8- Pháp Chia Khối Quân Sự Thành Nhiều Nhóm

01 Tháng Mười Hai 200512:00 SA(Xem: 77123)
8- Pháp Chia Khối Quân Sự Thành Nhiều Nhóm
Sau kế hoạch “cắt cái đầu lãnh đạo”, bây giờ Pháp tiến vào giai đoạn kế tiếp của kế hoạch là “xé cái mình ra nhiều mảnh”. Chánh sách ‘’chia để trị’’ vẫn là chánh sách cố hữu của thực dân Pháp đã áp dụng tại Việt Nam ngay từ bước đầu xâm chiếm. Chia dân tộc Việt Nam thành giai cấp giàu nghèo quá cách biệt, chia lãnh thổ thành ba miền khác nhau, chia rẽ triều đình với dân chúng, chia xẻ xã hội thành từng khối quyền lực... Chế độ thuộc địa và bộ máy cai trị suốt 80 năm của Pháp tại Việt Nam đã được vững vàng một phần do chánh sách chia để trị, gây mâu thuẫn xã hội và dân tộc.

Đối với khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo đang ở tình huống cần phải có võ khí để tự vệ tự tồn, Pháp ở vị thế chủ động, có nhiều điều kiện thuận lợi mà thi hành chánh sách chia manh mún để dễ cai trị.

Tuy Pháp đã ký hiệp định liên quân với ông Trần Văn Soái, mặc nhiên công nhận ông là vị Tổng Tư lịnh Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã , nhưng Pháp đã tìm cách “xây dựng” những cán bộ quân sự độc lập bên ngoài hệ thống chỉ huy của Bộ Tổng tư lịnh Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, khích lệ và giúp đỡ cho các nhóm thành hình. Vì thế khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo trên tiến trình phát triển đã chia ra làm nhiều tổ chức:

§ Tổ chức Trần Văn Soái

§ Tổ chức Lâm Thành Nguyên

§ Tổ chức Nguyễn Giác Ngộ

§ Tổ chức Lê Quang Vinh

Về sau, còn những nhóm nhỏ mọc lên như nhóm Võ Văn Điểu, nhóm Nguyễn Thành Đầy, nhóm Nguyễn Văn Huê tại Long Xuyên. Một vài cấp chỉ huy khu vực quân sự cấp tỉnh của Phật Giáo Hòa Hảo cũng được Pháp khích lệ tách khỏi hệ thống.

Trong tình huống chia năm xẻ bảy như thế, các nhóm quân sự này đã trở thành các tập thể nhỏ, không thể làm gì hơn, ngoài công tác quân sự tại địa phương. Họ không thể tạo một ảnh hưởng nào về chánh trị, và cũng không được các giới bên ngoài nể trọng. Một khi đã thiếu sự nhứt trí nội bộ, các hoạt động đối ngoại tất nhiên mất ưu thế.

Pháp lúc đó theo dõi rất sát các hoạt động chánh trị của các nhóm quân sự Phật Giáo Hòa Hảo, lại còn gài một số người của họ vào các công tác ngoại giao của Phật Giáo Hòa Hảo, để kịp thời ngăn chặn các kế hoạch chánh trị của tổ chức này.

Ngoài kế hoạch chia xẻ, Pháp còn làm nhiều việc để cô lập hóa Phật Giáo Hòa Hảo đối với bên ngoài, tạo một không khí chống đối Phật Giáo Hòa Hảo từ mọi phía, khởi đầu từ các công chức hành chánh của Pháp. Đặc biệt vấn đề tài chánh, Pháp cố tình đưa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào hoàn cảnh thiếu thốn, cần tài chánh, mà số lương bổng đài thọ chỉ bằng nhu cầu, làm cho khối quân sự này phải tự túc tài chánh bằng các biện pháp bất hợp pháp, như thâu thuế, sung công tài sản vô chủ.

Cũng có thể lập luận rằng: đâu phải hoàn toàn do âm mưu Pháp mà khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo chia làm nhiều nhóm. Cũng còn do tham vọng các cá nhân muốn làm lãnh tụ độc lập. Điều này cũng có phần nào đúng đối với những cá nhân thiếu cái nhìn xa rộng, lại sẵn bản chất anh hùng cá nhân, hảo hớn giang hồ, có khuynh hướng tự nhiên “tiểu vương lãnh chúa” giống như các thập nhị sứ quân đời trước Đinh Tiên Hoàng. Nhưng có một điều khác cũng rõ rệt, dễ hiểu, là nếu Pháp thực sự không muốn có tình trạng đó, thì chắc chắn họ đã ngăn chặn được.

Chính người Pháp đã thú nhận chánh sách chia để trị của họ trong một bản nhận định sau của quân đội Pháp:

Sau những khó khăn của năm 1946, bộ tư lịnh Pháp đã nhận thấy tầm quan trọng của phong trào Phật Giáo Hòa Hảo, và cả sự khó khăn của họ. Cho nên, sau khi họ liên quân với Pháp năm 1947, chánh sách của Pháp đã phải rất thận trọng. Vừa hợp tác với Phật Giáo Hòa Hảo, dựa vào họ để đánh lại Việt Minh, lại đồng thời phải khích lệ sự chia rẽ bất hòa nội bộ tôn giáo này, bằng cách trợ trưởng cho những cấp thuộc hạ của ông Trần Văn Soái thực hiện tham vọng tự lập, đứng riêng của họ. Chỉ cung cấp võ khí đạn dược cho họ một cách hạn chế, và chỉ cho họ phát triển trên các địa phận có khả năng củng cố an ninh những trục giao thông, và những vùng then chốt mà quân đội chánh phủ Việt Nam tỏ ra bất lực...

Với một kế hoạch hai mặt: tách khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo ra khỏi đầu não chánh trị Dân Xã, và chia cắt nội bộ khối quân sự thành nhiều mảnh, Pháp đã làm giảm sinh lực tiến bộ và phát triển của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, để biến thành những nhóm quân sự phi chánh trị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn