5- Dư Luận Ngoại Quốc Đối Với PGHH

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 77060)
5- Dư Luận Ngoại Quốc Đối Với PGHH
Sức phát triển của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo trong giai đoạn 1964-1965 được diễn taœ như một sự “bùng dậy của những tiềm lực bị đè nén từ lâu ngày” cho nên có khả năng tăng trưởng mau chóng. Cũng trong tiến trình phát triển này, Phật Giáo Hòa Hảo không tránh khỏi các “căn bệnh của phát triển”. Đó là sự phân hóa nội bộ.

Tuy nhiên, sự đóng góp của khối quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo vào việc phát triển kinh tế và an ninh Hậu Giang cũng là một sự kiện cụ thể. Ký giả Francois Sully viết trên Newsweek năm 1965 như sau:

MỘT THIÊN ĐÀNG HẠ GIỚI

Trở lại Việt Nam lần này, nhà chuyên môn phiến loạn Edward Lansdale (Lời người dịch: Trung tướng Lansdale là phụ tá của Đại sứ Cabot Lodge) đã thấy cảnh vật biến đổi như “tang hải thương điền”. Mặc dù được viện trợ Mỹ dồi dào, vùng đất màu mỡ này hiện đang bị Việt Cộng từ từ bóp nghẹt về kinh tế, trừ một tỉnh đặc biệt là tỉnh An Giang. Đó là một tỉnh nằm trong vựa lúa theo lưu vực sông Cửu Long, cách Saigon 150 cây số về phía Tây Nam.

Vùng đất ruộng cò bay thẳng cánh với những kinh rạch xum xê này là căn cứ của đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Cách đây gần một năm, tín đồ nông dân Phật Giáo Hòa Hảo tại An Giang là nạn nhân của một phong trào khủng bố có chủ trương rõ rệt. Việt Cộng đến bắt cóc và ám sát những viên chức trong xã lần lượt hết người này đến người khác. Nhưng thay vì chịu khuất phục cường lực, đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo dám cương quyết khôn khéo chống lại bọn khủng bố. Và họ đã thắng.

Suốt thời gian Ngô Đình Diệm, các lãnh tụ Phật Giáo Hòa Hảo bị “đặt ra ngoài vòng phá luật” nhưng mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã có một quyết định khôn khéo là thừa nhận tư cách pháp nhân của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo.

Làm như vậy là Thủ tướng Kỳ hy vọng đem về cho chánh phủ sự hợp tác của hệ thống lãnh đạo chặt chẽ hiện nay trong Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, kết hợp từ Ban Trị Sự Trung ương xuống đến các Ban Trị Sự Xã. Hệ thống trị sự Phật Giáo Hòa Hảo đã nắm vững được một khối quần chúng khổng lồ ước lượng là hai triệu tín đồ, và luôn cả guồng máy hành chánh trong 11 tỉnh miền Hậu Giang.
Về phần Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, với một tinh thần tự quyết, họ không muốn làm gì hơn là được chánh quyền để yên cho họ tự giải quyết và điều khiển các vấn đề nội bộ của họ.

Trên phương diện này, họ đã đạt được kết quả mỹ mãn. An Giang, tín đồ nông dân Phật Giáo Hòa Hảo chiếm 80% trong số 430.000 người. Các lực lượng nghĩa quân và địa phương quân tại đây gồm toàn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, đã đủ khả năng bảo vệ an ninh chống lại Việt Cộng mà không cần đến sự tiếp viện của quân đội chủ lực.

An Giang tuyệt đối an ninh, muốn đến đâu cũng được, không lo ngại chi cả, nên những cố vấn Mỹ đã tự do lái xe đi khắp nơi không cần đem theo võ khí nào ngoài chiếc máy quay phim 35 ly.

An Giang cũng rất thịnh vượng, thực phẩm dồi dào, ngon lành, thu hút nhiều du khách đến thưởng thức.

Điển hình là xã Phú Hòa, một xã nằm nơi ngã ba hai con sông. Đây là một bức tranh đồng quê êm aœ, với các phụ nữ xuống hồ tắm heo, với các em bé thơ ngây đang bơi lội phô bày làn da bánh ếch mặn mà. Đây, một bác nông phu có chùm râu cằm phơ phất đang cầm sợi dây xích dắt con rái cá đi du ngoạn một cách nhàn hạ. Nhưng điều hãnh diện của dân làng chính là chiếc máy đèn luôn luôn được lau chùi như còn mới tinh. (An giang là tỉnh duy nhất ở Hậu Giang có hệ thống điện hóa nông thôn).

Nền hành chánh xã Phú Hòa nằm trong tay của một Hội đồng xã gồm sáu nhân viên. Bố cáo thì dán ngay trên thân cây dừa cho dân xem. Một Ban Trị Sự xã của Phật Giáo Hòa Hảo gồm chín vị tín đồ kỳ cựu vừa lo việc cúng bái tu hành lại vừa để ý canh chừng bọn cán bộ Việt Cộng. Và cứ mỗi đêm, đoàn Thanh Niên Chiến Đấu chia phiên canh gác. Như vậy có thể nói là toàn dân trong phần xã đều tham gia việc bảo vệ an ninh.

Bất cứ giờ nào, ta cũng thấy từng nhóm nhỏ dân cư xã Phú Hòa đang cầu nguyện trước bàn Thông Thiên. Và từ những độc giảng đường quét vôi màu dà, tiếng giảng kinh theo các ống loa phóng thanh ra vang động cả vùng chợ làng.
Một trị sự viên Phật Giáo Hòa Hảo nói rằng:

— Đạo chúng tôi không chủ trương cất chùa to dựng Phật lớn, chúng tôi chú trọng đến sự giản dị, và lòng thành tự trong tâm phát ra...

Chính đó là những đức tính làm cho Việt Cộng khó bề uy hiếp được. (*)

Một nhân vật khác trong bộ máy công quyền Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam, ông Louis Wiesner, đã có cảm nghĩ như sau:

“Tôi là một nhân viên ngoại giao hồi hưu sau 32 năm trong ngành này. Tôi đã phục vụ trong cơ quan CORDS từ tháng 12-1967 đến giữa 7-1970.

Tổ chức Hòa Hảo đã thành công thật tốt đẹp đẩy lui trại hưởng và tổ chức Việt Cộng ra khỏi các vùng Hòa Hảo, tôi từng đến An Giang, Châu Đốc, nhận thấy tình trạng an ninh và thịnh vượng đặc biệt.

Tôi tự hỏi: Vì sao quý vị lại đạt được thành quả đó mà nơi khác không thể đạt được? Có những bài học nào rút ra được từ kinh nghiệm Hòa Hảo để áp dụng cho nơi khác?” (*)

Sau đây là nhận xét của tác giả John Haseman về phong trào Phật Giáo Hòa Hảo Sau khi chế độ Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ, các chánh phủ tại Saigon đều nhận thức được vị thế trại hưởng của Phật Giáo Hòa Hảo. Khối quần chúng với tiềm lực ở vùng châu thổ sông Cửu Long, và khả năng đối phó hữu hiệu với các đơn vị cộng Sản, Phật Giáo Hòa Hảo bây giờ được các giới chánh trị tại Saigon yêu cầu ủng hộ. Và Phật Giáo Hòa Hảo đã ủng hộ các chánh phủ quốc gia sau Diệm, từ Dương Văn Minh đến Nguyễn Văn Thiệu. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tham dự vào chánh quyền ở các cấp từ xã ấp đến trung ương. Nhiều đại biểu Phật Giáo Hòa Hảo tham gia Quốc Hội Việt Nam.

Trong tình trạng đó, Phật Giáo Hòa Hảo có điều kiện tốt để phát triển Giáo Hội. Nhờ tiềm lực quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo mà làng xóm được an ninh, nơi nào có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cư ngụ, vùng đó an ninh được bảo đảm ở mức cao.

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tham gia vào các đơn vị địa phương quân và dân vệ, bảo vệ an ninh trong vùng và cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực của Việt Cộng. Họ được hưởng lương bổng quyền lợi thấp hơn quân đội chánh quy, trang bị võ khí yếu kém hơn, nhưng họ ưng ý vì chiến đấu ngay tại vùng sanh quán của họ. Đó cũng là tâm lý chung của người Việt Nam rất tha thiết và gắn bó với làng xã của mình. Tín đồ Hòa Hảo lại còn thêm sự gắn bó với tôn giáo của họ.

Hiệu năng chiến đấu của Phật Giáo Hòa Hảo thể hiện rõ ràng trong tình trạng an ninh tốt đẹp các tỉnh đông tín đồ. Dù cho đó là một tỉnh kế cận vùng bất an ninh như tỉnh Châu Đốc giáp giới Cao Miên, tỉnh Kiến Phong với Đồng Tháp Mười, thế mà các tỉnh này đã được bảo vệ an ninh vững vàng, được xem là an ninh bậc nhứt, nhì trong nước.

Đặc biệt nhứt là tình trạng an ninh tỉnh An Giang. Phái đoàn cố vấn Hoa Kỳ không phải bận tâm nhiều đến tỉnh này, vì an ninh đã có sẵn không cần đến sự can thiệp của Hoa Kỳ. Có an ninh như thế chính yếu là nhờ tinh thần cương quyết của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, không để cho Việt Cộng đến phá rối làng xóm mình. An Giang trở thành một ốc đảo hòa bình thạnh vượng trong một quốc gia lâm chiến. Tại đây, không cần phải có đơn vị quân đội chánh quy đông số, chỉ cần một số nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của các đơn vị Việt Cộng vào phạm vi lãnh thổ tỉnh này. Quân số toàn tỉnh An Giang cũng thấp hơn các tỉnh khác. Lời một trung sĩ gốc Hòa Hảo:

“Tại xóm tôi, không cần phải canh gác. Cha mẹ tôi không bao giờ đóng thuế cho Việt Cộng. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể thả bộ đi sang xóm bên cạnh mà không lo sợ chi cả. Tôi mong rằng các con tôi cũng được sống an bình như thế này mãi. Chiến tranh quá nhiều rồi. Đó là lỗi tại bọn Việt Cộng, không có Việt Cộng thì làm gì có chiến tranh. Như xóm tôi đây làm gì có chiến tranh.”

Thời kỳ 1964-1975 cũng đánh dấu một bước mới của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo trong một nền dân chủ còn phôi thai tại Việt Nam. Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bắt đầu bước ra khỏi lãnh vực nội bộ, và hoạt động trong cơ chế dân chủ của thời Đệ nhị Cộng Hòa. Họ tham gia ứng cử vào chức vụ đại biểu của dân trong các cơ quan dân bầu tại địa phương (Hội đồng Tỉnh) và quốc gia (Thượng viện, Hạ viện). Tại nhiều tỉnh họ chiếm đa số đại biểu.

Trong cuộc bầu cử Hội đồng Tỉnh năm 1965, tại các tỉnh An Giang, Châu Đốc, tất cả đại biểu nhân dân đều là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo; tại các tỉnh Kiến Phong, Vĩnh Long, Phong Dinh, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chiếm 80% số ghế đại biểu. Tỷ lệ này cũng thể hiện trong cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa 11-9-1965, liên danh đắc cử cao phiếu nhứt trên toàn quốc là liên danh của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại An Giang. Những cuộc bầu cử dân biểu Hạ viện và Nghị sĩ Thượng viện Việt Nam Cộng Hòa sau đó cũng thể hiện tỷ lệ kết quả như trên.

Điều này chứng minh tiềm lực quần chúng của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn