Mẩu chuyện số 24 - PHƯƠNG PHÁP NHẪN NHỤC

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41710)
Mẩu chuyện số 24 - PHƯƠNG PHÁP NHẪN NHỤC

G

iữa rừng núi âm u nơi Miền Thất Sơn hùng vĩ, mỗi khi khách du hành để bước đến, ai cũng thấy lòng thanh thoát và tin nơi đây có những gì thiêng liêng huyền bí.

Ông Nguyễn văn Phẩm, người quê quán ở Cao Lãnh nay thuộc Kiến Phong. Bởi sớm nhận xét cảnh đời đầy đau khổ, vạn vật vốn vô thường, nên ông tách rời gia đình tìm đến non Thiên Cẩm sơn (núi Cấm) để lo bề tu tâm dưỡng tánh.

Sau khi viếng qua các thắng cảnh, ông Phẩm dừng chơn tại Đá dựng cùng một vài bạn đạo lo việc tu hành. Một buổi chiều tà, mây trắng tỏa trùm cả rặng cây vách đá, gió thu thổi nhè nhẹ làm mát dịu lòng người. Ông Phẩm ra đứng trước cửa điện hóng mát, mắt đăm chiêu theo con đường xuống núi. Bỗng thấy một đoàn người từ phía chân núi tiến lên, khi tiến lại gần, ông Phẩm thấy người đi trước hướng dẫn, tuổi độ hai mươi, tướng mạo cao ráo, trông ra dáng khoan nhã, da trắng mặt hồng đỏ, lộ đầy vẻ trang nghiêm khí phách. Người ấy chính là Đức Huỳnh Giáo Chủ, còn năm người đi sau là tín đồ của Ngài. Qua lời chào hỏi, ông Phẩm bắt đầu thầm kính Đức Thầy.

Hôm ấy đoàn người nghỉ đêm tại đây. Sau thời cúng tối, Đức Thầy ngồi lại thuyết Pháp cho mọi người cùng nghe. Trong thời Pháp ấy Đức Thầy nói rất nhiều, nhưng ông Phẩm còn nhớ được một câu của Ngài khuyên:

-Các ông tu hành nên trừ được tánh nóng giận mới mong kết quả.

Đoạn rồi Ngài đặt câu hỏi:

-Nếu ai đem đến cho mình một món quà mà mình một mực khước từ thì họ phải làm sao?

Ai nấy không hiểu ý như thế nào, nên đều lặng thinh hết.

Ngài bèn nói tiếp:

-Nếu mình không nhận lãnh thì họ phải đem về. Cũng như thế đó, nếu có người dùng lời bất nhã, hoặc nặng nhẹ đối với mình mà mình nhận được, lòng không chút sân hận, tức bao nhiêu nghiệp quả đó người dùng lời nặng nhẹ kia phải mang.

Thuật theo lời ông Nguyễn văn Phẩm.

PHẦN NHẬN XÉT:

Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước đây, Đức Thích Ca Mâu Ni đã bốn mươi chín năm trụ thế hoằng pháp độ sinh, Ngài cũng thường đem Pháp Nhẫn mà dạy đời, vì đó là một trong sáu chiếc đò Lục Độ, là cái đại chu thoàn khi có phải dùng nhiều môn: Quyền, Thật, Đốn, Tiệm, nhưng lúc nào pháp nhẫn cũng được lưu hành. Đức Phật và Chư Tổ, Đức Thầy không ngớt khuyên dạy:

Ai chửi mắng thì ta giả điếc,

Đợi cho người hết giận ta khuyên.

(Quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ)

Ngài còn biết tánh sân hận là một tai hại không nhỏ, như là:

Cơn giận làm cho con người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ dằn, bạo tợn, chẳng còn nghĩ được phải quấy tốt xấu, vì lửa sân đốt cả rừng công đức. (Nhứt tin chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn)

Và câu:

Nhẫn nhục đệ nhứt đạo, tiên tu trừ ngã nhân, thị lại vô sở thọ tức chơn Bồ đề tâm (Người tu hành dù nhiều năm khổ hạnh, nhưng nếu không trừ được tánh nóng giận của mình thì đường tu khó mong đạt thành sở nguyện). Như ông Cốt Đầu Lâm Thất, đã dày công tu tập chứng đến Ngũ Thông, nhưng không diệt được tánh sân nên phải đầu sanh vào đường ác đạo.

Ta hãy nghe lời phán dạy nhẫn nhục của Đức Tôn Sư:

Chữ nhẫn-hòa ta để đầu tiên,

Thì đâu có mang câu thù-oán.

Việc hung-ác hễ vừa thấp-thoáng,

Chữ từ-bi ta diệt nó liền.

Sự oán thù đáp lại chữ hiền,

Thì thù-oán tiêu-tan mất hết.

(Quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ)

Nếu chúng ta cố gắng vâng theo lời phán dạy của Ngài thì có lo chi không hưởng đời chơn hạnh phúc.

*-Chú nghĩa: “Nhẫn nhục đệ nhứt. . .” Đạo hạnh bậc nhứt, trước tu trừ tâm nhân ngã, kế đến là không còn kẹt chỗ thọ cảm, đó tức là chơn tâm bồ đề. (Ban sưu tập)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn