5- Đời Sống Tối Tăm của Giới Tá Điền

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 88625)
5- Đời Sống Tối Tăm của Giới Tá Điền

Giới điền chủ không trực tiếp canh tác đất đai, phần nhiều cho tá điền mướn đất và trả địa tô, ngôn ngữ bình dân là góp lúa ruộng. Một số điền chủ tiếp tục xây dựng sản nghiệp tại làng xã, nhưng phần nhiều di chuyển ra sống tại đô thị. Việc quản trị đất ruộng, trong trường hợp này, thường được giao cho những người quản lý, hay cặp rằng, hay áp dụng lối bao tá, quản lý, cặp rằng (cặp rằng: caporal) là người thay mặt chủ điền để tiếp xúc với tá điền, thâu lúa ruộng... Bao tá là người nhận của chủ điền một diện tích lớn, rồi phân ra nhiều lô nhỏ, cho tá điền mướn lại, để lấy lợi tức trung gian, bằng cách tăng địa tô lên.

Lợi tức tá điền rất thấp, bởi vì ngoài địa tô phải trả cho chủ điền, bao tá, lại còn phải chịu đựng những thiệt hại khi mất mùa, và quan trọng hơn hết, phải trả lãi xuất rất cao trên những số tiền đi vay để làm mùa, mua nông cụ, lúa giống, hay sắm sửa vật dụng trong nhà, thuốc men khi đau yếu...

Khi đã ký Tờ tá canh tức giấy mướn đất rồi, người tá điền phải tự lo việc phát quang, dọn đất cho sạch các loại cây cỏ, trang đất bằng phẳng, đắp bờ mẫu giữ nước, hay đào mương tháo nước nếu cần... trước khi bắt tay vào canh tác làm mùa. Trong thời gian ấy, tất nhiên họ cần tiền để sắm nông cụ, trâu bò, để cất một ngôi nhà lá cho gia đình trú ẩn, và nhu cầu thực phẩm để cả gia đình sống từ khi phát quang cho đến mùa gặt. Nhu cầu vốn liếng này không phải tá điền nào cũng có sẵn, đa số phải đi vay nợ. Từ đấy họ mắc vào vòng công nợ, tức là đi vào một tiến trình thiếu nợ không bao giờ chấm dứt. Chủ điền cho họ vay những số tiền nhỏ hay lúa để đủ sống mà canh tác và chờ đợi mùa lúa. Cũng có những chủ điền nhân đạo, nhưng nhiều chủ điền quá tham lời, đã tính mức lãi xuất rất cao, mà ngôn ngữ bình dân gọi là cho vay ăn lời cắt cổ . Theo sự tổng hợp một số thống kê và tài liệu, thì mức lời này thấp là 70% và cao là 200% một năm.

Do đó, sau mùa gặt, tá điền chỉ còn đem về nhà khoảng 1/4 hay nhiều lắm, ở những năm trúng mùa, là 1/3 lợi tức thu hoạch, còn lại phải dùng trả chủ điền về phí tổn mướn đất, tiền lời trên nợ đã vay. Chưa hết, tá điền còn phải lo trả những món nợ khác. Ngoài chủ điền, người chủ nợ quen thuộc của nông dân thường là ông chủ tiệm chạp phô người Minh Hương (Huê kiều) ở khu chợ gần đó, đã bán chịu cho những nhu dụng phẩm trong cuộc sống gia đình như vải sô may quần áo, dầu lửa thắp đèn, các nông cụ nhỏ, và nhiều thứ linh tinh khác, kể cả thuốc tán thuốc hườn đã mua khi đau ốm... Với những món nợ đó, cứ chồng chất lên nhau, người tá điền lúc nào cũng nghèo, cũng tay không và cũng vẫn thiếu nợ.
Nhiều tài liệu biên khảo về đời sống nông thôn Việt Nam đã diễn tả đời sống tối tăm nghèo khổ của giới tá điền.

Tác giả Nghiêm Xuân Yêm viết:
Tính trung bình thì nông dân phải trả cho chủ đất 75% số thu hoạch, họ chỉ còn lại từ 10 đến 25% hoa lợi để sống.

Tác giả Sơn Nam viết:
Chủ điền bổn xứ cho tá điền vay ăn lời từ 5 đến 10 phân mỗi tháng, tá điền phải chịu điều kiện là dùng hoa mầu sẽ thâu hoạch được để thế chân... Ngoài ra tá điền còn phải giỗ tết biếu xén quà bánh và làm thí công cho chủ điền... Đất trời rộng rãi, nhưng họ không còn nơi nào để dung thân, vì ông điền chủ nào cũng như ông điền chủ nấy, lắm khi ông tiểu điền chủ lại cho vay nặng lãi, đối xử khắc nghiệt hơn ông đại điền chủ.

Tác giả Paul Bernard viết:
Ở miền Tây Nam kỳ, một gia đình tá điền gồm năm người lãnh canh năm mẫu tây ruộng, hàng năm còn được 200 giạ lúa về phần mình. Với thời giá năm ấy là 0.64 đồng một giạ (1931) lợi tức đồng niên của gia đình này là 128 đồng, trong khi mức chi tiêu trung bình của một gia đình năm người như vậy vào năm đó phải đến 164 đồng, ấy là chỉ kể những nhu dụng thiết yếu cho đời sống.
Lợi tức đầu người hàng năm (1931) có sự chênh lệch khủng khiếp: 9.000 nhà giầu bổn xứ có lợi tức đầu người hàng niên là 6.000 đồng, trong khi 9.600.000 nhà nghèo lợi tức đầu người chỉ có 49 đồng. (*)

Tác giả Pierre Gourou viết:
Mặc dù Nam kỳ là nơi sản xuất lúa gạo, mà nông dân sống trên bờ vực thẳm của sự chết đói, mọi người tiêu thụ hàng năm trung bình là 200 ký lô lúa, chiếm 49% tỷ lệ chi tiêu...
Xưa kia người nông dân được trọn hưởng thành quả canh tác của mình, sau khi đã đóng thuế cho nhà vua và làng xã. Ngày nay dưới thời Pháp thuộc, tá điền chỉ được hưởng một phần nhỏ, còn lại phần lớn do chủ đất và chủ nợ hưởng. Cho nên, vay nợ và lãi xuất là một nguyên nhân quan trọng của tình trạng nói trên.
Trong các xã hội phát triển, tín dụng ngân hàng dùng để cấp cho các nhu cầu tiêu thụ và phát triển. Những người có việc làm sanh lợi tức hay có cơ sở sản xuất, đều có thể đến các ngân hàng vay tiền với lãi xuất vừa phải, hợp lý, chánh thức. Tín dụng được quan niệm như một phương tiện phát triển, trong mô thức kinh tế tự do.
Nhưng trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, người nông dân chắc chắn không thể đến ngân hàng xin vay vốn canh tác. Có nghĩa là họ không được hưởng phương tiện phát triển, mà giới khác được hưởng. Ngân hàng duy nhứt lúc đó là Đông Dương Ngân hàng của đại tư bản Pháp quốc, phục vụ cho chánh quyền thuộc địa và quyền lợi giới tư bản Pháp tại Đông Dương. Ngân hàng này độc quyền phát hành giấy bạc, và trên phương diện tín dụng chỉ tài trợ cho các công ty kỹ nghệ thương mại và những giới có bất động sản bảo đảm. Về mặt nông nghiệp, Ngân hàng này chỉ tài trợ cho các đại công ty khai thác nông sản (cao su, lúa gạo). Hai định chế tín dụng nông nghiệp là Crédit Agricole thành lập dưới thời Toàn quyền Varenne (1927) và Société de Crédit Mutuel thành lập dưới thời Toàn quyền Pasquier, tuy là đặc biệt hướng về phát triển nông nghiệp, nhưng cũng chỉ dành riêng cho giới điền chủ mà thôi, nông dân không thể nào vay được.

P. Marquet đã viết về tình trạng cho vay nặng lãi như sau:
Nợ nần, câu nói đầu lưỡi thật quái gở được lập đi lập lại không ngưng bên tai người An Nam. Từ mùa gặt này sang mùa gặt khác, từ sự bán này sang sự bán khác, từ sự đề áp này sang sự đề áp khác, tất chuyển từ từ sang tay những người cho vay, mà những con người nghèo của xứ An Nam không bao giờ tìm cách vượt lên khỏi được dòng cuồng lưu của sự cùng cực này...

Nhận xét của P. Bernard về vấn đề này:
Nạn cho vay nặng lãi đã bành trướng một cách tự do. Hoặc do bọn sét ty Ấn Độ thực hiện, hoặc do người An Nam thực hiện với nhau, lối cho vay này đã đem lại hậu quả làm tiêu ma một phần sức sống của xứ sở và đã tạo nên một chế độ đại điền trang có tánh cách phong kiến...
Sự lạm dụng lãi xuất thấp qua các cơ quan nông tín để đem cho vay lại với lãi xuất cao, được G. Kherian diễn tả:
Những triệu bạc bỏ ra như thế cho các hội viên mượn để chống lại nạn cho vay nặng lãi thường đã đem lại cái hậu quả quái gở là đã cung cấp cho bọn chuyên cho vay nặng lãi những khí giới mới. Thực vậy, các nhân viên trong các Hội đồng Quản trị các Hội Nông tín SICAM (Sociétés Indigènes de Crédit Agricole Mutuel) đã tự phục vụ một cách đàng hoàng và cũng không quên bà con bè bạn. Sử dụng những món tiền vay được với một phân lãi nhỏ đối với xứ Đông Dương như vậy, họ đã cho vay lại với một phân lãi rất lớn cho khách vay quen thuộc của họ. Các SICAM đã giúp riêng cho những đại địa chủ lũng đoạn ruộng đất ở miền Tây Nam kỳ...

Chính toàn quyền P. Pasquier cũng phải nhìn nhận thực trạng lũng đoạn tín dụng qua các định chế tín dụng chính thức:
Thực vậy, gần như không thể làm sao cho những món tiền vay này đến tay các tiểu nông mà không qua sự trung gian của bọn trung và phú nông. Bọn này chỉ cho vay trực tiếp hay chỉ bảo đảm hộ với những phân lãi rất nặng, đến nỗi các tiểu nông không lợi dụng được chút nào phân xuất rất có lợi mà các quỹ nông tín dụng được hưởng...

Ngoài hai cơ quan tín dụng chính thức, còn định chế song hành khác, cũng rất quan trọng, là hệ thống Chà-và Chetty.
Trước 1945, ở các tỉnh vùng Hậu Giang Nam Việt, người ta thường thấy những người Ấn Độ (bình dân gọi là chà-và), da đen bóng loáng, tác người trung bình cao lớn phì nộn hơn người Việt, mặc áo choàng trắng quấn trên người, xách cặp da hay hộp sắt hồ sơ, đi ngoài đường và làm việc trong những căn phố ở khu vực trung tâm an toàn và sang trọng nhứt của tỉnh lỵ. Những căn phố đó không có bảng hiệu ngoài cửa, vì khách hàng của họ không phải là giới bình dân hay quần chúng tiêu thụ, mà chỉ giới hạn ở một số người hữu sản, có ruộng đất và nhà phố.

Đây là một loại làm ăn không cần quảng cáo, khách hàng là những người có sẵn bề thế, cần tiền, đến xin vay nợ, có nghĩa là đến cầu xin một ân huệ. Nói như thế để thấy rằng định chế Chà-và Chetty là một loại làm ăn kiểu cha chú, ngược hẳn với nguyên tắc sơ đẳng về tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh. Đây là một loại làm ăn công khai có quyền bóc lột, mà còn được xem là ban ân ban phước. Hiện tượng Chà-và Chetty không thể hiện ở một xã hội sinh hoạt bình thường, mà chỉ có thể hiện diện trong xã hội bị trị như Việt Nam hay Cao Miên.

Cố nhiên hoạt động cho vay cắt cổ vẫn có khắp nơi, cho đến nay vẫn còn tồn tại ngay ở các nước tiền tiến, như loại loan shark cho vay cá mập ở Mỹ, Nhựt chẳng hạn. Nhưng loại này chỉ hoạt động bán chính thức hay phi pháp, chớ không được chính thức công khai, không được pháp luật công nhận và định chế hóa, như định chế Chà-và Chetty tại Việt Nam trước 1945.

Các thân chủ của những văn phòng Chetty (thường không có bàn ghế như các loại văn phòng khác, mà là những chiếc bàn nhỏ, thấp, đặt trên dẫy sàn cây đánh bóng, vừa làm chỗ ngồi để làm việc, tiếp khách, vừa dùng để ngủ ban đêm) là giới điền chủ, nghiệp chủ không đủ điều kiện vay thẳng Đông Dương ngân hàng hay cơ quan tín dụng nông nghiệp, tìm đến gặp các Chetty xin vay. Thân chủ phải đem theo bằng khoán sở hữu nhà, đất, ruộng, để làm đối vật bảo đảm. Chetty chỉ cho vay có điều kiện cầm thế bất động sản, với hợp đồng chánh thức; các hợp đồng này được đăng ký vào sổ bộ của các cơ quan trước bạ và quản thủ địa bộ điền thổ của chánh quyền. Người đi vay phải cam kết hoàn trái đúng kỳ hạn. Nếu đáo hạn mà không trả nợ, chủ nợ Chetty có quyền tịch thâu tài sản cầm thế đó. Cho nên ta thấy ở vùng Hậu Giang, trong sổ bộ điền thổ, có rất nhiều nhà đất và đồn điền mà sở hữu chủ đứng bộ là các công ty hay cá nhân Chà-và Chetty hay Chettiar.

Thực dân Pháp đã dung túng cho những người Ấn Độ từ các nhượng địa của Pháp tại Ấn Độ đến kinh doanh tại Việt Nam trong các lãnh vực trục lợi, mà không đem lợi ích nào cho sự phát triển kinh tế quốc gia Việt Nam. Đó là những loại dịch vụ kinh doanh: cho vay nặng lãi, đầu cơ đất ruộng, nhà phố, buôn bán các loại xa xỉ phẩm, mua bán ngoại tệ bất hợp pháp... Trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam, không có cá nhân hay công ty Ấn Độ nào đã đem một đồng xu ngoại tệ nào đến đầu tư tại Việt Nam. Họ đến Việt Nam dựa vào ưu thế và đặc quyền của thực dân Pháp, kinh doanh trục lợi bằng vốn liếng bản xứ do tư bản Pháp cấp. Ít khi nào ta thấy giới Ấn Độ đầu tư vào các kỹ nghệ. Cho nên có thể nói họ là một loại ký sanh trùng bám vào xã hội Việt Nam để trục lợi mà chẳng đóng góp bao nhiêu vào tiến trình phát triển kinh tế xứ sở này. Ngược lại, phải nói rằng các hoạt động trục lợi của họ đã thu hút mất đi một phần tiềm năng phát triển và một phần tài nguyên của Việt Nam. Điều này hẳn nhiên là có hại cho đất nước và dân chúng Việt Nam.

Riêng về dịch vụ tín dụng, giới Chetty được Ngân hàng Đông Dương yểm trợ tài lực, cung cấp nguồn tài chánh với lãi xuất bình thường để họ sử dụng cho vay lại với lãi xuất cao hơn, mà vẫn có bảo đảm tài sản. Ngân hàng Đông Dương không được quyền chính thức áp dụng một lãi xuất phi pháp cao hơn lãi xuất chính thức đã được luật pháp ấn định, thì hệ thống Chà-và Chetty trở thành cánh tay nối dài của tư bản Pháp, để thực hiện nghiệp vụ cho vay, với lãi xuất cao hơn. Cố nhiên, khi số khách hàng vay nợ tăng gia, thì mức độ rủi ro, tức số người không thể trả nợ, cũng cao lên. Trong các trường hợp này, hệ thống Chetty trực tiếp thi hành thủ tục tịch thâu tài sản bảo đảm, và từ đó họ chuyển từ vị trí chủ nợ sang vị trí chủ điền, làm chủ khá nhiều bất động sản ruộng đất và nhà phố.

Trong tập sách Lendettement agraire en Indochine , tác giả De Feyssal có thuật một câu chuyện giữa một điền chủ Việt Nam và một Chà-và Chetty như sau:

Trong một chuyến kinh lý ở Cần Thơ năm 1935 của viên Toàn quyền Pháp, một thân hào kiêm điền chủ (người Việt Nam) đã đến ra mắt và trình bày rằng ông ta đã làm áp phe với giới Chetty suốt 25 năm qua, và được giới Chetty khen là một con nợ hạng tốt, không hề có chuyện chi rắc rối hay bị làm khó dễ bởi Chetty, bởi ông ta đã trả cho Chetty vốn lời cộng lại không dưới 700.000 đồng bạc, và vẫn còn thiếu lại khoảng 130.000 đồng...

Qua câu chuyện này, ta rút ra những điểm sau đây:
1. Phải là một điền chủ mới có thể vay được số tiền 300.000 đồng bạc Đông dương ở thời điểm đầu thế kỷ 20. Lấy giạ lúa làm bản vị, 300.000 đồng là trị giá của một triệu giạ lúa năm 1930 (0.30 đồng/giạ) hay 500.000 giạ ở những năm giá cao hơn (0.60 đồng/giạ). Nếu đem số lượng lúa tính theo trị giá lúa tại Việt Nam vào thời điểm 1970, khoảng 50 đồng/giạ, thì số tín dụng 300.000 đồng năm 1930 có giá trị tương đương với số tiền 50.000.000 đồng bạc Việt Nam năm 1970.

2. Với số tiền đi vay lớn như thế, ông điền chủ có phương tiện đầu tư vào các nghiệp vụ kinh doanh, tạo mãi thêm tài sản, ruộng đất để tăng gia khả năng sanh lợi. So sánh ưu thế của ông điền chủ này với số phận của tá điền, cũng vào thời điểm 1930, với lợi tức của cả gia đình chỉ khoảng 200 giạ lúa tức khoảng 100 đồng bạc, ta thấy rõ:
a/ Sự chênh lệch lợi tức và
b/ Sự chênh lệch khả năng phát triển giữa hai giới điền chủ và tá điền.
Tương lai tá điền là tương lai bế tắc so với tương lai điền chủ là tương lai phát triển. Vào lúc đó, tại Hậu Giang Nam Việt, nhiều điền chủ thu hoạch huê lợi trên số 100.000 đồng hàng năm, so với 100 đồng của tá điền.

3. Ông điền chủ này cũng nhận biết rằng Chà-và Chetty đã bắt ông phải trả một lãi xuất cao hơn lãi xuất ngân hàng, nhưng ông cũng hài lòng, bởi vì dù có phải trả lãi xuất cao hơn cho Chà-và Chetty, ông đã nhờ tiền vay đó mà phát triển được sản nghiệp. Ông có được phương tiện phát triển, trong khi giới tá điền không thể có được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn