Một diễn tiến quan trọng cần được ghi lại trong lịch sử tranh đấu tại miền Nam Việt Nam là chế độ Nam Kỳ Quốc, mà nhiều giới đã gọi là một “quái thai lịch sử”. Đó là một âm mưu của thực dân Pháp mà một số người Việt Nam đã mắc vào, hoặc vì động cơ danh lợi cá nhân, hoặc vì thiện chí muốn làm điều tốt trong hoàn cảnh khó khăn nhưng bị thực dân Pháp lừa gạt.
Ngày 4-2-1946, đô đốc D’Argenlieu nhân danh Cao ủy Pháp tại Đông Dương ký sắc lịnh thành lập một Hội Đồng Nam Kỳ gồm bốn thân hào Pháp, tám thân hào Việt Nam, trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Thinh sau trở thành Thủ tướng Chánh phủ Nam Kỳ tự trị.
Trong giới người Pháp có ba khuynh hướng:
1. Tái lập chế độ thuộc địa như trước 1945.
2. Biến Nam phần thành một tỉnh hạt (département) Pháp, nghĩa là sáp nhập lãnh thổ Nam phần vào nước Pháp;
3. Thành lập một Chánh phủ “Nam Kỳ Tự Trị.”
Phần đông người “Pháp cũ” muốn áp dụng một trong hai giải pháp nhứt nhì nói trên. Nhưng, các viên chức mới qua nắm bộ máy công quyền Pháp lo ngại người Việt sẽ chống đối và các chính khách bổn xứ sẽ từ chối hợp tác. Họ nhận định nên thực hiện giải pháp “Nam Kỳ Tự Trị”, ít nhứt trong giai đoạn giao thời để chờ tình hình Đông Dương nói chung được ổn định. Giới người “Pháp mới” cho rằng giải pháp này phù hợp với Tuyên ngôn Brazaville ngày 24-3-1945 của tướng De Gaulle.
>Từ khuynh hướng này, Hội Đồng Nam Kỳ đề cử bác sĩ Nguyễn Văn Thinh thành lập nội các Nam Kỳ Quốc, ra mắt ngày 1-6-1946 trước nhà thờ Đức Bà Saigon, với bài quốc thiều lấy tám câu thơ đầu trong “Chinh Phụ Ngâm":
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên...”<
Thực dân Pháp đối xử tàn tệ với Chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị, chỉ cấp cho một chiếc xe hơi mang số C.Z.00, tức là hai con số không. Bài quốc thiều đã là một chuyện khôi hài, chiếc xe hơi lại thêm một đầu đề châm biếm “zéro cộng với zéro thành cái gì?”, cho nên có người đã cho rằng chính vì sự xui xẻo đó mà chỉ mấy tháng sau chiếc xe bị phục kích gần Trung Lương, hai vị Tổng trưởng Nam Kỳ Quốc tử nạn, chiếc xe cháy tiêu.
Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh không được cấp công thự làm văn phòng, phải làm việc ngay tại nhà riêng ở góc đường Verdun-Duranton. Cũng chính tại ngôi nhà này bác sĩ Thinh treo cổ tự vẫn vào đêm 10 rạng ngày 11-11-1946, sau trên năm tháng làm thủ tướng bù nhìn. Pháp giấu biệt bản chúc thư của Thủ tướng Thinh, nên không ai biết ông đã thố lộ những điều tâm sự u uản bi đát thế nào để đi đến quyết định đau thương tự sát đó. Biết đâu bản chúc thư tuyệt mệnh ấy lại chẳng là một bản án nói về dã tâm của thực dân Pháp, cho nên Pháp phải giấu luôn.
Nhận xét về con người và cái chết của bác sĩ Thinh, cụ Trần Văn Ân viết như sau:
Tôi có quen biết với bác sĩ Thinh từ năm 1929, vì Thinh là bạn Dương Văn Giáo, Luật sư. Mà tôi là người bạn nhỏ tuổi của ông Dương Văn Giáo. Tôi cho lời ông Lang là đúng sự thật, quả tình ông Thinh là người ngay thật, chánh trực và hảo tâm.
Chúng tôi chống chính sách phân ly, không tiếp xúc với bác sĩ Thinh khi ông lập Chánh phủ Nam Kỳ tự trị. Nhưng ông Thinh vốn có đức độ khiêm tốn. Ông khác lập trường với chúng tôi nhưng vẫn là người ái quốc. Ông tự tử khi nhận ra mình bị gạt, khi thấy Pháp chỉ có dã tâm...
Hôm nay ngồi viết về cái chết của Bác sĩ Thinh, lúc người tôi đã 84 tuổi Việt, đã hành thiền trên 20 năm qua, tôi thấy phải lấy công tâm mà xét về cử chỉ của Bác sĩ Thinh. Năm 1946 tôi coi thường và cho rằng ông chết là phải, bởi đi ngược nguyện vọng nhân dân. Nay xét lại thấy Bác sĩ Thinh cũng như Nguyễn Văn Sâm, như các bạn Thâu, Thạch, Hùm, Chánh, Phương, Đường (Lâm Ngọc) kẻ trước người sau đều là nạn nhân của đế quốc, đế quốc trắng và đế quốc đỏ... (*)
Gửi ý kiến của bạn