Sau đây là những chi tiết ghi lại qua cuộc phoœng vấn Tu sĩ Lê Thái Hòa, Giám đốc bịnh viện Nguyễn Trung Trực.
“Khởi đầu cơ sở và trang bị rất khiêm tốn, thái độ chánh quyền lại thờ ơ, cho nên bịnh viện dựa trên khả năng quần chúng để phát triển. Khi chuyển từ một cơ sở cứu thương quân sự sang một cơ sở y tế nông thôn, phải xây cất thêm, vì đồng bào quanh vùng mỗi ngày đến xin điều trị khoảng 200 người. Nhờ đất của dòng họ Nguyễn Hòa (Nguyễn Hòa Hóng là một gia đình lớn tại Long Kiến) trước đã Hảo tâm để cho quân đội Nguyễn Trung Trực sử dụng làm tổng hành dinh, nay được tiếp tục sử dụng cho bịnh viện, nên có đất mà cất thêm dãy trại ngoại chẩn. Không có tiền, nên phải nhờ Ban Cất Nhà của nhóm đồng đạo Tư Lùn cất dãy nhà lá và đồng đạo tự nguyện đóng giường miễn phí, thành ra cũng có tiện nghi tối thiểu cho các hoạt động ngoại chẩn. Nhưng chánh phủ cho rằng như thế không đủ tiêu chuẩn, nên không cấp giấy phép hoạt động. (Nhưng chánh phủ cũng không hề có ý nghĩ đáp ứng nhu cầu y tế của đồng bào trong vùng bằng cách xây dựng một bịnh viện theo tiêu chuẩn của chánh phủ!) Về sau, chúng tôi phải vận động mọi mặt, các nhà Hảo tâm, các đồng đạo trong chánh quyền, cố vấn Hoa Kỳ Larsen, có được xi măng, vật liệu xây cất. Dân chúng tự nguyện đóng góp thêm nhân lực và vật liệu địa phương nên xây cất được 11 dãy trại với tổng số giường đủ điều trị từ 200 đến 250 bịnh nhân. Giường cũng phải giải quyết bằng cách xin giường cũ về tân trang lại, mùng mền do đồng bào hiến. Về trang bị máy móc dụng cụ y khoa, chúng tôi vận động các nơi và sau hết đã trang bị được phòng mổ, phòng thí nghiệm, phòng quang tuyến X và các dụng cụ cần thiết. Một số đã được mua tại chợ trời, đó là từ các bịnh viện miền Bắc di tản vào Nam, đem bán ở chợ trời.
Ngày đầu tiên bịnh viện chánh thức mở cửa, đã có trên một trăm bịnh nhân các làng chung quanh đến xin điều trị. Về sau, số bịnh nhân trung bình mỗi ngày khoảng 600 người, có ngày đông đến 800 người. Đáng lẽ chánh phủ phải nhìn vào số bịnh nhân này mà thấy rằng hẳn nhiên có nhu cầu xây cất một bịnh viện tại đây. Nhưng chánh phủ không lưu tâm như vậy, mà cũng không cấp ngân khoản điều hành cho bịnh viện Nguyễn Trung Trực, chỉ giúp cho một số thuốc viên và một số nhân viên y tế từ tỉnh lÿ Long Xuyên đến làm việc tiếp với chúng tôi vào cuối tuần. Về sau, có thêm sự giúp đỡ thuốc men của Nhựt, Tây Đức, (tổ chức Hòa Bình Tây Đức) và phái đoàn y tế Phi Luật Tân.
Chúng tôi được đồng đạo giúp đỡ gạo và tiền bạc, phần khác có ban lý tài tổ chức một số nghiệp vụ kinh doanh sinh lợi như mua đồ phế thải tân trang lại, đấu giá khai thác một số bến đò, các tổ canh tác lúa Thần Nông. Khi Cộng Sản chiếm năm 1975, chúng tôi còn trên 1.000 giạ lúa Thần Nông. Về sau, được chánh phủ cấp mỗi tháng 25.000 đồng làm kinh phí bảo trì. So với ngân khoản 8 triệu đồng của Ty y tế tỉnh Long Xuyên riêng về chi phí nhân viên mỗi năm, thật là một điều khá lạ lùng. Cho nên Bác sĩ Huỳnh Trung Nhì Trưởng ty y tế này đã cho ý kiến rằng ông không tin bịnh viện Nguyễn Trung Trực có khả năng tồn tại quá sáu tháng. Nhưng thực tế cho thấy bịnh viện này mở cửa năm 1968 đã tồn tại, phát triển cho đến sau 30-4-1975 bị Cộng Sản sung công.
Về điều trị, bịnh viện phối hợp Tây Y, Đông Y, cho nên ngoài Tây Y còn thực hành khoa châm cứu, hốt thuốc nam thuốc bắc, tùy theo mức nhu cầu của từng trường hợp. Bịnh nhân cứu cấp hoàn toàn miễn phí và được cấp toa đi mua thuốc (người nghèo được phát thuốc miễn phí). Bịnh nhân nằm tại dưỡng đường tự lo việc ăn uống do gia đình đem đến, có hướng dẫn, ngoại trừ khu bịnh ho lao và các bịnh nhân phải ăn theo quy luật của bác sĩ, thì do bịnh viện cung cấp những bữa ăn hàng ngày. Một số bác sĩ gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (Bác sĩ Trần Lũy, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt) tình nguyện phục vụ miễn phí. Phần nhân viên y tế và nhân viên phục dịch tại bịnh viện được đào tạo bởi ban giám đốc, và phần đông phục vụ thí công, không lương bổng. Mỗi năm có khóa đào tạo từ 30 đến 50 người, tất cả đều tình nguyện đi học để phục vụ.
Về sau bác sĩ Trần Minh Tùng Tổng trưởng Y tế, có yêu cầu được sử dụng bịnh viện Nguyễn Trung Trực làm một thí điểm thực tập y khoa. Sau 1975, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, cựu Bộ trưởng Y tế Hà Nội, có đến đây nghiên cứu về sự phối hợp Đông Y và Tây Y.
Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, họ gởi binh sĩ Việt Cộng đến nằm tại bịnh viện Nguyễn Trung Trực, bề ngoài nói là để điều trị, nhưng bề trong là để dò xét. Khi Việt Cộng đem tàu đến chở thuốc men của bịnh viện đi, thì dân chúng phản đối nói rằng bịnh viện và thuốc men là của nhân dân, chớ không phải của “Mỹ Ngụy” như Việt Cộng nói để lấy cớ mà tịch thâu. Một phái đoàn y tế từ Bắc Việt đến viếng bịnh viện gồm có 4 tiến sĩ dân y, 2 bác sĩ, 2 phó tiến sĩ cầm đầu bởi Tổng Thư ký Bộ y tế. Viên tỉnh Ủy Việt Cộng từ Cao Lãnh tên là Ba Ngân, vốn là một ngư phủ, được bổ nhậm làm quản lý bịnh viện, với 2 bác sĩ và 16 cán sự y tế Việt Cộng. Họ làm việc không có kết quả và dân chúng không tin cậy khả năng y tế của bác sĩ Việt Cộng...” (*)
Gửi ý kiến của bạn