Sự vắng mặt của các lãnh tụ chánh trị thế tục, thường được điền khuyết dễ dàng theo phương thức bầu cử hay lựa chọn người kế vị. Nhưng một số tổ chức tín ngưỡng không thể áp dụng phương thức bầu cử để lựa chọn Giáo Chủ. Bởi vì Giáo Chủ lãnh đạo tôn giáo bằng quyền lực thánh thể phát sinh từ niềm tin siêu hình và tuyệt đối. Huỳnh Giáo Chủ đối với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là Jésus của Cơ Đốc giáo, là Mahomet của Hồi giáo, nên không thể bầu một phàm nhân thay thế được.
Jésus, Mahomet ở cương vị thuần tín ngưỡng, trong khi vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo vừa là lãnh đạo tín ngưỡng, vừa là lãnh tụ chánh trị. Vì vậy sự vắng mặt của Huỳnh Giáo Chủ hiển nhiên đã tạo cho tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo một tình huống khủng hoảng lãnh đạo, với các khó khăn phức tạp trước mặt về lãnh đạo chánh trị, và khó khăn trường kỳ về lãnh đạo tín ngưỡng.
Hơn thế, Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó phải đối phó với hai địch thủ: Pháp và Việt Minh. Trước đó, họ chỉ phải đối phó với Pháp, và đề phòng “người bạn đường Việt Minh”. Bây giờ, người bạn đường đó đã lộ diện là một kẻ thù sẽ áp dụng mọi thủ đoạn tàn độc và phương tiện chiến tranh để tàn sát và tiêu diệt họ...
Đêm 16-4-1947, Huỳnh Giáo Chủ đi phó hội với đại diện Cộng Sản tại một địa điểm thuộc Đồng Tháp Mười, làng Tân Phú, tỉnh Long Xuyên. Hội nghị thường diễn ra ban đêm, vì lý do an ninh, bảo mật. Trong phiên họp này, Cộng Sản đã ám hại Giáo Chủ.
Trước đó, ở miền Tây, không khí rất căng thẳng sau những xung đột địa phương giữa Phật Giáo Hoà Hảo và Việt Minh, nên Huỳnh Giáo Chủ, lúc đó đang giữ chức vụ Uỷ viên đặc biệt của Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ, đích thân từ chiến khu miền Đông trở về miền Tây để tìm cách giải quyết ổn thoả, hầu dồn nỗ lực chung vào công cuộc kháng Pháp. Với mục đích đó, Giáo Chủ chấp nhận đến họp cùng ủy viên Quân sự và Thanh tra Chánh trị miền Tây của Việt Minh, tại một địa điểm do Việt Minh lựa chọn. Và ngay trong phiên họp đêm đó, Việt Minh đã tổ chức một toán Vệ quốc đoàn phục kích sẵn quanh phòng họp, xả súng liên thanh tự động vào Huỳnh Giáo Chủ.
>
Nhưng Giáo Chủ không chết, và liền sau đó, viết một bức thơ tay cho một người tín đồ phi ngựa đem về hành dinh quân sự ở phía Bắc Đồng Tháp Mười, thông báo về “một việc xảy ra bất ngờ”, nhưng hạ lệnh cấm không cho động binh kéo tới chỗ đó. Bức thơ viết tay này gởi cho hai ông Trần Văn Soái và Nguyễn Giác Ngộ, hai lãnh tụ quân sự có mặt ở hành dinh Đồng Tháp lúc đó (làng Phú Thành, Long Xuyên).
Qua những tài liệu của Phật Giáo Hoà Hảo và quân đội Pháp nói về tình hình mới sau khi Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt, thì Pháp đã đóng vai “ngư ông thủ lợi” khi mâu thuẫn giữa Việt Minh và Phật Giáo Hoà Hảo bùng nổ thành chiến tranh sắt máu. Nhận định của Pháp lúc đó coi Việt Minh là địch thủ chính và dài hạn, Phật Giáo Hoà Hảo là địch thủ phụ. Cho nên Pháp đã chuẩn bị sẵn thái độ khi xung đột Phật Giáo Hòa Hảo-Việt Minh xảy ra. Tình báo Pháp đã theo dõi, nghiên cứu không khí hợp tác giữa Phật Giáo Hòa Hảo, Việt Minh, mà họ cho là miễn cưỡng. Họ tiên liệu rằng Việt Minh sẽ tái diễn chủ trương đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo như đã thi hành năm 1945. Và đó là cơ hội mà quân đội Pháp chờ đợi, để xen vào thủ lợi. Tác giả Savani, chỉ huy cơ quan quân báo Pháp lúc đó đã ghi lại như sau trong tài liệu: ... Theo một tài liệu phổ biến ngày 21-4-1947, ủy ban Kháng chiến Nam Bộ (Việt Minh) đã chỉ thị cho các cấp quân sự của họ các biện pháp áp dụng để tiêu diệt sự chống đối của đảng Dân Xã (Phật Giáo Hòa Hảo). Bởi vì khi tin Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh bắt được loan ra, thì khối Hòa Hảo lập tức quay mũi súng về phía Việt Minh. Đây là cơ hội của ta (Pháp). Không thể bỏ qua... Tác giả Fusier đã viết: ... Khi Huỳnh Phú Sổ tham gia ủy ban Hành chánh Nam Bộ với chức vụ ủy viên Đặc biệt, Hòa Hảo thành lập một Trung đoàn (Régiment) do Trần Văn Soái làm Tư lịnh, Lâm Thành Nguyên Phó Tư lịnh, Nguyễn Giác Ngộ Chánh trị viên. Đơn vị này nhiều lần tấn công quân đội Pháp, nhưng vẫn chưa quên trong ký ức cuộc tàn sát trước kia (9-1945), cho nên thường xẩy ra những rắc rối trong mối tương quan hợp tác giữa Việt Minh và Hòa Hảo.
Hơn thế, tinh thần “độc lập” của Hòa Hảo, và tâm lý nghi ngờ cao độ của họ đối với Việt Minh, làm cho cuộc hợp tác này tất nhiên không thể bền bỉ được. Phía Việt Minh đề phòng thái độ ly khai của Hòa Hảo, nên họ đã phục kích sẵn, để ám hại ông vào tháng 4-1947. Khi tin này được loan ra, tất cả tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, không trừ một người nào, đều quay lại chống Việt Minh. Và do đó, quân đội của Trần Văn Soái quyết định về hợp tác với chúng ta... (*) Tác giả Hervé đã viết: ... Từ tháng 10-1946, tin tức tình báo tổng hợp biết rằng không khí hợp tác Việt Minh-Hòa Hảo không êm đẹp hòa thuận. Tại Sadec tháng 12-1946, Việt Minh hạ lịnh theo dõi hành động của Hòa Hảo trong tỉnh Long Xuyên. Tháng 1-1947, ủy ban Hành chánh và công an Việt Minh cũng lo thái độ đề phòng phía Hòa Hảo. Qua tháng 2 và 3-1947, đã xẩy ra những cuộc đụng độ giữa các đơn vị quân sự Việt Minh và Hòa Hảo.
... Tháng 3-1947, đụng độ quân sự đẫm máu đã xẩy ra, tình hình càng ngày càng nghiêm trọng, cho đến tháng 4-1947 thì Trần Văn Nguyên, thanh tra chính trị miền Tây của Việt Minh công khai lên án Huỳnh Phú Sổ, rồi bày kế bắt ông này. Những khó khăn trong cuộc hợp tác Việt Minh- Hòa Hảo phát sanh từ đường lối độc tài của Việt Minh và chủ trương của Hòa Hảo chống đối quyền lực Việt Minh, đã được thúc đẩy thêm bởi các hoạt động của sở mật thám Pháp và của đại tá Cluzet tư lịnh miền Tây; ông này cũng là người đã cụ thể hóa sự hợp tác trong một bản hiệp định liên quân ký kết ngày 18-5-1947, giữa đại tá Cluzet và Năm Lửa, tức biệt danh của Trần Văn Soái... (*)
Gửi ý kiến của bạn