2- Đức Huỳnh Giáo Chủ Như Là Một Triết Gia Việt Nam, Phạm Công Thiện

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 88010)
2- Đức Huỳnh Giáo Chủ Như Là Một Triết Gia Việt Nam, Phạm Công Thiện
ÁP DỤNG ĐÔI CHÚT PHƯƠNG PHÁP TRIẾT LÝ HIỆN TƯỢNG LUẬN ĐỂ TÌM HIỂU MỘT THIÊN TÀI TÔN GIÁO DÂN TỘC:
 
ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ NHƯ LÀ MỘT TRIẾT GIA VIỆT NAM
PHẠM CÔNG THIỆN
‘’Huỳnh Phú Sổ là triết gia Việt Nam...”
The New Encyclopaedia Britannica
(Volume 6, Micropaedia, 1987, trang 18)

Có lẽ không ai mà không biết Đức Huỳnh Phú Sổ là Đức Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng ít ai biết rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một triết gia Việt Nam. Chẳng những thế, không phải chỉ triết gia Việt Nam như bất cứ một triết gia nào xứng đáng được gọi là “triết gia” mà đức Huỳnh Giáo Chủ lại đúng là một minh triết, một thánh triết, trong mọi ý nghĩa cao siêu nhất của danh từ. Khi tình cờ đọc một bộ từ điển bách khoa có thẩm quyền nhất thế giới, bộ Encyclopaedia Britannica, dở qua cuốn 6, trang 181, tôi thấy tên tuổi và cuộc đời sự nghiệp của Đức Huỳnh Giáo Chủ chiếm trên nữa cột chữ in nhỏ trên trang giấy tự điển, mấy hàng chữ đầu đã đập mạnh vào mắt tôi: “Huỳnh Phú Sổ is a Vietnamese philosopher...” Hiển nhiên mấy hàng chữ tiếp tục cũng xác định thêm rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là nhà cải cách Phật Giáo và nhà sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng chính điều xác định đầu tiên của Encyclopaedea Britannica đã làm tôi chú ý đặc biệt: “Huỳnh Phú Sổ là triết gia Việt Nam....” Mặc dù tôi có thói xấu giống như Aldous Huxley là hay thích đọc tự điển như đọc tiểu thuyết (Aldous Huxley rất say mê đọc bộ Encyclopaedia Britannica), nhưng không phải bất cứ cái gì tự điển đã định nghĩa thì tôi tin ngay lập tức; bản tính cố hữu của tôi là ngờ vực tất cả định nghĩa của tất cả tự điển và từ điển. Tuy nhiên, lúc thấy Encyclopaedia Britannica gọi đức Huỳnh Phú Sổ là “triết gia Việt Nam” thì tôi bỗng ngừng lại và bắt đầu suy nghĩ. Bao nhiêu âm hưởng bất ngờ xoáy tròn xung quanh một danh từ quen thuộc.

Từ lâu, tôi đã có thói quen nghĩ rằng đức Huỳnh Giáo Chủ là một thiên tài tôn giáo dân tộc, là một Đại Bồ Tát trong lịch sữ Phật Giáo Việt Nam, là tất cả những gì đáng tôn kính trong vị thế của một Giáo Chủ một tôn giáo gồm nhiều triệu tín đồ ở Việt Nam. Nhưng tôi chưa nghĩ đến khía cạnh “triết gia” của Huỳnh Giáo Chủ. Hiển nhiên tất cả mọi Giáo Chủ tôn giáo đều là triết gia ở một bình diện nào đó, và tất cả mọi triết gia ở trên tất cả bình diện đều không thể là Giáo Chủ được, nếu người ta hiểu được tính thể chân chính của Triết lý như là Triết lý. Một triết gia có thể là một triết gia về tôn giáo với một nền tảng triết lý về tôn giáo, nhưng một nhà tôn giáo học không hẳn bị bắt buộc phải là một triết gia, và nhất là một nhà tu hành tôn giáo và nhất là một Giáo Chủ tôn giáo lại không nhất thiết phải cần đến một triết lý nào cả, nhất là thứ triết lý kinh viện nhà trường. Tuy nhiên nếu triết lý được hiểu là triết lý trong tất cả mọi ý nghĩa toàn diện của triết lý thì không có ai có thể chạy thoát ra ngoài cái vòng tròn khủng khiếp của triết lý, dù triết lý được hiểu theo nguyên nghĩa Philosophia (nguyên chữ Hy Lạp: philia sophia) hay được hiểu theo nguyên nghĩa Minh triết Đạo lý của Đông phương. Nếu được hiểu theo nghĩa nguyên vẹn toàn diện thì Đức Huỳnh Giáo Chủ đúng là một triết gia Việt Nam vĩ đại mà chỉ có keœ nào nắm trọn tất cả Triết lý Tây phương và Đạo lý Đông phương thì mới có khả năng nhìn thấy được tất cả ý nghĩa ẩn hiện của bốn chữ Triết lý Việt Nam. Ai có khả năng nắm trọn tất cả Triết lý Tây phương và Đạo lý Đông phương? Khả năng là cái gì? Nắm là cái gì? Nắm trọn cái gì? Tất cả triết lý Tây phương là gì? Đạo lý là gì? Đạo lý Đông phương là gì? Tại sao phải hỏi “là gì” và cái gì nằm ẩn trong cách hỏi “là gì”? Và chính là “là” là “cái gì”? Chính câu hỏi về bản tính và thể tính của cái “là” là câu hỏi căn bản nhất quyết định hướng đi và sự vận hành của triết lý Tây phương, và cũng chính câu hỏi về tự tính và thể tính của cái “là” và cái “không là” là câu hỏi quyết định Tính Mệnh Đông phương và toàn thể nhân loại. Triết lý Việt nam là gì? Nói theo điệu Việt Nam hơn nữa. Triết lý Việt Nam là “cái gì”? Chữ cái, dù hiểu hay không được hiểu, cũng là cái mà bất cứ người Việt Nam cũng được hay bị xoáy tròn trong cái vòng khủng khiếp của Cái và Con, của Con và Cái. Tôi nói gì? Hay cái gì nói trong tôi, trong tất cả người Việt Nam tự nhận là người Việt Nam, dù có quốc tịch Pháp, Anh, Mỹ, Đức, vân vân? Cái gì làm Việt Nam là Việt Nam? Cái gì làm Triết lý là Triết lý? Cái gì làm Đạo lý là Đạo lý? Cái gì làm cái làm ra cái làm? Dù tránh sữ dụng chữ Cái đi nữa thì chữ CÁI và ý nghĩa phong phú của CÁI vẫn quyết định tất cả mọi xữ thế tiếp vật, tất cả mọi hành động tư tưởng của người Việt Nam. Tùy cách hiểu chữ cái mà tư tưởng chúng ta sẽ có một thái độ nào đó đối với sự vật và sự việc, đối với sự, đối với vật, đối với việc, đối với thể và đối với tính hay tánh.

Một quan niệm nào đó về sự vật sẽ quyết định tất cả thể thái hành động của chúng ta. Sự vật là sự việc? Sự việc là hữu thể hay vô thể? Tại sao tính thể trở thành sự thể? Tại sao sự việc trở thành sự vật? Tại sao đồ vật trở thành đối tượng? Tại sao mình cứ phải hỏi tại sao? Cái gì làm cho mình hỏi tại sao? Tại sao mình phải tìm lý do, nguyên do, nguyên nhân, nguyên lý? Tại sao của tại sao là gì? Nguyên lý của nguyên lý là gì? Cái gì làm cho mình ngừng lại với nguyên lý của nguyên lý và không hỏi nữa? Cái gì làm cho mình tiếp tục hỏi nữa cho đến vô hạn? Vô hạn là cái gì? Và chính cái của cái gì đó là cái gì? Tại sao áp dụng phương pháp triết lý hiện tượng luận để tìm hiểu một thiên tài tôn giáo dân tộc? Áp dụng là cái gì? Phương pháp là cái gì? Hiện tượng luận là cái gì? Thiên tài là cái gì? Tôn giáo là gì? Dân tộc là gì? Triết gia là gì? Triết gia Việt Nam là gì? Mấy chữ “như là” trong “như là Triết gia Việt Nam” là gì? Chúng ta hiểu gì về một người mang tên là Huỳnh Phú Sổ? Huỳnh Phú Sổ là ai? Là ai là cái gì? Con người là gì? Cái gì là cái gọi là con người? Và cái gọi là “cái hiểu” là cái gì? Có thể hiểu cái hiểu là gì không? Nếu mình tự nói rằng mình không hiểu gì hết thì cái gì làm cho mình hiểu rằng mình không thể hiểu gì hết? Tất cả hiện tượng luận bắt đầu bằng cái hiểu như là “sở thức”, cái ý thức “cogitatio” bất khả ngờ vực. bây giờ tôi xin trở về vấn đề. Trở về vấn đề là trở về sự việc, trở về sự việc trong chính sự việc đang tự mở bày ra từ chính sự việc đang xuất hiện trong cái “cogitatio”, trong “ý thức”. Tại sao áp dụng một phương pháp Tây phương để tìm hiểu một thiên tài dân tộc? Hiện tượng luận là cái gì? Có chăng một phương pháp? Phương pháp của khoa học phải chăng là một phương pháp triệt để? Triệt Để là cái gì? Cái gốc rễ của mọi sự là cái gì? Giới hạn của chính hiện tượng luận là thế nào? Hiện tượng luận là làm cho sự vật và sự việc tự xuất hiện từ chính sự vật và sự việc, làm cho hiện tượng tự tượng ra thành hiện thể trong ý thức, và ý thức lập tức, “cogitatio” hiện thức chỉ là ý thức khi ý thức bừng vỡ ra ngoài ý thức và bị lôi kéo ra cái mà ý thức đang ý thức về chính cái lôi kéo ấy. Mấy chữ “Hiện tượng luận” được dịch từ chữ “PHENO- MENOLOGY” bởi hai chữ Hy Lạp: “PHAINÓMENON LOGOS”. Hiện tượng luận hiểu theo nguyên nghĩa Hy Lạp là: legein tà phainomena”, nghĩa là “aophainesthai tà phainomena”, có nghĩa theo điệu ngôn ngữ Việt Nam là: “để cho cái tự hiện ra được nhìn thấy từ chính cái ấy trong chính cái điệu mà cái ấy tự hiện ra từ chính cái ấy” (cf. Heigegger, Being and Time, tr.58: “to let that which shows itself be seen from itself be seen from itself in the very way in which it shows itself from itself’’). Hiện tượng luận để cho chúng ta nhìn thấy... nhìn thấy cái gì? Nhìn thấy cái hiện tượng. Nhưng hiện tượng là cái gì? Người Việt Nam gọi hiện tượng là “cái”. Trước khi chữ hiện tượng xuất hiện trong ngôn ngữ Việt Nam thì người Việt Nam đã có chữ cái. Khi cái đã ẩn trốn và chữ hiện tượng lại thường được hiểu là đối tượng hay sự vật hay đồ vật. Khi cái biến thành hiện tượng, đối tượng, sự vật, sự việc, đồ vật thì Tính mệnh của Tư tưởng Việt Nam phải đương đầu với văn minh Tây phương và chiến tranh Việt Nam bùng nổ trên cả trăm năm gần đây và tất cả người Việt Nam đều bị mất gốc rễ và mất quê hương, và “hiện tượng” vượt qua biên chỉ là hậu quả tất yếu của sự mất quê hương, toàn dân tộc khi cái đã ẩn trốn; và thế giới đối tượng, sự vật, đồ vật đang thống trị Việt Nam. Hiện tượng luận mở ra hiện tượng của Hy Lạp và Tây phương hiện đại. Hiện tượng Tây phương hiện đại xô đẩy hiện tượng Hy Lạp vào trong sự vong tính. Hiện tượng, theo nghĩa phainomenon, phainomena của Hy Lạp, chính là tà onta (hiện tính thể) và hiện tính thể (tà onta) đã trở thành “đối tượng”, “Object”, “Objekt” “Gegenstand” của thời cận đại và hiện tượng Tây Phương. “Đối tượng” là một cách giải thích hạn định xuất phát từ “siêu hình học hay siêu thể học” Tây Phương cận đại hay hiện đại đối với “cái” gọi là sự vật và sự việc. Từ đó cái thường khi không tự hiện ra thì chính là cái ẩn giấu, bị phủ lấp. Lôi kéo cái ẩn giấu ra ánh sáng để cho cái ẩn giấu được nhìn thấy như là cái ẩn giấu, và được ẩn giấu từ bóng tối lãng quên và được lôi ra ánh sáng như là cái tự được hiện ra từ chính nó như là cái tự hiện ra như thế, đó là cả một cuộc đấu tranh quyết liệt trong mặt trận tư tưởng. Thiên tài là người đã được Tính Mệnh kêu gọi để đồng thanh tương ứng với tiếng gọi của Thế Mệnh Nhân Loại, tiếng gọi lôi kéo và xé rách đêm tối, như sấm sét in tia chớp xé trời đen, xô đẩy thiên tài đối mặt với Hố thẳm mà nhà thần học lẫy lừng nhất Huê Kỳ PAUL TILLICH gọi là “The ABYSS” (cf. P. TILLICH. Systemetic Theology, cuốn 1, 110, 113, 119, 156, 158-59, 164, 174, 216, 226).

Tất cả Tính Mệnh Dân Tộc và Thế Mệnh Nhân Loại được tập trung hội tụ lại trong một con người vượt qua con người, một thiên tài Việt Nam mang tên là Huỳnh phú Sổ, một người đã nhìn thấy hết tất cả sự tàn phá của chủ nghĩa Cộng Sản Tây Phương từ ngay lúc Cộng Sản Hà Nội bắt đầu xuất hiện nguyên hình tại quê hương. Một thanh niên Việt Nam mới 20 tuổi mà đã cưu mang tất cả sức nặng bí ẩn của đạo lý Đông Phương, đã thể hiện tất cả khả tính có thể có được của Tư Tưởng Việt Nam, đã giải phóng Triết lý Việt Nam ra ngoài tất cả khuôn lối cũ của truyền thống, đã thể hiện trọn vẹn tất cả tinh túy của Mật tông, Thiền tông và Tịnh Độ tông, đã thành tựu oanh liệt truyền thống Thiền Lý Trần và Thiền Trúc Lâm Yên Tữ của Việt Nam, đã nối kết lại tinh thần Phật Giáo nguyên thủy với đại nguyện và đại hành của Lý tưởng Bồ Tát trong Đại Thừa, đã đốt cháy lại ngọn lữa thiêng trao truyền từ lục tổ Huệ Năng (vị đại thiền sư của dân tộc), đã gây dựng lại với hai bàn tay trắng tất cả những gì cao siêu nhất của dân tộc và của nhân loại trong sự nghiệp tư tưởng và hành động của mình, đã nuôi dưỡng đời sống tâm linh và hùng khí dân tộc cho bao nhiêu triệu người Việt Nam. Một người như thế, chẳng những là một triết gia Việt Nam thôi, mà chính là minh triết, thánh triết cho cả nhân loại. Tất cả lịch sữ của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo chỉ bắt đầu sau cái chết của đức Jesus: “Nội dung của đức tin có thể tóm tắt trong một câu duy nhất rằng “Chúa Kito đã chết và đã sống dậy” như nhà thông thái về Tân Ước Kinh CONZELMANN đã xác định dứt khoát: “The history of the Church begins after the death of Jesus... The content of the faith can be summed up in the one sentence, that Christ died and has risen” (cf. Hang Conzelmann, History of Primitive Christianiy, trang 7 và trang 43). Từ cái nhìn tương phản mở rộng ra với lịch sữ Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, chúng ta có thể hiểu được gián tiếp tất cả ý nghĩa về “ngày ra đi của Đức Huỳnh Phú Sổ” mà tất cả các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang làm lễ kyœ niệm ngày hôm nay.

PHẠM CÔNG THIỆN

Garden Grove, ngày 16.IV.88

GIÁO SƯ PHẠM CÔNG THIỆN NÓI VỀ Ý THỨC HÒA HẢO
Kính thưa quý vị,

Trong bài thuyết trình cụ Thành Nam, có một điểm vô cùng quan trọng mà chính điểm đó đã khai mở cho chúng tôi có một cái nhìn khác hơn xưa về Phật Giáo Hòa Hảo. Đó là sự nhấn mạnh về ý nghĩa bốn chữ Phật Giáo Hòa Hảo: dùng chữ “hòa hảo” giải thích Phật Giáo, cũng như nhận định Phật Giáo là nguồn gốc của Hòa Hảo thì chẳng khác nào có tên mà không có họ, có ngọn mà không có nguồn, vì Phật giáo là nguồn gốc nguyên thủy của Hòa Hảo. Bởi thế không nói Hòa Hảo mà phải nói Phật Giáo Hòa Hảo.

Điều tôi muốn nói, với tư cách khiêm tốn của một giáo sư triết học Tây phương của một Đại học Tây phương, đồng thời một giáo sư khoa học của một Đại học Phật giáo, là đã từ lâu chúng tôi nhìn thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ là một đại thiên tài tôn giáo của nhơn loại. Trên quan điểm Phật học Phật Giáo, chúng tôi nhận thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ là một Đại Bồ Tát hóa hiện. Không bao giờ một Đại Bồ Tát lại hóa hiện thị một cách tình cờ hay ngẫu nhiên mà chính là đã quyết định chọn lựa nơi hóa hiện để thực hiện sứ mạng cứu đời, như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chọn lựa làng Hòa Hảo.

Tôi nói đây theo quan điểm người học Phật, không phải quan điểm người tín đồ. Đối với người tín đồ đã hiểu giáo lý, đã sống trong giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, thì sự hiện diện của Giáo Chủ là hữu tình, sự hiện diện hữu tình dù là vô hình, chính là sự hiện diện thường trực quyết định tất cả ý nghĩa đời sống trong tinh thần, trong tinh túy của giáo lý Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Với quan điểm người học Phật, tôi nghĩ rằng đạo Phật Giáo Hòa Hảo có thể xem là một pháp môn trong 84.000 pháp môn của Phật Giáo. Pháp môn Phật Giáo Hòa Hảo rất đặc biệt, rất thuần túy Việt Nam, rất thuần túy Phật Giáo, so với các Pháp môn khác như Tịnh Độ, Bát Nhã, Hoa Nghiêm... pháp môn Phật Giáo Hòa Hảo thuộc Đại thừa Phật Giáo.

Bài thuyết trình đã giải thích mạch lạc khúc chiết thế nào là Hòa Hảo, tinh thần Hòa Hảo trong Nho giáo, Lão giáo, Phật Giáo. Chúng tôi nghĩ rằng, từ nhơn hòa thái hòa của Nho giáo đến huyền đồng của Lão giáo, đến lục hòa của Phật Giáo, tất cả đều đưa đến đại đồng. Với tư cách một giáo sư triết học Tây phương, tôi còn thấy tinh thần hòa hảo trong triết lý Hy Lạp từ Heraclite, Platon... đến các triết gia thế kyœ 17 ở Tây phương.

Vậy Hòa Hảo trong Phật Giáo Hòa Hảo khác với Lão, Nho và Tây phương thế nào? Bên Khổng đi về hữu tính, cái hòa trong thuyết huyền đồng của Lão giáo đi về vô cực, vô tính. Một bên hữu, một bên vô. Cái hòa hảo của đạo Phật vượt lên vô và vượt lên hữu. Chính đó là cái đặc biệt trong Phật Giáo Hòa Hảo. Vì thế gọi là Phật Giáo Hòa Hảo, chứ không gọi là Khổng Giáo Hòa Hảo hay Lão Giáo Hòa Hảo. Chữ hòa hảo ở đây không có nghĩa là hòa chống lại bất hòa hay hảo chống lại bất hảo, vì như thế còn kẹt trong Khổng và Lão. Chữ Hòa trong chữ hòa hảo là hòa vượt lên trên hòa và bất hòa. Chữ Hảo trong hòa hảo là vượt lên trên hảo và bất hảo, và đi đến tinh thần vô nhị bất nhị. Đó là tinh thần của Phật Giáo. Như thế mới gọi là Phật Giáo Hòa Hảo.

Tôi đã khai triển sơ lược những điều hé mở của cụ Thành Nam, và chúng tôi sẽ cố gắng khai triển thêm sự gợi ý đó.

Xin cám ơn quý vị. PHẠM CÔNG THIỆN
(16-6-84)

Giáo sư Phạm Công Thiện được xem là một “thần đồng Việt Nam”, 16 tuổi đã viết và xuất bản cuốn Anh ngữ tinh âm tự điển, bộ Lịch sữ Văn học Thế giới và Lịch sữ Văn học Anh Quốc. Trước kia ông là Khoa trưởng phân khoa Nhân văn tại Đại học Vạn Hạnh, Saigon, Giáo sư Triết học Tây phương tại đại học Toulouse, Pháp, hiện giờ đang dạy tại Viện Đại học Phật giáo tại Los Angeles. Đặc biệt, ông có những liên lạc rất mật thiết với văn hào Mỹ Henry Miller thể hiện qua những trao đổi văn thơ và tư tưởng. Hồi nhỏ ông đã có cơ duyên sống trong vùng lân cận Thánh Địa Hòa Hảo (Tân Châu) và do đó có những liên quan với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, dù chính ông chưa bao giờ là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Ý kiến bạn đọc
29 Tháng Chín 20127:00 SA
Khách
Finllay! This is just what I was looking for.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn