4- Bản Sắc Dân Tộc Trong Phật Giáo Hòa Hảo

21 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 80414)
4- Bản Sắc Dân Tộc Trong Phật Giáo Hòa Hảo
Nói về bản sắc dân tộc, các nhà văn hóa Việt Nam thường nói đến các yếu tố: Con Rồng cháu Tiên, tinh thần bất khuất quật cường, đức tánh bền bỉ dẻo dai, khả năng dung nạp đồng hóa, ý chí tiến thủ mở mang bờ cõi, nếp sống văn minh nông nghiệp...

Nguồn gốc Rồng Tiên vẫn là niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam, giống như dân tộc Nhựt hãnh diện là con cháu Thái Dương Thần Nữ, dân tộc Đức với bản chất Nhựt nhĩ man...

Niềm hãnh diện dân tộc trở thành nguồn cảm hứng bất tận nuôi dưỡng ý chí tự cường, nung đúc tinh thần dân tộc kiêu hùng, bất khuất quật khởi để bảo vệ đất nước, tự tồn tự chủ trước áp lực xâm lược của Trung Hoa và Pháp. Từ tinh thần bất khuất đó, Việt sử đã có những trang hào hùng với những Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung, những Lê Lai, Trần Bình Trọng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trung Trực, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học v.v...

Đức tánh chịu đựng bền bỉ dẻo dai của dân tộc Việt qua một ngàn năm Bắc thuộc, một trăm năm Pháp thuộc, với bao nhiêu đau thương tủi nhục, mà vẫn bền gan chịu đựng chớ không bỏ cuộc, vẫn chờ thời cơ quật khởi lấy lại giang sơn.

Ý chí tiến thủ mở mang bờ cõi đã đưa dân tộc Việt Nam từ phạm vi giới hạn tại châu thổ sông Hồng sông Mã đến một lãnh thổ mở rộng từ Nam Quan đến Cà Mau.

Khả năng dung nạp đồng hóa là một khả năng vĩ đại của dân tộc Việt, không để mình bị đồng hóa mất bản vị (như các chủng tộc Mông Hồi Mãn Tạng đã bị nòi Hán nuốt mất) mà lại thành chất liệu làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Việt Nam đã tiếp nhận tư tưởng tam giáo Đông phương, văn minh thái Tây, thành cái vốn quý của dân tộc, đó là khả năng đồng hóa phi thường trong Việt sử, mặc dầu vẫn còn trạng thái “bội thực văn minh duy lý Tây phương” vì chưa kịp tiêu hóa.

Trong bản sắc dân tộc, cần phải kể nếp sống nông nghiệp truyền thống được gọi là “nền văn minh nông nghiệp” vì nó thể hiện một nếp sống thư thái, bình dị, phóng khoáng, an nhiên, tự tại của con người và xã hội Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua. Tuy rằng nền kinh tế nông nghiệp truyền thống không thể phát triển được theo cường độ và nhịp độ của thế kỷ 20 với văn minh cơ giới và kỹ thuật, nhưng nếp sống thoải mái của xã hội nông nghiệp vẫn có giá trị tinh thần, luân lý và triết lý của nó.

Nhìn vào thái độ của giới tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, ta thấy thể hiện những sắc thái Việt Nam qua nếp sống nông thôn bình dị, khuynh hướng bảo tồn phong hóa, đức tánh bền bỉ chịu đựng, tinh thần tôn trọng đạo nghĩa, tánh tình cởi mở vị tha, và đặc biệt là lòng yêu nước, ý chí cang cường, đức hy sinh vì đại nghĩa... Những đặc tính trên đây chính là ảnh hưởng của tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo hòa hợp tư tưởng Tam giáo với bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ, nếu được thực hành trọn vẹn, có khả năng đào tạo một mẫu người hòa hợp tinh thần Tam giáo và bản sắc dân tộc, một mẫu người nhân bản có những nét căn bản của con người quân tử Nho giáo và trượng phu Phật Giáo.

Nho giáo trụ vào NHÂN, TRÍ, DŨNG. Phật giáo trụ vào BI, TRÍ, DŨNG. Sự khác biệt giữa NHÂN của Nho giáo và BI của Phật Giáo ảnh hưởng đến thái độ con người.

Trong Xã hội Khổng Mạnh, con người được đào tạo theo công thức Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ, để trở thành người Quân tử, chu toàn Đạo làm Người (NHÂN) trong xã hội, trong quốc gia, trong gia đình, và đối diện bản thân mình. Muốn tròn đạo Nhân, con người phải có TRÍ, DŨNG. Trí, là phải có kiến thức để có khả năng phục vụ. Dũng là phải can đảm đương đầu với khó khăn nguy hiểm, dám nhận trách nhiệm “phò nguy cứu khổn”. Công thức NHÂN TRÍ DŨNG đào tạo con người thực tế, có ý thức, có kiến thức, có chí khí, nói chung là con người QUÂN Tử.

Sự khác biệt căn bản giữa Nho giáo và Phật Giáo là LÒNG THƯƠNG (BI). Theo Phật Giáo, lòng thương là động lực chính yếu hướng dẫn mọi thái độ của con người. Vì thương chúng sanh, Đức Thích Ca khổ hạnh đi tầm Đạo. Cũng vì thương chúng sanh, mà khi đã đạt Đạo rồi, đáng lẽ về cõi Niết Bàn hưởng quả Bồ Đề an nhàn, Đức Phật đã hùng tâm ở lại thế gian cùng chung chịu khổ với thế gian, lăn vào bụi đời, khổ hải để giác ngộ và cứu vớt chúng sanh với câu thệ nguyện rằng: Ta chỉ về cõi Cực lạc khi nào tất cả chúng sanh đều thành Phật. (Đức Thích Ca đã đi khắp nơi thuyết pháp độ đời suốt 49 năm trước khi viên tịch).

DŨNG là một đại đức cần thiết để người tu chấp nhận các hy sinh cần thiết cho sứ mạng cứu khổ. Đối với bản thân, có Dũng mới chiến thắng được sự cám dỗ sa ngã, kiên trì tu hành. Đối với người, có Dũng mới dám vì Đời quên mình, lăn vào khổ để tròn đạo quả. Có Lòng Thương mà thiếu Trí đạo và Dũng tâm, thì lòng thương đó chỉ có thể chuyển thành dòng nước mắt bất lực, chớ không thể cứu độ chính mình và người khác được.

Con người Phật Giáo, với BI, TRÍ, DŨNG vẹn toàn, được gọi là con NGƯỜI TRƯỢNG PHU, vì lòng thương mà xả thân.

Căn bản giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo là Phật đạo được phong phú hóa bằng tinh hoa Nho giáo. Do đó tư tưởng Tứ Ân được đặc biệt nêu cao, chuyển hóa vào pháp môn Học Phật Tu Nhân, nhằm đào tạo người cư sĩ tại gia, tuy tu hành nhưng không quên bổn phận con người tại thế gian.

Ý thức chung của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là hãy làm tròn bổn phận con người thế gian một cách quân tử, trượng phu, để sau này thân tâm được giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, tiến lên cõi Tịnh Độ lạc cảnh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn