1- Thành Quả Giành Đất Giữ Dân

07 Tháng Mười Hai 200512:00 SA(Xem: 88200)
1- Thành Quả Giành Đất Giữ Dân
THÀNH QUẢ GIÀNH ĐẤT GIỮ DÂN

Tài liệu tổng hợp của quân đội Pháp đã tổng kết như sau:

... Kết quả mà Phật Giáo Hòa Hảo đã thành đạt trong công cuộc chống lại Việt Minh Cộng Sản là những thành công đáng kể. Tại các khu vực hoạt động của Phật Giáo Hòa Hảo, họ đã:

Loại trừ toàn bộ các phần tử thân Việt Minh, từ lúc đầu.

2.Ngăn chặn mọi kế hoạch xâm nhập của Việt Minh. Từ 1947 đến đầu 1954, công việc bình định lãnh thổ đã phát triển liên tục và chắc chắn, trong các vùng ảnh hưởng Hòa Hảo.

3.Vùng “hoà bình Hòa Hảo” quả là một hiện tượng ít có tại Việt Nam. Từ 1951 về sau, lưu thông từ Cần Thơ đến Tân Châu (biên giới Cao Miên) trên khoảng 120 cây số, không còn cần thiết phải có hộ vệ quân sự nữa. Xe nào cũng có thể tự đi một mình, không bị nguy hiểm hay phục kích.

Lý do của sự thành công này có thể liệt kê như sau:

Tinh thần căm hờn Việt Minh là động lực tâm lý hàng đầu.

Phật Giáo Hòa Hảo có đường lối cải tạo xã hội thích hợp với quần chúng.

Có tổ chức thích nghi hoàn cảnh.

Có lực lượng võ trang.

ĐỘNG LỰC TÂM LÝ

Khởi thủy, tinh thần tín ngưỡng đã là yếu tố chính yếu làm cho Việt Minh không ưa Phật Giáo Hòa Hảo. Trong thực tế, ta đã thấy Việt Minh rất khôn khéo mềm dẻo để tranh thủ tín đồ các tôn giáo (Cao Đài, Thiên Chúa Giáo). Riêng đối với Phật Giáo Hòa Hảo, Việt Minh đã phạm một lỗi lầm trọng đại là ám hại vị Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, từ đó phát sanh mối căm thù sâu xa. Và động lực tâm lý này sẽ làm cho không thể nào có hợp tác giữa Hòa Hảo và Việt Minh nữa. Chánh sách tạo căm thù của Việt Minh bây giờ lại làm cho chính họ bị căm thù, Phật Giáo Hòa Hảo cương quyết không chơi với Việt Minh.

Chính phía Việt Minh cũng bất lực trong việc đối phó tâm lý này. Cho nên sau thời gian ngưng bắn sau hiệp định Giơ neo 1954, lúc đó tôi là một thành viên trong các phiên họp giữa Pháp và Việt Minh, đã lắm lần tôi thấy Việt Minh biểu lộ thái độ nể sợ Phật Giáo Hòa Hảo, một thái độ nể sợ riêng đối với Phật Giáo Hòa Hảo chớ Việt Minh không hề nể sợ quân đội chánh phủ như thế. Bởi vậy cho nên khi đoàn quân tập kết của Việt Minh phải đi ngang một vùng Hòa Hảo, họ yêu cầu quân đội Pháp cung cấp đoàn hộ tống với tầu sắt và chiến xa, họ cũng tự động dấu hết cờ Việt Minh đi, không dám trương lên như họ vẫn thường làm với mục đích tuyên truyền.

CHỦ TRƯƠNG CẢI TẠO XÃ HỘI

Tính chất bình đẳng và bình dân của phong trào Phật Giáo Hòa Hảo đưa đến hậu quả dẹp bỏ giai tầng điền chủ, và đem đất chia cho người cày. Chủ trương này là một lý do khiến nông dân gia nhập Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng ngược lại cũng làm cho giới tư sản Việt Nam bất mãn cho nên giới này không “tha thứ” cho Phật Giáo Hòa Hảo cái “tội làm cho họ mất tài sản”.

Giới tư sản điền chủ này vì lý do chiến sự, nên bỏ đồng ruộng chạy về các đô thị sống an ninh. Tại đô thị, họ liên kết với các thành phần thương mại, công nghệ, các thành phần này cũng sẵn bất bình Phật Giáo Hòa Hảo vì họ phải nộp thuế trong các vùng Phật Giáo Hòa Hảo kiểm soát. Cho nên tại các vùng này, phát sinh tâm lý và dư luận cố định ghét Phật Giáo Hòa Hảo, lên án tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là những “phường cướp bóc lợi dụng sự ủng hộ của Pháp để sách nhiễu dân chúng!”

Phía Phật Giáo Hòa Hảo thì cảm thấy bị cái xã hội Việt Nam đó ruồng rẫy, lại không được thừa nhận chánh thức, cho nên họ quay lại chống đối chánh phủ Việt Nam.

TỔ CHỨC THÍCH NGHI

Giống như Việt Minh, Phật Giáo Hòa Hảo cũng có hệ thống tổ chức song hành, để có thể vừa thi hành công tác vừa kiểm soát lẫn nhau. Ngoài ra, trên mỗi khu vực lãnh thổ, có một chức quyền chịu trách nhiệm về điều hành khu vực đó. Sự phân chia lãnh thổ hành chánh giống như hệ thống chánh quyền Pháp: làng, quận, tỉnh, và trên hết là một Ban Chỉ Huy. Về quân sự, sự phân chia lãnh thổ như sau:

Trần Văn Soái kiểm soát toàn tỉnh Sa Đéc, và một phần tỉnh Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên.

Lâm Thành Nguyên kiểm soát gần hết tỉnh Châu Đốc.

Ba Cụt và Nguyễn Giác Ngộ kiểm soát một phần lãnh thổ trong địa hạt tỉnh Long Xuyên.

Giữa làng và quận, có một cấp trung gian khá quan trọng là tổng hay liên xã, gồm nhiều làng liên tiếp nhau trên một thủy lộ. Liên xã thường trở thành một đơn vị kinh tế trao đổi nhu cầu cuộc sống với nhau, và do đó đặt dưới uy quyền an ninh của một đơn vị quân sự và hành chánh. Trong hệ thống Phật Giáo Hòa Hảo, có ba ngành hoạt động: Tôn Giáo, Quân Sự và Hành Chánh.

Hệ thống tôn giáo gồm các Ban Trị Sự ở mỗi cấp, đảm nhiệm việc phổ thông và huấn luyện giáo lý, đồng thời theo dõi hành động của các vị chỉ huy quân sự, hành chánh, để khép họ vào khuôn khổ của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo.

Hệ thống quân sự, với đơn vị căn bản là đại đội, do một đại úy chỉ huy. Sự lựa chọn vị chỉ huy này dựa trên tiêu chuẩn lòng can đảm và khả năng chiến đấu. Thường thì vị đại đội trưởng phải leo từ cấp binh sĩ mà lên, cho nên có uy quyền, có sự tin tưởng tuyệt đối của cấp dưới. Quân số đại đội nhiều hay ít là do uy tín của đại đội trưởng và cũng do khả năng tài chánh. Người có uy tín mới quy tụ được nhiều binh sĩ theo mình, bởi vì quân sĩ Phật Giáo Hòa Hảo không có lương bổng. Một đại đội quân số tối thiểu là 50 và có các đại đội quân số lên đến 500 người.

Mỗi đại đội kiểm soát một vùng gồm nhiều làng giáp ranh nhau trên cùng một con rạch. Người đại đội trưởng qua công tác an ninh chống Việt Minh, nên biết rõ từng gia đình dân chúng trong vùng mình, ông ta thường được dân chúng kính trọng và luôn luôn nể sợ. Không có đại diện quân sự ở cấp quận, cho nên cấp quận được điều hành bởi giới chức tôn giáo, hành chánh.

Ở cấp tỉnh, người cầm đầu Phật Giáo Hòa Hảo thường kiêm cả hai quyền lực quân sự và hành chánh. Có khi cả tôn giáo. Thường là một sĩ quan cấp thiếu tá hay trung tá (chỉ huy khu vực).

Kỷ luật của Phật Giáo Hòa Hảo rất nghiêm khắc. Kẻ nào chạy trốn ngoài mặt trận, hay cung cấp tin tức cho Việt Minh và cho Pháp, đều bị án tử hình. Những kẻ trụy lạc bê tha, hút á phiện, hoặc phạm các lỗi lầm về chỉ huy quân sự, có thể bị bỏ tù nhiều năm, dù đó là sĩ quan cao cấp.

Hệ thống dân sự: tại mỗi làng hay liên xã có một Ban Trị Sự, trực thuộc cấp quận, và thống thuộc cấp tỉnh. Hệ thống dân sự đảm nhận công việc kiểm tra dân số, giải quyết tranh chấp trong dân làng, vấn đề canh tác nông nghiệp, và giữ mối liên hệ với giới chức chánh quyền Việt Nam.

>Ngoài ra, những người trưởng thành, cả nam lẫn nữ, được đoàn ngũ hóa trong tổ chức Bảo An, giống như lực lượng trừ bị, cũng có các chức vụ đại đội trưởng chỉ huy. Khi nguy biến, lực lượng trừ bị dân sự này cấp tốc chuyển sang hoạt động quân sự, trang bị các loại vũ khí bén và lựu đạn. Cho nên không cách gì quốc gia Việt Nam có thể tuyển mộ lính trong các vùng Phật Giáo Hòa Hảo.

Trên chóp bu, là vị tư lịnh kiểm soát cả ba hệ thống, qua ba cơ quan tham mưu riêng biệt của mỗi hệ thống. Do đó, mà vị tư lịnh có thể kiểm soát cấp dưới và điều động mau lẹ.

VÕ KHÍ

Gồm có bốn nguồn cung cấp:

Võ khí từ quân đội Nhựt trước kia, và sau này đoạt của Pháp và của Việt Minh.

Võ khí do quân đội Pháp cung cấp, theo hiệp định liên quân.

Những xưởng cơ khí Phật Giáo Hòa Hảo có thể sản xuất với số lượng giới hạn mỗi loại võ khí cá nhân.

Võ khí đánh cắp hay mua lại của các đơn vị quân sự bổ túc, của quân đội quốc gia. Một khẩu súng loại M.36 giá từ 4 đến 5 ngàn đồng; một tiểu liên Mỹ khoảng 10 ngàn đồng...

Phần đạn dược, khó chế tạo đối với các xưởng cơ khí Phật Giáo Hòa Hảo, cho nên ngoài phần được quân đội Pháp cung cấp, họ mua lại rất nhiều đạn dược từ phía các đơn vị bổ túc và quân đội quốc gia cho nên cũng có số lượng đạn dược dự trữ khá cao.

QUÂN PHỤC

Hầu hết binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo mặc quần áo màu đen, coi có vẻ u ám. Quân đội Pháp chỉ cấp một số ít quân phục để đi diễn binh.

HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ

Trong tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, cũng giống như Việt Minh, toàn thể quần chúng tham gia chiến đấu. Binh sĩ và dân sự hợp tác chặt chẽ, đến nỗi không còn ranh giới cách biệt giữa đôi bên. Tuy nhiên có thể phân biệt quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo làm ba loại:

Binh sĩ, là giới cầm võ khí, chuyên tâm vào các hoạt động quân sự: canh giữ đồn bót, tuần tiễu, phục kích địch, hành quân.

Bảo An, ba bốn người chung một khẩu súng và vài trái lựu đạn. Họ có nhiệm vụ canh gác làng xóm ban đêm, hay canh chừng những đường dây giao liên của địch. Họ cũng tham gia các cuộc hành quân lớn.

Dân sự, gồm cả phái nam phái nữ, lúc nào cũng có thể được động viên để làm các công tác tiếp vận đạn dược, lương thực cho quân đội. Khi có tin quân địch tấn công, phía dân sự bị động viên toàn bộ và mau chóng, sung vào các đội ngũ của họ đã ghi tên tham gia từ trước.

Sau khi đã đánh đuổi Việt Minh ra khỏi khu vực lãnh thổ, và triệt hạ hết các tổ chức của Việt Minh rồi, kể như vùng đó đã được hoàn toàn giải phóng và đặt dưới quyền kiểm soát của Phật Giáo Hòa Hảo. Tuy nhiên, với bản chất và thói quen của người nông dân, người Hòa Hảo không thích đi chiến đấu xa các vùng họ sinh sống. Câu nói của Chu Đức: “Quân đội ở trong quốc gia cũng như cá ở trong biển”, người lính Phật Giáo Hòa Hảo khi tách rời khỏi sự yểm trợ của quần chúng, sẽ cảm thấy lạc lõng và bối rối. Do đó, sức bành trướng lãnh thổ của họ theo một tiến trình chậm, có mục tiêu giới hạn, và gần, thường khởi đầu bằng các hành động tuyên vận và du kích để làm cho năng lực phía địch suy yếu trước, rồi họ mới tiến quân sau.

Chiến binh Phật Giáo Hòa Hảo thường khởi đầu bằng giai đoạn tạo ra tình trạng bất an ninh tại khu vực Việt Minh kế cận với khu vực Hòa Hảo, trong đó có các thành phần dân chúng thiện cảm với các hoạt động tôn giáo và chủ trương xã hội của Phật Giáo Hòa Hảo. Các cán bộ tuyên truyền và tôn giáo được gởi đến, các cán bộ tình báo được ngầm gài vào trong dân chúng. Rồi một ngày nào đó, bỗng nhiên các toán quân Việt Minh sa vào ổ phục kích, các cán bộ dân sự Việt Minh bị ám sát, và sau đó dân chúng được đọc những truyền đơn tung ra, nội dung tuyên dương công trạng Hòa Hảo đã giải phóng quần chúng trong khu vực lãnh thổ đó.

Thỉnh thoảng, với sự hợp tác của quân đội Pháp yểm trợ pháo binh và giang hạm, Phật Giáo Hòa Hảo thực hiện cuộc hành quân lớn vào chiến khu Việt Minh, ở những thời gian mà các đơn vị tiếp chiến của Việt Minh đã bị cầm chân nơi khác. Quân Phật Giáo Hòa Hảo phân tán thành các nhóm nhỏ, tiến theo ngọn cờ màu dà để không bắn lầm nhau.

Khi đến một làng hay một khu rừng cây có vẻ khả nghi, họ dừng chân bên ngoài, kêu pháo binh bắn vào trước, tiếp đó họ sử dụng các loại bích kích pháo, đại liên, trung liên bắn thiệt dữ dội, làm cho địch không thể trực diện phản công, mà phải chọn cách lui quân. Khi địch có vẻ sắp rút lui, là lúc các đơn vị Hòa Hảo ào tới, tấn công đuổi theo và tiêu diệt. Sau đó, dân chúng được tập trung lại. Những phần tử thân Việt Minh bị bắt làm tù binh. Các cán bộ tuyên truyền Hòa Hảo xuất hiện sinh hoạt với dân chúng, đề cao thanh thế của phong trào Phật Giáo Hòa Hảo. Khi đã cảm hóa được sự cộng tác của dân chúng họ để lại một số cán bộ, rồi rút quân đội về, với lời hứa hẹn sẽ còn trở lại gần đây.

Khi khu vực đó được coi là chín mùi, Phật Giáo Hòa Hảo gởi một toán binh đến đồn trú, xây vài đồn bót. Với sự yểm trợ của pháo binh Pháp, các đơn vị Hòa Hảo phần nhiều thành công trong việc chống lại những cuộc tấn công của Việt Minh, làm cho Việt Minh phải chịu thua, không trở lại tấn công thêm nữa. Đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo củng cố xong khu vực này, và chuẩn bị để tiến sang khu vực khác.

Cũng thường xảy ra những cuộc tấn công mãnh liệt của Việt Minh vào khu vực Hòa Hảo, nhưng rất ít khi Việt Minh thành công. Đợt đầu, bộ đội Việt Minh phá vỡ các tháp canh nhỏ vòng ngoài, nhưng khi có báo động, quân tiếp viện Hòa Hảo đến từ nhiều phía thành ra Việt Minh bị bao vây ngược lại. Chiến đấu trối chết để rút lui, bỏ rất nhiều xác chết và võ khí lại. Phần nhiều, Việt Minh bị bao vây bởi quân tiếp viện Hòa Hảo, bị chặn mất đường rút lui và phải mở đường máu mà chạy. Rất ít trường hợp Việt Minh đoạt được thắng lợi.

Sự mô tả về tổ chức và hoạt động quân sự của Phật Giáo Hòa Hảo trên đây ở vào thời điểm 1951-1953, là lúc họ đạt cao điểm về thắng lợi quân sự. Sau đó, vì thiếu cấp lãnh đạo có khả năng cao để đẩy mạnh sinh hoạt tôn giáo, và để tiến lên bình diện chánh trị quốc gia, cho nên phong trào Phật Giáo Hòa Hảo bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào, mất đi phần sinh khí lúc trước. Bắt đầu từ 1954, cấp chỉ huy có những dấu hiệu hủ hóa và binh sĩ có dấu hiệu mệt mỏi.

Những nhận xét trên đây, rút ra từ một bản báo cáo tổng kết của quân đội Pháp, tuy có phần nào chủ quan, nhưng cũng phản ảnh một thực trạng Phật Giáo Hòa Hảo trong thời kỳ quân sự hóa 1947-1955.

Các khó khăn căn bản của quân lực Phật Giáo Hòa Hảo không được tác giả trình bày và khách quan phân tích. Người đọc bản báo cáo này sẽ thấy chỉ nói về một hiện tượng thời đại, chứ không phải một phong trào quần chúng với nguồn gốc sâu sa về lịch sử, văn hóa, xã hội của Phật Giáo Hòa Hảo.

Thực sự, Phật Giáo Hòa Hảo là một phong trào quần chúng, một phong trào cách mạng yêu nước. Tinh thần hăng say chiến đấu và can đảm hy sinh của họ không phải chỉ vì một lý do duy nhất mà tác giả gọi là “động lực tâm lý, căm thù vì giáo chủ bị Việt Minh ám hại”. Các chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo đi vào chiến đấu từ trước biến cố 16-4-1947, bởi vì họ đã được tiêm nhiễm giáo lý của một nền đạo Phật, đào luyện cho họ có một ý chí mãnh liệt hy sinh vì Đạo pháp và Dân tộc.

Ngoài ra, là quần chúng nông thôn, họ có điều kiện bản thân để chiến đấu trong hoàn cảnh nông thôn, áp dụng chiến thuật du kích một cách hữu hiệu hơn cả các đơn vị bộ đội Việt Minh.

Chiến thuật quân sự của quân lực Phật Giáo Hòa Hảo có những đặc điểm kết tinh từ kinh nghiệm kháng chiến chống Pháp và kinh nghiệm sanh hoạt bưng biền. Phật Giáo Hòa Hảo biết rõ nếp sanh hoạt và kỹ thuật chiến tranh du kích của Việt Minh, vì chính họ cũng đã sanh hoạt như thế, áp dụng chiến thuật du kích như Việt Minh. Bây giờ trở thành đối thủ của Việt Minh, họ đoán được những dự tính, phản ứng của Việt Minh, và họ áp dụng các chiến thuật thích hợp để chống lại Việt Minh, theo nguyên tắc “lấy gậy ông đập lại lưng ông”.

Việt Minh đặt rất nặng vấn đề tuyên vận (tuyên truyền vận động quần chúng), — như Hồ Chí Minh đã nói rằng “tuyên truyền là 50% công tác cách mạng”. Cho nên quy luật sanh hoạt của họ là, sau mỗi trận đánh, khi quân địch rút khỏi vùng hành quân, Việt Minh gởi ngay những đơn vị võ trang tuyên truyền đến vùng đó để làm công tác tuyên vận: khoe thành tích chiến đấu cho dân chúng vững lòng tin, và vận dụng tâm lý quần chúng đừng sợ địch, phải ủng hộ kháng chiến...

Ngoài những đội võ trang tuyên truyền, các đơn vị bộ đội của Việt Minh đã bị áp lực đối phương mà rút lui lúc ban ngày, thì ban đêm thường hay trở lại vùng đó, để cho dân chúng nhìn thấy rằng:“họ vẫn hiện diện đây”. Đồng thời họ giải thích cho quần chúng hiểu rằng chiến thuật rút lui của họ là một thắng lợi, chứ không phải vì thua mà lui. Bây giờ họ trở lại với quần chúng, không xa rời quần chúng...

Biết được quy luật sanh hoạt trên đây, quân lực Phật Giáo Hòa Hảo mở cuộc hành quân tiêu diệt địch. Đây là những cuộc hành quân có nhiều đại đội tham gia. Pháo binh được yêu cầu bắn dọn đường trước, để đuổi Việt Minh ra khỏi vùng hành quân. Nếu hiệu lực pháo binh chưa đủ để các bộ đội địch rút lui, thì bộ binh Phật Giáo Hòa Hảo sử dụng hỏa lực tối đa của mình để chủ động chiến trường. Thường thì ở đợt này, bộ đội Việt Minh rút lui để tránh tổn thất và bảo tồn lực lượng, chờ cơ hội tốt sẽ đánh lại sau. Khi bộ đội Việt Minh rút lui, các đại đội Phật Giáo Hòa Hảo tràn tới chiếm đất, lục soát, và ở lại đó đến chiều tối. Lúc đó có lịnh rút quân, các đại đội rời khu vực để trở về vị trí đồn trú của mình. Nhưng đó không phải là cuộc rút lui toàn bộ. Một phần được lịnh bí mật nằm lại. Các bộ phận được rút về công khai cho dân chúng và tình báo địch nhìn thấy, trong khi các bộ phận nằm lại phải rất kín đáo, không lộ hình cho dân chúng biết.

Khi trời đã tối hẳn, các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo đã rút đi rồi, tình báo Việt Minh có bổn phận phải báo ngay với bộ đội của họ rằng địch đã rút hết, khu vực trở lại yên tĩnh. Và đây là cơ hội để đội tuyên truyền võ trang đến hoạt động công tác tuyên vận, bộ đội vừa rút lui ban ngày bây giờ có có thể trở lại để xây dựng tinh thần nhân dân... Quy luật này thường được Việt Minh áp dụng đối với các cuộc hành quân của Pháp. Vì Pháp có nhiều võ khí đạn dược, tấn công ào ạt, đoạt mục tiêu, rồi rút quân về trước khi mặt trời lặn. Họ chỉ ở đêm lại trong những cuộc hành quân quy mô, dài hạn.

Nhưng lực lượng Phật Giáo Hòa Hảo đã để lại một phần kín đáo nằm phục kích tại những địa điểm mà địch nhứt định phải đi ngang khi trở lại vùng này. Binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo được lịnh cứ nằm tại đó, không được lộ hình, dù phải nằm cả ngày hôm sau, bởi vì thế nào địch cũng sẽ trở lại theo quy luật sanh hoạt của họ.

Việt Minh đã bị đánh bất ngờ như thế nhiều lần, không kịp trở tay, thiệt hại nặng nề, nhiều khi bị bắt sống làm tù binh.

Trên đây là một trong những chiến thuật “du kích chống du kích” mà các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo đã áp dụng tại chiến trường miền Nam và đã chứng minh hiệu quả rõ ràng. Việt Minh thay đổi chiến thuật, thì phía Phật Giáo Hòa Hảo cũng uyển chuyển thay đổi chiến thuật ứng phó thích nghi, đôi bên đối phó với nhau như hai đoàn du kích trên chiến trường mà cả hai bên đều thông thuộc địa hình địa vật, nhưng phía Việt Minh thất thế vì không có dân, mà chỉ có hệ thống tình báo gài vào trong dân chúng. Phía Phật Giáo Hòa Hảo có thể thi hành chiến thuật du kích chống du kích, nhờ lợi thế có đồng đạo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn