Mẩu chuyện số 72 - TÔI SẮM CÂY DÙ

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41452)
Mẩu chuyện số 72 - TÔI SẮM CÂY DÙ

L

úc Đức Thầy an trí tại Bạc Liêu, một buổi chiều đẹp trời, Đức Thầy đang hóng mát nơi thanh vắng, nét mặt Ngài lộ sắc buồn, hướng mắt về Phương Tây. Anh Nguyễn Thành Nhân, một tín đồ động lòng, vì thấy Thầy phải đương đầu với mọi nỗi khó khăn; nào thực dân Pháp kềm kẹp chúng bắt Ngài phải đi trình báo mỗi tháng 4 lần; nào ngăn cấm không cho tín đồ đến thăm và nghe pháp. . .vv. Vì muốn chia sớt nỗi buồn của Thầy mình và được nghe lời chỉ giáo, nên anh Nhân đến bạch Ngài:

-Bạch Thầy, mới như vầy mà mình chịu chưa nỗi mà Thầy còn nói: “Khổ với thảm ngày nay có mấy, Sợ mai sau dòm thấy bay hồn”

Đức Thầy nhìn anh Nhân và nói hơi mạnh:

-Tôi sắm cây dù, tôi không thể che kèo cán nó hay sao.

Nói xong Ngài nhìn lại phía trước và dịu giọng tiếp:

-Tuy nhiên kèo cán ấy phải ở trong cây dù.

Thuật theo lời ông Nguyễn Thành Nhân.

PHẦN NHẬN XÉT:

Đức Thầy ra đời với sứ mạng thiêng liêng cao cả là “Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”. Nhưng nhơn loại hiện nay đang sống trong lúc cuối của buổi tận nguơn, đang và sẽ đương đầu với mọi điều khốn khổ, mà Đức Thầy dám xông vào gở cái ách xích xiềng thế tục, thì sao khỏi đương đầu với mọi nỗi khó khăn. Tuy nhiên đã là một đấng giác ngộ hoàn toàn thì bao giờ cũng giác tha tự tại. Thế nên Ngài mới thí dụ như Ngài đã sắm cây dù, thì tất nhiên Ngài phải che được kèo cán của nó, chỉ trừ kèo cán ấy sút ra khỏi dù.

Thật vậy, tuy ngày tận diệt của buổi Hạ nguơn có muôn ngàn thứ nạn khổ, nhưng may mắn cho chúng ta Đức Tôn Sư ra đời đem đại Đạo để giáo truyền và che chở cho ta. Nếu người tín đồ biết tuân thủ giới qui của Ngài, như kèo cán của cây dù, thì có lo gì mưa chan nắng táp. Muốn cho tín đồ đặt vững niềm tin nên Ngài đã từ bi phán dạy:

Ra kệ nầy hai chữ bảo an,

Cho trần thế được tâm thanh tịnh.

(Sấm Giảng Quyển 4)

Bảo là bảo bọc chở che. An là an toàn mọi sự.

Còn nếu ai chẳng bền chí kiên trinh, qui y mà làm sái, và vi phạm điều Răn Cấm của Ngài thì khác nào kèo cán bị sút hư, thì làm sao mà an toàn cho được, đến khi gặp khổ mới hối tiếc, khóc than, thì đã quá muộn màng! Thế nên Ngài đã báo cho ta biết trước:

Để sau đến việc tả tơi,

Rồi tu sao kịp chiều mơi cho thành.

Ngày nay chim đã gặp cành,

Chẳng lo đậu lại cho rành gió mưa

(Sấm Giảng Quyển 3)

Tóm lại, Đức Thầy có đủ công năng để cứu độ, và bảo bọc che chở cho ta, nếu ta chịu tuân thủ giới qui, bền tâm tu tiến. Trái lại, nếu ta qui y mà chẳng làm y, miệng tu mà tâm không sửa, cứ sám hối gian lừa, làm điều xằn bậy, dù Phật còn trụ thế hay là ở cạnh bên Thầy cũng phải nhận lấy cái luật công bằng của Nhân Quả, như lời ông Ba Thới * đã cho biết: “Kẻ ác tiêu xác tiêu hồn, Người hiền còn lại tích tồn hậu lai” (Kim Cổ Kỳ Quan). Còn người thiệt tâm tu sửa, dù có gặp ít nhiều nạn khổ, đó chỉ là:

Ông nhồi quả cho người hành Đạo,

Lúc nguy nàn thối chí cùng chăng.

(Bài Sa Đéc)

Thế nhất định Thầy ta và các đấng siêu hình không bỏ rơi ta bao giờ. Ta hãy đọc lại lời thánh giáo của Ngài để đặt vững niềm tin. “Cần hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật. Hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng hộ”. Vậy ta nên xét coi mình có rán sức thi hành được y theo tôn ý của Ngài không, các điều thiện mình có làm được ít nhiều chưa, nếu chưa thì hãy cố gắng thiệt thi, kẻo muộn!

*Ông Ba Thới tức ông Nguyễn văn Thới (1866-1927): Nguyên quán ở Cao Lãnh, Sa Đéc, là một cao đồ đắc pháp Bửu Sơn Kỳ Hương, viết nên Kim Cổ Kỳ Quan một đại tác phẩm nổi tiếng trong thiền phái.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn