Điều này có thể khác với tinh thần tôn kính tuyệt tối của anh em tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đối với đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng trên bình diện văn hóa và lịch sử, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn tôn trọng tư tưởng khách quan của giới bên ngoài và hoan hỉ đón nhận các quan điểm khách quan đối với Phật Giáo Hòa Hảo.
Phương trời văn hóa chính trị Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm chỉ thấy và chỉ đối diện với mặt trời Trung Hoa. Phật giáo, từ đầu thế kỷ thứ nhất, mang đến hương hoa vi diệu của phương trời văn hóa Ấn Độ, nhưng do quá trình du nhập được Trung-Hoa-hóa và Việt-hóa, nên đã không tạo thành một ngoại lệ của quy luật địa lý chính trị và lịch sử văn hóa này.
Nhưng đến nửa sau của thế kỷ 19, tình thế đã hoàn toàn đổi khác. Với sự suy tàn toàn diện của Trung Hoa và sự xuất hiện đầy quyền lực của đế quốc thực dân Pháp, phương trời văn hóa và khoa học kỹ thuật. Đến thế kỷ thứ 20, mặt trời Nhật Bản xuất hiện chói chang cả một phương trời Đông Á. Từ nửa sau của thế kỷ 20 Hoa Kỳ và Liên Xô sẽ thành hai mặt trời lớn khống chế và điều động cả bầu trời thế giới. Sự xuất hiện của nhiều cường quốc trên thế giới vùng Đông Á đi đôi như bóng với hình với thảm cảnh Việt Nam trở thành vùng đất tranh giành xâu xé của các đế quốc. ảnh hưởng và ách thống trị của các cường quốc càng đè nặng trên đất nước Việt Nam thì xu thế hướng về các cường quốc để làm tay sai, hay để vận động đấu tranh cứu nước càng mạnh mẽ. Từ đầu thế kỷ 20 trở đi, xu thế xuất dương cầu học và cầu viện đã trở thành một xu thế rất phổ quát, tất nhiên của tầng lớp trí thức và của giới cách mạng Việt Nam dù thuộc bất cứ khuynh hướng, màu sắc nào. Và xu thế đó, cực thịnh trong suốt cả thế kỷ, đi song song với sự cực thịnh của các đế quốc và và các chế độ tay sai tại Việt Nam. Và ngày nay, xu thế vượt biển, vượt biên cũng là một xu thế toàn thịnh đi song song với tình trạng vong thân và vong bản của toàn thể quốc dân Việt Nam. Phan Bội Châu, Cường Để khai mở vùng trời văn hóa chính trị thế giới bằng cách xuất dương qua Tàu, Nhật, Xiêm, Phan Chu Trinh cũng đến Tàu, Nhật, và Pháp; Nguyễn An Ninh, Hồ Hữu Tường, Nhất Linh đi Pháp; Hồ Chí Minh đi Pháp, đi Anh, đi Nga, rồi về lại Tàu; Ngô Đình Diệm đi Bỉ, đến Hoa Kỳ... Xuất dương cầu học hay cầu viện, đó là một giấc mơ, một cuộc hành hương cách mạng và hành trình đi vào quyền lực. Có nhiều người khác, không thực hiện được những cuộc du hành trên thế giới bằng đôi chân của mình, cũng tìm đường đến thế giới bằng tư tưởng, bằng những lý thuyết, những ý thức hệ và những mô hình đấu tranh. Nguyễn Thái Học hướng về Quốc Dân Đảng Trung Hoa với Tam Dân Chủ Nghĩa, Trương Tử Anh với mô hình quốc xã và lý thuyết quốc gia xã hội đang nổi dậy mãnh liệt ở Ý, ở Đức, và Nhật. Và cả một lớp thanh niên trí thức bình tĩnh hướng về chủ nghĩa Mác Xít của Cộng sản Đệ tam, chủ nghĩa trotsky của Cộng sản Đệ tứ hay Chủ nghĩa Dân chủ Xã hội của các quốc gia Tây Âu, trong suốt các thập niên 30, 40, 50... rồi đến các thế hệ thanh niên của thập niên 60,70; ở miền Nam thì mơ đi Tây, đi Mỹ, ở miền Bắc thì mơ đi Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức. Và cao điểm là của thập niên 75-85 với làn sóng vượt biên ồ ạt, ai cũng muốn ra đi để thoát khỏi cảnh tù túng, đói rách trên quê hương, ai cũng tưởng mình sẽ làm được một cái gì khi đến Tây, đến Mỹ, ai cũng mơ đến hải ngoại, đến quốc tế. Và hầu như coi đó là con đường duy nhất để giải quyết những bế tắc của cá nhân cũng như của đất nước.
Nhưng có một người, một thanh niên chỉ mới 20 tuổi đã không đi trong thời thượng đó, đã đảo ngược lại xu thế đó và đã không còn ôm những giấc mơ, những mộng tưởng ở bất cứ một phương trời nào ngoài phương trời của quê hương Việt Nam. Sau Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh gần 40 năm, chàng thanh niên 20 tuổi đã khai sáng một cuộc hành hương mới, đã bắt đầu một cuộc hành trình mới, khác xa chúng ta và siêu vượt qua chúng ta.
Chàng thanh niên 20 tuổi của chúng ta đã không đến Quảng Châu, Tokyo, hay Ba Lê, Hoa Thịnh Đốn. Chàng đã lội ngược dòng với thời thượng, để đi về núi Cấm, núi Thất Sơn. Không đến những thủ đô của Đông phương và Tây phương, chàng cũng không bắt chước những tư tưởng, ý hệ của thế giới, dù là Âu hay Á. Những ngôn ngữ của thời đại: dân quyền, duy tân, những chủ thuyết của thế kỷ: cộng sản, tư bản, tam dân, quốc xã đối với chàng là những gì xa lạ và không cần thiết. Vì chàng đã đi, đã đến, đã sống trọn vẹn trong truyền thống Việt Nam mà tinh hoa cốt tủy là truyền thống Phật Trúc Lâm Yên Tử nhập thế đời Trần, và truyền thống đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương bàng bạc khắp nhân gian miền Nam.
Không đến những thủ đô văn hóa chính trị của thế giới mà chỉ về miền núi Cấm, núi Thất Sơn, thủ đô tâm linh của đất nước hiển linh. Đó là một điều độc đáo. Không chạy theo những chủ thuyết, ý thức thời thượng mà chỉ trở về và phục sinh truyền thống Trúc Lâm Yên Tử và Bửu Sơn Kỳ Hương, đó đã là điều vi diệu. Và hơn thế nữa, chàng thanh niên 20 tuổi của chúng ta khác hẳn những nhà trí thức và cách mạng đương thời chỉ hướng về tầng lớp thị dân và tầng lớp Tây Phương hóa, chàng đã đi vào nông thôn và đi đến quảng đại quần chúng nông dân, một tuyệt đại đa số của quốc dân Việt Nam. Hy hữu, tuyệt vời hơn nữa là chàng đã ra giảng cho nhân gian con đường tu thân và cứu nước không phải bằng học thuyết, chủ nghĩa, bằng lý luận, sách vở, bằng truyền đơn hay súng đạn mà bằng thơ lục bát, thể thơ mang đầy hồn dân tộc và dễ dàng đi vào muôn lòng nhân gian.
Khác hẳn với những nhà cách mạng đương thời, sau lưng có cường quốc, có ý thức hệ, có tổ chức có phương tiện, có vũ khí, sau lưng chàng chỉ có một truyền thống ngàn năm, những người nông dân chân lấm tay bùn và sức mạnh duy nhất là những vần thơ lục bát.
Và kết quả và sự nghiệp của chàng và những nhà văn hóa hay chính trị khác trong thế kỷ 20 này ra sao?
Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh để lại những gì? Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh có mấy người theo? Đảng Cộng Sản Việt Nam có tồn tại thêm được 50 năm nữa không?
Nhưng chàng thanh niên 20 tuổi của chúng ta đã phục sinh huy hoàng truyền thống ngàn năm của dân tộc, xây dựng một tôn giáo với hai triệu tín đồ, phát động một cuộc cách mạng tôn giáo, văn hóa, giáo dục, chính trị và xã hội rộng lớn và có kết quả hữu hiệu, lâu dài. Sự nghiệp của chàng đã trở thành một phần sự nghiệp Việt Nam và vì vậy, đã trở nên bất tử.
Chàng thanh niên 20 tuổi hy hữu và vĩ đại như thế là ai vậy? Chính chàng là Huỳnh Phú Sổ, Giáo chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, lãnh tụ của đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam, một nhà văn hóa và một người cách mạng lạ lùng, hy hữu, ngàn năm mới có một vài vĩ nhân như thế.
Nói đến Huỳnh Phú Sổ và chúng ta, có nghĩa là nói đến những kinh nghiệm, những bài học mà Huỳnh Phú Sổ đã để lại cho chúng ta, đã trao truyền cho chúng ta.
— Trở về với truyền thống dân tộc, truyền thống Phật giáo nhập thế Trúc Lâm Yên Tử và Bửu Sơn Kỳ Hương, lấy đó làm nền tảng để hòa giải và tổng hợp những tinh hoa của bốn phương nhân loại, đó là một di chúc văn hóa chính trị lớn nhất mà Huỳnh Phú Sổ, cũng như Nguyễn Trãi, như Vạn Hạnh đã truyền dạy cho chúng ta.
— Trở về núi Cấm, núi Thất Sơn với quê hương đất nước, với hồn thiêng sông núi, với vùng trời tâm linh vi diệu trong tình trạng vong thân mất gốc trầm trọng của cả dân tộc, là nguồn gốc của mọi thảm họa, đó là một lời nhắn nhủ thiết tha, thành khẩn mà Huỳnh Phú Sổ và tiền nhân qua bao đời lịch sử đã nhắc nhở chúng ta.
— Lấy quảng đại nông dân làm chủ lực đấu tranh và làm đối tượng để giáo dục và phụng sự, giữa cái xu thế chạy theo ngoại lai và bám vào thị hiếu của tầng lớp thị dân hay tầng lớp được ưu đãi ở hải ngoại, đó là một kinh nghiệm mà chúng ta phải học tập và áp dụng.
— Lấy đạo và thơ để nâng cao dân trí và tổ chức quần chúng trong một thời đại duy lý, bạo động và sa đọa, đó là cả một bài học lớn mà chúng ta phải thấm nhuần và đem vào hành động.
— Lấy truyền thống dân tộc làm chủ đạo, lấy sức dân làm chủ lực, lấy một đường lối trung dung, thực tiễn, và một tinh thần khai phóng hòa hợp để đoàn kết toàn dân, đó là kim chỉ nam hành động cho tất cả chúng ta ngày nay.
Chỉ ở trên đời chưa đến 27 tuổi và chỉ vào hành động sáu năm mà Huỳnh Phú Sổ đã để lại một sự nghiệp lớn như vậy, đã dạy cho chúng ta nhiều bài học vô giá như vậy thì thử hỏi trong năm ngàn năm lịch sử Việt Nam, có ai trẻ tuổi như Huỳnh Phú Sổ mà đã cống hiến nhiều cho dân tộc, cho tổ quốc bằng Huỳnh Phú Sổ?
Tất cả những kẻ đã chạy theo ngoại bang, tất cả những ý thức hệ ngoại lai đã làm được gì cho dân tộc và đất nước Việt Nam nếu không là tàn phá thêm đất nước và gây thêm đau khổ cho dân tộc. Tiếc thay Huỳnh Phú Sổ đã ra đi quá sớm, thời gian quá ngắn ngủi để có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho Việt Nam. Nhưng Huỳnh Phú Sổ đã không thất bại.
Con đường trở về với nông dân để khai thị, giáo dục và cải thiện đời sống của nông dân là con đường không bao giờ thất bại.
Con đường đưa nhân dân và đưa vào ý thức hệ dân tộc, dân chủ để chống đế quốc và độc tài là một con đường không bao giờ thất bại.
So với tất cả những nhà cách mạng đương thời, Huỳnh Phú Sổ là người thành công lớn nhất và để lại sự nghiệp cao nhất. Chỗ đứng của Huỳnh Phú Sổ trong văn học, chính trị và lịch sử Việt Nam là một chỗ đứng độc đáo và chói sáng.
Lịch sử sẽ nói đến Huỳnh Phú Sổ như nói đến một Martin Luther, người canh tân Thiên Chúa giáo và khai sáng đạo Tin Lành, của Việt Nam. Huỳnh Phú Sổ đã canh tân Phật giáo, đã nối tiếp và phục sinh truyền thống đạo Phật nhập thế, sinh động của phái Trúc Lâm Yên Tử và Bửu Sơn Kỳ Hương. Lịch sử sẽ nói đến Huỳnh Phú Sổ như người sáng lập của đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam, đảng tổng hợp và dung hòa những ý hệ xung đột trên thế giới. Đó là một đảng cách mạng cứu quốc duy nhất có thể đương đầu với đảng Cộng sản. Trong thời hậu Cộng Sản, đó sẽ là chính đảng số một của Việt Nam. Nếu Huỳnh Phú Sổ không ra đi lúc chỉ mới 27 tuổi. Ngày nay, sẽ có những Huỳnh Phú Sổ khác sẽ phục sinh Dân Xã Đảng và lấy đảng làm công cụ để quang phục đất nước.
Và cuối cùng lịch sử sẽ nói về thơ Huỳnh Phú Sổ như nói về thơ Vạn Hạnh, thơ Lý Thường Kiệt, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu. Từ bài thơ “Sá chi suy thịnh việc đời, Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành” của Quốc sư Vạn Hạnh, đến bài “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư” của Đại tướng Lý Thường Kiệt, qua các thơ, kệ của các thiền sư Lý Trần, đến thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ, đó là một giòng thơ Việt Nam linh thiêng, liên tục và bất tận, giòng thơ ngàn năm chở đạo và cứu nước của một dân tộc nhân nghĩa và anh hùng.
Huỳnh Phú Sổ đã không xuất dương du học, hay vượt biển như chúng ta, nên Huỳnh Phú Sổ không ra đi mà chỉ trở về, trở về với truyền thống, với nông thôn, với tinh hoa cốt tủy của dân tộc. Và cuộc hành trình trở về của Huỳnh Phú Sổ đã góp phần hoàn thành sự nghiệp Việt Nam giữa sự phá hoại và phản bội sự nghiệp Việt Nam của những kẻ đã hành hương đến Mạc Tư Khoa hay Hoa Thịnh Đốn.
Sự thành công rực rỡ, kỳ diệu của Huỳnh Phú Sổ không có nghĩa là sự ra đi của chúng ta là vô ích hay không cần thiết. Huỳnh Phú Sổ bị Cộng sản ám hại và những người thừa kế Huỳnh Phú Sổ bị các chế độ chống cộng đàn áp, tiêu diệt không một chút nào có nghĩa là ý thức quốc gia đã thắng ý thức giáo phái, hay chính quyền trung ương đã thắng sự phân hóa, ly khai của địa phương, mà chỉ có nghĩa những kẻ dựa vào ngoại bang đã tạm thời thắng thế những người chỉ dựa vào dân tộc, những kẻ có ý hệ và súng đạn cũng như sự hậu thuẫn và kỹ thuật của thế giới đã tạm thời thắng thế những người không vận dụng và sử dụng được những sức mạnh và võ khí này.
Sự ra đi của chúng ta có sứ mạng linh thiêng là hoàn thành những gì mà Huỳnh Phú Sổ chưa hoàn tất, là thực hiện những gì mà Huỳnh Phú Sổ chỉ mới ước mơ: là sự chiến thắng của Việt Nam đối với những thế lực phi Việt, là xây dựng một nước Việt Nam tự do, công bằng, và nhân đạo, độc lập, hòa bình với mọi nước và mọi người sống trong hòa hợp, yêu thương.
Để thực hiện lý tưởng cao cả và di chúc linh thiêng này, không phải của riêng Huỳnh Phú Sổ mà của cả triệu người Việt Nam yêu nước khác đã chết, chúng ta phải học hỏi, thấm nhuần truyền thống, tinh hoa của dân tộc, không ngừng nuôi dưỡng ý thức trở về và kiên trì đấu tranh cho một ngày về, đồng thời học tập, làm chủ những kỹ thuật hiện đại của thế giới và vận động thế giới hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta.
50 năm nữa, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chẳng còn và chẳng ai nhắc đến; nhưng 1.000 năm nữa, hình bóng của Huỳnh Phú Sổ, cũng như hình bóng của Vạn Hạnh, của Nguyễn Trãi, vẫn bát ngát bao la giữa đất trời, sông núi Việt Nam.
50 năm nữa, những kinh điển Mác Xít phủ đầy bụi sẽ nằm chết cứng trong các viện bảo tàng và chẳng ai thèm đọc; nhưng 10 thế kỷ nữa thơ Huỳnh Phú Sổ, cũng như thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến vẫn còn mênh mông ca hát trong muôn lòng Việt Nam.
Chúng ta chào đón và vinh danh Huỳnh phú Sổ không phải như chào đón và vinh danh một vị Giáo chủ mà là chào đón và vinh danh một đạo hữu, một chí hữu và một chiến hữu.
Đạo hữu của đạo Phật nhập thế mà hiện đại hóa.
Chí hữu của lý tưởng dân chủ xã hội.
Và chiến hữu của cuộc chiến đấu chống đế quốc và độc tài.
Huỳnh Phú Sổ bất tử trong ý thức và hành động cứu người cứu nước của tất cả chúng ta.
Núi Thất Sơn vẫn nổ vang rền từng giờ từng phút mỗi khi chúng ta vẫn còn sống, chiến đấu và phụng sự trong tinh thần Huỳnh Phú Sổ.
Huỳnh Phú Sổ chính là tất cả chúng ta, tất cả những người Việt Nam yêu nước mang tinh thần tự do, khai phóng và nhân bản đi vào hành động giải cứu và phát triển Việt Nam.
Cũng như Vạn Hạnh, như Nguyễn Trãi, Huỳnh Phú Sổ không bao giờ chết. Vạn Hạnh, Nguyễn Trãi và Huỳnh Phú Sổ chỉ hóa thân thành chúng ta, những Vạn Hạnh, những Nguyễn Trãi, những Huỳnh Phú Sổ của thời đại hôm nay.
LÝ KHÔI VIỆT
Trích tập san
THANH NIÊN HÀNH ĐỘNG
số 9, tháng 7-8-86
Gửi ý kiến của bạn