Mẩu chuyện số 50 - MUỐN TÌM PHẬT

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45191)
Mẩu chuyện số 50 - MUỐN TÌM PHẬT

Vào khoảng mùa Đông năm Giáp Thân 1944 lúc Đức Thầy đang cư trú tại Sai gòn, thì có ông Xã Bộ từ tỉnh Châu Đốc đến viếng Đức Thầy, qua công tác giáo sự. Trong thời gian ông còn lưu lại mấy ngày, nhân một buổi sáng đẹp trời Đức Thầy kêu ông Bộ bảo:

-Ông Bộ hôm nay đi dạo phố với tôi.

Được lịnh Đức Thầy cho phép, ông Bộ hết sức mừng rỡ. Ông thay đổi y phục rồi theo Đức Thầy. Hai thầy trò đi bộ rẽ sang nhiều ngã đường, khi đến cổng của một ngôi chùa thì ghé vào. Nhà sư trụ trì bước ra tiếp rước hết sức ân cần niềm nỡ. Khi bước vào khách đường thấy một ông khách đang ngồi sẵn ở đó. Sư mời Đức Thầy và ông Bộ ngồi lại cùng bàn, rồi nhà Sư vừa rót nước mời uống và vừa giới thiệu ông khách với Đức Thầy và ông Xã Bộ.

-Thưa hai vị, ông khách đây là người Tây Tạng vừa mới đến Việt Nam ta mấy hôm rày. Ông cũng là một Phật tử, nên có viếng qua ít cảnh chùa nơi đô thành và còn lưu ngụ lại đây mấy hôm. Tôi thiết nghĩ cuộc hạnh ngộ của chúng ta hôm nay, ắt có duyên tiền định.

Qua sự bắt tay chào mừng, ông Xã Bộ liền hỏi ông khách:

-Từ xa ông đến nước Việt Nam chúng tôi có việc chi quan trọng chăng? Hay là chỉ viếng qua danh lam thắng cảnh, có thể nào cho chúng tôi biết được thêm lý do.

Lúc đó, với vẻ mặt vui tươi ông khách Tây Tạng đáp:

-Tôi sang đây với ý định để tìm Phật, vì ở bên tôi có một chân sư cho biết hiện giờ tại xứ Việt Nam có vị Phật vừa giáng sinh khai Đạo.

Lúc đó ông Bộ hỏi tiếp:

-Làm sao ông biết ai là Phật mà nhìn.

Ông khách nói:

-Biết chớ, ông Phật thì luôn luôn nơi cổ có ba ngấn, theo nhà sư ở bên tôi dặn dò tôi như vậy.

Ông Xã Bộ liền nói:

-Nếu hiện giờ có người ba ngấn cổ, ông dám nhìn không?

Ông khách trả lời:

-Tôi nhìn liền, vì người thường không một ai có được tướng hảo như vậy.

Lúc ấy Đức Thầy biết ông Bộ muốn ám chỉ Ngài, nên Ngài dùng ngón chân cái ấn mạnh lên bàn chân của ông Bộ. Ông liền hội ý biết Đức Thầy không cho mình chỉ ra, nên lái câu chuyện sang vấn đề khác. Đoạn rồi ông nhìn lại Đức Thầy, mới sực nhớ ra lúc mới vào cổng chùa Ngài đã dùng khăn bàn quấn kín cổ lại và giữ tư thế ấy cho đến bây giờ. Thì ra Ngài biết trước và có dụng ý trong việc nầy. Hết câu chuyên tìm Phật sang câu chuyện đạo lý, Đức Thầy luôn để cho ông Bộ đàm thoại với hai người kia, còn Ngài vẫn im lặng cho đến khi từ giã ra về.

Câu chuyện nầy thuật theo lời ông Xã Bộ.

PHẦN NHẬN XÉT:

Thông bệnh của người học Phật thường trải qua nhiều giai đoạn dò dẫm như mù rờ voi, phải nắm được chơn lý. Đầu tiên họ ngỡ là muốn tìm Phật phải vào am, chùa, liêu, cốc hay núi cao rừng thẳm mới gặp. Tiến thêm một bước họ tưởng tượng ông Phật phải có những gì linh diệu thần thông, hoặc có tướng trạng khác với người thường như có ba mươi hai tướng tốt, tám chục vẻ đẹp chẳng hạn.

Trường hợp ông Phật tử Tây Tạng nói trên, cũng chưa thoát khỏi thông bệnh ấy. Đành rằng các tướng trạng tốt đẹp là do người tu thiện nghiệp mà được, song hành giả còn chấp nê sự tướng thì không dễ gì gặp được ông Phật thật của chính mình. Kinh Kim Cang từng nói: “Phàm hữu sở tướng giai thị hư vọng” Chúng ta thử ôn lại lời vấn đáp của Đức Phật và ông A Nan, đại khái như vầy:

Đức Phật kêu ông A Nan hỏi:

-Tất cả trong giáo pháp của ta, ông nhận thấy cái gì mà xuất gia tu hành?

A Nan bạch:

-Con thấy ba mươi hai tướng hảo của Phật trang nghiêm rực rỡ mà tu.

Phật liền bác:

-Ông nhân như vậy cũng tạm được, song các thứ ấy chỉ là ngọn ngành là vọng tưởng, huyễn thuật chứ chưa phải là căn bản, vì vua Chuyển Luân Thánh Vương cũng có ba mươi hai tướng hảo và Ma Vương cũng có thể giả hình Phật được.

Ở đây ông Phật tử Tậy Tạng tuy có nhiệt tâm tìm Phật, nhưng chưa phá được cái vỏ hữu vi, nên ông tu hành đã lâu năm và gặp được chơn sư mà vẫn chưa có ngộ được chơn lý. Thảo nào Đức Lục Tổ khi xưa chẳng bảo:

Người đang đội nón mà đi tìm nón, kẻ đã cỡi trâu lại cứ đi tìm trâu”.

Thưa quí vị: Sở dĩ vị chơn sư của ông khách Tây Tạng dạy ông cần phải qua Việt Nam tìm Phật với tướng trạng nơi cổ có ba ngấn là sự dụng ý khi kiến diện với Đức Thầy Hòa Hảo may ra ông Phật tử nầy sẽ tìm được lối vào Phật tâm, “Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm”. Thế là vị chơn sư đã biết Đức Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo đang khai hóa vô vi chánh đạo, nhưng khi ông Phật Tử đối diện với Đức Thầy, Ngài lại dùng thật tướng vô vi, không cho thấy tướng trạng và tuyệt đối ngôn ngữ tức là im lặng. Khiến ông Phật tử ôm thất vọng trở về bổn quốc, chớ tìm đâu ra được người cổ có ba ngấn. Nếu ông ấy cứ tu như thế, tìm Phật như thế, dẫu cho ông có tu suốt kiếp nầy qua kiếp khác, hay tìm khắp nơi cũng không hề gặp Phật.

Xét ra Đức Thầy đối với ông khách Tây Tạng có thái độ như vậy chẳng phải Ngài thiếu lòng từ bi mà Ngài có tác dụng đặc biệt. Nếu Ngài cho ông khách Tây Tạng thấy tướng mạo và được nghe lời giáo lý thì sự việc đó nhà sư ở bên Tây Tạng đã dùng với ông quá nhiều rồi, mà ông vẫn chưa thấy đạo. Đây là một điều tâm Phật với tâm phàm, dẫu cách xa vạn dậm vẫn cảm thông nhau, nên Đức Thầy phải dùng phương cách khác để cảm hóa ông ấy, nghĩa là sau thời gian ông tìm theo hình tướng, văn tự mà không thấy được Phật, tức nhiên ông phải xét lại mà quay về tìm tâm vô vi thật tướng:

Phật tại tâm chớ có đâu xa,

Mà tầm kiếm ở trên non núi.

Hãy bền lòng tìm Phật trong tâm.

Hoặc giả ông khách trở về tìm thầy cũ của ông. Bấy giờ nhà sư mới đủ dữ kiện chỉ cho ông thấy được Phật lòng tức là tỏ ngộ được bản tâm.

Xưa lúc Thái Tử Sĩ Đạt Ta mới xuất gia, Ngài cũng tìm các thầy tu vấn đạo, khi nhận pháp tu của các vị ấy không được giải thoát rốt ráo. Ngài đến Khổ Hạnh Lâm tu lối ép xác hành khổ suốt sáu năm vẫn chưa chứng đạo. Sau cùng, Ngài đến ngồi dưới cội Bồ Đề dùng tâm quán tâm bốn mươi chín ngày mới đắc quả Chánh Đẳng, Chánh Giác. Cho nên Ngài hằng cảnh giác chư Phật tử:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai”

(Nếu dùng sắc mà ra mắt ta. Lấy âm thinh cầu ta. Thật người hành tà đạo. Không hề thấy được Như Lai).

Thưa quí vị. Thêm một gương hạnh nữa: Thần Tú tu sát bên Ngũ Tổ bao chục năm trời vẫn chưa thấy tánh, vì Thần Tú chỉ tu theo văn tự hình tướng. Còn Huệ Năng tu không đầy một năm mà tỏ ngộ, được Ngũ Tổ trao truyền tâm ấn cho làm Tổ thứ Sáu, là vì Huệ Năng biết trực nhận nhân tâm kiến tánh thành Phật. Thời nay Đức Thầy cũng muốn ông Phật tử Tây Tạng noi theo gương hạnh đó, cho nên Ngài chẳng nói gì, chớ thật ra Ngài đã nói với ông Phật tử Tây Tạng rất nhiều rồi đó. Cũng như lúc Ngài Tu Bồ Đề đang trầm tư trong hang đá bỗng nhiên Chư Thiên rải hoa trời tán thán, Ngài Tu Bồ Đề liền hỏi:

-Những người rải hoa tán thán là ai vậy? Chư Thiên liền nói:

-Chúng tôi là Chư Thiên ở Thượng Giới.

Tu Bồ Đề bảo:

-Chư Thiên đang tán thán gì vậy?

Chư Thiên thưa:

-Chúng tôi tán thán Ngài đang giảng thuyết Bát Nhã Ba La Mật.

Ông Tu Bồ Đề liền nói:

-Ta chưa hề thốt một lời giảng thuyết Ba la Mật và chẳng có gì để các ngươi tán thán. Nhưng Chư Thiên quả quyết:

-Ngài không giảng gì hết, cái được nói là không, cái được nghe cũng không và chính đây mới thật Bát Nhã Ba La Mật. Cũng trùng hợp như vậy, Đức Thầy hằng khuyên dạy tín đồ:

Nhàn thanh tầm kiếm kiếm nơi tâm,

Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm.

Vịnh theo ý nầy, ông Thanh Sĩ một đệ tử Đức Thầy có luận:

“Rằng nước vốn nguồn sâu ban bủa,

Phật do tâm mà có danh ngôn.

Thấy tâm thấy được Thế Tôn

Bỏ tâm tìm Phật luống công tu hành.”

Thưa quí vị. Riêng phần ông Xã Bộ là khi tiếp chuyện với ông khách Tây Tạng, ông đinh ninh rồi đây ông sẽ giới thiệu Đức Thầy có ba ngấn cổ với khách và khách sẽ rất sung sướng mà nhận Ngài là Phật và cũng sẽ được nghe Ngài giảng dạy đạo lý. Nhưng bất ngờ Đức Thầy lại không nói rõ ra, khiến sau đó ông phải suy nghĩ mấy ngày. Khi nhờ Đức Thầy gợi ý ông mới hiểu ra. Còn phần nhà sư trụ trì hẳn nhiên ông được nghe nhiều về Đức Thầy, nên khi gặp Ngài và ông Bộ đến Sư mới ân cần niềm nỡ và giới thiệu.

Tóm lại tác dụng của Đức Thầy đối với ông khách Tây Tạng làm cho ba người trong cuộc học được bài học vô giá:

Vô pháp tướng mới là thiệt tướng.

Hãy tìm kiếm cái không mới có.

Thiết nghĩ không riêng gì ba vị ấy mà còn là bài học chung cho tất cả những ai muốn tìm Phật và tu học.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn