1- Truyền Thống Nghĩa Binh

24 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 78961)
1- Truyền Thống Nghĩa Binh
Sĩ phu và dân chúng miền Nam đã không đợi đến khi vua Hàm Nghi truyền lịnh cần vương (1885), mà đã tự động nổi dậy kháng Pháp trước đó. Các phong trào này nhẹ tính chất “vì vua mà chống Pháp” (cần vương), dân chúng và sĩ phu phất cờ kháng chiến chống ngoại xâm là do động lực yêu nước trước hết. Đó là tinh thần “ứng nghĩa kháng chiến”, cho nên được gọi là nghĩa binh (khác với quân đội triều đình hay quân đội quốc gia, mà đây là quân đội của nhân dân, của những người vì đại nghĩa dân tộc, tự nguyện đứng lên, và tự động kết hợp nhau thành đội ngũ nghĩa quân.)

Như đã nói ở các chương trước, giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương với thuyết Tứ Ân, đã gieo rắc và khơi động ý thức dân tộc trong tâm hồn mộc mạc của người dân nông thôn miền Nam, lại thêm tinh thần “anh em kết nghĩa” của các tổ chức Thiên Địa Hội du nhập từ Trung Quốc qua những nhóm người phản Thanh phục Minh đã đến xin tị nạn tại miền Nam từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu.

Cũng vì động lực kháng chiến là lòng ái quốc, cho nên các tổ chức nghĩa quân đã bất tuân huấn lịnh của triều đình, khi các chỉ thị đó đi ngược lại quyền lợi tối thượng của đất nước, nhìn theo quan điểm của họ trong bối cảnh thời cuộc họ đang sống. Vua không quan trọng bằng Tổ quốc, tinh thần này đã được thể hiện trong dân chúng miền Nam, sau khi triều đình Huế ký kết hòa ước 5-6-1862 nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp: lòng dân miền Nam sôi sục, đau đớn, căm hờn ngùn ngụt khắp trời. Hãy đọc một đoạn thơ của cử nhân Phan Văn Trị trong bài “Điếu Lục Tỉnh Nam Kỳ Sỹ Dân Văn’’:

Tan nhà căm hờn nỗi câu ly hận,

Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa!

... Bớ các quan ơi! Chớ thấy chín trùng (tức triều đình) hòa nghị, mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha, cho rằng ba tỉnh giao hòa, mà cái việc cừu thù đành lơ đãng...

... Bớ các làng ơi! Chớ thấy đồn lũy dưới Gò Công thất thủ, mà trở mặt hại nhau, chớ thấy trên Bến Nghé phân cư, mà đành lòng theo mọi (Pháp).

... Hỡi ơi! Oan nhường ấy, hận nhường ấy, cừu thù nhường ấy, làm sao trả đặng mới cam.

Trong không khí sôi sục đó, vua Tự Đức ra lịnh cho các bộ đội kháng chiến lui gom về ba tỉnh miền Tây. Cuối tháng 6-1862, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long, theo lịnh vua, khuyên các lãnh tụ kháng chiến Võ Duy Dương, Trương Công Định nên bỏ khí giới, để cho tình thế tạm yên, đặng điều đình với Pháp. Các lãnh tụ này nhứt định không nghe theo, nên triều đình cách hết chức tước của họ. Tháng 8-1863, lãnh tụ kháng Pháp Nguyễn Hữu Huân thất trận ở Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) chạy về Thất Sơn (Châu Đốc) ẩn náu, thì bị Tổng đốc An Giang Phan Khắc Thân bắt giam vì tội không tuân lịnh ngưng chiến của triều đình. Ít ngày sau, Thủ khoa Huân bị giao nạp cho quân Pháp, và sau đó bị đày đi đảo Réunion. (Cuối cùng Thủ khoa Huân bị Pháp xử tử).

Trương Công Định có thái độ rõ ràng khi ông nói rằng: “Triều đình hòa với Pháp nhưng nhân dân Việt Nam không thể tán thành việc hòa giải này...” (*)

Bất chấp lịnh triều đình, các tổ chức kháng chiến miền Nam lại không được triều đình tiếp tế giúp đỡ gì, và sau cùng thế yếu lực kiệt tất cả các lãnh tụ như Trương Công Định, Vo Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Trần Văn Thành, đều đã đền nợ nước tại trận tiền, hay dưới máy chém của quân Pháp. Họ đã đánh dấu một giai đoạn đặc biệt của lịch sử đề kháng ngoại xâm rất hào hùng oanh liệt của người dân Việt yêu nước tự động tự nguyện đứng lên làm bổn phận con dân.

Các nhà nghiên cứu văn hóa thường nhận xét rằng dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho Giáo. Nhận xét này đã đúng trên bình diện tổng quát, nhưng không hẳn đúng về mức độ ảnh hưởng của từng miền. Rõ ràng là tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, ảnh hưởng Nho Giáo sâu đậm, mạnh mẽ hơn là ở miền Nam. Tinh thần tam cương trong đạo Khổng Mạnh không làm cho người dân miền Nam nhắm mắt trung với Vua, chết theo lịnh Vua. Khoảng cách không gian giữa miền Nam với Vua không mật thiết như ở Trung và Bắc Việt Nam.

Tuy rằng vua Gia Long đã được dân miền Nam giúp đỡ tận tình trong thời kỳ tẩu quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là họ chấp nhận “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Dân miền Nam cảm thương — tiếng bình dân là tội nghiệp — một vị vương giả thất thế, gặp hồi tai nạn, nên sẵn sàng giúp đỡ. Họ cũng không cảm tình với những đạo quân Tây Sơn quá dữ dằn giết bừa bãi, qua những đợt tàn sát kinh hồn tại miền Nam, và cũng chưa nhìn thấy Gia Long làm điều chi phản nước hại dân trong thời kỳ bôn ba tẩu quốc. Họ chỉ “thương vua thất thời lận đận lao đao, bị nã tróc truy tầm, trốn chui trốn nhủi...”. Đó là tinh thần phò suy rất đặc biệt của người dân miền Nam.

Nhưng khi phải đối diện với đại nghĩa dân tộc, người dân miền Nam bồng bột hăng say tự nguyện nổi dậy sống chết chống ngoại xâm, và khi triều đình hành động ngược lại quyền lợi Tổ quốc, họ chọn lựa thái độ đứng về phía dân tộc, không nghe lời vua. Họ không chờ lịnh triều đình, cũng không chờ đợi quân đội của triều đình lãnh đạo kháng chiến, rồi họ mới hưởng ứng. Họ tự động nổi dậy, bằng phương tiện của chính họ, và sau đó họ cũng tự động không tuân lịnh triều đình bắt họ buông võ khí.

Luật pháp triều đình có thể xem họ là phiến loạn, nhưng họ tự cho rằng họ hành động vì lòng yêu nước. Và họ đã đúng, họ đã có lý, nên đã được vinh danh trên những trang sử Việt Nam cận đại, trong khi các ông vua làm lợi cho ngoại xâm đã bị lịch sử kết tội.

Có hiểu được tâm lý người dân miền Nam, mới hiểu được thái độ của những tổ chức võ trang miền Nam, mới hiểu được thái độ của những tổ chức võ trang miền Nam chống đối ông Ngô Đình Diệm khi ông này nhìn họ như những “sứ quân thảo khấu”, quên một điều là chính họ tự động kháng chiến trong khi ông lại không hề chịu những gian khổ với họ, trong những giai đoạn khó khăn, nguy hiểm, sinh tử và phức tạp của lịch sử.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn