho các binh sĩ gốc Phật Giáo Hòa Hảo càng cảm thấy bất mãn, và xem như đang bị đọa đày bởi chế độ. Ngay Trung tá Lê Quang Trường là sĩ quan đã xuất thân tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, cũng không được trọng dụng như một sĩ quan. Thí dụ đặc biệt, là trường hợp của Thiếu tá Nguyễn Thành Đầy đã bị hạ sát giữa đêm tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, lúc đó do Tướng Trần Tử Oai chỉ huy. Tiếng đồn ra ngoài là việc hạ sát Thiếu tá Đầy do một chỉ thị của một nhân vật cao cấp chánh quyền, có mục đích loại trừ bớt một thành phần mà họ cho là nguy hiểm, có thể gây rối trong tương lai. Nguyễn thành Đầy là một người cứng đầu, từng là phụ tá của Tướng Lê Quang Vinh, cho nên đã bị xem như thành phần phải diệt trừ ngay từ lúc đó, để tránh hậu hoạn.

Với một chánh sách đãi ngộ như thế, tất nhiên các binh sĩ gốc Phật Giáo Hòa Hảo không còn động lực tinh thần để ở lại quân ngũ, để tiếp tục phục vụ trong quân đội. Họ xin giải ngũ về đời sống dân sự. Và không còn được hưởng một sự giúp đỡ nào của phía chánh phủ để tái tạo cuộc đời mới. Có thể hiểu rằng chánh sách giảm binh của Huê Kỳ đưa ra, mà không hề kèm theo kế hoạch phục viên xã hội cho những quân nhân giải ngũ bỗng nhiên mất lợi tức, đã nhắm vào mục đích này: giải quyết một tình trạng khó khăn với tổn phí tối thiểu. Về mặt xã hội, các binh sĩ gốc Phật Giáo Hòa Hảo trở thành những phần tử không lợi tức, và về mặt tâm lý, họ trở thành những phần tử chống đối chế độ. Nhìn vào các sự trạng này, người ta hiểu rõ thêm về hậu ý của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và Tướng tình báo Lansdale là đánh tan một tiềm lực quần chúng ở Miền Nam.

Tóm lại, tình trạng các quân sĩ gốc Phật Giáo Hòa Hảo trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa (đã đổi danh xưng từ Quân đội Quốc gia Việt Nam thành Quân lực Việt Nam Cộng Hòa) mấy năm sau 1955, như sau: Đại đa số hoặc bỏ ngũ từ lúc còn ở quân trường hay khi đã về đơn vị, hoặc xin giải ngũ về đời sống dân sự, trở lại nông thôn của mình. Chỉ còn lại một số ít tiếp tục binh nghiệp, trong số đó có một số sĩ quan sau này được giao trách vụ tỉnh trưởng, quận trưởng dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa. Trong thời kỳ Đệ nhất Cộng Hòa, không một sĩ quan gốc Phật Giáo Hòa Hảo nào được bổ nhậm vào các chức vụ tỉnh trưởng tại các tỉnh có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Chỉ dưới chế độ Đệ nhị Cộng Hòa, mới có các Tỉnh trưởng gốc Phật Giáo Hòa Hảo tại Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong, Chương Thiện, và một số phó tỉnh trưởng, quân trưởng tại các vùng đông dân cư là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Điều này chứng tỏ rằng, không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không đủ khả năng, mà chính vì chế độ Ngô Đình Diệm không tin cậy họ. Nói chung, chế độ Đệ nhứt Cộng Hòa đã đối xử với các binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo về hợp tác bằng chánh sách kỳ thị, làm cho tinh thần bất mãn gia tăng, và làm trầm trọng thêm tâm lý chống đối.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn