3- Cơ Sở Tư Tưởng: Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo

21 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 90815)
3- Cơ Sở Tư Tưởng: Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo
CƠ SỞ TƯ TƯỞNG

Huỳnh Giáo Chủ biểu lộ rõ ràng khuynh hướng hòa hợp tư tưởng qua các tác phẩm đã viết ra và truyền bá. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nào cũng thuộc câu thơ:

Khắp thế giới liên dây hòa hảo.

Họ nghĩ rằng tới một thời kỳ nào đó trong tương lai, sau những biến thiên “sàng sẩy” tức chọn lọc, sẽ có trạng thái thế giới đại đồng, con người chung sống hòa hảo với nhau.

Với ý thức hòa hảo đó, họ cho rằng, trên phương diện siêu hình, Huỳnh Giáo Chủ đã đến với thế gian như một đấng cứu thế, và đã chọn lựa sinh quán là làng Hòa Hảo, để khai sáng một nền đạo mang tên là Phật Giáo Hòa Hảo. Họ viện dẫn một lập luận rằng nếu như Huỳnh Giáo Chủ đản sanh tại làng Long Kiến hay Mặc Cần Dưng thì danh xưng “Phật Giáo Long Kiến” hoặc “Phật Giáo Mặc Cần Dưng” không chứa đựng một ý thức cao siêu nào như danh xưng Hòa Hảo. Do đó, họ nghĩ rằng danh xưng Phật Giáo Hòa Hảo không phải chỉ phát xuất ngẫu nhiên từ một địa danh, mà chính là do một sự lựa chọn, để truyền bá một ý thức cao cả, ý thức hòa hảo. Nền đạo mang tên Phật Giáo Hòa Hảo có thể được giải thích là một tôn giáo Phật đạo phát xuất tại làng Hòa Hảo, nhưng về mặt tư tưởng, còn chứa đựng ý thức hòa hảo.

Giáo sư triết học Phạm Công Thiện nói về ý thức hòa hảo:

“Chúng tôi nghĩ: từ nhơn hòa thái hòa của Nho giáo, đến huyền đồng của Lão giáo, đến lục hòa của Phật Giáo, tất cả đều đưa đến đại đồng, tôi còn thấy tinh thần hòa hảo trong triết lý Hy Lạp từ Heraclite, Platon, đến các triết gia thế kỷ thứ 17 ở Tây phương. Cái hòa hảo của đạo Phật vượt Khổng vì Khổng đi về hữu tính, vượt Lão vì Lão đi về vô cực vô tính. Hòa Hảo của đạo Phật không có nghĩa là hòa chống lại bất hòa, hay hảo chống lại bất hảo, và như thế là còn kẹt trong vô và hữu của Lão và Khổng. Hòa phải đi đôi với Hảo, là hòa vượt lên trên hòa và bất hòa; Hảo đi đôi với Hòa là vượt lên trên hảo và bất hảo, như thế đi đến tinh thần vô nhị bất nhị. Đó là tinh thần của Phật Giáo, như thế mới đúng ý nghĩa của Phật Giáo Hòa Hảo...” (*)

Từ khái niệm hòa hảo trên đây, có thể hiểu rằng tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ, hay tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo không phải chỉ thuần túy Phật đạo, mà còn thêm tinh thần Nho giáo, Lão giáo, nhưng chủ đạo vẫn là Phật Giáo. Vì tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo đã chứng minh khả năng thích ứng thể hiện thành hấp lực mạnh mẽ đối với quần chúng Việt Nam tại nông thôn, cho nên ngoài ba thành tố Tam giáo Phật, Khổng Lão, còn thêm một thành tố thứ tư là dân tộc tính: Tam giáo Đông phương hòa hợp với dân tộc tính Việt Nam kết thành cơ sở tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo.

Tuy rằng tam giáo Đông phương xuất phát từ Ấn Độ và Trung Hoa, được du nhập Việt Nam, nhưng đã thật sự ăn sâu vào tâm hồn, thể hiện vào nếp sống con người và xã hội Việt Nam qua mấy ngàn năm thích-nghi-hóa, để hội nhập truyền thống văn hóa Việt Nam.

Phát xuất từ nền tảng căn bản đó, tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo đạt trạng thái hòa hợp nhuần nhuyễn tinh thần Phật Giáo, Nho giáo, Lão giáo với bản sắc dân tộc Việt. Hòa hợp (harmony) hay tổng hợp (synthesis) khác với tập hợp gán ghép (syncretism) tuy sắp hàng chung nhưng không thể hòa hảo được. Có nhà biên khảo đã nói rằng:

“Phật Giáo Hòa Hảo từ căn bản vẫn là Phật Giáo, nhưng là nền Việt Phật hòa với Việt Nho để thành một dòng tư tưởng đặc thù, biến thái khác lạ, hòa vào dân gian từ tâm thức và truyền thống Việt...”

Tuy nhiên, cần nói rõ ràng trong sự hòa hợp này, Phật Giáo vẫn là chủ đạo của tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo, Nho giáo, và Lão giáo chỉ thể hiện trong cung cách xử thế tiếp vật của cuộc sống thực tế có luân thường đạo lý (Nho) và phong thái an nhiên tự tại (Lão). Bản sắc dân tộc vừa thể hiện trong nếp sống theo truyền thống văn minh nông nghiệp, lại vừa thể hiện trong nhiệt tình yêu nước, di sản tinh thần qua những trang lịch sử hào hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Do đó, có người mệnh danh đạo Phật Giáo Hòa Hảo là một nền “đạo dân tộc” chứa đựng những chất liệu tuy ngoại lai du nhập, nhưng đã được tiêu hóa, đồng hóa trọn vẹn để trở thành chất liệu dân tộc, bản sắc dân tộc.

Cũng vì mang nặng truyền thống, nên khi nước Việt Nam gặp gỡ văn minh Tây phương từ khi người Pháp đến xứ này, tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo gặp nhiều khó khăn hơn các thành phần xã hội khác trên tiến trình hoán chuyển, thích ứng với nếp sống mới, trong bối cảnh xã hội mới của thế kỷ 20.

Trong lịch sử Việt Nam, hai triều đại Lý, Trần là thời kỳ tam giáo thịnh hành và hòa hợp làm cho xã hội có kỷ cương, con người có hạnh phúc. ở thời kỳ đó, nền giáo dục Việt Nam đòi hỏi sĩ tử phải học và thi cả ba môn học Phật, Nho, Lão.

Cho nên trong kiến thức phổ thông, công thức Phật, Thánh, Tiên thể hiện ba biểu tượng: Phật là cứu cánh giải thoát sau khi cuộc đời thế gian chấm dứt; Thánh là biểu tượng đạo thánh hiền Nho giáo mà Khổng Tử truyền bá làm mẫu mực cho con người xử thế tiếp vật trong cuộc sống thế gian; Tiên tượng trưng nếp sống siêu nhiên thoát trần ngay tại thế gian theo tinh thần đạo học của Lão tử. Trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, người ta thường thấy công thức này được chuyển hóa thành “Phật Thần Thánh Tiên”. Giới Phật Giáo Hòa Hảo giải thích rằng Thần biểu tượng các anh hùng liệt sĩ của dân tộc, và những tín đồ nào hy sinh vì đất nước thì:

Dầu không siêu cũng đặng về Thần,
Nhờ hai chữ trung quân ái quốc. (*)

Theo như truyền thống Việt Nam, mỗi làng thờ một vị anh hùng dân tộc tại đình làng như vị Thành hoàng của làng.

TƯ TƯỎNG NHO GIÁO TRONG PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Nho giáo thường được thấy bàng bạc nhiều nơi trong Kinh kệ hoặc Thi ca của Phật Giáo Hòa Hảo.

Có khi với tính cách hô hào mọi người làm theo:

Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
Sách thánh hiền dạy đạo làm người.
(Kệ dân)

Trung Dung khuyên đó noi gương Khổng.
(họa lại bài Ông Nguyễn Thanh Tân)

Noi chí Thánh Hiền tìm cội cũ.
(tặng ông Nguyễn Kỳ Trân)

Có lúc với tính cách dẫn dụ:

Đức Khổng Thánh người sanh nước Lỗ,
Ngài còn xưng cuồng quyến giả hồ.
(Diệu Pháp quang minh)

Thầy Mạnh ra dùng đạo châu du,
Lúc thập bát chư hầu rối loạn.
(Diệu Pháp Quang Minh)

Nghèo Thầy Nhan bầu nước đai cơm,
Tuy cơ hàn mà được danh thơm.
(Sa Đéc)

Và có khi như nhắc nhở cho mọi người cùng nhớ lại:

Sách Thánh đạo ghi trong Tam Tự,
Người mới sanh tánh thiện trời dành.
(Giác Mê Tâm Kệ)

Thánh nhơn ghi sách Trung Dung,
Hiền nhơn thức tỉnh biết dùng người ngay.
(viếng làng Mỹ Hội Đông)

Chữ Thánh Hiền mới được nôm na,
Ta thỏa chí hô hào trung nghĩa.
(Nang thơ cẩm tú) (*)

Nho giáo truyền bá bởi Huỳnh Giáo Chủ chỉ giới hạn trong phạm vi luân lý thường nghiệm, nói cách khác, giới hạn ở bậc hình nhi hạ, bởi vì đối tượng đa số là giới bình dân, phần hình nhi thượng của Nho giáo có thể làm rối loạn các tâm hồn thuần phác mộc mạc.

Ở nhiều đoạn, quần chúng tín đồ được giáo dục về tam cang ngũ thường, với những dẫn giải giản dị về đạo quân thần, thầy trò, cha con, và nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Các nữ tín đồ cũng được giáo dục khá cặn kẽ về tam tòng tứ đức.

Đi thưa về cũng phải trình,
Công dung ngôn hạnh thân mình phải trau... (**)

Trong bối cảnh xã hội nông thôn, những điều luân thường đạo lý thường nghiệm này thật ra đã thể hiện trong phong hóa tập tục xã hội và trong nếp sống con người, nhưng xưa nay chưa được dẫn giải thành thơ vần như Huỳnh Giáo Chủ. Cho nên luân lý Nho giáo thông đạt qua Sấm giảng Phật Giáo Hòa Hảo đã được quần chúng hấp thụ dễ dàng và ai cũng nhớ được.

Thật ra ảnh hưởng Nho giáo trong quần chúng miền Nam nói chung, được xem là yếu ớt, so với ảnh hưởng Nho giáo tại miền Trung và Bắc Việt Nam. Nho giáo vào miền Nam qua hệ thống hành chánh với các quan chức của triều đình đã được đào tạo bằng Nho học. Họ đến để thiết lập, điều hành bộ máy quân sự, chính trị tại vùng đất mới khai mở, cho nên công tác giáo dục không được quảng bá trong quần chúng. Dân chúng miền Nam, ngoài số người di dân từ miền Trung vào (thời kỳ Nguyễn Hữu Cảnh) còn có các sắc dân địa phương như Chiêm Thành, Cao Miên, Lào, thiểu số, không hề có ảnh hưởng Nho giáo. Ngay lớp người Tầu di dân trong thời kỳ Mãn Thanh, từ Trung Hoa đến xin tị nạn và lập nghiệp tai miền Nam (sau gọi là Minh Hương) họ cũng có tư tưởng và thái độ khác biệt với nền nho học của vua quan triều đình Việt Nam.

Một số học giả Việt Nam đã cho rằng tại miền Nam tinh thần Nho giáo được truyền bá không phải qua hệ thống giáo dục công, mà qua truyền thống phong tục tập quán có sẵn trong nếp sống quần chúng, do đó được mệnh danh là nền Việt Nho Dân Gian. Nho học thời đó được coi như công cụ độc tôn của lớp trí thức và quan lại, học hành đỗ đạt để làm quan chức, cho nên không được phổ thông trong dân gian. Nền Việt Nho Dân Gian là các tư tưởng truyền khẩu hay biểu hiện trong nếp sống của lớp di dân từ Trung Bắc vào khai mở miền Nam, tục gọi “dân Hai Huyện”.

Cũng là Phật Giáo, Nho giáo, nhưng trong Phật Giáo Hòa Hảo, Phật và Nho mang sắc thái đặc thù Việt Nam, nên được tạm gọi là Việt Phật và Việt Nho. Tác giả Cao Thế Dung viết trong “Tôn giáo trong dòng lịch sử dân tộc” như sau:

Nghiên cứu toàn bộ dòng tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ, còn thấy nổi bật những đặc điểm độc đáo của hệ thống tư tưởng Nho giáo Việt Nam, gọi tắt là Việt Nho. Đã có một nền Việt Phật và cũng đã có một nền Việt Nho. Việt Nho khác hẳn Hán Nho về nhiều điểm. Khác từ căn bản kinh điển, khác từ cái thể và cái dụng và cả ngôn ngữ diễn đạt.

Một nền Việt Nho đã hình thành ngay từ những thế kỷ đầu nội thuộc Bắc phương. Sự khác biệt giữa Nho Việt và Nho Hán là khác biệt giữa hai nền văn hóa văn minh. Khởi từ văn minh đồng lúa hay văn minh Lạc Việt, Nho giáo ở Giao Châu đã bị Việt hóa thành Việt Nho. Khi Hán Nho bị biến chất tràn qua lũy tre xanh của thôn xóm Việt, Hán Nho lại thêm một lần nữa thành Việt Nho dân gian. Rõ rệt đã có một nền Việt Nho Dân Gian. Một hệ tư tưởng truyền khẩu. Chúng tôi gọi đó là nền Việt Nho Dân Gian và chúng tôi đã tìm thấy nguồn tư tưởng Việt Nho Dân Gian thể hiện ngay trong tư tưởng giáo lý của Phật Thầy Tây An và Huỳnh Giáo Chủ, chỉ một bài ‘’Những Điều Sơ Lược Cần Biết của Keœ Tu Hiền’’ Huỳnh Giáo Chủ khai triển từ Tứ Ân của Phật Thầy, tứ ân được diễn giải một cách Việt Nho hết sức nôm na. Bốn Ân lớn ấy chính là bốn đức lớn của dân tộc đã có từ thời Giao Châu mà nay Phật Thầy và Huỳnh Giáo Chủ đặt thành hệ thống dựa vào dòng tư tưởng giáo lý Phật giáo, một thứ Nho trong Phật. Ân thứ nhứt là Đất nước, nói theo Nho tức Trung, Hiếu Trung cũng là hai cơ bản tư tưởng của Nho giáo mà Hiếu Trung cũng là hai cơ bản tư tưởng của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng Hiếu Trung trong tư tưởng của Đức Huỳnh Giáo Chủ lại là Hiếu Trung của nền Việt Nho Dân Gian, khác với Tống Nho Trung Quốc. Trung là trung với nước. Chữ Trung của Việt Nho không phải là Ngu Trung như Tống Nho cho nên dân Việt không bao giờ trung quân mù quáng. Trung quân phải song song với Ái quốc. Hiếu Trung của Huỳnh Giáo Chủ hoàn toàn khác, không phải là quan niệm kinh điển một chiều của Tống Nho mà là tư tưởng khai phóng vượt thoát. Chúng tôi mạo muội gọi đó là Việt Nho Dân Gian với những giá trị bất biến của đạo Hiếu Trung vốn tiềm tàng trong tiềm thức Việt và là bản chất Việt, vượt trên và vượt ra ngoài kinh điển giáo điều. (*)

Nói tóm lại, tư tưởng Nho giáo bàng bạc trong kinh sách Phật Giáo Hòa Hảo được xem như bước nhập môn vào giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, từ Nho sang Phật, và thể hiện trong phương pháp Phật Giáo Hòa Hảo “Học Phật Tu Nhân’’.

TINH THẦN LÃO TRANG TRONG PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Bên cạnh sắc thái quân tử nhập thế của Khổng giáo, người Việt còn hấp thụ thêm một sắc thái xuất thế vô vi của Lão giáo.

Khổng giáo tích cực nhập thế, thì Lão giáo cũng tích cực xuất thế. Thoạt nghe qua, tưởng chừng như hai mẫu người này chống đối nhau, không dung nhau được. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng hai mẫu người ấy đã hòa hợp nhau để bổ túc cho nhau một cách kỳ diệu.

Hoạt động của con người, nhất là con người Á Đông, không phải lúc nào cũng chăm lo giải quyết nhu cầu vật chất như Tây phương. Một phần thì giờ còn phải dành cho đời sống nội tâm để di dưỡng tính tình, thanh thoát ra khỏi ràng buộc thực tế. Những lúc mình đối diện với chính mình trong đời sống nội tâm, con người Việt đã hồn nhiên thả hồn theo gót Lão Trang mà phiêu diêu trong thế giới nội tại. Mình vui thú với mình, mình sống với con người thật của mình.

Để chuẩn bị một tác phong siêu thoát, một tinh thần phóng khoáng vượt khỏi những gì được xem là ô trọc trần gian, Huỳnh Giáo Chủ thể hiện tiên cảnh Lão Trang qua Sấm giảng:

Rán kiếm chỗ tầm Tiên lánh tục,
Người ở đời phải được lòng trong.
(Giác Mê Tâm Kệ)

Khuyên bá tánh tầm Tiên rời tục,
Chỉ máy trời bày tỏ việc về sau.
(Trao lời cùng Ông Táo)

Một mai thấy được non Bồng,
Cảnh Tiên rực rỡ mày rồng đẹp thay.
(Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

Vị trí của Lão Trang — tiên phong đạo cốt — được hiện diện trong Thi Văn Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo cũng chỉ đóng một vai phụ mà thôi. Nó chỉ là sự góp phần thanh thoát, phá bỏ những ràng buộc, những tham vọng vật chất mà con người quân tử của Nho giáo có thể có, để đưa người ta đến cái đích cứu cánh là con đường siêu thăng lên bờ chánh giác, tức viên thành Phật quả.

Người Việt từ xưa, qua những hồi lăn lóc trong bể lợi danh, quá mệt nhọc trên trường khoa hoạn, thường ưa thích những phút giây thư thái tâm hồn. Những Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, đã làm cho tâm hồn họ lâng lâng không ít. Một Nguyễn Công Trứ với con người của khuôn rập Nho gia, đã chẳng khỏi bị ảnh hưởng Lão Trang cuốn hút:

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao.
Chốn phồn hoa trót bước chân vào,
Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết!
(Thoát vòng danh lợi)

Một Cao Bá Quát đầy tự phụ và cao ngạo, cũng chán ngấy trần gian không kém ông Trang ông Lão:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn,
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu.
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu,
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt.
(Ngán đời)

Rồi Nguyễn Trãi với trạng thái tiêu dao, gởi hồn vào những câu hát trên núi Côn Sơn, Trạng Trình với ‘’một mai một cuốc một cần câu’’ bên bờ Tuyết Giang và Nguyễn Thiếp với đôi mắt mơ huyền nhìn ngàn Thiên Nhận, núi Thiên Nhận mà lãng quên thế sự thăng trầm... đã dư đủ để nói về ảnh hưởng của Lão Trang trong giới sĩ phu thời cổ.

Bởi vậy, để đưa người từ vẹn đạo tu Nhân, tiến sang quả vị thành Phật, Huỳnh Giáo Chủ đã khơi lên ý thức Thần Tiên tức là gợi ý thoát tục cho con người dần dần tiến mãi.

Cái phong thái xuất thế cầu nhàn được mô tả như là đẹp nhứt và an ổn nhất cho tâm hồn để lần lên bờ giải thoát. Bài thơ rất thoát tục sau đây của Huỳnh Giáo Chủ là một trạng thái tâm hồn, như chơi vơi trong cảnh mây bay gió thoảng, trời rộng non cao...

Ngồi trên đảnh núi liên đài,
Tu hành tầm đạo một mai cứu đời.
Lan thiên một cõi xa chơi,
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.
Hiu hiu gió thổi lạnh lùng,
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai.
Mùa xuân hứng cảnh lầu đài,
Lúc còn xác thịt thi tài hùng anh.
Tứ vi mây phủ nhiểu đoanh,
Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề.
Kể từ Tiên cảnh ta về,
Non Bồng ta ở dựa kề mấy năm... (*)

Lại có hồi như băn khoăn ray rứt, nhưng vẫn tịch mịch thoát trần...

Trí thần nhớ đến tiếng quyên,
Gọi hồn cố quốc sầu riêng một mình.
Trầm ngâm vẻ mặt làm thinh,
Tựa mình bên gối giấc quỳnh đã say.
Mơ Tiên hồn muốn vụt bay. (**)

VỊ TRÍ PHẬT ĐẠO TRONG PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Phật Giáo là tư tưởng chủ đạo của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, xét cả về số lượng kinh sách và về pháp môn tu hành của tín đồ.

Nhiều lần trong kinh sách Phật Giáo Hòa Hảo, Huỳnh Giáo Chủ xác định rằng “nối theo chí Thích Ca ngày trước” để:

Nhìn Phật Giáo mà tìm cái lý,
Coi tại sao ta phải tu hành. (*)

Chủ trương “tìm cái lý” có nghĩa là không dừng ở cái vỏ bề ngoài, mà phải tìm đến nguyên lý cốt tủy đạo Phật, cho nên một mặt Huỳnh Giáo Chủ đã triệt để cởi bỏ mọi hình thức để chân lý không bị che khuất, một mặt hiện-đại-hóa tinh thần Phật đạo để khế hợp với cuộc sống chúng sanh thế kỷ 20. Ngay cả một số thần khải siêu hình cũng không còn được xem là cần thiết. Huỳnh Giáo Chủ đã truyền bá một đạo Phật không cuồng tín mê vọng, một nền đạo Phật có lý trí, thuần túy về tư tưởng như giản dị, thực tế trên hành động.

Ta hãy đọc qua một đoạn trả lời của Giáo Chủ tại chiến khu miền Đông, trong một cuộc phỏng vấn của báo Nam kỳ do ký giả Hồn Quyên phụ trách, số ra ngày 29-11-1946 tại Sàigòn, khi được hỏi về lý tưởng chánh trị có liên quan với Giáo lý nhà Phật không.

“Theo sự nhận xét của tôi về Giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng; vì những câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những Giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó, Đức Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn Độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay, trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mực khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học thì ta có thể thực hành Giáo lý ấy để thiệt hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với cái tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại.

Đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở chốn thiền lâm, mà còn phải được thực hiện trên trường chính trị...’’ (*)

Một vài tác giả Tây phương đã viết rằng Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức Phật đạo canh tân, tương tợ như phong trào cải cách Luther và Calvin đối với Cơ Đốc giáo, ở thế kỷ 16 Tây lịch.

Theo quan điểm Phật Giáo Hòa Hảo thì sự so sánh này không đúng. Tuy sự việc bề ngoài có vẻ hơi giống nhau, nhưng các yếu tố nội tại lại hoàn toàn khác biệt, cho nên không có tính chất tương đồng để làm một cuộc so sánh. Thật sự, không thể so sánh tổng quát và hiện tượng khi nhận xét về tôn giáo trên bình diện triết học và giáo thuyết.

Martin Luther (1483-1546) và Jean Calvin (1509-1564) là hai nhà thần học chủ trương cải cách, bất đồng với tòa thánh La Mã một số vấn đề như hệ thống giáo quyền, hình thức thờ phượng, nghi lễ. Nhưng vấn đề quan trọng họ đặt ra là thẩm xét lại sự diễn dịch giáo thuyết Cơ Đốc. Riêng Luther nêu lên 95 luận đề đòi thảo luận với tòa thánh La Mã.

Phật Giáo Hòa Hảo không hề đặt vấn đề thẩm xét lại giá trị giáo thuyết Thích Ca. Do đó, Phật Giáo Hòa Hảo đối với Phật đạo không là một phong trào cải cách như Luther hay Calvin.

Những đặc điểm trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, nếu nói là canh tân, thì chỉ canh tân về mặt “dụng” chớ tuyệt đối không thay đổi gì về mặt “thể”. Chỉ có sự cải tiến hay đúng ra thích nghi hóa phương thức hành đạo với cuộc sống, mà không hề có sự tranh cãi, xét lại hay canh tân nào về mặt giáo thuyết Phật đạo.

Cho nên, trên phương diện chính danh, Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một “tôn giáo mới” hay một đạo Phật canh tân. Về mặt tổ chức, Phật Giáo Hòa Hảo mới xuất hiện từ 1939. Nhưng về mặt giáo lý, Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một tín ngưỡng mới, hay tín ngưỡng cải cách. Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo chính là đạo Phật, bắt nguồn từ tinh hoa cốt tủy của giáo thuyết mà Đức Thích Ca đã khởi truyền từ trên 25 thế kỷ trước đây.

Phật đạo không giáo điều cố định, mà luôn luôn sinh động dung hợp. Du nhập quốc gia nào, Phật Giáo không hề gặp sự kháng cự của các nền đạo giáo, tư tưởng đã sẵn có trong quốc gia đó. Suốt tiến trình truyền bá đạo Phật đến nay, đã không thấy xảy ra cuộc chiến tranh nào phát sinh bởi lý do truyền giáo. Có người đã ví Phật giáo như một ngọn đèn mới đến một nơi nào, không truất ngôi các ngọn đèn đang hiện hữu, mà đem thêm ánh sáng cho nơi đó được sáng thêm lên.

Trong các điều kiện tương đồng về văn hóa xã hội, như tại các quốc gia Á Châu, Phật đạo thích nghi và hòa hợp với văn hóa và bản chất dân tộc, để trở thành một nền đạo Phật mang sắc thái đặc thù của dân tộc ấy, mà vẫn giữ được yếu lý căn bản của Phật Giáo.

Đạo Phật du nhập Việt Nam mang sắc thái đạo Phật Việt Nam, tất nhiên có khác biệt với đạo

Phật Ấn Độ, đạo Phật Tây Tạng, đạo Phật Trung Hoa, đạo Phật Nhật Bổn... về mặt pháp môn, sinh hoạt, nghi lễ, kiến trúc, y trang... Nhưng kinh điển và nguyên lý vẫn là Phật đạo mà Đức Thích Ca đã truyền bá.

Trên bình diện triết học, tôn giáo không phải là một sản phẩm xã hội. Tôn giáo xuất hiện với sứ mạng cải tạo xã hội và con người. Đạo Phật truyền bá vào Việt Nam, khi tới miền đất mới khai mở, tức miền Nam Việt Nam, tất nhiên phải có những đặc thái để thích ứng với bối cảnh xã hội và lịch sử, cũng như tâm lý và trình độ quần chúng nơi đây.

Căn cứ trên lập luận này, Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một nền đạo Phật canh tân, mà chính là một tông phái Phật đạo mang một số đặc tính thích nghi với bối cảnh xã hội và lịch sử từ đó tổ chức này xuất hiện.

Bối cảnh lịch sử là một nước Việt Nam đang bị thực dân Pháp thống trị. Bối cảnh xã hội là đời sống bất công trong đó lớp nông dân là giai tầng xã hội chịu thiệt thòi và yếu kém nhứt. Quần chúng nông thôn trình độ chất phác, căn cơ thiển bạc, không thể lãnh hội ý nghĩa khó hiểu của thiên kinh vạn quyển. Bởi vậy đạo Phật truyền bá trong bối cảnh này, phải phù hợp với dân tộc tính, đáp ứng tâm lý và trình độ đại chúng nông thôn.

Một đặc điểm tìm thấy trong tư tưởng Phật đạo của Huỳnh Giáo Chủ là ảnh hưởng mạnh mẽ của Lục Tổ Huệ Năng. Lục Tổ Huệ Năng là vị tổ sau cùng của hệ thống Tổ Tổ tương truyền gồm 33 vị (27 vị tại Ấn Độ từ Tổ Ca Diếp đến Bồ Đề Đạt Ma, và 6 vị tại Trung Hoa từ Bồ Đề Đạt Ma đến Tổ Huệ Năng).

Tổ Huệ Năng (mà tác giả Thích Mãn Giác cho là một người Việt Nam quê quán ở Lĩnh Nam) đã lấy một quyết định cách mạng là chấm dứt việc truyền y bát, vì Tổ cho rằng “chỉ nên truyền Chánh pháp để đời sau theo đó mà tu hành, còn y bát tượng trưng cho quyền lực sẽ là đầu đề tranh chấp, từ nay không truyền nữa”. Cũng từ đó, sau khi Lục Tổ Huệ Năng viên tịch, chấm dứt luôn hệ thống Tổ Tổ tương truyền.

Tác phẩm nổi tiếng của Lục Tổ Huệ Năng là cuốn “Pháp bảo Đàn Kinh” đã được nhiều học giả Tây Âu phiên dịch ra các ngôn ngữ Anh, Pháp.

Đặc biệt về Anh ngữ để cho giới Tây phương đọc, đã có các bản dịch sau đây:

— 1930, Wong Mon Lam dịch dưới tiêu đề “The Sutra of Wei Lang” xuất bản tại Thượng Hải, sau tái bản nhiều lần tại Anh quốc.

— 1932, D. Goddard dịch dưới tiêu đề “Buddhist Bible” ấn hành tại Vermont, Hoa Kỳ.

— 1962, Charles Luk dịch trong bộ “Ch’an and Zen Teaching”, nhà xuất bản Rider, Anh quốc, tái bản nhiều lần.

— 1963, Wing Tsit Chan dịch dưới tiêu đề “The Platform Scripture” nhà xuất bản St John’s University, Hoa Kỳ, tái bản

năm lần.

— 1967, P.B. Yampolsky dịch dưới tiêu đề “The Platform Sutra of the Sixth Patriarch”, nhà xuất bản Columbia University, Hoa Kỳ.

Nhiều học giả Đông Tây đã đồng ý rằng Thiền Tông đến đời Lục Tổ Huệ Năng, là một kết tinh những tinh hoa siêu việt của hai nền văn hóa lớn của Đông phương (Ấn Độ và Trung Hoa).

Nhiều học giả Trung Hoa rất hãnh diện về Lục Tổ Huệ Năng, cho rằng Lục Tổ ngang hàng với Khổng Tử, Lão Tử. Giáo sư John C.H. Wu viện trưởng viện đại học văn hóa Trung Hoa (Đài Loan) nói: “Huệ Năng là một trong những thiên tài cao lớn nhứt, vĩ đại nhứt, đứng ngang hàng với Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử...”

Với khuynh hướng minh bạch giảng dạy bởi Huỳnh Giáo Chủ “Theo Lục Tổ, chớ theo Thần Tú”, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hiểu ngay được lý do tại sao phải loại bỏ các hình thức âm thinh sắc tướng để tu tâm ngộ đạo, tức là từ bỏ mọi hình thức dị đoan mê tín của nền tín ngưỡng dân gian.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam tại nông thôn, nền tín ngưỡng dân gian “đa thần đa giáo” thể hiện qua các hình thức tế tự hỗn tạp, đến đỗi các nhà nghiên cứu Tây phương phải nói rằng “không thể xác định minh bạch rằng người Việt Nam theo tôn giáo nào”. Tuy rằng nhận xét này không hẳn đúng, nhưng trên thực tế, dân chúng thờ các loại Thần linh: thần tài, thần lộc, hà bá thủy thần, thần cục đá, thần cây đa, thổ thần, tà thần, ôn hoàng dịch lệ, ma vương quỷ sứ... Cho nên trong xã hội phát sinh những “ông thầy” hay “ông đạo” mà không có nền tảng đạo lý nào: thầy bùa, thầy ngải, thầy phù thủy, thầy cúng, ông đồng bà cốt, thầy bói, thầy chiêm tinh, thầy giải xâm, thầy địa lý... Tất cả những tín ngưỡng dân gian hỗn tạp này song hành với các tôn giáo có nền tảng triết lý cao siêu khả kính của Đông phương như Phật, Nho, Lão, đạo thờ Tổ Tiên, Anh Hùng liệt sĩ... Không những đi song hành, mà ở thôn quê các sinh hoạt mê tín dị đoan này còn lấn áp các tôn giáo khả kính, khi chính các tôn giáo này suy yếu, bị tà giáo lấn áp và đồng hóa.

Trong bối cảnh tín ngưỡng hỗn tạp ấy, làm thế nào để đánh thức quần chúng để đưa họ ra khỏi trạng huống mê cuồng, trở về với chánh đạo? Đây lại là quần chúng nông thôn, tiến chậm về kiến thức, bản chất bảo thủ, quen sinh hoạt với tập tục và rất nghi ngại đối với những điều gì có vẻ trái ngược truyền thống.

Huỳnh Giáo Chủ đã thực sự thay đổi được tâm lý và nếp suy nghĩ của quần chúng nông thôn. Thực tế trước mắt họ là Huỳnh Giáo Chủ không áp dụng phương pháp phù thủy, mà trị bệnh hiệu nghiệm hơn các thầy phù thủy, cho nên họ tin rằng Giáo Chủ là một bực siêu phàm, dám coi thường các loại Thần linh mà xưa nay họ quen sợ hãi, thờ cúng. Theo một chứng nhân có mặt tại làng Hòa Hảo trong những ngày đầu lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo (1939) thì có lần vị Giáo Chủ trẻ tuổi này làm một cử chỉ tượng trưng cho quần chúng thấy trước mắt, là đích thân xô bỏ một ngôi miễu thờ tà thần gần nhà xuống dòng sông Cửu Long. Ông muốn chứng minh lý luận của ông về bài trừ mê tín dị đoan cho quần chúng thấy một cách cụ thể.

Trong Tám Điều Răn Cấm P.G.H.H., điều thứ sáu nói:

§ Ta không nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta mà cũng không xài được nữa: phải để tiền lãng phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường, đói rách, tàn tật.

Điều thứ năm có nói:

§ Ta chẳng nên ăn thịt Trâu, Chó, Bò và sát sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, và nếu ta làm tội sẽ hưởng tội; còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm cho hết bịnh là tà thần, nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta. (*)

GIỚI LUẬT TRONG PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Về mặt giới luật, Phật Giáo Hòa Hảo có Tám Điều Răn Cấm so với Ngũ giới và Thập giới trong Phật đạo thường áp dụng cho cư sĩ tại gia. Sự khác biệt này được giải thích như một nhu cầu thích nghi với con người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và hoàn cảnh xã hội đương thời.
§ Điều 1: Không sống trác táng, phải trọng luân thường đạo lý.
§ Điều 2: Không lười biếng, không làm nghề bất chánh, phải biết thương yêu và tha thứ trong cuộc sống.
§ Điều 3: Không chạy theo tiền tài danh vọng, không ích kỷ xu nịnh, phải sống quân tử.
§ Điều 4: Không ngạo mạn, lỗ mãng, chưởi thề, kêu Trời Phật Thần Thánh mà xin xỏ hay nguyền rủa.
§ Điều 5: Không sát sanh hại vật, nhứt là gia súc (trâu, bò, chó) để ăn hay để cúng tế, vì các bậc Thần Thánh không ăn hối lộ mà tha tội.
§ Điều 6: Không đốt giấy tiền vàng mã, vì tốn tiền, vô ích, cõi Diêm phủ không xài; mà nên để tiền đó bố thí cứu trợ kẻ nghèo.
§ Điều 7: Không hồ đồ nói càn tin bậy, phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán.
§ Điều 8: Phải thương yêu, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức tu hiền, cứu độ chúng sanh.

Tám Điều Răn Cấm Phật Giáo Hòa Hảo không mang tính chất kinh điển, mà chiếu rọi thẳng vào thực tế cuộc sống, bởi vì trào lưu văn minh vật chất tràn vào xã hội Việt Nam đã làm cho phong hóa suy đồi, cuộc sống thêm nhiều hư hèn tội lỗi, con người thêm ích kỷ độc ác... Tám điều răn cấm này chính là để hướng dẫn con người đi theo chánh đạo, giữ lấy các đức tính căn bản xa lánh thói hư tật xấu, để ứng phó với sức tàn phá đang hoành hành do khuynh hướng tôn sùng vật chất của con người...

Diễn đạt trên căn bản tư tưởng thì Tám Điều Răn Cấm là con đường Tu Nhân, đào tạo người hiền, người tốt trong xã hội.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn