2- Công Tác Xã Hội Giáo Dục

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 75447)
2- Công Tác Xã Hội Giáo Dục
Với sự phát triển cơ cấu, tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo cùng phát triển với các công tác giáo dục, xã hội, y tế, và yểm trợ cho công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Các công tác này đã được thực hiện bằng một công thức khá độc đáo, đó là sự tham gia nhân lực và tài lực của nhân dân. Khối nhân lực Phật Giáo Hòa Hảo được huy động bởi Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo đã đóng vai trò chính yếu, phía chính quyền yểm trợ phương tiện và một phần tài chánh. Do đó các công tác này mang tính chất của loại “công tác cộng đồng” phát xuất từ nhân dân, bởi sáng kiến của nhân dân, và trực tiếp phục vụ cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhân dân. Nó không mang tính chất phù phiếm, tuyên truyền, chiếu lệ, nhiều khi dư thừa vô dụng của những loại công tác thực hiện bởi chánh quyền mà không được điều nghiên kỹ lưỡng. Tuy nhiên, các công tác cộng đồng thường không đủ phương tiện và tài chánh cho nên sự thực hiện bao giờ cũng chậm chạp, và kích thước thường nhỏ hẹp hơn các công trình kiến tạo hay công tác quy mô của chánh phủ. Nhưng nếu so sánh về tác dụng thì các công tác cộng đồng của Phật Giáo Hòa Hảo đã đem lợi ích thực tế cho quần chúng.

Hình trại các trạm cơm Phật Giáo Hòa Hảo hoạt động tại Thánh Địa Hòa Hảo cho ta một ý niệm rõ rệt về sinh hoạt cộng đồng này. Bước đầu là kiến tạo một cơ sở để có thể cung cấp thực phẩm chín cho những người đến hành hương tại Thánh Địa. Đây là một loại “tiệm ăn chay bình dân” có thể chứa trên một ngàn thực khách, mà ngôn ngữ Phật Giáo Hòa Hảo kêu là “trạm cơm miễn phí”.

Một ban xây cất được bầu ra với nhân sự địa phương, đặc trách công tác. Địa điểm được lựa chọn, một số chuyên viên cất nhà được mời đến, và công tác khởi hành lập tức, không cần thiết đi qua các thủ tục thông dụng của chánh quyền như thiết lập dự án, vẽ bản đồ xây cất, dự trù kinh phí, xin chấp thuận ngân sách đài thọ, thủ tục đấu thầu.. mất thì giờ và khá tốn kém.

Nhân công tình nguyện đến dọn đất, đóng cừ, đắp nền, theo sơ đồ đã được các chuyên viên cất nhà vẽ ra và Ban Xây Cất đồng ý. Tới đây, vẫn chưa phải tốn kém kinh phí, nhưng công việc đã đi được bước đầu, bởi vì một số vật liệu xây cất như nọc cừ, đà cây, xi măng, đã được cung cấp dưới hình thức đóng góp tự nguyện hay bán chịu cho Ban Xây Cất. Bởi vì Ban Xây Cất đã biết rằng đồng đạo các nơi khi nghe tin xây cất trạm cơm, sẽ có nhiều người đóng góp tài chánh hay vật liệu, do đó chỉ cần điều đình mua chịu vật liệu và tiền sẽ trả sau.

Khi nền khoảngg đã xây rồi, sự vận động của Ban Xây Cất cũng đã bắt đầu có kết quả: xã này tình nguyện hiến một bức tường, xã kia một khuôn cửa, xã nọ một số cây làm sườn nhà, hoặc một số lá lợp nhà, hoặc một số xi măng làm nền nhà. Tùy kết quả vận động mà vận dụng nhân công đến thực hiện công tác xây cất. Thời gian thực hiện mau hay lâu cũng tùy kết quả vận động.

Khi nhu cầu vật liệu xây cất đã xem như đủ cho công tác, Ban Xây Cất phát động đợt vận động kế tiếp để trang bị: lò bếp, nồi chảo, chén đĩa, bàn ghế, thùng nước, mọi trang bị cần thiết cho một tiệm ăn. Công tác xây cất và trang bị được hoàn tất theo công thức “góp gió thành bão”, có thể mất thì giờ, nhưng rất ít tốn kém. Sự thành công phần lớn dựa trên động cơ tâm lý mà Ban Xây Cất biết cách huy động. Tuy nhiên, trong một tổ chức tôn giáo như Phật Giáo Hòa Hảo, có đông quần chúng, cũng có điểm lợi là dễ tạo sự hưởng ứng nếu mục đích công tác được quần chúng nhìn như một việc công ích, phục vụ cho Đạo và làm hãnh diện cho Giáo Hội.

Cũng vẫn công thức vận động sự tự nguyện của quần chúng được áp dụng để cung cấp thực phẩm nguyên liệu cho trạm cơm biến chế thành những bữa ăn chay. Các loại rau, bắp, bầu, bí, tương chao, gạo, nếp, củi, trấu... được các nơi tự động chở đến theo thói quen đã thành gần như tập quán. Những món ăn này cũng do sự cống hiến miễn phí của tín đồ nông dân trong các làng xã, từ vườn rau hay đồng ruộng của mình.

Ban Quản trị trạm cơm có một số nhân sự tình nguyện đến nhận các công tác nấu nướng và dọn ăn cho khách hành hương, tất cả đến và phục vụ với tinh thần “làm việc Đạo”. Cho nên tại Thánh địa Hòa Hảo, mỗi lần Đại lễ 18-5, ba trạm cơm có thể cung cấp bữa ăn trưa và chiều trong ba ngày liên tiếp cho cả trăm ngàn khách hành hương từ các nơi khác đến. Ai cũng có thể vào trạm cơm, tìm chỗ ngồi, và được nhận phần cơm do nhân viên đưa đến tận bàn, chớ không áp dụng phương thức “tự độ self serve”.

Theo công thức cộng đồng này, Phật Giáo Hòa Hảo đã huy động được nhân lực tài lực thực hiện nhiều công tác xã hội, y tế, giáo dục. Và đó là một đặc tính của tổ chức quần chúng.

Có những ban chuyên về cất nhà dùm đồng bào. Cất nhà trong thôn quê được hiểu là nhà cây lợp lá, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần thợ chuyên nghiệp. Có những ban gọi là “thuốc nam từ thiện” với số chuyên viên ngành này, đi núi hái dược thảo về sao chế, và hốt thuốc miễn phí cho đồng bào.

Có những ban cứu tế xã hội thiết lập các dự trữ thực phẩm thuốc men, quần áo để cứu trợ nạn nhân thiên tai, di tản chiến sự. Có những ban chuyên về chôn cất người qua đời, giúp đỡ các gia đình nghèo không đủ tiền...

Tại hạ tầng cơ sở làng xã, hoạt động xã hội y tế của Phật Giáo Hòa Hảo tuy không có cơ sở đại quy mô, nhưng lại có rất nhiều tổ chức nhỏ trong quần chúng để giúp đỡ quần chúng, bằng các phương tiện giới hạn; nhưng nhờ số nhân lực tình nguyện đông, cho nên đã tạo ra các sinh hoạt cộng đồng đặc biệt trong nông thôn.

Riêng về mặt y tế, phải kể sự hình thành và hoạt động của bịnh viện Nguyễn Trung Trực tại Cù Lao Ông Chưởng và Cứu Tế Viện tại Thánh Địa Hòa Hảo, như một thí dụ điển hình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn