16- Thế Kẹt Lịch Sử Và Chiến Thuật Gỡ Kẹt

29 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 78107)
16- Thế Kẹt Lịch Sử Và Chiến Thuật Gỡ Kẹt
THẾ KẸT LỊCH SỬ BẮT ĐẦU

Trong thời gian này các sinh hoạt chính trị sau đây được ghi nhận:

§ 6-1-46 : Việt Minh tổ chức Tổng tuyển cử

§ 26-2-46 : Pháp-Trung Hoa ký thỏa ước: Pháp trả lại Tàu các tô giới trên lãnh thổ Trung Hoa để đổi lấy thỏa hiệp Tàu cho quân Pháp đổ bộ lên Bắc Việt.

§ 6-3-46 : Hiệp ước sơ bộ 6-3-46 được ký kết tại Hà Nội

§ 27-3-46 : Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh được Hội đồng Tư vấn đề cử làm Thủ tướng Chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị.

§ 1-4-46 : Quân Pháp bắt đầu thay thế quân Tàu ở Bắc Việt.

§ 17-4-46 : Hội nghị Đà Lạt họp để thi hành các điều khoản của thỏa ước 6-3-46, phái đoàn Việt Nam do Nguyễn Tường Tam cầm đầu, phái đoàn Pháp do Max André lãnh đạo (đến ngày 24-5, Hội nghị Đà Lạt thất bại và quyết định sẽ tiếp tục thương thuyết ở Fontainebleau)

§ 20-4-46 : Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp ra đời ở miền Nam.

§ 6-7-46 : Hội nghị Fontainebleau họp (đến ngày 10-9-46 thì ngưng vì không đạt được thoả hiệp về các vấn đề căn bản).

§ 14-9-46 : Hồ Chí Minh ký kết thỏa hiệp án 14-9-46 tại nhà riêng của Bộ trưởng Thuộc địa Pháp Marius Moutet để vớt vát lấy một chút kết quả của một chuyến đi ngoại giao thất bại.

§ 10-10-46: Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, thủ tướng Nam Kỳ Tự Trị tự vẫn tại nhà riêng, vì thấy mình bị thực dân Pháp lợi dụng và lừa gạt. (Bác sĩ Lê Văn Hoạch sẽ kế vị thủ tướng ngày 4-12-1946).

Những sinh hoạt kể trên cho thấy rằng:

1. Phía Pháp, vẫn khư khư với chủ trương Brazzaville của tướng De Gaulle nhất định không đề cập danh từ ‘’Độc Lập”; hiệp ước 6-3-1946 và thỏa hiệp án 14-9-1946 chỉ chấp nhận Việt Nam tự trị trong một Liên Bang Đông Dương và một Liên Hiệp Pháp, Nam Kỳ là một Nước Tự Trị, chớ chưa phải là một phần lãnh thổ của Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung.

2. Phía Việt Minh cố chìu lòng Pháp, chấp nhận điều kiện của Pháp và của Trung Hoa để được công nhận vị thế đại diện chánh thức cho Dân tộc Việt Nam, và từ đó hành xử quyền lực của một chánh phủ để thực hiện chủ trương dĩ đảng trị quốc. Chánh sách tiêu diệt đối lập là hệ quả đương nhiên của chủ trương độc tài đảng trị.

Trước hoàn cảnh đó, người Việt yêu nước nghĩ thế nào?

Người dân chỉ có tấm lòng thương nước, khao khát tự do độc lập, mà không đủ kiến thức, kinh nghiệm để nhìn xa thấy rộng, để thấu hiểu những âm mưu đen tối của cả Pháp và Việt Minh, thì người dân với tâm hồn ái quốc ấy tất nhiên có khuynh hướng ủng hộ Việt Minh chống lại thực dân Pháp; kể cả những người vì hoàn cảnh chiến tranh phải trở về thành sống dưới sự kiểm soát của Pháp, cũng không phải tất cả đều theo Pháp, ngoại trừ một thiểu số ham hố danh lợi cá nhân lợi dụng thời cơ, bất chấp sự tồn vong của đất nước dân tộc mình.

Người chiến sĩ quốc gia có lập trường dân tộc, có mục tiêu đấu tranh để giải phóng dân tộc và đất nước, thì không thể nghĩ giản dị như thế. ở thời điểm này, sau khi tham vọng độc tài của phe Cộng Sản Đệ Tam đã biểu lộ rõ ràng với chánh sách đàn áp, sát hại đối lập để độc chiếm quyền lãnh đạo đất nước, các chiến sĩ quốc gia này đã đi đến kết luận là không thể để cho Cộng Sản Đệ Tam hoá trang dưới danh nghĩa Việt Minh mà độc quyền lãnh đạo cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc.

Tai hại trước mắt là: về đối nội, tiềm lực dân tộc kháng Pháp sẽ suy yếu và có thể đi đến trạng thái vỡ tung ra từng mảnh. Về đối ngoại, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo độc đảng của Cộng Sản Đệ Tam sẽ bị thế giới đồng hoá với cách mạng Cộng Sản và bị bỏ mặc cho thực dân Pháp đàn áp.

Hiểm họa tương lai là: nếu Cộng Sản Đệ Tam củng cố được uy thế, tiếp tục chủ động và hành xử chánh quyền lãnh đạo kháng chiến, quần chúng không nhìn thấu được âm mưu sâu độc hay bị ép buộc bởi chánh sách khủng bố, mà tiếp tục ủng hộ Việt Minh, đến khi thâu hồi chủ quyền quốc gia, đất nước Việt Nam bị đặt dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản, nằm trong hệ thống Cộng Sản Quốc tế, với một chế độ độc tài đảng trị, thì sẽ không phải là môt quốc gia thật sự tự do, dân chủ, độc lập, mà sẽ vẫn là một quốc gia bị trị, Cộng Sản thay thế cho Thực dân.

Nhận thức về điều tai hại trước mắt và hiểm họa tương lai vừa diễn tả sơ lược qua mấy hàng trên, đây không những là mối ưu tư hàng đầu của các tổ chức đấu tranh tại miền Nam, mà cũng là lý do chính đáng của thái độ chống Việt Minh đang diễn ra tại Bắc Việt, do các tổ chức cách mạng quốc gia: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân.

Tại Bắc Việt, các tổ chức đối lập này không đương đầu nổi với cái thế chánh quyền của Việt Minh lúc đó đã chính thức ký kết với Pháp và mua chuộc được Tư lệnh đạo quân Trung Hoa (tướng Lư Hán, Tiêu Văn), nên phải rút khỏi Hà Nội, trở ngược lên vùng Thượng Du. Từ đó về sau Việt Minh nắm độc quyền lãnh đạo, quần chúng Trung, Bắc Việt đương nhiên bị chi phối bởi chánh quyền Việt Minh, vì các tổ chức cách mạng đối lập đã thu mình tại biên giới Bắc Việt - Trung Hoa, không có hệ thống tổ chức quần chúng nội địa.

Trong miền Nam, các đoàn thể đối lập có điều kiện khác hơn. Đó là hệ thống “quần chúng có tổ chức” của hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hoà Hảo. Cho nên họ còn nắm được một số đông quần chúng, và còn hy vọng dựa vào hệ thống quần chúng mà củng cố cơ sở và hàng ngũ kháng chiến, để trường kỳ đối phó với quân đội Pháp. Tuy nhiên muốn tạo cho hệ thống quần chúng có khả năng chiến đấu trong một hoàn cảnh chiến tranh, vì phải võ trang quần chúng ở một mức tối thiểu, để quần chúng có thể nhứt thời tự vệ khi bị khủng bố hay tấn công. Người cầm võ khí trong tay phản ứng khác người không có võ khí, mức độ can đảm hay niềm tin cũng có thể khác. Trong hoàn cảnh những năm đầu kháng chiến “1945-1946” kháng chiến quân Việt Nam không có nguồn tiếp liệu võ khí nào từ bên ngoài như hiện nay quân kháng chiến A Phú Hãn, Cao Miên, Nicaragua nhận từ Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ... Vì vậy võ khí rất ít, có được là do sự chiếm đoạt hay mua kín đáo của phía địch hay tự chế tạo với phảm chất kém.

Trong hoàn cảnh thiếu hụt võ khí như vậy, quần chúng của hai tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hoà Hảo trong miền Nam khó nắm được chủ động. Hơn nữa, ưu điểm “có quần chúng đông đảo” lại trở thành nhược điểm “quần chúng đông đảo là mục tiêu dễ dàng cho địch khủng bố và tấn công’’. Đó là thực trạng đã xảy ra ở miền Nam. Quân Pháp thường tấn công tàn phá các vùng dân cư Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo đông đảo để giảm sút tiềm lực yểm trợ của hậu phương cho tiền tuyến. Ngoài ra, Việt Minh, ngoài những đợt khủng bố do chính các đơn vị võ trang của họ thi hành, còn kín đáo đưa khéo tin tức vào hệ thống quân báo, tình báo của Pháp để cho Pháp biết những địa điểm đóng quân hay căn cứ của các cơ quan hành chánh kháng chiến Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo... Cố nhiên, quân đội Pháp khi biết được các tin tức này, mở những cuộc hành quân để bao vây, tàn phá, khủng bố toàn diện. Nhiều làng xã mà dân cư là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã bị tiêu hủy, hàng ngàn dân làng bị sát hại tại chỗ qua những cuộc hành quân của Pháp.

Cần phải nói về ưu điểm nhược điểm quần chúng, để hiểu rõ khó khăn lớn lao của các tổ chức đấu tranh miền Nam khi phải đương đầu một lần với hai kẻ địch: Pháp và Việt Minh. Tình thế “lưỡng đầu thọ địch” vẫn là một tình thế khó khăn nan giải nhất của mọi lãnh tụ quân sự trong lịch sử chiến tranh của loài người.

Pháp và Việt Minh biết như thế, nên đã đánh mạnh vào nhược điểm này, làm cho các tổ chức đấu tranh tại miền Nam vô cùng vất vả để đối phó.

Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp ra đời ngày 20-4-1946, như nói ở trên, là một phương thức ứng phó, nhưng chưa kịp phát triển hệ thống tổ chức rộng ra , thì đã bị ngọn đòn phá hoại của Nguyễn Bình: đảy mạnh phát triển tổ chức Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam để tạo hoang mang trong quần chúng về hai danh xưng gần giống nhau: Liên Việt và Liên Hiệp, đồng thời xúc tiến đoàn ngũ hoá quần chúng bên ngoài vào Hội Liên Việt để ngăn chặn sức bành trướng của Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp.

CHIẾN LƯỢC THOÁT KẸT CỦA MIỀN NAM

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ấy, Ban Chấp hành Trung ương Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp đã lấy một quyết định táo bạo: bí mật đưa bộ phận đầu não vào hoạt động ngay trong đô thành Saigon — Chợ Lớn. Một mặt để đánh lạc hướng khủng bố của Nguyễn Bình, một mặt để liên lạc với các giới trí thức yêu nước lúc đó đã bỏ bưng về thành.

Qua các tài liệu của Phật Giáo Hoà Hảo và Cao Đài thì hai nhân vật đầu não là Chủ tịch Hoàng Anh và ủy viên Tuyên truyền Lê Trung Nghĩa đã mạo hiểm về đặt cơ sở của Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp tại Saigon — Chợ Lớn. Hơn một trăm chi bộ của Mặt Trận đã được tổ chức trong đô thành; mặc dầu bộ máy mật thám của Pháp và chánh phủ Nam Kỳ Quốc liên tiếp bố ráp làm cho bộ máy đầu não này phải dời chỗ liên tiếp, nhưng cũng không bị Pháp khám phá.

Tuy nhiên, Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp cũng không thể phát triển tổ chức và hoạt động trong hai vòng vây của Pháp và Việt Minh.

Thực lực quần chúng của Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp là hai tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo lại nằm ở địa bàn nông thôn, không phải tại đô thành. Còn thực lực quân sự của Mặt Trận hiện đang đặt dưới hệ thống chỉ huy chiến đấu của Nguyễn Bình, lúc ấy đã được thăng chức ủy viên Quân sự Nam Bộ (thay vì khu 7 như lúc đầu). Kiểm điểm thực trạng, ban lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp nhận thấy rằng Mặt Trận không có điều kiện thuận lợi để bành trướng, hình thức tổ chức lỏng lẻo và hoạt động giới hạn của Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp lúc đó không thể đáp ứng nhu cầu khản thiết của cuộc kháng chiến giành độc lập.

Sau nhiều cuộc thảo luận rốt ráo, Ban Chấp hành Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp chấp nhận thực trạng để chuyển hướng theo một chiến lược mới: dời địa bàn hoạt động về miền Hậu Giang, đoạt lấy cái thế chủ động kháng chiến trước hết tại Hậu Giang, và cái thế chủ động ngoại giao sau này. Theo chiến lược này, Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp tạm ngưng hoạt động, để tổ chức Liên Việt của Cộng Sản không còn “mập mờ đánh lận con đen” được nữa, đồng thời cũng làm dịu không khí căng thẳng với Nguyễn Bình, để tiện bề cho các tổ chức quốc gia thi hành các giai đoạn của chiến lược mới.

Mục tiêu chiến lược là đoạt lấy thế chủ động kháng chiến tại miền Hậu Giang, (chiến khu 8 Đồng Tháp và chiến khu 9 U Minh) tạm bỏ chiến khu 7 cho Nguyễn Bình tung hoành, nhưng không cho Cộng Sản Việt Minh bành trướng ở miền Tây (Hậu Giang). Muốn thế phải đi qua các giai đoạn sau đây:

1. 1/ Thành lập một tổ chức chặt chẽ như một chánh đảng, chớ không lỏng lẻo như một mặt trận. Tổ chức này, trước hết phải bao gồm quần chúng miền Tây, cho nên sử dụng khối quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo. Tổ chức này cũng phải có một ban lãnh đạo có tầm vóc quốc tế để có thể đảm nhận vai trò vận động ngoại giao. Ngoài ra tổ chức chánh đảng này còn phải đề ra một chủ trương xây dựng một nước Việt Nam tương lai như thế nào để có thể bẻ gẫy luận điệu tuyên truyền của chủ thuyết Cộng Sản, nghĩa là phải có hấp lực mạnh hơn là chủ thuyết Cộng Sản.

2. Trước khi tranh thủ được vị thế chủ động kháng chiến trên lãnh thổ Hậu Giang , cố gắng tránh đụng độ với Nguyễn Bình để giảm bớt trở ngại.

3. Vào một thời điểm thuận lợi, di chuyển bất ngờ và kín đáo tất cả các đơn vị quân sự từ chiến khu 7 về chiến khu 8, chiếm lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ địa đầu tiên, nắm lấy các nguồn tiếp liệu lương thực và đóng chốt các hành lang giao liên giữa chiến khu 7 và Hậu Giang, tức giữa ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ và hai chiến khu 8, 9.

4. Bước kế tiếp của kế hoạch hành động là cô lập hóa Nguyễn Bình ở chiến khu 7, vô hiệu hóa các tổ chức quân chánh của Việt Minh trong nội bộ lãnh thổ hai chiến khu 8 và 9, để từ đó xây dựng, củng cố và phát triển cơ sở của kháng chiến quốc gia trên toàn bộ vùng Hậu Giang, làm bàn đạp tiến tới vị thế chủ lực lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ.

5. Trên bình diện ngoại giao, cần tạo thế liên hoàn với các đảng cách mạng ở miền Bắc đã dời sang Trung Hoa, để khi đã đoạt được thế chủ động ở miền Nam, sẽ đồng loạt tuyên bố dưới danh nghĩa của Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Quốc, không nhìn nhận quyền lãnh đạo Việt Nam của Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Minh.

Để thực hiện những giai đoạn kế hoạch của chiến lược này, một tổ chức chánh đảng ra đời ngày 21-9-1946 mang tên là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, đóng vai trò nòng cốt trong bước đầu tiến chiếm miền Tây, bằng quần chúng miền Tây. Đây là một công thức rất thích nghi: hợp nhứt quần chúng cơ cở với trí thức lãnh đạo. Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ra đời là có ngay lập tức một số đảng viên trên một triệu người, đó là các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đồng loạt gia nhập. Trên thượng tầng của tổ chức là những khuôn mặt của trí thức lãnh đạo có uy tín tại miền Nam: Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Nguyễn Bảo Toàn, Lê Văn Thu, Lâm Văn Tết, Đặng Văn Ký... Sự ra đời của tổ chức này lúc đó đã tạo hứng khởi cho kháng chiến quốc gia nói chung và cho khối quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng. Với thanh thế đó, Ban Chấp hành Trung ương quyết định xuất bản nhựt báo Quần Chúng để mở màn cuộc đấu tranh chánh trị công khai trên diễn đàn quốc gia và quốc tế, nêu cao các khảu hiệu Độc lập Quốc gia và Thống nhứt Lãnh thổ. Đó là để tranh thủ lấy dư luận của quần chúng và thế giới, làm mất cái thế của chánh phủ Nam Kỳ tự trị, cho nên tờ báo Quần Chúng được quần chúng nhiệt liệt tán thưởng như một luồng gió mới trong sạch, thổi mạnh vào bầu không khí ô nhiễm của những vận động chánh trị phân ly từ phía thực dân, và của khủng bố sắt máu từ phía Việt Minh.

Hành động kế tiếp là gởi đại diện ra ngoại quốc. Đầu 1947 ông Nguyễn Bảo Toàn được kín đáo đưa xuống thương thuyền để xuất dương sang Hồng Kông và Trung Hoa, tiếp xúc với các tổ chức cách mạng lưu vong.

Những nhà cách mạng lưu vong nầy vốn là những lãnh tụ của các đảng chánh trị miền Bắc, sau khi bị Cộng sản liên quân với Pháp đánh bạt ra khỏi Bắc Việt, chạy sang Trung Hoa sống nhờ sự che chở của chánh phủ Trùng Khánh, cầu viện Trung Quốc giúp đỡ xây dựng lại lực lượng quân sự chờ cơ hội kéo về nước.

Sau khi tiếp xúc và thảo luận, ngày 27-2-1947. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc gọi tắt là Mặt Trận Toàn Quốc được thành lập tại Nam Ninh (Trung Hoa).

Mặt Trận gồm có các đoàn thể sau đây tham gia:

§ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.

§ Việt Nam Quốc Dân Đảng.

§ Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng Và Phật Giáo Hòa Hảo.

§ Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn.

§ Cao Đài Giáo.

§ Đoàn thể Dân chúng.

§ Liên đoàn Công Chức.

Một Ban Chấp hành Trung ương được thành lập, phân phối trách niệm như sau:

§ Chủ tịch: Cụ Nguyễn Hải Thần thuộc Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.

§ ủy viên Ngoại giao: ông Nguyễn Tường Tam thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng.

§ Tổng thơ ký: ông Nguyễn Hoàn Bích tức Nguyễn Bảo Toàn thuộc Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, đại diện cho Cao Đài Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo.

Ngoài ra còn có quý ông: Trần Côn tức Trần Văn Tuyên, Lưu Đức Trung tham gia hoạt động.

Về đại diện trong nước thì giao cho ông Nguyễn Văn Sâm.

Trong thời gian từ ngày Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội ra đời (21-9-1946) đến ngày thực hiện giai đoạn quân sự then chốt là di chuyển các lực lượng quân sự về miền Hậu Giang (5-4-1947), theo đúng chiến thuật đã ấn định, các tổ chức đấu tranh vẫn giữ hình thức “hợp tác” với ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ. Các đơn vị quân sự tuy đã được tổ chức lại thành Liên quân, nhưng vẫn giữ hệ thống với ủy viên Quân sự Nguyễn Bình tuy rằng vẫn nhứt định không cho phép Nguyễn Bình xen vào nội bộ Liên Quân. Đây là tình trạng hợp tác hành quân, chớ không phải hệ thống hóa toàn bộ, cho nên nhiều lần Nguyễn Bình đề nghị gởi chánh trị viên đến các đơn vị liên quân, đều bị từ chối. Cũng trong đường lối chiến thuật này, Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo nhận lời tham gia ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ ngày 14-11-1946 với chức vụ ủy viên Đặc biệt.


Tuy nhiên tình trạng hợp tác miễn cưỡng “đánh chung đi riêng” không thể tránh được các hệ quả của nó. Đôi bên vẫn giữ thế với nhau, nghi ngại nhau, và không khí ấy ảnh hưởng từ cấp chỉ huy xuống đến binh sĩ và quần chúng đôi bên. Và nhiều trường hợp xích mích, xung đột đã xảy ra. Tại miền Đông, Nguyễn Bình đưa lãnh tụ Lê Văn Viễn lên làm khu trưởng khu 7 với hậu ý là phải đặt toàn bộ Liên quân Bình Xuyên vào hệ thống Vệ Quốc Đoàn, có nghĩa là đặt trong biên chế tổ chức thống nhứt dưới quyền điều động, chỉ huy của ủy viên Quân sự Nam bộ. Việc này đã tạo ra phản ứng chống đối mãnh liệt của phía Bình Xuyên.

Tại miền Tây, nhiều vụ xô xát xảy ra giữa Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Minh, tạo ra một không khí căng thẳng có thể đưa đến biến cố trầm trọng. Cho nên vào đầu tháng 4-1947 các tổ chức đấu tranh quốc gia quyết định thực hiện giai đoạn quân sự là di chuyển các đơn vị võ trang của Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Đại Việt, Bình Xuyên về chiếm Đồng Tháp Mười. Trước đó, đã có một cuộc họp mật với Hộ Pháp Phạm Công Tắc Giáo Chủ Đạo Cao Đài trong một đêm đầu tháng 2-1947 ở tòa thánh Tây Ninh, để kiểm điểm tình thế và xác định kế hoạch.

Trên đường di chuyển về miền Tây, các đơn vị quân sự này gặp hai trở lực. Đó là trận phục kích của chi đội 18 của Nguyễn Văn Xuyến và chi đội 12 của Huỳnh Tấn Chùa thừa lịnh của Nguyễn Bình ngăn chặn đường chuyển quân. Trở lực khác là sự bắn phá của phi cơ oanh tạc Pháp, liên tiếp theo dõi và oanh kích dữ dội mấy ngày, trên tất cả các ghe xuồng di chuyển theo các trục thủy lộ từ miền Đông về miền Tây. Một số cán bộ quốc gia đã bị thương và chết trên các ghe thuyền (trong đó có thi sĩ Khổng Dương). Chính Nguyễn Bình đã lòn tin cho tình báo Pháp biết sự di chuyển này để Pháp oanh tạc.

Do hai trở lực này, một số đơn vị phải dừng lại, cuộc chuyển quân phải chậm trễ. Chỉ có một số đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo và Đại Việt di chuyển được, nhờ thông thuộc điạ hình địa vật, nên đã vượt các trở lực mà về Đồng Tháp Mười. Các đơn vị Cao Đài và Bình Xuyên phải kẹt lại, làm cho kế hoạch dùng các lực lượng quân sự chiếm Đồng Tháp không thực hiện được ngay, mà phải chờ đến ngày nào các đơn vị bị kẹt có cơ hội thuận tiện để thực hiện chuyến di chuyển khác.

Nhưng đại sự đã bị ngừng trệ và mục tiêu chiến lược nói trên của các tổ chức đấu tranh quốc gia miền Nam đã không thực hiện được nữa.

Biến cố xảy ra đêm 16-4-1947 đã làm thay đổi tất cả: Việt Minh Cộng Sản ám hại vị lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo trong một phiên họp tại địa điểm Tân Phú, Đồng Tháp Mười.

Toàn bộ kế hoạch tiến chiếm giành thế chủ động kháng chiến miền Nam về cho khối quốc gia đã bị gẫy đổ từ đó.

Sự bất thành của kế hoạch giành thế chủ động, mà một số chiến sĩ quốc gia đương thời hay gọi là “chiến thuật liên khu miền Tây” tiếp theo là biến cố 16-4-1947 kể trên, đã đưa cuộc diện miền Nam vào một khúc quanh quan trọng, tạo thay đổi lớn lao từ đó về sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn