Mẩu chuyện số 49 - “THÀNH LÒNG NƯỚC LÃ NÊN HỒ”

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45604)
Mẩu chuyện số 49 - “THÀNH LÒNG NƯỚC LÃ NÊN HỒ”

C

huyện nầy chúng tôi ghi lại theo lời thuật của anh Huỳnh ăn Góp, cháu đích tôn của cụ Huỳnh Ngọc Kha (tự Sáu Khá).

Ông Huỳnh Ngọc Kha là Bác Sĩ tốt nghiệp tại Pháp, đồng thời cũng là Đông Y Sĩ thuộc gia truyền vào hệ thứ Bảy của tộc họ.

Vào thuở đó, năm 1939 ông được 40 tuổi, ngụ tại làng Tân Long, quận Châu Phú, tỉnh An giang, ông có kiến thức rất uyên bác về ngôn ngữ, ngoài 7 ngôn ngữ của khối Âu và Mỹ châu, ông còn nói thông thạo 17 thổ ngữ của khối Đông Dương.

Ông gia nhập vào đoàn thể trí thức yêu nước, bị Pháp bắt bỏ tù ở khám lớn năm 1940, cùng chung phòng với cụ Trần văn Hương (Sau nầy là Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa). Nhân khi bàn quốc sự với các vị trong tù, các vị nầy có đề cập đến nhân vật trẻ vừa mới xuất hiện, có tầm vóc lớn lao trong công cuộc quang phục đất nước, đó là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Do đó, ông Sáu có cảm tình với Ngài.

Năm 1945, Đức Thầy có đến giảng đạo tại làng Khánh Bình, ở gần làng ông Sáu đang ngụ.

Vì có sự quen biết trước, nay ông có dịp tiếp xúc với 5 nhà sư đến từ Miên quốc. Năm vị sư nầy trình bày với ông là họ đi tìm Phật, bởi Đức Phật đã ra đời tại đất nước Việt Nam, nay đến để nghe Đức Phật giảng Đạo.

Ông Sáu Khá biết rõ ràng như vậy mà ông không cũng đi với các vị sư kia đến để nghe Đức Thầy giảng Đạo, nguyên cũng bởi sự dè dặt của những người trí thức đã trở thành căn bịnh. Tuy không đến tận nơi, nhưng khi ở tại nhà, ông cho lập bàn hương án ngoài trời, bông hoa, nhang đèn và ba chung nước lã để cầu nguyện. Ông có phát đại nguyện là:

-Nếu Thầy Tư quả thật là Phật, xin cho tôi uống 3 chung nước lã nầy mà giải được ghiền á phiện của tôi, thì tôi nguyện thân tứ đại nầy cúng dường cho Phật.

Quả nhiên qua ngày hôm sau cơn ghiền nó không còn đến với ông Sáu nữa, mà chuuyện hết sức đặc biệt là hễ khi nào ngửi mùi á phiện là ông Sáu buồn nôn ói mữa. Bởi vậy ông tức tốc cho dẹp bàn đèn (thuở đó ông có mâm đèn hút á phiện tại nhà).

Không còn nghi ngờ gì nữa, ông sáu chuẩn bị sẵn sàng đến để thọ giáo quy y với Đức Thầy. Tuy vậy chớ ông cũng còn vướng mắc vào cái ngã của những người trí thức thời đại. Thâm tâm ông khi gặp Đức Thầy, ông sẽ dùng ngoại ngữ để tiếp chuyện với Ngài. Từ nhà ông đến Hòa Hảo cũng phải mất trên sáu mươi lăm cây số và ông tháp tùng vào đoàn người đến qui y càng lúc càng đông

Với tư cách của một người trí thức, ông đâu thể nào chen lấn với người khác, bởi thế chờ đợi cho đến buổi chiều ông Sáu mới tiến được gần Đức Thầy. Như vậy ông Sáu có dịp chuẩn bị không biết bao nhiêu câu nói khi được tiếp xúc cùng Ngài. Nhưng khi sắp được đến gần, từ xa Đức Thầy nhìn ngay ông và gọi:

-Ông Sáu! Ông đã đại nguyện qui y với Phật rồi! Nay sao còn đến quy y nữa!

Không biết có phải vì Phật lực của Đức Thầy, hay bởi tại Tha Tâm Thông mà Ngài biết ông Sáu. Mặc dù chỉ lần đầu tiên tiếp xúc mà Ngài biết rõ ông Sáu đã âm thầm lập bàn hương án phát nguyện quy y. Cái xúc động lớn lao đó làm cho ông Sáu ngẩn ngơ, đứng chết trân tại chỗ, tiếng Việt ông còn chưa nói được nên lời hà huống chi là tiếng ngoại quốc. Cả khi ông quì xuống cúi lạy Đức Thầy ông cũng còn làm chưa được, mãi khi Thầy đến cầm tay ông nâng lên; ông mới sực mình như vừa thoát qua cơn mộng.

PHẦN NHẬN XÉT:

Từ xưa đến nay, những bậc Đại Giác đều hiểu thấu tâm trạng của chúng sanh. Tuy rằng trong bao la vạn hữu, nhưng mỗi khi tâm chúng sanh thành kính hướng về các Ngài đều được đáp ứng trọn vẹn, tùy cơ duyên, cơ cảm của mọi người mà hóa độ. Cho nên trường hợp của ông Sáu là điều chúng ta cần phải suy gẫm.

Ông Sáu là một Bác sĩ Tây y lẫn Đông y Sĩ, tuy cả hai mặt Tây và Đông về y học, nhưng ông đành bó tay trước căn bịnh của ông đã lâm phạm, mặc dù ông Sáu chưa lần nào diện kiến Đức Thầy, nhưng với người trí thức thuở đó cũng như ông Sáu chắc đã ít nhiều có nghiên cứu Giáo Lý và Giới luật của Ngài. Do đó, ông Sáu mới lập bàn hương án tại nhà, nguyện xin Đức Thầy giải cho ông nạn ghiền á phiện. Ông Sáu là người đã có túc duyên với Phật Pháp, nên ông đã được Đức Thầy cảm ứng chứng tri tấm lòng thành của ông mà hóa độ cho ông.

Nhưng dù sao tâm bịnh của chúng sanh, ông Sáu không thể nào tránh khỏi. Tâm bịnh nầy thường xảy ra cho người trí thức đã hấp thụ nền văn minh của Âu Tây, nhứt là ông Sáu đã hấp thụ trên đà tiến bộ của khoa học thì cái ngã chấp ít nhiều cũng phải có.

Cũng bởi đã rõ căn bịnh của chúng sanh, nên Đức Thầy cùng một lúc chữa lành cho ông Sáu cả hai căn bệnh.

Thành lòng nước lã nên hồ,

Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban.

(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)

Bởi có túc duyên nên ông Sáu dễ dàng chuyển hóa tâm của ông hướng về Đức Phật trọn lòng thành nên từ ba chung nước lã của ông Sáu tự múc lấy đã trở thành ba chung nước Cam lồ của Đức Thầy ban cho ông, cứu được cơn bịnh ngặc nghèo của ông và còn giải được cho ông cái tâm trần để ông hướng trọn vẹn về nẻo Đạo. Bởi có hướng về nẻo Đạo thì ông Sáu mới thoát được sanh tử luân hồi mà người tu hầu hết ai cũng mong được như vậy.

Nếu như ai cố chí làm lành,

Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.

Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,

Dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỉ, Súc sanh.

Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,

Được cứu cánh về nơi an dưỡng.

Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,

Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.

(Khuyến Thiện)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn