Mẩu chuyện số 33 - TÙY CƠ HÓA ĐỘ

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45066)
Mẩu chuyện số 33 - TÙY CƠ HÓA ĐỘ

A

nh Năm Tính người ở tỉnh Phú Yên, Trung Phần, di cư vào miền Nam từ năm 1940 ngụ tại nhà ông chủ Trưởng Chân xã Kiến An, quận Chợ Mới, An giang. Vốn người chất phát làm ăn, nên ở đây ai cũng mến thương và anh cũng trở thành tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo từ độ ấy.

Nhơn một buổi tiếp chuyện với ông cả Mười, ông thấy anh Tính có lòng nhiệt thành đối với Đạo, nên kêu anh đi với ông lên Sai gòn thăm Đức Thầy một lần. Anh Tính rất vui mừng và xin được cùng đi theo. Chuyến đi nầy gồm có ông cả Mười, ông Lâm Thơ Cưu, anh Tính và một ít anh em đồng đạo khác. Trời vừa rựng sáng, con thuyền từ từ tách bến, lướt nhanh trên giòng nước cuồn cuộn đưa đi, anh em cứ luân phiên chèo không ngừng nghỉ, suốt ba ngày đêm mới tới.

Thời gian nầy, Đức Thầy ở số 168 đường Lefèvre, Sai gòn. Hôm ấy mọi người đều lên hết, duy có anh Tính ở lại giữ ghe và cùng chờ người hướng dẫn xin phép với Đức Thầy xong mới được lên.

Anh ở tại ghe đợi tới chiều, không thấy ai xuống hết, bèn bước lên đường đi thơ thẩn gần tới ngang cửa lầu chỗ Đức Thầy ở.

Lúc bấy giờ Đức Thầy đang nói chuyện với số tín đồ ở các tỉnh, Ngài bèn đứng phắt dậy, khoát cánh cửa, đưa tay ngoắc anh Tính vào, giữa lúc ấy mọi người đều ngạc nhiên.

Được lịnh Thầy, anh Tính rất mừng rỡ, nhưng cũng phập phồng lo sợ, nên vừa đi vừa niệm Phật. Vào đến nơi, Đức Thầy chỉ chiếc ghế bảo anh Tính ngồi và hỏi:

-Ông ra đây làm gì?

-Con ra đây thăm Thầy và nhờ Thầy chỉ cho phương pháp để về lo tu hành.

-Ông muốn tu để được như thế nào?

-

Con hiện giờ không vợ, không con nên muốn tu giải thoát. Bạch Thầy!

Đức Thầy lấy quyển Khuyến Thiện in khổ nhỏ trao cho anh Tính và dạy rằng:

-Ông đem về xem theo đây mà tu giải thoát.

Được Đức Thầy tặng cho quyển Giảng, anh Tính cảm thấy lòng mình thơ thới, tràn ngập nỗi vui mừng. Khi về nhà anh Tính học thuộc lòng quyển Khuyến Thiện và thường suy nghiệm nghĩa lý trong đó. Nhờ thế, chẳng bao lâu anh thấu đạt con đường hành đạo, lo chuyên trì Lục Tự và tránh mười điều ác. Đời sống anh không bị ngoại vật chi phối và sự tu hành càng ngày càng tiến triển.

Sau thời gian, trong chuyến đi buôn nồi, anh vừa đến vàm kinh xáng Vĩnh Hanh, anh định ghé lại để bán số nồi, kế anh bị trúng gió khá nặng. Xóm nầy nhằm anh em tín hữu thuộc Đại Đạo Tam Kỳ. Họ hết lòng lo chạy thuốc men cho anh, nhưng không giảm được. Các vị ấy bèn hỏi:

-Nếu anh có từ trần, chúng tôi làm lễ theo nghi thức đạo Tam Kỳ được không?

Anh Tính gượng gạo trả lời:

-Tôi cám ơn quí ông nhiều lắm, nhưng tôi đã qui y theo Phật Giáo Hòa Hảo rồi. Vậy xin quí ông làm lễ an táng tôi theo nghi thức Phật Giáo Hòa Hảo.

Nói xong anh Tính nằm xuôi tay thẳng chân mà niệm Phật, và hơi thở anh từ từ dứt hẳn.

Thuật theo lời cô Mai Yến.

PHẦN NHẬN XÉT:

A

nh Năm Tính người miền Trung tuy sống xa Đức Thầy, nhưng rất có nhiều thiện duyên, hữu phước nên mới gặp Đức Thầy liền phát tâm tu giải thoát, lại có đủ điều kiện. Nhứt là được Ngài cho quyển Khuyến Thiện, nội dung dạy trừ thập ác, Thiền Tịnh song hành, như là:

Trau tâm luyện tánh cho minh,

Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

và Ngài còn chỉ rành về yếu môn tịnh độ vì đó là pháp kết quả rốt ráo như:

Môn tịnh độ là phương cứu cánh,

Rán phụng hành kẽo phụ Phật xưa.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

Ngài còn quả quyết, nếu chúng sanh nào cò đủ ba điều kiện thì chỉ một kiếp là vượt thoát khỏi các khổ Ta Bà, được vãng sanh về An Dưỡng Quốc qua câu:

Dầu Tiên phàm Ma Quỉ Súc sanh,

Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành.

Được cứu cánh về nơi an dưỡng,

Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng.

Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

Đồng thời Ngài còn chỉ rõ cái khổ ở cõi Ta bà, luôn luôn lúc nào cũng có vô số, nhưng Ngài chỉ tóm lại thành tám điều, còn cõi Cực Lạc thì Y báo, Chánh báo đều được an vui.

Sự truyền Pháp của Đức Huỳnh Giáo Chủ rất khế cơ và khế lý, khiến anh Tính đã được thắm nhuần Pháp vũ. Anh áp dụng Thiền Tịnh song hành và luôn cầu sanh Lạc quốc. Kết quả anh được bình tĩnh lúc bỏ xác, chứng tỏ được vãng sanh. Anh giữ được chánh niệm lúc lâm chung và sáng suốt, từ khước đề nghị của tín hữu Cao Đài. Vì anh là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nên xin được an táng theo nghi thức của đạo mình. Cao quí thay anh đã giữ đúng câu:

Một đời một đạo đến ngày chung thân.

(Tự Thán)

Đọc chuyện trên ta thấy anh Tính là một người đáng coi là đàn anh gương mẫu. Chẳng những riêng anh Tính mà chúng ta hôm nay, mỗi người đều đã có trong nhà quyển Sấm Thi của Đức Tôn Sư. Nếu ta chịu gắng gổ trì hành và một lòng trung kiên nhẫn nại thì lo chi không sánh kiệp người xưa.

Thật vậy, nếu người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, dù là cư sĩ tại gia mà giữ đúng lời chỉ dạy của Đức Thầy thì đó là tại gia Bồ Tát Tăng vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn