Mẩu chuyện số 62 - TU CÁCH NÀO MỚI CHÁNH

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42165)
Mẩu chuyện số 62 - TU CÁCH NÀO MỚI CHÁNH

M

ẩu chuyện dưới đây là do anh út Trát ở Mỹ Hội Đông kể cho chúng tôi nghe:

C

huyện của anh Huỳnh văn Chấn là một giáo chức ở quận Tân Châu, thời Pháp thuộc. Nguyên khởi anh Chấn theo chủ nghĩa Cộng sản. Trên con đường hoạt động chống Pháp anh phải chịu nhiều gian khổ, rày đây, mai đó và anh vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, nên anh chán nãn, anh muốn tìm sư học Đạo. Một hôm anh đi vùng Hà Tiên, Rạch Giá và gặp được một nhà Sư với đạo hiệu Pha Kia. Ông Sư nói rằng:

“Nếu ai chịu theo tôi, tôi sẽ dạy cho phương pháp nhập thất, niệm Phật trong vòng một trăm ngày, tôi hộ cho sẽ được thấy Phật.” Nghe nói tu mau thành, anh Chấn bằng lòng theo ông Sư.

Thế là anh phải bỏ tiền ra để anh bạn cất cho anh một cái cốc và nấu cơm hộ thất cho anh, cùng lúc phải nuôi ông Sư ở trong nhà để dạy anh cách thức niệm Phật. Bắt đầu anh nhập thất niệm Phật cũng gần đủ một trăm ngày, vì sự lo lắng cho nên đang niệm Phật mà lòng bị chao động, anh nghĩ rằng ông thầy dặn mình niệm một trăm ngày sẽ thấy Phật, nhưng mình niệm tới đây cũng gần rồi mà không thấy gì hết. Bỗng nhiên anh thấy một hình Phật hiện ra trước mắt, rồi phút chốc mất đi, bèn liền hăng hái lên, anh nghĩ chắc là mình niệm đúng một trăm ngày sẽ thấy. Đúng một trăm ngày anh Chấn ra thất.

Đã không thấy Phật mà còn được anh bạn cho hay là ông Sư từ giã bỏ đi ba hôm trước. Lúc bấy giờ thì anh Chấn mới hiểu ngay, ông sư lợi dụng mình nuôi ông ta một trăm ngày, chớ không phải dạy cách thức tu để thấy Phật. Anh thua buồn về Tân Châu làm đơn xin dạy học. Đến năm 1939, Đức Thầy khai sáng nền Đạo tại Hòa Hảo. Anh Chấn đang dạy học, nghe những người đi Hòa Hảo về, họ nói Đức Thầy là một vị Phật sống ra đời cứu độ nhân sinh. Anh Chấn lại có tâm muốn tầm đạo, nghe thì anh muốn đi, nhưng lúc đó mắc bận dạy học ngày hai buổi, bận việc quá anh không đi được. Mãi đến mùa Hè năm 1940, khi Đức Thầy bị người Pháp lưu đày xuống Rạch Xà No ở tại nhà ông Hương Bộ Thạnh, thì anh Chấn mới sắp xếp việc để đến viếng Ngài..

Trong cuộc đi nầy anh Chấn mặc Âu phục để tỏ ra mình là người trí thức. Vào khoảng hơn 11 giờ trưa tại nhà ông Bộ Thạnh, ba gian cửa đều mở trống, Đức Thầy bảo người nhà đều ở hết phía sau, chỉ một mình Đức Thầy Đức Thầy ngồi ở bàn và đang cúi xuống viết. Anh Chấn nhìn thấy tướng mạo thì độ chừng là Đức Thầy, nhưng đứng chờ một hồi lâu không thấy Đức Thầy ngước lên. Bấy giờ anh mới để giày nón, bước lên thềm gạch đi thẳng vào và chân ấn mạnh xuống, ý làm cho Đức Thầy hay có khách đến, nhưng Ngài vẫn điềm nhiên, không ngó lên. Anh liền quay ra sân, lòng thầm trách:

-Người ta nói ông nầy là Phật, nhưng tại sao ông có vẻ khi người.

Qua một giây suy nghĩ, anh đã bước xuống nhà khách, anh tự bắt lỗi mình, hay là tại mình vô phép nên người ta không tiếp chớ gì? Nghĩ thế, anh Chấn liền lột nón, gở kiếng và cởi giày để lại rồi bước thật nhẹ trở vào. Bấy giờ Đức Thầy mới đứng dậy nghiêm trang chào khách và hỏi:

-Ông biết tôi là ai không?

Anh Chấn chưa biết phải trả lời ra sao, trong người anh bắt run lên như bị bịnh rét.

Thấy anh Chấn không trả lời được bấy giờ Đức Thầy mới nói tiếp, ngón tay Ngài vừa chỉ vừa nói:

-Chúa trùm Cộng sản là tôi đây!

Nói xong Ngài ngồi xuống ghế, còn anh Chấn đứng, cả mình và tay chân đều run hết, anh cố kềm và suy nghĩ:

“Mình đã từng tiếp xúc với hàng trí thức, lên quan, xuống huyện, với các nhà Sư, nhưng chưa bao giờ mình biết sợ môt ai, mà hôm nay sao mình chỉ gặp ông nầy mới nói với mình có mấy tiếng mà mình khiếp sợ như thế nầy. Thật là điều kỳ lạ quá, chắc ông nầy không phải là bực tầm thường”. Lòng anh Chấn nghĩ đến đó, tự nhiên trong người bớt run, anh mới chấp tay lại:

-Thưa ông Tư! Trước kia tôi có gặp một nhà Sư, sư dạy cho cách vào thất niệm Phật trong vòng một trăm ngày, sư sẽ hộ cho được thấy Phật. Chẳng biết tu như thế là chánh hay không chánh? Nhờ ông Tư chỉ dạy cho biết.

Đức Thầy vui vẻ đáp:

-Đó là Ma Ba Tuần nó hiện ra cảnh ấy, chớ Phật đâu đó mà chánh.

Anh Chấn nghe Đức Thầy nói thế, anh liền hỏi thêm:

-Vậy phải tu làm sao mới chánh?

Bấy giờ Đức Thầy lấy bàn tay thoa vào ngực ba vòng và nói:

-Tu làm sao hàng phục được lòng tà quấy của mình mới chánh.

Anh Chấn nghe được câu giải đáp của Đức Thầy, anh nhận thức được chân lý tu hành cho nên anh hết sức vui mừng khâm phục, bèn quì xuống nhờ Đức Thầy cho qui y thọ giáo.

PHẦN NHẬN XÉT:

Một đấng cứu thế bao giờ cũng thấu rõ tâm trạng của chúng sanh, để tùy cơ cảm hóa, còn người đời có tánh tự cao mà cũng dễ nghe tức là mê tín.

Anh Chấn cũng là một con người thì bảo làm sao chẳng có chứng tật ấy.

Câu chuyện kể trên giúp chúng ta những bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhứt: Là anh Chấn muốn thử Đức Thầy, nhưng Ngài biết trước nên sắp sẵn cảnh trí, chẳng cần nói một lời cũng đủ dẹp được lòng tự đắc và sự vô lễ của anh. Lại nữa, khi đối diện với Đức Thầy, anh Chấn chạm phải tư cách đứng đắn và lời hỏi của Ngài, làm cho anh khiếp phục và hướng về lẽ phải, cộng thêm câu nói:

Tôi là chúa trùm Cộng sản đây”. Anh Chấn lại càng khâm phục hơn nữa, vì Ngài đã thấu suốt tâm trạng của anh. Ấy là ý Ngài muốn cho anh biết: Cái tâm bao trùm cả vũ trụ vạn hữu không có một việc nào, dù nhỏ, dù lớn, hữu hình hay vô hình hoặc một chủ thuyết hay một tư tưởng nào mà Ngài chẳng thông đạt, chính Ngài là một nhà đại cách mạng Phật Giáo: “Nối theo chí Thích Ca ngày trước”. Nay Ngài có sứ mạng vừa giác tỉnh những người hữu căn lên bờ giải thoát vừa đem lại sự tự do bình đẳng hạnh phúc cho cả nhân loài bằng chủ nghĩa Đại Đồng của nhà Phật:

Đem nguồn sống mới cho nhơn loại,

Để tiến tiến lên cõi đại đồng.

(Tết Ở Chiến Khu)

Điểm thứ hai: Vốn sẵn óc dễ tin nên khi gặp nhà sư khoe tài, anh Chấn vội vã tin theo không kịp suy nghĩ khiến cho đường tu của anh bị lỡ dở, điều nầy Đức Thầy đã cảnh tỉnh: “Trước khi thờ học đạo nào hay theo ông thầy nào ta phải suy gẫm phán đoán kỹ càng, chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy, chẳng được như vậy dầu mình theo đạo rất chánh đáng, ông thầy rất thông minh, chẳng ích chi cho mình cả”.

Và Ngài luôn nhắc nhở việc ngừa tránh các tà thuyết:

Các Đạo tà mưu khéo âm thầm,

Dân rán tránh kẻo lâm mà khổ.

Chúng nó xuống khuyên răn nhiều chỗ,

Dùng phép mầu lòe mắt chúng sanh.

Ai ham linh theo nó tập tành,

Sa cạm bẫy khó mong sống sót.

(Giác Mê Tâm Kệ Quyển tư)

Hoặc là:

Ra đi dặn lại ít lời,

Khuyên trong bổn đạo vậy thời rán nghe.

Dầu ai tài phép bày khoe,

Ham linh ham nghiệm sợ e mang nghèo.

Lựa cho phải cột phải kèo,

Phải vai phải vế mà theo kẻo lầm.

Ngọc kia ẩn dạng khó tầm.

Chọn nơi chơn chánh khỏi lâm khổ hình.

Qua điểm thứ ba: Lòng ô nhiễm trần mê của mỗi chúng sanh đã huân tập từ lũy kiếp, nay hành giả muốn trở về thấy Phật, cần phải nhứt tâm niệm Phật và tiêu trừ các chướng nghiệp ấy:

Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp.

Trái lại anh Chấn chỉ vào thất niệm Phật một trăm ngày, thêm dụng tâm của anh là muốn mau thành quả, tức là vọng đắc, thì làm sao tâm hồn được giao cảm với chư Phật, hơn nữa Phật trong tâm không tìm, anh Chấn lại nghe lời tà sư mong tìm Phật bên ngoài, thảo nào chẳng bị Ma Ba Tuần ám ảnh, lường gạt. Điều nầy, không riêng anh Chấn mà số người tu hiện nay bị lầm không ít. Thế nên sau câu hỏi của anh: Vậy phải tu làm sao mới chánh, thì Đức Thầy xoa tay vào ngực mà trả lời:

“Tu làm sao hàng phục được lòng tà quấy của mình mới chánh”.

Bởi Phật và chúng sanh chỉ có một tâm mà thôi, hễ tâm còn ô nhiễm tà quấy là chúng sanh, bằng hết ô nhiễm tà quấy là Phật, cũng như sóng và nước chỉ có một, hễ có gió là nổi sóng, còn hết gió thì sóng lặng, chỉ còn lại một chất nước trong, tức là phản bổn huờn nguyên. Kinh xưa thường bảo: “Phiền não là Bồ Đề. Tâm tức Phật” cũng không ngoài ý trên. Đức Thầy nay không ngớt khuyên nhắc:

Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm.

Và:

Hãy bền lòng tìm Phật trong tâm.

Hoặc giả:

Nhàn thanh tầm kiếm kiếm nơi tâm,

Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm.

Còn muốn niệm Phật có kết quả thì Ngài cũng dạy phương pháp niệm Phật là để trừ cái vọng niệm của chúng sanh và cứ niệm như thế cho đến khi nhứt tâm bất loạn, tức tâm được thanh tịnh và Phật tánh hiện bày, tự tánh Di Đà vi tâm tịnh độ, bởi tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Ngược lại, nếu ai niệm Phật mà lòng mãi ước mong,tức là vọng đắc, cho thấy Phật bên ngoài, tất là bị lầm lạc, không bao giờ thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn