9- Học Thuật Tu Nhân Và Thuyết Tứ Ân

21 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 77623)
9- Học Thuật Tu Nhân Và Thuyết Tứ Ân
HỌC THUẬT TU NHÂN

Cứu cánh của mọi Phật tử là Phật cảnh, cũng gọi là cõi giải thoát. Mục đích đã nêu ra, nhưng phương pháp để đạt đến thì có rất nhiều, phải phù hợp với thời kỳ và cơ cảm của chúng sanh. Do đó mà việc tu Phật có nhiều pháp môn, mỗi giai đoạn tiến hóa có mỗi pháp môn khác biệt.

ở thời kỳ chánh pháp, căn cơ chúng sanh mẫn nhuệ hơn căn cơ của chúng sanh ở thời kỳ Thượng pháp và Mạt pháp. Vì thế mà ở mỗi thời kỳ do khí lượng của chúng sanh mà có pháp môn hóa độ thích ứng.

Theo kinh điển, hiện nay chúng sanh ở vào giai đoạn của thời kỳ Mạt pháp và theo Phật Giáo Hòa Hảo và các môn phái của Bửu Sơn Kỳ Hương thì chính là thời kỳ Hạ nguơn Hạ, thời kỳ cuối cùng của buổi Hạ nguơn.

Cứ theo kinh điển thì con người sanh vào thời kỳ này hầu hết đều căn cơ thiển bạc, phước mỏng tội dày. Cho nên, muốn độ tận chúng sanh chuyển qua thời kỳ Thượng nguơn an lạc, không thể thi thiết những pháp môn tối thắng hóa độ những chúng sanh ở thời kỳ Thượng hay Trung nguơn được.

Chỗ thắng diệu của Phật pháp là tùy bệnh lập phương, phù hợp với căn tánh của chúng sanh.

Đã nhận thấy thời kỳ quá gấp rút của buổi Hạ nguơn và căn khí của chúng sanh thiển bạc, cho nên quan niệm về nhân sanh của Phật Giáo Hòa Hảo có khác hơn các môn phái khác của đạo Phật.

Với tánh cách gấp rút của buổi Hạ nguơn thì không thể dùng pháp môn trường kỳ, với căn khí thiển bạc của chúng sanh thì không thể dùng giáo điều cao viễn.

Cho được phù hợp với thời kỳ quá gấp rút của buổi Hạ nguơn và căn khí thiển bạc của chúng sanh và cho kịp kỳ hóa độ chúng sanh, Huỳnh Giáo Chủ cũng như các bậc tiên giác trong giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật.

Về điều Tu Nhân, Huỳnh Giáo Chủ muốn đào luyện hạng người hiền đức để dự vào Long Hoa đại hội hầu có tiến qua thời kỳ Thượng nguơn an lạc, tiếp tục việc tu học, dự ba trường thuyết pháp của Đức Di Lặc mà đạt quả vị Thánh Tiên.

Về điều Học Phật, Phật Giáo Hòa Hảo muốn chuẩn bị đồ chúng đầy đủ hạnh lành để, hoặc được trọn lành trọn sáng sẽ về nơi an dưỡng của cõi Tây phương Tịnh độ, hoặc phúc duyên chưa viên mãn sẽ tiếp tục tu học trong thời kỳ Thượng nguơn an lạc mà chứng đắc Bồ đề diệu quả.

Vào thời kỳ Hạ nguơn Mạt pháp môn Tu Nhân Học Phật là pháp môn tối thắng, bởi nó phù hợp với thời kỳ gấp rút của buổi Hạ nguơn và phù hợp với căn khí thiển bạc của chúng sanh.

HỌC PHẬT TU NHÂN VÀ THUYẾT TỨ ÂN

Có sự khác biệt khá quan trọng giữa “học Phật tu Phật” và “học Phật tu Nhân”. Biết rằng cứu cánh của mọi Phật tử là Phật cảnh, nhưng người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang sống tại thế gian, trước hết phải học làm người, phải đền đáp nợ thế gian trước khi tiến về cõi Phật. Muốn tròn Nhân đạo, tất phải học Phật, phải hiểu biết, và làm theo những điều Phật dạy.

Học Phật tu Phật được hiểu là đường lối tu hành của các vị xuất gia, và học Phật tu Nhân là đường lối tu hành của giới tu tại gia. Giới xuất gia từ tỳ kheo đến tăng sãi, phải giữ nhiều giới cấm hơn hạng tu tại gia. Cư sĩ tại gia có ngũ giới hay thập giới, trong khi hạng xuất gia phải giữ 250 giới (tỳ kheo) và 500 giới (tỳ kheo ni). Cuộc sống và phạm vi hoạt động cũng khác nhau, giới xuất gia thường không liên hệ nhiều đến việc đời, tức các sanh hoạt thế tục, trái lại hạng tại gia vẫn còn có các liên hệ bình thường của một con người trong xã hội, về phương diện mưu sinh, bổn phận công dân và con người.

Học Phật tu Nhân đề xướng bởi Phật Giáo Hòa Hảo còn mang tính chất đối cơ, tức thích nghi trình độ chất phác và căn cơ thiển bạc của đại đa số quần chúng, đồng thời phù hạp hoàn cảnh Hạ nguơn, thời gian còn lại không bao lâu nữa. Nếu Huỳnh Giáo Chủ kêu gọi quần chúng học Phật tu Phật với các pháp môn và phương thức Phật Giáo hiện hữu trong xã hội lúc đó, chắc chắn Phật Giáo Hòa Hảo đã không có sự hưởng ứng nồng nghiệt và đông đảo như thế.

Dù rằng trong tâm mỗi người đều có Phật tánh, nhưng không phải tất cả đều nghĩ rằng mình có đủ điều kiện thành Phật, cho nên “tu để thành Phật” là con đường quá dài quá khó, mà Phật tử thường nghĩ rằng chỉ có chư tăng mới thành đạt được.

Nhưng “học Phật để tu Nhân” để làm người tốt, để chu toàn bổn phận thế gian, vừa là điều thực tế, vừa là con đường hữu hạn mà mọi người đều có thể theo. Đạo Nhân, hay đạo làm người được hiểu là nấc thang thứ nhứt để bước lên bực Tiên, Thánh và Phật. Nói chung, các tôn giáo lớn trên thế giới đều xây dựng nền tảng hình nhi hạ trên nền tảng đạo Nhân; đặc biệt Nho giáo nêu cao Đạo Nhân làm căn bản chính yếu của đạo học.

Học Phật tu Nhân đã được xem là pháp môn tu hành của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, có mục tiêu trước mắt là đào tạo con người hiền đức và hữu dụng trong xã hội hiện tại, để có đủ tư cách dự Hội Long Hoa, sống còn ở đời Thượng nguơn. Quần chúng nhận thấy đây là đường tu thích hợp cho họ. Họ mong muốn được, và tự xét có thể làm được con người tốt thế gian, trước khi về cõi Phật.

Diễn tả cách khác, tu Nhân là mặt “hành động” của học Phật. Kinh Pháp Cú có câu: “Giống như những đóa hoa tươi đẹp vô hương là những lời văn hoa của hạng người không bao giờ thực hành đúng lời nói”. Pháp môn học Phật tu Nhân đã tạo nên con người hành động trong tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, đó là thái độ nhập thế triệt để của người tu.

Nhưng hành động nào cũng vậy, muốn có hiệu năng, phải có chương trình rõ ràng. Chương trình hành động mà Huỳnh Giáo chủ đưa ra là thuyết Tứ Ân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn