4- Thế Kẹt Không Có Giải Pháp Vẹn Toàn

30 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 79763)
4- Thế Kẹt Không Có Giải Pháp Vẹn Toàn
Với chủ mưu gây ra biến cố 16-4-1947, Việt Minh đã lấy một quyết định dứt khoát thái độ: không hòa giải nữa, nhứt định tiêu diệt Phật Giáo Hòa Hảo bằng võ lực. Phía Phật Giáo Hòa Hảo cố nhiên cũng phản ứng bằng võ lực. Từ biến cố đó, mở đầu giai đoạn quân sự hóa mạnh mẽ khối Phật Giáo Hòa Hảo.

Nếu Phật Giáo Hòa Hảo chỉ là một tổ chức cán bộ hoặc đơn vị quân sự, thì có thể không cần phải hợp tác với Pháp trong hoàn cảnh đó. Một tổ chức cán bộ hay một đơn vị quân sự được tổ chức chặt chẽ, lại ít người, nên dễ phân tán, để tự tồn tự vệ trong những hoàn cảnh khẩn trương, bất lợi. Thí dụ, năm 1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau khi cuộc nổi dậy Yên Bái thất bại, đã có thể phân tán cán bộ và đảng viên vào ẩn náu trong quần chúng để tránh né màng lưới mật thám Pháp. Năm 1946, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt bị Cộng Sản Việt Minh đàn áp, cũng có thể phân tán cán bộ để tránh mũi dùi khủng bố. Một số lưu vong sang Trung Hoa, một số về thành sống dưới sự cai trị của Pháp, nhưng cũng vẫn có thể ẩn náu để tự tồn.

Nhưng Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức quần chúng khá đông, không thể phân tán đi đâu được. Khối quần chúng lại là mục tiêu có sẵn, đối phương có thể đến tấn công và tàn sát bất cứ lúc nào, chỗ nào. Mục tiêu lúc nào cũng lộ diện.

Với số tín đồ khoảng trên một triệu người lúc đó, Phật Giáo Hòa Hảo như một con voi, không có cái thúng nào úp lên che kín được. Có những làng gần 100 phần trăm dân số là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, Cộng Sản nhắm mắt xả súng cũng hạ được người Phật Giáo Hòa Hảo. Các đơn vị quân sự Việt Minh có mặt tại chiến trường miền Tây lúc đó, như đơn vị Bùi Văn Danh, chi đội 18 của Xuyến, chi đội Văn chỉ huy... đã không ngần ngại, công khai tuyên bố và thi hành: kéo quân đội đến “làm cỏ” các vùng Hòa Hảo. “Làm cỏ” có nghĩa là đến đốt phá hết nhà cửa, lương thực, tàn sát hết người, không phân biệt quân sự hay dân sự, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, con nít hay người lớn, bởi tất cả đều là “Hòa Hảo”, và phải tiêu diệt theo kế hoạch tận diệt Phật Giáo Hòa Hảo đã được quyết định bởi đảng Cộng Sản.

Trong một tình huống như thế, sinh lộ duy nhứt và trước mắt của khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là tìm võ khí để tự bảo vệ. Những vấn đề khác, kể cả kháng Pháp cũng không khẩn trương bằng vấn đề tự vệ tự cứu. Như người sắp chết đuối không còn phân biệt tấm ván cứu tử kia là của ai nữa. Nhứt là đối với quần chúng, một quần chúng tín ngưỡng đang sống trong bầu không khí phẫn nộ, khẩn trương, căng thẳng đến tột độ, mà không một lý luận chánh trị nào còn có giá trị bằng cây súng để tự cứu mình.

Những nghiên cứu về khoa tâm lý quần chúng đã ghi nhận sự kiện tâm lý đám đông khi nổi giận thường hành động theo tình cảm, xúc động, theo bản năng không theo lý trí nữa.

Hoàn cảnh và tâm lý đó, đương nhiên đưa đến tình trạng hợp tác với Pháp để có võ khí đánh lại Cộng Sản. Cho nên, những sử gia sau này, nếu muốn bảo tồn tính cách trung thực của công tác chép sử, cần phải tìm hiểu bối cảnh phát sanh việc Phật Giáo Hòa Hảo hợp tác với Pháp lúc đó, thay vì chỉ đơn giản phê phán. Cao Đài cũng vì áp lực khủng bố của Cộng Sản mà đã về hợp tác với Pháp trước đó, từ 8-1-1947. Cũng như không nên đơn giản kết tội “thân Pháp” cho những lãnh tụ Quốc Dân Đảng, Đại Việt đã phải trốn Cộng Sản, về “tề”, và núp dưới cây dù an ninh của quân đội Pháp, hoặc ra nhận các chức vụ trong guồng máy chánh quyền tại thành phố, cộng tác và sống chung với Pháp.

Tuy vậy, không phải toàn bộ khối Phật Giáo Hòa Hảo ra hợp tác với Pháp, mà thực sự chỉ là một cuộc liên minh về quân sự, Bộ phận chính trị của Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tại miền Tây, vẫn cố gắng bảo tồn lập trường kháng Pháp, và một số đơn vị quân sự cũng không chấp nhận ra hợp tác với Pháp, vẫn tiếp tục tấn công các đơn vị Pháp dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đơn vị Nghĩa quân Cách mạng do Lê Quang Vinh chỉ huy không chấp nhận hợp tác với Pháp, tiếp tục sống trong bưng biền. Chi đội 30 Nguyễn Trung Trực do Nguyễn Giác Ngộ chỉ huy cũng không ra hợp tác với Pháp. Ban Chấp Hành liên tỉnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng vẫn tiếp tục đường lối chống thực dân Pháp.

Người Pháp lúc đó cũng nhận thấy các khuynh hướng chống đối này, nếu phát triển và bành trướng mạnh mẽ lên, sẽ thành những khó khăn trở ngại cho họ, cho nên Pháp đã tìm mọi phương cách để bóp nghẹt.

Tuy nhiên, các hoạt động kháng Pháp nói trên, vì hoạt động bí mật và địa phương, không liên kết được với các tổ chức kháng Pháp ở các nơi khác, cho nên ít được biết tới, ít được nhắc nhở. Trái lại, bộ phận hợp tác với Pháp hoạt động công khai, bành trướng mau lẹ, tạo một sanh hoạt mới, một bộ mặt mới cho khu vực miền Tây Nam Việt lúc đó, và trở thành một thế lực tại miền Nam, cho nên đã được mọi người biết tới, nói tới.

Tuyên truyền Cộng Sản Việt Minh cố nhiên không bao giờ muốn nói đến các bộ phận kháng Pháp của Phật Giáo Hòa Hảo, mà dồn rất nhiều nỗ lực để bôi xấu khối Phật Giáo Hòa Hảo nói chung. Cán bộ tuyên truyền Cộng Sản đồn đãi tin theo lối rỉ tai, và viết bài cho báo chí xuất bản tại Saigon, đã tạo ra những mẩu chuyện, những sự kiện, những tin tức, nói là “chuyện thật miền Tây” hay “chuyện thật Hòa Hảo” với kỹ thuật viện dẫn nhân chứng và bằng cớ giả tạo, làm cho người đọc, người nghe không thể không lưu ý, và rốt cuộc tự tạo cho mình một thành kiến xấu đối với Phật Giáo Hòa Hảo. Điển hình là câu chuyện “Hòa Hảo ăn thịt người” và câu nói ví von “nói láo như Hòa Hảo”, còn được truyền lại mãi về sau này. Ngay các giới sống ngoài Bắc Việt, không hề biết Phật Giáo Hoà Hảo, không hề tiếp xúc hay đối nghịch quyền lợi với Phật Giáo Hòa Hảo mà khi di cư vào trong Nam năm 1954, cũng đã thuộc sẵn mấy câu “Hòa Hảo ăn thịt người” và “nói láo như Hòa Hảo.”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn