7- Phản Ứng Của Pháp

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 90396)
7- Phản Ứng Của Pháp
Phản ứng của chánh quyền thuộc địa đối với Huỳnh Giáo Chủ và phong trào Phật Giáo Hòa Hảo là theo dõi, tìm bằng cớ kết tội, và thi hành các biện pháp kềm hãm. Biện pháp đầu tiên của Pháp là ép buộc Huỳnh Giáo Chủ phải rời khỏi làng Hòa Hảo.

Sự theo dõi của hệ thống mật thám Pháp đã đưa đến kết luận rằng Phật Giáo Hòa Hảo tuy bề ngoài là một phong trào tín ngưỡng, nhưng bên trong có tư tưởng chống Pháp, mà họ cho là có khuynh hướng Cần Vương chủ trương phục hồi đế nghiệp, căn cứ trên lời nguyện thứ nhứt trong bài Tây phương Ngũ nguyện mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đọc mỗi khi hành lễ. Đó là “Minh Vương trị chúng, thế giới bình an”. (*)

Dưới con mắt của Sở Cảnh sát Chánh trị, một phong trào quần chúng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ồ ạt như Phật Giáo Hòa Hảo sẽ trở thành một lực lượng quần chúng nguy hại đối với chế độ. Dù chỉ là một phong trào tín ngưỡng, cũng vẫn chứa sẵn một mối nguy tương lai, vì căn cứ trên các tài liệu nghiên cứu phân tích của Sở Cảnh sát Chánh trị đặc biệt về các tổ chức tín ngưỡng Việt Nam, họ đã rút ra một quy luật tự nhiên rằng “các loại hội kín, các tổ chức tôn giáo hầu hết đều sẽ chuyển thành các phong trào chính trị chống đối bộ máy cai trị ngoại quốc”.

‘’... Nhiều giáo phái sau thời kỳ thâu nhận tín đồ dưới chiêu bài tôn giáo, lại trở thành môi trường hấp dẫn của các thành phần phá rối trị an... Từ đó, tuy bề ngoài vẫn là tôn giáo, nhưng đã liên hệ đến các hoạt động chánh trị, nuôi dưỡng các tham vọng chính trị, và liên kết với các thành phần tranh đấu có tư tưởng quốc gia quá khích...”

Biện pháp đầu tiên của người Pháp là “tách vị Giáo Chủ ra khỏi quần chúng và trung tâm giảng đạo”. Người Pháp nghĩ rằng quần chúng mất lãnh đạo như rắn mất đầu sẽ dần dần tan đi như tuyết không có khí lạnh, và sự vắng mặt của Huỳnh Giáo Chủ sẽ chận đứng “cơn sốt quy y đang ở nhiệt độ cao”, dân chúng các nơi sẽ không còn rầm rộ kéo đến làng Hòa Hảo nữa. Lập luận này rút từ kinh nghiệm của bộ máy chánh quyền thuộc địa đối phó với các tổ chức tín ngưỡng khác và nhứt là các tổ chức tranh đấu. Phong trào nông dân nổi dậy năm 1930 trong Nam đã bị chận đứng ngay lại, sau khi Pháp bắt các cán bộ lãnh đạo đày đi Côn Đảo, Bà Rá.

Đối với Huỳnh Giáo Chủ, vì ông chưa làm điều gì có thể bị buộc tội gây rối trị an hay khởi nghĩa chống Pháp, cho nên họ chưa có cớ để bắt giam hay tù đày, mà chỉ có thể kìm hãm, cấm đoán như biện pháp dời cư Giáo Chủ ra khỏi làng Hòa Hảo.

Ngày 18-5-1940 (tức 12 tháng 4 Canh Thìn) nhân viên công lực tỉnh Châu Đốc đến làng Hòa Hảo buộc Huỳnh Giáo Chủ phải lập tức theo họ về Tòa Bố (tức tòa Hành chánh) tại tỉnh lÿ Châu Đốc. Theo chế độ cai trị thời kỳ đó, tại mỗi tỉnh có một viên Chủ tỉnh người Pháp quyền hành rộng rãi về cai trị. Tòa Hành chánh tỉnh được gọi là “Inspection” mà ngôn ngữ bình dân kêu là “Tòa Bố”.

Việc dời Huỳnh Giáo Chủ ra khỏi làng Hòa Hảo, không phải chỉ là quyết định hành chánh của địa phương, do viên Tỉnh trưởng tự định, mà là một quyết định “chính trị” của cấp cao hơn, tức là phủ Thống soái Nam Kỳ, do đó biện pháp này liên hệ đến các cơ quan ngoài phạm vi tỉnh Châu Đốc.

Huỳnh Giáo Chủ bị bắt buộc phải ra khỏi nhà lập tức, không có thì giờ để thay quần áo, và khi ra đi chỉ kịp cầm theo trên tây tấm “giấy thuế thân”. Đây cũng là một chi tiết có chất trào phúng: một vị Giáo Chủ nói một lời được hàng vạn quần chúng tin theo và hưởng ứng, nếu sống trong một chế độ tự do dân chủ, tất nhiên phải được đối đãi với một mức độ kính nể tương xứng. Nhưng ngược lại vị Giáo Chủ ấy bị cưỡng ép theo một nhân viên công lực, và vẫn phải dính liền với vật “hộ thân pháp lý” là tấm giấy thuế thân. Dưới thời Pháp thuộc, giấy thuế thân là “tấm bùa hộ mạng”, là tư cách pháp nhân của mọi con người Việt Nam. Phải đóng một thứ “thuế sống” để được phép sống hợp pháp trong xã hội (VN $2.50/người/năm). ở các quốc gia dân chủ, tự do, chỉ đánh thuế trên hàng hóa hay dịch vụ thương mại hóa, chớ không có chế độ đánh thuế trên con người. Thực dân Pháp đã bày ra loại thuế thân đánh trên con người, ngoài mục tiêu tài chánh, còn có ý hạ thấp giá trị con người Việt Nam xuống vị trí “dân bị trị”. Cho nên tấm giấy thuế thân là vật bất khả ly thân, dính liền vào mọi con người. Trong tình cảnh “phải lập tức ra đi” ấy, theo lời tường thuật lại của những nhân chứng hiện diện, thì “Huỳnh Giáo Chủ không đem theo quần áo chi cả, chỉ cầm theo tấm giấy thuế thân, lại không túi áo mà bỏ vào (vì ông mặc áo vạt hò không có túi) cho nên ông lấy một miếng giấy gói tấm theœ thuế thân, cầm trên tay mà đi theo nhân viên công lực về Tòa Bố Châu Đốc”. (*)

Nhà cầm quyền tỉnh Châu Đốc, sau vài giờ làm thủ tục, liền giao chuyển Huỳnh Giáo Chủ cho viên Cò mật thám Bazin tại tỉnh lÿ Sa Đec. Tuy lúc đó cò Bazin chưa phải là giám đốc Mật thám Nam Kỳ, nhưng đã chứng tỏ là một nhân viên xuất sắc trong ngành công an nên được đặc trách nhiệm vụ đối phó với phong trào Phật Giáo Hòa Hảo. Sau này cò Bazin được thăng chức làm giám đốc Sở Mật thám Nam Kỳ.

Theo tài liệu viết về Phật Giáo Hòa Hảo thì cò Bazin đã làm một cuộc trắc nghiệm Huỳnh Giáo Chủ trong lần tiếp xúc đầu tiên này như sau:

Đến khi viên cò Pháp về, bèn hỏi có phải Ngài là tác giả mấy quyển Sấm Giảng không? Ngài nhận chính tay Ngài viết. Viên cò không tin với sức học của ngài có thể sáng tác nổi, nên chỉ muốn thử Ngài: “Nếu thật ông viết thì ông thử viết cho tôi coi”.

Ngài không ngần ngại đem giấy mực ra viết bài: “Sa Đéc” trước mặt viên cò Bazin, rồi đọc cho ông Cò nghe.

Trong bài này Ngài tỏ bày nỗi lòng bi cảm đối với anh em tín đồ trong những dòng thống thiết như sau:

Muốn lập Đạo có câu thành bại,

Sự truân chuyên của khách thiền môn.

Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,

Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh.

Tiếng gọi đời sông mê hãy lánh,

Chạm lợi quyền giàu có cạnh tranh.

Bước chông gai đường đủ sỏi sành,

Đành tách gót lìa quê hương dã.

Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,

Bởi sự thường của bực siêu nhơn.

Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,

Miễn sanh chúng thông đường giải thoát.

Đọc xong, viên cò Pháp phải nhận Ngài là một thiên tài xuất chúng và cho về ngụ nhà ông Phán Đặng. (*)

Thật ra, đây không phải đơn thuần một sự “thử thách tài năng” mà chính yếu là sự “dò xét tư tưởng”, viên cò Bazin muốn đích thân tìm hiểu phản ứng của vị Giáo Chủ treœ tuổi qua biến cố dời cư, đồng thời trực tiếp trắc nghiệm khuynh hướng để xem có hàm chứa tư tưởng chánh trị hay chống đối chánh quyền. Dưới con mắt viên cò Bazin, Huỳnh Giáo Chủ vẫn còn là một thanh niên rất treœ chưa đủ kinh nghiệm sống và không đủ khả năng che giấu tư tưởng, cho nên hắn nghĩ rằng kinh nghiệm nghề nghiệp của mình sẽ tìm được những chỉ dấu kín đáo qua những bài viết vội vàng ngay trước mặt hắn. Nếu Huỳnh Giáo Chủ đã biểu lộ tư tưởng chánh trị qua bài viết lúc ở Sa Đéc, chắc hẳn viên cò mật thám Bazin đã vịn vào đó mà đề nghị những biện pháp trừng trị nghiêm khắc hơn là sự dời cư biệt xứ mà thôi.

Người Pháp không để cho Huỳnh Giáo Chủ ở lâu quá hai tháng tại Sa Đéc, và đến ngày 23-5-40 (17 tháng 4 Canh Thìn) họ dời cư sang tỉnh Cần Thơ, trong một làng nhỏ bé trên con kinh đào, gọi là kinh Xà No, làng Nhơn Nghĩa, tạm trú trong nhà ông Hương Bộ Võ Mậu Thạnh.

Thời gian ở tại Nhơn Nghĩa cũng chỉ kéo dài có trên hai tháng người Pháp lại buộc Huỳnh Giáo Chủ dời cư. Lý do của các quyết định dời cư liên tiếp là vì mật thám Pháp theo dõi nhận thấy rằng bất kỳ tạm trú ở đâu, Huỳnh Giáo Chủ vẫn được quần chúng tìm tới rất đông đảo để nghe thuyết đạo và xin quy y nhập đạo. Tới một địa điểm tạm trú mới, Giáo Chủ lại thâu nhận thêm rất nhiều tín đồ mới. Hiện tượng này ngược lại với dự tính của Pháp, cho nên họ không muốn cho Huỳnh Giáo Chủ ở lâu một chỗ, e rằng chỗ đó sẽ trở thành một trung tâm tín ngưỡng khác nữa. Kinh nghiệm Sa Đéc đã được xác nhận bởi kinh nghiệm Xà No, cho nên lần này người Pháp áp dụng một chính sách giống như Stalin đã áp dụng để đối phó với những thành phần đối lập: đó là gán cho nhân vật đối lập chứng bịnh tâm trí, và đưa họ vào nhà thương điên.

Ngày 28-7-40 (29 tháng 6 Canh Thìn) nhà cầm quyền Pháp đưa Huỳnh Giáo Chủ vào bịnh viện Cần Thơ để bác sĩ khám nghiệm. Vị bác sĩ người Pháp này là Docteur Favot khám nghiệm cơ thể và trắc nghiệm tâm trí bằng cách đàm đạo với vị Giáo Chủ về đạo Lão (Taoism) qua sự thông dịch của vị y sĩ người Việt là Thầy thuốc Chi (ngôn ngữ bình dân thời kỳ đó kêu các y sĩ ngạch Đông Dương - Medecin Indochinois, tốt nghiệp trường y khoa Hà Nội, sau học trình bốn năm, là “thầy thuốc” (hay y sĩ) để phân biệt với “Bác sĩ” là những người tốt nghiệp đại học y khoa bên Pháp). Ông Đỗ Văn Viễn, y sĩ thú y sau trở thành tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có thuật lại ý nghĩ của Huỳnh Giáo Chủ về cuộc đàm đạo ấy rằng: “Đức Thầy có nói rằng bữa đó ông Thầy thuốc Chi thông dịch không đúng nghĩa...”

Bác sĩ Favot kết luận hồ sơ sức khỏe và đề nghị đưa Huỳnh Giáo Chủ từ nhà thương Cần Thơ lên nhà thương Chợ Quán Sàigòn. Đây là một bệnh viện tâm trí, ngôn ngữ bình dân thường kêu là “nhà thương điên”. Pháp giao Huỳnh Giáo Chủ cho viên y sĩ người Việt là ông Trần Văn Tâm.

Tại đây lại xảy ra điều ngạc nhiên khó chịu cho người Pháp là chính y sĩ điều trị và người gác dan (gardien, phiên âm) tại cửa bịnh viện Chợ Quán lại quy y nhập đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Người gác dan quy y vì thân mẫu của anh đã được Huỳnh Giáo Chủ trị cho lành bịnh đau mắt, chỉ bằng một chai nước lã.

Tài liệu Phật Giáo Hòa Hảo tường thuật vụ này như sau:

‘’Trong lúc ở bệnh viện, có một việc đáng nêu ra là trường hợp của anh gác cửa. Anh này lúc đầu tỏ ra khó khăn đối với anh em tín đồ đến thăm. Anh có một người mẹ đau mắt, chữa nhiều thầy mà không khỏi, khi nghe Ngài chữa bịnh kỳ diệu thì đưa mẹ đến. Ngài chỉ cho một chai nước lã về nhỏ, thế mà khỏi bịnh. Anh đem lòng khâm phục, gọi Ngài là Phật sống. Từ đó trở đi, anh đối xử rất cảm tình với anh em tín đồ không làm khó khăn như trước”. (*)

Y sĩ Trần Văn Tâm quy y đạo Phật Giáo Hòa Hảo không phải chỉ vì lý do “phép lạ” mà còn là kết quả của cuộc trắc nghiệm kiến thức Phật đạo của Huỳnh Giáo Chủ.

Khởi đầu, vị y sĩ này căn cứ theo hồ sơ, có ý nghĩ đây là một người mất trí như bao nhiêu keœ điên khùng mà ông đang điều trị, cho nên câu hỏi đầu tiên của vị y sĩ này hỏi Huỳnh Giáo Chủ là “ở ngoài đã xé hết bao nhiêu giấy thuế thân của người ta rồi?” (Sự việc này chứng tỏ rằng giấy “Thuế thân” là một sự kiện rất quan trọng và phổ cập, và chỉ có keœ điên khùng trong xã hội thời đó mới xé giấy thuế thân).

Sau đó, vị y sĩ này nhận thấy đây là một con người treœ tuổi đoan trang nghiêm nghị, sáng suốt thông minh chớ không điên khùng phá phách chút nào. Cho nên ông đem những điều ông đã đọc về đạo Phật qua sách vở của các tác giả Việt và Pháp, để thảo luận với người thân chủ này, thì được Huỳnh Giáo Chủ giải đáp về giáo lý Phật đạo một cách thông suốt. Từ đó, ông không nghĩ đây là một người điên, mà ông bắt đầu khâm phục, nhìn vị Giáo Chủ này như một thiên tài, một người rất ít tuổi đời, mà đã có nhiều kiến thức đạo học, giải đáp cho ông hiểu thấu đáo nhiều điều thắc mắc trong triết lý Phật mà chính ông chưa giải đáp được qua những trang sách mà ông từng nghiên cứu.

Sự quy ngưỡng của y sĩ Trần Văn Tâm khởi đầu từ một nguyên nhân hợp lý: đó là lòng khâm phục một người có kiến thức Phật đạo cao hơn kiến thức của chính ông. Và ở bình diện đó, ông nhìn vị Giáo Chủ treœ tuổi này như một thiên tài, chớ chưa hẳn như một siêu nhân theo giải nghĩa siêu hình tôn giáo. Về sau lòng khâm phục của ông tăng trưởng và chuyển thành tôn kính được ghi lại qua hai tài liệu trích dẫn sau đây. Tài liệu thứ nhứt trích từ quyển sách “Đức Huỳnh Giáo Chủ” của tác giả Vương Kim, và tài liệu thứ hai trích từ cuộc phỏng vấn một nhân chứng khả tín là ông Trần Kim Thiện, trưởng nam của y sĩ Trần Văn Tâm.

Tài liệu 1:

‘’... Viên lương y cai quản bịnh viện là ông Trần Văn Tâm cũng ngộ nhận nên mới có nói bỡn khi gặp Ngài: ở ngoài xé hết bao nhiêu giấy thuế thân của người ta rồi? Nhưng khi thấy cử chỉ của Ngài đoan trang và số tín đồ đến thăm quá đông mới nghĩ Ngài là ông Đạo.

Ông bèn đem những điều học trong một quyển sách Pháp về đạo Phật mà ông còn thắc mắc, đến chất vấn thì được Ngài giải đáp một cách tinh thông, khiến ông phải ngạc nhiên đến khâm phục. Càng kính phục hơn nữa là khi Ngài cho thấy điều huyền diệu, như một hôm ông vào phòng Ngài thì thấy một cụ già đầu râu bạc phếu nằm trên giường. Ông tưởng đi lộn phòng, bèn trở ra để tìm phòng, nhưng khi định tỉnh xem lại số phòng quả quyết chính là phòng của Ngài, nên quay trở vào thì lạ thay, thay vì ông lão khi nãy, lại là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Chừng đó ông mới hoàn toàn tín phục, xin thọ giáo quy y” (*)

Tài liệu 2:

‘’... Tôi không được mục kích những gì đã xảy ra giữa Đức Thầy và cha tôi. Nhưng theo lời thuật lại của thân mẫu tôi thì có hai sự việc đặc biệt có ảnh hưởng tới quyết định của cha mẹ tôi quy y theo Đức Thầy.

Việc đầu tiên như sau: Bà kế mẫu của mẹ tôi sau này trở thành bà kế mẫu của ông Nguyễn Ngọc Thơ (phó Tổng thống đệ nhứt Cộng hòa) được Đức Thầy trị cho hết bịnh đau nhức xương trên lưng mà bà đi bao nhiêu bác sĩ trị không dứt, cho nên bà đến xin Đức Thầy cho bà “vài chai thuốc Phật” tức là nước lã mà Đức Thầy đã cho bà uống mà dứt bịnh. Đức Thầy có trả lời rằng “Thuốc Phật đâu mà bà xin nhiều đến vài chai? Sao bà không nhớ có lần người ta xin bà một chai nước mắm mà bà còn tiếc không cho, bây giờ lại xin tới vài chai thuốc Phật”. Bà kế mẫu nghe Đức Thầy nói mà bà kinh sợ vô cùng bởi vì câu chuyện “chai nước mắm” bà đâu có nói với ai bao giờ, tại sao Đức Thầy biết đặng? Bà thuật cho thân mẫu tôi nghe rằng lúc bà ở với ông Huyện Chơn, nhà nhìn xuống sông Long Xuyên, bữa đó bà mua nước mắm hòn rất ngon đem lên trước sân chiết ra từng chai để dành ăn dần. Có một ông lão từ mé sông lên hỏi xin vài chai nước mắm, và bà đã trả lời một cách khó chịu rằng “nước mắm đắt tiền của tôi đâu có mà cho ông đến vài chai lận!” Rồi ông lão đi, và bà có hối hận trong lòng, tính cho ông lão một ít về ăn, nhưng chạy xuống bến sông thì ông lão đã biệt tăm... Bà kế mẫu nói rằng chuyện đó bà không hề nói ra, sao bây giờ Đức Thầy biết, lại nói ra để cho bà hiểu mà suy nghĩ sám hối.

Chuyện thứ nhì là chuyện của chính tôi. Lúc đó thằng Jean em tôi đã qua đời, mà Đức Thầy không cứu bởi vì Đức Thầy nói rằng cứu căn chứ không thể cứu số, cái số của Jean đã đến lúc phải ra đi thì phải đi. Ba má tôi xuống chúc Tết Đức Thầy vì là đầu xuân. Đức Thầy có bảo má tôi nên trở về nhà vì bữa đó có thằng Henri nó về nhà ăn Tết. Má tôi nghe lời Đức Thầy trở về nhà thì quả nhiên có tôi ở nhà. Tôi đi lính đóng ở Bắc Việt, xin phép về Sàigòn ăn tết, nhưng có ý không cho gia đình hay, muốn dành cho Ba Má tôi một điều bất ngờ thích thú. Tôi về đến nhà đúng mồng Một Tết, không có ai ở nhà, vì Ba Má tôi đi xuống đường Lefebvre chúc Tết Đức Thầy.

Điều lạ lùng trong câu chuyện này là: tại sao Đức Thầy lại biết được dự tính trong ý riêng của tôi trong khi đó tôi ở tuốt xa ngoài Bắc Việt? (*)

Những điều thuật lại trên đây có thể dùng làm điển hình cho nguyên nhân quy ngưỡng của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đối với Huỳnh Giáo Chủ. Một phần do sự khâm phục kiến thức đạo học, một phần do các sự việc mang tính chất siêu hình mầu nhiệm như “phép lạ”, trong đó những trường hợp đoán trước sự việc, ám thông tâm lý người đối thoại, trị bịnh không dùng dược liệu.

Do đó mà chánh sách ép buộc dời cư và cưỡng cư của người Pháp áp dụng có kết quả trái ngược, càng đưa Huỳnh Giáo chủ đi nhiều nơi, thì lại càng tạo thêm cơ hội để ông thâu nhận thêm nhiều tín đồ. Đây là một sự kiện tôn giáo, và phản ứng con người tín ngưỡng không giống con người duy lý, cho nên vì vậy mà các biện pháp do thực dân Pháp áp dụng đã không có hiệu lực trong trường hợp tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thường hay nhắc đến lời của Huỳnh Giáo Chủ viết trong giai đoạn bị dời cư này:

Càng đi càng biết nhiều nơi,

Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông.

Ta cũng thương, thương trò liệu điệu,

Nhưng cũng mừng được dịp phổ thông. (*)

Thời gian cưỡng cư tại nhà thương Chợ Quán kéo dài đến ngày 5-6-1941 (11 tháng 5 Tân Tÿ) người Pháp lại một lần nữa dời Huỳnh Giáo Chủ đi một địa điểm khác. Đây là tỉnh Bạc Liêu, một tỉnh cách Sàigòn nhứt về phía viễn tây giáp vịnh Xiêm La với thành phần dân chúng khác với dân các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc. Tại Bạc Liêu, phần đông dân cư là người Tàu lai Miên, người Minh Hương, chuyên về buôn bán làm ăn, điền chủ có đất ruộng lớn và người Việt làm tá điền hay đi làm củi làm bàng trong các điền sản này.

Mật thám Pháp giam giữ Huỳnh Gt thám Pháp giam giữ Huỳnh G ngày rồi mới giao chuyển về tỉnh Bạc Liêu. Ty công an tỉnh Bạc Liêu đồng ý để Giáo Chủ cư ngụ tại nhà ông Võ Văn Giỏi với điều kiện: Không được trị bịnh, không được thuyết pháp, và ngày thứ hai mỗi tuần, phải đến ty công an trình diện.

Việc chi mà phải đi trình báo,

Mỗi tháng bốn kỳ nhọc cẳng ông.

Đợi máy huyền cơ xoay đến mức,

Tính xong cuộc thế lại non Bồng.

Thứ hai hừng sáng mưa tầm tã,

Lính đứng ngoài đường giục giã Ông.

Kiếp khách trần gian vay lắm nợ,

Để đền trọn nghĩa với non sông.

Người cười người nhạo bảo Ông điên,

Ông chẳng giận ai cũng chẳng phiền,

Chỉ tiếc trần gian đùa quá vội,

Chưa tường Điên tục hay Điên tiên. (*)

Cũng như tại các nơi khác Huỳnh Giáo Chủ thu nhận thêm số tín đồ tại tỉnh Bạc Liêu, nhưng đặc biệt là giới thị dân, điền chủ, công chức, trong số này có những thân hào nổi tiếng trong vùng như ông Võ Văn Giỏi ký lục Soái phủ Nam kỳ, Trần Văn Nhựt tự Dật Sĩ, Huỳnh Văn Nhiệm, Chung Bá Khánh điền chủ có xuất dương du học bên Pháp, Hội đồng Ngô Quang Điều...

Những điều ghi nhận về sự thu nhận tín đồ qua hành trình dời cư nói trên, cho thấy rằng quả thật vị Giáo Chủ treœ tuổi có hấp lực đặc biệt đối với những người trực tiếp đàm thoại trao đổi ý kiến hay họa đáp thi thơ. Giới bình dân quy y nhập đạo vì được cảm hóa bởi động lực trị bịnh, bởi lời giảng đạo giản dị, và bởi niềm tin siêu hình đối với một bực siêu phàm cứu thế. Giới trí thức quy y nhập đạo vì được cảm hóa bởi nhân cách con người, kiến thức đạo học, cũng như thần cách siêu việt của Huỳnh Giáo Chủ.

Hiện tượng xảy ra tại nhà thương Chợ Quán: một trí thức ở cấp điều khiển (y sĩ điều trị) và một nhân viên cấp thấp nhứt (người gác dan) của bịnh viện, cả hai đều quy y nhập đạo, tuy rằng do hai cái nhìn khác nhau, hai động lực khác nhau, nhưng lại là một chứng minh rằng không phải Huỳnh Giáo Chủ chỉ có hấp lực cảm hóa giới nông dân mà còn cảm hóa cả giới thị dân, giới trí thức.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn