Hy vọng phục hồi vùng lãnh thổ này về cho Việt Nam đã vĩnh viễn chấm dứt sau khi vị anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ từ trần. Quang Trung Nguyễn Huệ tước hiệu Bắc Bình Vương là một ngôi sao sáng rực trong Việt sử sau chiến công oanh liệt chớp nhoáng đánh bại 200 ngàn quân Mãn Thanh (đời vua Càn Long, Trung Quốc) hoàn thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1789 (đồng thời với cuộc cách mạng tư sản dân quyền xảy ra tại Pháp). Vua Quang Trung đã biểu lộ ý định đòi lại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây về lãnh thổ Việt Nam, nhưng đã không thực hiện được nguyện vọng lịch sử đó, vì vắn số, qua đời quá sớm (1792). Thời đại Quang Trung đánh dấu hai sự việc lịch sử quan trọng: Một là chấm dứt thời kỳ đô hộ sau cùng của đế quốc quân chủ Trung Hoa đối với Việt Nam, và hai là chấm dứt hy vọng phục hồi phần lãnh thổ cố hữu của Việt Nam là vùng Lưỡng Quảng Trung Quốc hiện giờ.
Vì không thể mở rộng khoảng sống về phía Bắc, mà cũng không thể phát triển lãnh thổ về phía Đông là Thái Bình Dương và cũng chẳng thể khai phá về phía Tây vì bị dãy núi Trường Sơn chận đứng, cho nên sự mở mang bờ cõi về phía Nam của dân tộc Việt Nam cũng là một thực tế địa lý chính trị: Dân tộc Việt Nam đã bị sức mạnh xâm lấn của Bắc phương xô đẩy xuống phía Nam để tìm đất sống. Trong hoàn cảnh thế giới khép kín thời xưa, lẽ sinh tồn của các dân tộc nhỏ không được bảo vệ, cũng như tham vọng đất đai của các nước mạnh không bị ngăn chận bởi luật lệ của các định chế quốc tế hay khả năng can thiệp quốc tế như hiện nay.
Bước Nam tiến tìm đất sống của dân tộc Việt Nam đã tàm thực lãnh thổ Chiêm Thành, rồi Thủy Chân Lạp, và ngừng lại năm 1759 tại biên giới Cao Miên. Từ đó, bờ cõi quốc gia Việt Nam là một lãnh thổ trải dài từ ải Nam Quan giáp giới Trung Hoa đến mũi Cà Mau, và biên giới các nước Ai Lao và Cao Miên ngày nay. Công cuộc Nam tiến này đã kéo dài ba thế kỷ, nếu kể từ thời điểm khi Nguyễn Hoàng nghe theo lời khuyên của Trạng Trình mà quyết định tiến vào Nam (1558) cho đến khi đã thực sự bình định được vùng đất Thủy Chân Lạp, sát nhập thành lãnh thổ Việt Nam, vào giữa thế kỷ thứ 19. Năm 1860, đời vua Tự Đức thứ 13, kết thúc trận đánh sau cùng giữa triều Nguyễn và Cao Miên.
Người Việt Nam dường như ai cũng biết đến nhân vật Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Giới có học ngưỡng mộ văn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm qua tác phẩm trứ danh Bạch Vân thi tập. Trái lại, quảng đại quần chúng ham chuộng những điều tiên tri trong tác phẩm của ông, thường được gọi là Sấm Trạng Trình.
Một điều tiên tri của ông được ghi chép vào lịch sử Việt Nam là câu Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân , dịch nghĩa là: một dãy núi Hoành, muôn đời dung thân. Đó là lời ông khuyên Nguyễn Hoàng khi ông này đến vấn kế trong lúc thất thế bị Trịnh Kiểm chèn ép và lấn áp quyền lực. Nguyễn Hoàng nghe theo lời khuyên đó, bỏ đất Bắc Hà, hướng vào Nam tìm đất mới, mở mang bờ cõi, và lập nên cơ nghiệp nhà Nguyễn từ đó kéo dài cho đến 1945 mới chấm dứt khi vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Hoàng đế Bảo Đại thoái vị (25-8-1945).
Có phải lời tiên tri của Trạng Trình là một động lực tâm lý đã kích thích thêm khuynh hướng Nam tiến, đưa dẫn dân tộc Việt vào đến đất Thủy Chân Lạp để khai phá và biến đổi thành Nam Việt ngày nay chăng? Có một sự kiện rất đặc biệt, đó là mối liên hệ tinh thần và tâm linh giữa nhân vật Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và khối nông dân khoảng hai triệu người sống ở miền Tây Nam Việt, mang danh là khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Mối liên hệ đó thể hiện trong niềm tin của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tin rằng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vượt không gian và thời gian, là một biểu tượng tôn kính của họ, đã có liên hệ mật thiết đến họ, từ quá khứ và vẫn còn liên hệ đến tương lai của họ và của đất nước Việt Nam.
Cần mở dấu ngoặc ở đây để thêm rằng tôn giáo Cao Đài cũng có mối liên hệ siêu hình và tư tưởng với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ thể là ngay khi bước vào Thánh thất Cao Đài, Tây Ninh, ta thấy có tượng của Trạng Trình tay cầm cuốn sách Sấm Bạch Vân.
Qua các tài liệu Phật Giáo Hòa Hảo, sự ra đời của tôn giáo này, bản thân vị giáo chủ, cũng được hiểu là có liên hệ với Trạng Trình, một mối liên hệ tín ngưỡng, mà nhà khảo cứu khó tìm được giải đáp hợp lý theo các định luật thuần khoa học. Khoa học dựa trên các sự kiện vật lý, nhưng trong địa hạt tín ngưỡng, có những sự kiện phi vật lý, cũng gọi là siêu hình, mà không thể dùng các định luật vật lý để giải thích. Bởi vì, trong vũ trụ, ngoài những định luật vật lý, còn những định luật huyền bí, nói theo ngôn ngữ tín ngưỡng là Lẽ Huyền Vi của Tạo Hóa.
Cho nên sự kiện Trạng Trình nêu ở trên, một mặt có thể giải thích như một sự kiện lịch sử rằng câu nói của ông là một động lực tâm lý thúc đẩy sức Nam tiến của dân tộc Việt, do đó mới có đất Nam Việt, và trên vùng đất đó, xuất hiện tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, bốn thế kỷ sau đó. Phần siêu hình không thể giải thích, vì là một sự việc tín ngưỡng, mà nhà khảo cứu đương nhiên phải đối diện khi nghiên cứu về một tôn giáo. Tới nay, chưa có một khoa học gia nào giải thích thỏa đáng được sự kiện Chúa Jesus chết đi rồi sống lại, bởi vì tôn giáo tính không thể giải thích bằng khoa học vật lý. Cho nên nhà khảo cứu gượng ép giải thích mối liên hệ siêu hình giữa Phật Giáo Hòa Hảo và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một điều mê tín , sẽ không giải thích được gì cả. Phê phán và kết luận về những sự kiện tín ngưỡng bất khả giải thích là phi lý, là phản khoa học, hoặc gượng ép dùng các dữ kiện vật lý để phân tích sự kiện tín ngưỡng siêu hình, thường không giúp cho nhà khảo cứu hiểu thấu đáo về một tôn giáo. Điển hình cho điều này, là một vài tác giả khi phân tích hiện tượng trị bịnh không dùng dược liệu của vị giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo, đã viết rằng những viên aspirin được kín đáo pha tan vào nước lạnh cho người bịnh uống, sự dứt bịnh đó là do thuốc aspirin chớ không có sự mầu nhiệm nào . Vì đứng trên lập trường thuần khoa học, thuần lý duy vật, tác giả không chấp nhận có sự kiện siêu hình, cho nên tác giả phải gượng ép dùng viên thuốc aspirin là một dữ kiện vật lý, để bảo vệ lập trường của mình. Nhưng chính đây lại là điều sai lầm, bởi vì tuy aspirin là một dược liệu khoa học, nhưng cũng chỉ có tác dụng giới hạn trị được một ít bịnh trong giới hạn tác dụng đặc thù của nó, chớ không thể trị hết tất cả các loại bịnh khác, như trường hợp Phật Thầy Tây An và Huỳnh Giáo Chủ đã dùng nước lạnh mà khắc phục được bịnh thời khí dịch tả, một cách hữu hiệu lạ thường.
Những điều trình bày trên đây lập luận cho một khảo hướng tổng hợp thay vì thuần lý khoa học, để nghiên cứu nhận xét về một tôn giáo. Tác giả của nhiều sách khảo cứu về miền Nam Việt Nam là Sơn Nam đã áp dụng khảo hướng tổng hợp này để nói về mối liên hệ giữa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài giáo. Trong sách Văn Minh Miệt Vườn , ông viết rằng: ÀÀHoành sơn nhất đái vạn đại dung thân, đồng bằng sông Cửu Long có lẽ là nơi trù phú nhứt bên kia dẫy núi Hoành Sơn . Ý nghĩ của tác giả là ý thức Hoành Sơn ngày xưa đã đưa đến kết quả Cửu Long ngày nay. Nói cách khác, cái xã hội đồng bằng sông Cửu Long đã thể hiện kết quả của ý chí Nam tiến qua bên kia dẫy Hoành Sơn, và mối liên hệ với Trạng Trình
Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, chiếm Chiêm Thành, lập phủ Phú Yên năm 1611, phủ Diên Khánh năm 1653, và hoàn tất kế hoạch Chiêm Thành năm 1697 sau khi đã lập phủ Bình Thuận (gồm Phan Rang, Phan Rí) năm 1697.
Cũng trong thời kỳ này, một số dân miền Trung, vì chịu đựng quá nhiều đói khổ liên miên trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh, Trịnh Nguyễn đánh nhau bảy lần trong vòng 45 năm (1627-1672), nên đã di cư vào miền Nam, cũng gọi là Đàng Trong, để khai mở đất mới, làm ăn tại vùng Mỏ Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa).
1658 là năm đầu tiên chúa Nguyễn Phúc Tấn tức Chúa Hiền cử 3,000 quan binh vào đất Chân Lạp, do sự cầu cứu của hoàng tộc Cao Miên trong cuộc tranh chấp ngai vàng với Nặc Ông Chân. Nặc Ông Chân quy thuận và hứa binh vực người Việt sinh sống trên phần đất Thủy Chân Lạp.
Năm 1674, Nặc Ông Non bị Xiêm La uy hiếp, sang tị nạn tại Khánh Hóa, cầu cứu Chúa Nguyễn đem binh tiến vào chiếm đất Prey Kor (tức Sàigòn) và tiến thẳng lên Nam Vang, bảo vệ cho Nặc Ông Non lên ngôi vua.
Năm 1679, Chúa Nguyễn cho phép nhóm bại tướng lưu vong của nhà Minh từ Quảng Đông chạy sang, là Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, với 3,000 quan binh và 50 chiến thuyền, được đến định cư khai khẩn đất Thủy Chân Lạp, tại vùng Đông Phố (Gia Định) Lộc Dã (Biên Hòa) và Mỹ Tho (Định Tường).
Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho tướng Nguyễn Hữu Cảnh làm kinh lược đất Chân Lạp, thiết lập bộ máy hành chánh tại các vùng đã khai mở, chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định). Cũng vào thời này, có những đợt dân đông đảo từ tỉnh Quảng Bình được đưa vào vùng này để khai hoang lập nghiệp.
Năm 1707, một người Trung Hoa lưu vong tị nạn khác là Mạc Cửu đã sang lập nghiệp tại Hà Tiên từ 1680, trước đó nhờ Cao Miên che chở, nay thấy thế vua Miên yếu, nên đem dâng đất Hà Tiên (7 xã) lên Chúa Nguyễn. Hòn Phú Quốc cũng dâng nạp lần đó cho Việt Nam.
Năm 1731, Chúa Nguyễn Phúc Khoát nhận hai tỉnh Long Hồ (Longhor) và Mỹ Tho (Mesa), và trong tám năm sau đó, các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh lần lượt được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1759, vua Cao Miên là Nặc Tôn dâng phần đất biên cương cuối cùng là đất Tầm Phong Long, tức tỉnh An Giang, trong đó có dãy Thất Sơn quan trọng, mà suốt 100 năm từ 1658 đến 1759, từ lúc khởi đầu đụng chạm với triều Nguyễn, người Cao Miên đã cố thủ làm hậu cứ để nương vào địa thế hiểm trở mà trú ẩn và cũng để tiến binh phản công.
Ngoài ra, Nặc Tôn còn cắt thêm năm phủ trên đất Lục Chân Lạp dâng cho Mạc Thiên Tứ (từ Kampot đến Kompongsom) và Thiên Tứ lại dâng nạp Chúa Nguyễn. (Nhưng về sau, vua Tự Đức đã giao hoàn năm phủ này lại cho vua Cao Miên - 1848).
Như thế, trong trọn một thế kỷ (1658-1759) cuộc Nam tiến của nhà Nguyễn trên đất Thủy Chân Lạp đã hoàn tất. Từ đó, lãnh thổ Việt Nam có thêm miền Nam Việt ngày nay.
Một điểm đặc biệt cần ghi nhận, là trong suốt gần 100 năm nhà Nguyễn bận rộn với công cuộc Nam tiến mở đất Thủy Chân Lạp, thì Chúa Trịnh tức quyền lực ở miền Bắc sông Gianh đã không mở cuộc tấn công nào đánh nhà Nguyễn trong Nam, từ 1672 đến 1774. Chiến tranh Trịnh Nguyễn tái phát sau khi Tây Sơn đã khởi nghĩa (1771), và diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, rồi chấm dứt. Chúa Nguyễn đã nhờ được yên suốt thời kỳ đó để hoàn thành công cuộc tàm thực đất Thủy Chân Lạp.
Tuy rằng đã chiếm được đất Thủy Chân Lạp, nhưng vùng đất mới khai mở này còn phải chịu đựng 100 năm loạn lạc nhiễu nhương. Chiến tranh với Xiêm La, giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, lại thêm những phong trào nổi loạn của người Cao Miên chống lại triều Nguyễn (Lâm Sâm, Sãi Kế...)
Thành Gia Định bị quân Tây Sơn chiếm ba lần, vua Gia Long ba lần bỏ thành mà chạy, cho mãi đến năm 1788, Gia Long mới thâu phục lại được toàn bộ miền Nam, từ Gia Định trở vào. Và cho đến 1802, Gia Long chiếm lại thành Trấn Ninh rồi tiến thẳng ra Bắc, lấy thành Thăng Long, chấm dứt thời đại Tây Sơn, một thời đại tuy ngắn ngủi có 14 năm (1788-1802), nhưng ghi một chiến công lẫy lừng lịch sử là đại thắng quân Mãn Thanh, chấm dứt tham vọng xâm lược của Trung Hoa.
Sau đó, triều đại Gia Long còn phải tiếp tục đối phó với Xiêm La. Nước này rình rập cơ hội, mượn cớ có sự cầu cứu của vua xứ Cao Miên mà kéo quân sang đánh chiếm lại vùng đất Thủy Chân Lạp. Sau loạn Lê Văn Khôi (1833), vua Xiêm La cử năm đạo binh sang uy hiếp các vùng biên giới Hà Tiên, Châu Đốc, Cam Lộ, Cam Cát, Trấn Ninh, nhưng bị tướng Trương Minh Giảng đánh bại, mặc dù họ đã tiến sâu vào nội địa miền Nam, tới vùng Vàm Nao, Chợ Thủ tỉnh An Giang.
Năm 1842, quân Xiêm La lại kéo sang khi nghe tướng Trương Minh Giảng từ trần (đời Thiệu Trị), chiếm vùng đất Thất Sơn, nhưng bị tướng Nguyễn Công Trứ đánh bại.
Năm 1845, Cao Miên lại kéo quân tấn công vùng kinh Vĩnh Tế, nhưng bị tướng Nguyễn Tri Phương đánh tan và thừa thắng đánh rốc lên tận Nam Vang. Vua Cao Miên xin tạ tội và triều cống. Vua Thiệu Trị phong Nặc Ông Đôn làm Cao Miên Quốc vương và Công chúa Mỹ Lâm làm Cao Miên Quận chúa (1847).
Năm 1860 có thể được xem là trận đánh sau cùng của Cao Miên tấn công vào Việt Nam, tại vùng Hà Tiên, An Giang, Thất Sơn nhưng bị đẩy lui.
Cuộc Nam tiến và bình định tới thời điểm này được xem là đã chấm dứt, miền Nam Việt Nam tiếp tục công trình khẩn hoang nông nghiệp trên vùng đất mới.
Gửi ý kiến của bạn