1- Chánh Sách Của Chế Độ Đối Với PGHH

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 78227)
1- Chánh Sách Của Chế Độ Đối Với PGHH
Mặc dù ông Ngô Đình Diệm và phụ tá của ông là Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ cố gắng phân tách rằng chánh phủ chỉ đối phó với các lực lượng võ trang, chớ không đàn áp tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng chánh phủ cũng vẫn không thâu phục được nhân tâm khối Phật Giáo Hòa Hảo. Trên thực tế, không có những vụ bắn giết hàng loạt như Việt Minh đã làm đối với Phật Giáo Hòa Hảo năm 1945, 1947, nhưng trong lòng người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chế độ Ngô Đình Diệm cũng là một chế độ độc tài uy hiếp họ.

Khẩu hiệu “chống độc tài bất cứ hình thức nào” là khẩu hiệu quen thuộc của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã nêu ngay từ 1945. Đối với họ, Việt Minh là độc tài Đảng trị, lấy Đảng trị nước, và bây giờ là chế độ gia đình trị, lấy gia đình và tôn giáo cai trị nước.

Dù chưa phải chịu các cực hình khủng bố ác liệt, giết chóc, nhưng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã cảm thấy bị uy hiếp, đàn áp về tinh thần, bị miệt thị, bị đẩy vào vị trí thất thế trong một chế độ mà họ không còn phương tiện để đối phó. Trước kia, nếu bị ức hiếp, họ tự động đoàn ngũ hóa, tập võ nghệ hay cầm võ khí để chống lại, như đã từng chống lại Pháp và Việt Minh. Nhưng bây giờ, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, họ không thể dùng võ khí để chống lại, mà đành phải ép mình chịu đựng. Với tâm trạng bị dồn nén đó, họ không thể có thiện cảm với chế độ, và mọi nỗ lực của phía chánh phủ để tranh thủ cảm tình của khối Phật Giáo Hòa Hảo cũng không có kết quả bao nhiêu.

Bản chất Bảo thủ và nghi ngại của giới nông dân lại thêm mặc cảm tôn giáo (tự xem mình bị kỳ thị bởi Chánh phủ mà thế lực Thiên Chúa Giáo bao trùm) tạo ra bức tường ngăn cách và thái độ lạnh lùng. Đây không phải là thái độ sợ hãi uy lực của chánh quyền, mà chính là thái độ thụ động chống đối, tẩy chay chế độ. Không thích thì không chơi.

Những phần tử ở cấp lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo, ngoài mặc cảm chung của đoàn thể đối với chế độ, còn tiên đoán rằng dưới chế độ Ngô Đình Diệm dòng sinh lực Phật Giáo Hòa Hảo sẽ bị kềm hãm tuy không thể bị bóp nghẹt nhưng cũng không thể phát triển được. Nói theo ngôn ngữ tôn giáo, đây là thời kỳ pháp nạn mà Phật Giáo Hòa Hảo phải chịu đựng, khá lâu dài.

Phương thức chịu đựng của Phật Giáo Hòa Hảo ở giai đoạn này là phương pháp “chân không”, tạo ra một tình huống trống rỗng, không tổ chức, không giáo hội, không lãnh đạo, không sinh hoạt. Trong thời kỳ quân sự hóa, ngoài hệ thống quân sự, còn có hệ thống Ban Trị sự Phật Giáo Hòa Hảo lo giáo sự, hướng dẫn tín đồ trong phạm vi tu hành, sinh hoạt tín ngưỡng và xã hội. Về mặt chính trị, có hệ thống Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Ông Ngô Đình Diệm đã dẹp tan hệ thống quân sự. Hệ thống Dân Xã Đảng cũng bị khủng bố, loại khỏi sinh hoạt chính trị dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa. Hệ thống Ban Trị Sự tuy chính thức không bị cấm hoạt động, cũng tự động ngưng sinh hoạt. Đây là một tình huống khá đặc biệt mà Phật Giáo Hòa Hảo đã áp dụng để đề kháng một chế độ đang có thế mạnh. Bởi vì Phật Giáo Hòa Hảo không có tổ chức giáo quyền, cũng không có giáo hội, chánh quyền phải đối phó trực tiếp với hai triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Vì không có cơ cấu hay cá nhân nào chính thức thay mặt khối tín đồ này để giao thiệp với chánh quyền, để lãnh trách nhiệm với chánh quyền, để truyền đạt phổ biến chánh sách của chánh quyền. Đó là một tình trạng chân không. Cũng không có các sinh hoạt chính thức, mặc dầu các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn hàng ngày hành đạo, hai ba lần sớm chiều cúng lạy trước bàn thờ Tam Bảo và Tổ tiên, vẫn ăn chay lạt theo quy luật, vẫn hàng năm cử hành đại lễ 18-5 kỷ niệm ngày khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, bằng các hình thức tự nguyện tụ tập về Thánh địa hành lễ... Đoàn thể không có thái độ chính trị đối với chánh quyền, các cá nhân tín đồ có thể tự lấy thái độ chính trị của mình mà nhận lấy các trách niệm riêng mình về quyết định chánh trị đó.

Về thái độ chánh trị, cần ghi nhận một điểm rất quan trọng, là mặc dù chống chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng Phật Giáo Hòa Hảo vẫn không vì thế mà hợp tác với Việt Minh, vẫn giữ thái độ chính trị chống Cộng Sản. Không còn võ khí để chống Cộng tại chiến trường nữa, Phật Giáo Hòa Hảo ngày nay vẫn chống bằng tinh thần cả chế độ Ngô Đình Diệm và Việt Minh. Nhưng có sự phân biệt: chế độ Diệm là người hàng xóm xấu, còn Việt Minh là kẻ địch.

Những sĩ quan quân đội quốc gia đã cảm nhận thái độ đó của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khi họ đi hành quân. Đến một vùng mà dân cư là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, họ không phải đề phòng sau lưng, chỉ cần lo đề phòng Việt Cộng trước mặt. Họ biết rằng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không hợp tác với họ, nhưng không đánh họ, không hại họ, không đâm sau lưng họ. Người sĩ quan quân đội quốc gia cảm thấy không cần phải e ngại dân chúng Hòa Hảo như họ phải cảnh giác đối với dân sống trong vùng lãnh thổ trước kia do Việt Minh kiểm soát.

Một số sĩ quan quân đội quốc gia cũng cho biết rằng khi hành quân vào một khu vực có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nếu trong hàng ngũ quân đội quốc gia có một số binh sĩ gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, thì họ được sự giúp đỡ của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại đó, bằng cách kín đáo cho các tin tức về Việt Cộng. Đó là thái độ đặc biệt và tự nhiên của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chỉ tin nơi đồng đạo của mình, chỉ hợp tác với đồng đạo của mình. Có nhiều trường hợp đã xảy ra trong các cuộc hành quân, chỉ cần một ngón tay chỉ hướng kín đáo, hay một liếc mắt, một tiếng tằng hắng của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo sống tại địa phương đó, là đoàn hành quân khám phá được các hầm bí mật chôn võ khí hay ẩn núp của Việt Cộng. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải kín đáo, vì họ phải đề phòng sau khi đoàn quân đi rồi, họ sẽ bị Cộng Sản trả thù. Họ không chống nhưng cũng không tin các sĩ quan không phải đồng đạo của họ. Trạng thái này cũng nói lên một điều khác nữa, là mức độ giác ngộ chánh trị của người tín đồ nông dân Phật Giáo Hòa Hảo. Họ không giống các nông dân Việt Nam khác, vì họ có lý tưởng, họ tích cực và kiên trì với lý tưởng chống Cộng của họ, chớ không thỏa hiệp với Cộng Sản.

Chánh phủ Ngô Đình Diệm đã thành công trong chiến dịch dẹp các lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng đã thất bại, không thể thay đổi được thái độ của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, không thể chuyển thái độ bất hợp tác của họ, sang thái độ ủng hộ chế độ.

Nhân vật lãnh đạo tinh thần được toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo kính trọng là vị thân sanh Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, đó là ông Hương Cả Huỳnh Công Bộ. Quyết định của ông có thể được rất nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hưởng ứng, họ kính trọng gọi ông là Đức Ông. Nhưng ông cũng né tránh không lấy bất cứ quyết định nào nhơn danh đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo có thể tạo ảnh hưởng hay hậu quả cho tín đồ. Ông vẫn sống tại Tổ đình Phật Giáo Hòa Hảo tức ngôi nhà nơi chôn nhau cắt rún của Huỳnh Giáo Chủ. Chung quanh ông có một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã từng là cán bộ cao cấp trong Đạo. Họ là Bộ Tổng Tham mưu của ông, và cùng với ông, mặc nhiên trở thành trung tâm lãnh đạo tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo.

Đức Ông và Bộ Tham mưu tránh né không lấy một thái độ chính trị nào đối với chánh quyền Ngô Đình Diệm. Công việc của Bộ Tham mưu này là truyền bá giáo lý của Huỳnh Giáo Chủ, cùng với các công tác văn hóa giáo dục, xã hội, trong vùng, dưới hình thức “nhiều cá nhân cùng làm” chớ không có tổ chức nào cả.

Trong thời gian này, trường trung học đầu tiên được thành lập tại xã Hòa Hảo, tiếp theo là trường trung học Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực, tại Chợ Mới, và nhiều trường khác tiếp tục được lập ra. Nhiều cán bộ các chánh Đảng cách mạng như Duy Dân, Quốc Dân Đảng, cùng chung hoàn cảnh bị canh chừng bởi chế độ, và bất hợp tác với chế độ Ngô Đình Diệm, nên về vùng Hòa Hảo hợp tác trong các công tác giáo dục văn hóa này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn