Mẩu chuyện số 48 - ĐỨC HÁO SANH

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45464)
Mẩu chuyện số 48 - ĐỨC HÁO SANH

T

hời thơ ấu của Đức Thầy còn đi học tại trường quận Tân Châu, hàng năm hễ đến độ nghỉ hè thì Đức Thầy về nhà, tức tại Thánh Địa Hòa Hảo. Ngài thường ra đồng ngắm cảnh, hay đi vòng theo các đám rẫy bắp, đậu đang trổ cờ, trổ trái, nhứt là Ngài thường đứng nhìn những thửa ruộng xanh non vừa cao vài tất, ngọn quặc cần câu đang lượn mình theo chiều gió. Thỉnh thoảng ngài đừng lại một nơi với trạng thái im lặng như nghĩ ngợi một vấn đề gì đó, không ai hiểu đặng.

Một hôm nọ cũng như thường lệ Ngài lần bước theo xem một số người đang làm cỏ trong một đám đậu. Đức thầy thấy người nào cũng bắt cóc xỏ xâu và cột ở bên lưng. Ngài nhìn theo các xâu cóc thương hại.

Bỗng có một con cóc từ mấy người làm cỏ nhảy hoảng tới ngay mặt Ngài, Ngài mới lẹ làng lấy chơn đè lên mình con cóc để che khuất nó. Bấy giờ số người làm cỏ mới đổ dồn về phía con cóc vừa nhảy. Đức Thầy lại lanh trí hơn, Ngài đưa mắt nhìn về chỗ chòm cỏ cao ở bên trái rồi la lớn:

A! Con cóc!

Ai nấy đều cứ tưởng con cóc nhảy về phía đó thật, liền tìm kiếm hồi lâu không được, họ bèn trở lại tiếp tục làm cỏ. Khi ấy Đức Thầy mới dở chơn lên cho con cóc nhảy đi nơi khác, thế là Ngài cứu thoát được con cóc khỏi vô xâu của số người làm cỏ.

Câu chuyện nầy kể theo lời ông Nguyễn Hữu Truyền.

PHẦN NHẬN XÉT:

Xưa nay người có lòng nhơn lúc nào cũng muốn thấy sự sống vui chứ không muốn thấy sự chết khổ, “kiến kỳ sanh bất kiến kỳ tử”. Huống hồ chi các đấng giác ngộ tâm tư của các Ngài đã xông ướp khói từ bi từ lũy kiếp cho nên các Ngài đâu nỡ ngồi yên nhìn cảnh chúng sanh đang đau khổ mà chẳng ra tay cứu vớt. Chính vì điều ấy, nên Đức Thầy đã thốt:

. . . Vì thể lòng từ-bi bác-ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. ..

Đọc câu chuyện trên chúng ta hồi tưởng lúc Thái tử Sĩ Đạt Ta còn niên thiếu, một hôm Ngài theo Vua cha tức Tịnh Phạn Vương dự lễ Hạ Điền, theo tục lệ xứ Ấn Độ thời ấy khi làm lễ xong Vua phải xuống ruộng cày trước ba vòng, sau đó dân chúng mới bắt đầu làm mùa.

Lúc Vua cày đất bật lên, các loài dế, trùng bày ra, liền đó các loài chim đáp xuống tranh nhau mổ những côn trùng ấy mà ăn. Thái Tử đứng nhìn cảnh bi đát than rằng: “Thế thì tất cả chúng sanh trong cõi Ta bà chỉ biết ỷ mạnh hiếp yếu, ăn thịt lẫn nhau vậy sao?”.

Ngài thấy mình có bổn phận tìm ra cách giải khổ chúng sanh. Khi vua cha cày đất xong bước lên xe giá về thành mà Thái Tử vẫn còn đứng im tại chỗ, suy tư mãi. Đó là cái cơ duyên ung đúc một ngày kia: Thái tử

Lìa cha già vợ đẹp con cưng,

Thân chẳng sá xông pha bờ bụi.

Ngài thuở ấy nên mười chín tuổi,

Tâm đại hùng cương quyết tu trì.

(Khuyến Thiện)

Và cho đến lúc:

Ấy mới vừa đắc đạo hoàn toàn,

Và lần bước phô trương độ chúng.

(Khuyến Thiện)

Còn Đức Thầy của chúng ta hiện nay cũng thế, cũng chứng kiến cảnh chết khổ của chúng sanh, cũng tâm từ bi và ý chí đó Ngài mới lâm phàm:

Lòng yêu sanh chúng luân chuyển kiếp,

Dạ ái dương trần đổi xác thân.

Thuyền từ bi thẳng cánh lướt sang,

Qua Đông Độ vớt người hữu đức.

Cho nên lúc lâm phàm dầu gặp hoàn cảnh chua cay thử thách Ngài chẳng hề nao núng:

Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,

Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng

(Giác Mê Tâm Kệ)

Ngài còn cho biết:

Thân ta dù lắm đoạn trường,

Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn loài.

Vả lại quả vị Chánh đẳng chánh giác tức là quả bồ đề do cây từ bi mà thành, mà cây từ bi thì phải phát xuất hạt giống lòng nhơn, thương người mến vật, kẻ học Phật phải đúc kết từ điểm nhỏ lòng nhân mới đạt được kết quả to lớn là bồ đề. Cho nên đối với một loài vật nhỏ bé như một loại cóc, Đức Thầy cũng xúc động từ tâm cứu độ.

Ấy cũng là gương cho tín đồ noi theo:

“Muôn loài đều có đạo, Chớ sát hại loài nào.”

Ngài thường dạy rằng:

Thế nên ta hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng và nhứt là đối với các loại gia súc: Trâu, bò, ngựa, chó, mèo chẳng khá sát hại vì chúng đã giúp ích cho ta trong sinh hoạt hàng ngày. Tóm lại không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được và trong những ngày chay lạt hãy cữ hẳn.

Đức Thầy còn đưa tầm nhận thức cho mọi người sâu hơn chút nữa:

Ta đây tuy không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh tàn khốc do loài người tàn bạo gây nên.

Đây là nói đến sự trả vay của luật nhơn quả lúc nào cũng nghiêm minh.

Luật nhơn quả thật là cao viễn,

Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.

Hễ loài người sát sanh nhiều, tức chịu quả chiến tranh nhiều, làm cho người và vật đau khổ nhiều thì chính mình phải chịu đau khổ nhiều, không thể nào sai chạy được. Vì thế ta có thể quả quyết rằng. Ai muốn khỏi sự chiến tranh đau khổ, muốn giải thoát sanh tử luân hồi, cần phải tu tập trước hết đức háo sanh như câu chuyện vừa kể.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn