Chương 2: Pháp Xâm Lược Và Cuộc Kháng Chiến Của Dân Tộc VN

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 114774)
Chương 2: Pháp Xâm Lược Và Cuộc Kháng Chiến Của Dân Tộc VN
Tiến trình Tây phương xâm nhập Đông phương có thể xem là khởi đầu từ chuyến đi phương Đông của Marco Polo (1275-1292). Tây phương sang Đông phương trước hết là các giáo sĩ với mục đích truyền đạo. Sau đó là các tổ hợp tư bản đến với mục đích trục lợi thương mại. Vào cuối thế kỷ 18, các đế quốc Tây phương tranh giành lẫn nhau để chiếm thuộc địa. Ngọn gió thổi từ Tây phương đến Đông phương đã đem vào Á Châu luồng văn minh duy lý và cơ khí, tạo những thay đổi lớn lao về văn hóa, kinh tế và xã hội tại khu vực này.

Tiếng đại bác đầu tiên của hai chiến hạm Pháp là La Gloire và La Victorieuse bắn vào lãnh thổ Việt Nam (Đà Nẵng) năm 1847, báo hiệu ý đồ thực dân xâm lược của đế quốc Pháp, dùng quân lực đánh chiếm Đông Dương, song hành với hành động tương tự của các đế quốc Tây phương khác: Anh, Hòa Lan, Bồ Đào Nha, Y Pha Nho, tại Á Châu. Lúc đó là năm thứ 7 triều vua Thiệu Trị, cũng là năm đầu tiên triều vua Tự Đức, 800 quả đạn đại bác đã làm thiệt hại mấy ngàn sinh mạng Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn rất nhiều bi thương của dân tộc này.

Vì những khó khăn nội bộ của nước Pháp, cho nên mãi đến năm 1856, Hoàng đế Nã Phá Luân III mới lấy quyết định thực sự cử binh đánh chiếm Việt Nam. Ngày 26-9-1856, chiến hạm Catinat nã đại bác vào Đà Nẵng. Chiến thuật xâm lược của Pháp nhằm chiếm lấy miền Nam trước hết, để làm đầu cầu quân sự chính trị tiến dần ra Bắc, Trung Việt, Cao Miên và Ai Lao, bằng ngoại giao, quân sự nhưng chính yếu là sức mạnh của quân đội. Năm 1862, quân Pháp chiếm xong ba tỉnh miền Đông, và đến 1867 chiếm thêm ba tỉnh miền Tây Nam Việt, rồi sau đó tiến ra miền Bắc. Cuộc xâm lăng này hoàn thành năm 1887, sau khi Pháp đã dàn xếp với Trung Hoa, ký kết hiệp ước Thiên Tân giữa Patenôtre và Lý Hồng Chương 27-4-1885, theo đó Trung Hoa công nhận cuộc bảo hộ của nước Pháp tại Việt Nam (*) .

Tuy rằng quân Pháp đã chiếm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, nhưng đó không phải là một cuộc xâm lược dễ dàng. Quân đội Pháp tuy hùng hậu và có ưu thế võ khí, nhưng đã phải chịu rất nhiều thiệt hại để đối phó với sức đề kháng mãnh liệt và dẻo dai của quân và dân Việt Nam, ròng rã suốt ba mươi năm, từ 1860 đến 1887. Ấy là chưa kể nỗ lực ngoại giao của Pháp thỏa hiệp quyền lợi với triều đình Mãn Thanh qua hiệp ước Thiên Tân, nhằm tạo tình trạng hòa hoãn với Trung Quốc, để khỏi phải bận tâm đến sự can thiệp của Trung Quốc, mà dồn nỗ lực vào hành động quân sự đánh chiếm Việt Nam.

Năm 1887 là thời điểm mà quân Pháp cho là đã hoàn thành cuộc xâm lược quân sự tại Việt Nam, và cũng năm đó Pháp thực hiện công cuộc thống nhứt bộ máy cai trị thuộc địa, đặt viên toàn quyền đầu tiên điều khiển bộ máy thống trị Đông Dương. Tuy nhiên, sự đề kháng của dân tộc Việt Nam không chấm dứt ở thời điểm 1887, mà còn tiếp tục suốt từ đó cho đến khi Pháp phải chính thức ra đi, rời khỏi vị trí quyền lực tại Việt Nam, năm 1956.

Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, người Việt Nam không chấp nhận uy quyền thống trị của thực dân Pháp, đã kết thành những phong trào liên tục tranh đấu đòi lại chủ quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Trong lịch sử nhơn loại, những cuộc xâm chiếm thuộc địa thường dễ dàng thành công ở giai đoạn đầu, giai đoạn đánh chiếm bằng quân sự, nhưng lại gặp nhiều khó khăn chật vật ở giai đoạn sau. Đó là giai đoạn đề kháng văn hóa của dân tộc bị trị đối phó với ngoại bang thống trị. Tiến trình xâm chiếm và thống trị của Pháp tại Việt Nam, cũng không thoát khỏi quy luật lịch sử đó.

Giai đoạn đầu, với khoa học chiến tranh tiến bộ và võ khí tân tiến của thế kỷ 19, quân đội Pháp đã có ưu thế để chiến thắng tại Việt Nam. Quân lực của triều đình và của các tổ chức nhân dân võ trang kháng chiến, tuy chiến đấu dũng cảm, hy sinh cao độ, với lòng yêu nước nhiệt thành, nhưng vì yếu thế về võ khí, và chưa có kiến thức mới để ứng phó hữu hiệu với khoa học chiến tranh cơ giới của Tây phương, cho nên rốt cuộc đã phải thất bại về quân sự.

Sau cuộc trường kỳ kháng chiến gần 40 năm (1856-1895), tuy rằng các phong trào kháng chiến võ trang còn hoạt động lẻ tẻ ở các địa phương, quân đội Pháp đã làm chủ được tình hình quân sự trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. (Ghi chú: 1856 chiến hạm Pháp bắn vào Đà Nẵng, và 1895, phong trào văn thân kháng chiến Phan Đình Phùng tan rã).

Sau giai đoạn chiến thắng quân sự, bộ máy thống trị Pháp tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn phức tạp hơn trong việc đối phó với cuộc đề kháng muôn hình vạn trạng, không công khai, không chiến lũy, mà âm thầm, kín đáo, bí mật, bền bỉ dẻo dai, diễn ra thường trực trong tâm lý và thái độ của người dân Việt. Tinh thần ái quốc, khát vọng tự do, ý thức độc lập thấm nhuần sâu xa trong tâm hồn người dân Việt từ mấy ngàn năm lịch sử, không thể nào bị dập tắt hay bóp chết một cách dễ dàng giống như sự chiến thắng của một quân đội mạnh đối với một quân lực yếu thế. Sức mạnh vật chất không thể tiêu diệt được những tình cảm phi vật chất. Cố nhiên, khi Pháp dùng võ lực, nhà tù, luật lệ khắc nghiệt, khủng bố đàn áp để đối phó, thì người Việt phải lui bước trước sức mạnh. Nhưng đó chỉ là bước lui tạm thời, để khi có cơ hội nào đó, một biến cố xảy ra, là lập tức tiềm lực đề kháng lại bộc phát nổ bùng mãnh liệt, không lường trước được.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn