Pháp mời thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân, một sĩ quan trong quân đội Pháp có quốc tịch Pháp, ra lập nội các mới. Báo chí Saigon lúc đó phần đông chống lại chủ trương phân ly, ngoại trừ tờ Phục Hưng của ký giả Hiền Sĩ. Đả kích hăng say và sâu sắc nhứt là tờ báo Quần Chúng của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng với những cây bút cừ khôi như Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Bảo Toàn.
Vì vậy mà trước khi thành lập nội các, Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân nhận lời đến thảo luận với nhóm chủ biên báo Quần Chúng, có Trung úy Trần Văn Đôn tùy tùng. Khi nhận lời lập Nội các, tướng Xuân chính thức mời ông Trần Văn Ân tham gia nội các với chức vụ Tổng trưởng Thông tin. Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng họp nội bộ và đưa ra điều kiện là phải phá bỏ danh xưng Nam Kỳ Cộng Hòa, đổi ra là Chánh Phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam. Như thế, là đặt nguyên tắc thống nhứt từ lúc đó.
Ngày 8-10-1947 Chánh Phủ Lâm Thời Nam Phần Việt Nam ra mắt, với bài diễn văn nảy lửa do hai ông Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân hội ý viết ra, tuyên dương ý chí và chủ trương thống nhứt, chấm dứt thời kỳ phân ly Nam Kỳ Quốc. Bài diễn văn gây chấn động chánh giới Pháp Việt.
Pháp rất bất bình, nhưng đứng trước sự việc đã rồi, họ không thể cách chức ngay Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, họ lại nghĩ rằng đằng sau âm mưu thống nhứt này là hai nhân vật Nguyễn Văn Sâm và Trần Văn Ân. Hậu quả đến rất mau chóng: ngày 10-10-1947 tức chỉ hai ngày sau, ông Nguyễn Văn Sâm bị ám sát chết trên đường Cây Mai gần đường Tổng Đốc Phương Chợ Lớn, khi đi dự lễ Quốc Khánh Song Thập của Trung Hoa.
Phần ông Trần Văn Ân, mấy tháng sau bị tướng Boyer de la Tour, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ, làm áp lực với tướng Xuân buộc phải đưa ra khỏi nội các. Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân vốn là người có tâm hồn Việt Nam, tuy mang quốc tịch Pháp, nhưng rất yêu nước Việt Nam, lại là người có tâm hồn cao thượng, cho nên không chịu làm theo chỉ thị của tướng De la Tour. Sau hết, tướng De la Tour viết thơ hăm dọa rằng nếu sau 24 giờ mà ông Trần Văn Ân còn có mặt trong Nội các, thì an ninh cá nhân không được bảo đảm. Trước áp lực khủng bố dọa nạt đó, ông Ân từ chức...
Tuy nhiên, kể từ chánh phủ Nguyễn Văn Xuân, thời kỳ phân ly Nam Kỳ Quốc cáo chung, mở đầu thời kỳ thống nhứt lãnh thổ. Lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng ra đời vào lúc này, cùng với quốc ca “Thanh Niên Hành Khúc”.
Đến 21-5-1948, Chánh Phủ Lâm Thời Nam Phần của thủ tướng Nguyễn Văn Xuân trở thành Chánh phủ Trung ương của Quốc Gia Việt Nam thống nhứt, và Thủ tướng Xuân ký kết thỏa ước với Cao ủy Bollaert trên chiến hạm Duguay-Trouin tại Vịnh Hạ Long. Theo thỏa ước này Pháp công khai nhìn nhận Việt Nam là quốc gia độc lập và thống nhứt. Cựu hoàng Bảo Đại nhơn danh Quốc trưởng Việt Nam chuản ký bản thỏa ước. Giải pháp quốc gia được khởi đầu từ đó.
Đoạn trên đây ghi lại các diễn biến từ lúc khai sanh “Nam Kỳ Quốc” đến khi nó cáo chung, mà Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển từ tình trạng phân ly sang thống nhứt lãnh thổ và chánh quyền Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn