Mẩu chuyện số 7 - ĐỨC THẦY ĐỘ CHO NGƯỜI TRUNG HOA

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45774)
Mẩu chuyện số 7 - ĐỨC THẦY ĐỘ CHO NGƯỜI TRUNG HOA

N

ăm Ất Dậu (1945), Đức Thầy trên đường Khuyến Nông và vân du thuyết giáo, lần khởi hành từ Long Xuyên đến Rạch Giá, xe của Đức Thầy ngồi do Bác Sĩ Trần Lũy lái, tháp tùng theo Thầy với một chiếc xe khác nữa gồm có ông Phan Thành Vọng và các vị đồng đạo. Xe của Đức Thầy đi trước, còn xe của ông Vọng đi sau.

Xe vừa đến thị xã Mông Thọ, Đức Thầy gọi ông Bác Sĩ Lũy dừng xe lại, Thầy mở cửa bước xuống, Ngài bước vào quán bên vệ đường rồi ôn tồn nói với người chủ quán:

-Này cô chủ quán! Cô vui lòng cho tôi gởi bánh xe lại đây, nếu một lúc nữa có chiếc xe Traction nào ngừng tại đây, xe bị bể bánh, thì cô nói cho họ biết là tôi có gởi cái bánh xe để cho họ thay.

-Anh nói như vậy thì tôi biết ai đâu mà nói cho họ thay bánh xe, còn xe cộ chạy dập dìu thì biết ai đâu bị bể bánh mà hỏi.

-Không! Xe chạy thì nhiều, nhưng khi có xe nào bể bánh ngừng tại đây, thì cô chịu khó lăn bánh xe này ra để cho họ thay, rồi cô lấy tiền công.

-Thôi! Anh nói vậy thì hay vậy, anh cứ để đó đi.

Cô không nói gì thêm nữa. Lúc bấy giờ Bác Sĩ Lũy có thái độ giận ra mặt, liền theo đó Đức Thầy bảo:

-Thôi thì chúng ta lên đường.

Khi Thầy bước lên xe, lúc ông Lũy chưa kịp mở máy thì Thầy nói:

-Cái chuyện nhỏ như vậy mà ông cũng nóng giận nữa sao?

-Thưa Thầy không giận sao đặng! Cái tuổi của con cở nào rồi, mà con còn kêu Thầy bằng Thầy, còn tuổi của nó bao lớn mà gọi Thầy bằng anh. Vậy mà không giận sao được!

Đức Thầy cười mà rằng:

-Tuổi của tôi và tuổi của cô ấy gần bằng nhau, người ta không quen biết thì kêu bằng anh là phải rồi, đâu có lỗi gì trong cách xưng hô, còn giữa tôi với ông là tình thầy trò, ông là đệ tử, tôi là thầy, ông gọi tôi bằng Thầy là phải, còn tôi đâu phải là thầy của người ta, chuyện nhỏ như vậy mà cũng giận nữa sao? Thôi mở máy xe đi!

Ông Lũy lái xe trên đường đi Rạch Giá.

Theo đây, nhắc đến chiếc xe đi sau, gần đến chợ Mông Thọ thì xe bị nổ vỏ, xe giảm tốc độ và ngừng lại được thì đúng ngay trước cửa cô chủ quán. Ông Phan Thành Vọng lo sợ vì biết không có vỏ nào khác để thay, như vậy là phải nằm lại đây rồi, ông Vọng ngó trước, ngó sau, trông có xe nào về Rạch Giá hoặc trở lại Long Xuyên để vá vỏ xe, ông lo lắng chạy tới chạy lui.

(*) Ai mà biết ông Vọng, thì hiểu với bộ tướng của ông trông phải tức cười, bởi ông là võ sĩ, khi nói chuyện hay ra bộ tịch.

Lúc nầy cô chủ quán trông thấy có chiếc xe xẹp vỏ đang dừng trước quán của cô thì cô mới bước ra gọi ông Vọng:

-Nè ông! Hồi nãy có anh Thanh niên, dừng xe tại đây, anh có gởi cho tôi một bánh xe và bảo tôi, khi nào có chiếc xe hư vỏ ngừng tại đây thì lăn bánh xe này ra cho họ đặng lấy tiền công. Vậy có phải chiếc xe của ông hay không?

Ông Phan Thành Vọng nghe nói vậy thì giật mình, ông châu mày lại, vội vàng hỏi người Thanh niên đó ra sao? Cô chủ quán mới trả lời rằng:

-Anh nầy rất đẹp trai, trắng cao ráo và tóc để gần ngang vai. Ông Vọng vô cùng mừng rỡ:

-Vậy là Thầy của tôi rồi! Sao Thầy tôi biết mà gởi bánh xe cho cô!

Ông vội lăn bánh xe, thay xong, ông lấy tiền trả công cho cô chủ quán. Cô chủ quán nói:

-Thưa ông! Tôi đâu có công cán gì mà lấy tiền của ông, nhưng tôi có điều thắc mắc xin ông giải đáp cho, anh Thanh Niên kia còn trẻ, ông thì lớn tuổi hơn, mà ông nói ông đó là Thầy của ông, theo tôi thấy Thầy chùa thì cũng không phải Thầy chùa, Thầy thuốc thì cũng không phải Thầy thuốc. Vậy chớ ông đó là Thầy gì của ông?

-Cô à! Từ trước tới giờ cô có nghe nói đến ông Tư Hòa Hảo chưa? Đức Thầy của chúng tôi mà người đời thường gọi là ông Tư Hòa Hảo đó! Tôi là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là đệ tử của Đức Thầy chúng tôi!

-Vậy sao? Tôi đã nghe lừng danh ông Tư Hòa Hảo mà tôi chưa biết mặt, đến hôm nay mới có cơ hội cho tôi được biết mặt Ngài; nhưng thưa ông, vậy chớ ông Tư đi đâu vậy?

-Thầy tôi đi thuyết pháp Khuyến Nông ở Rạch Giá.

-Thưa ông! Như tôi có thể được đến nghe thuyết pháp chăng?

-Đó là điều tốt lắm chứ! Chúng tôi còn phải cổ động bà con đi nghe Thuyết pháp, nếu cô muốn đi nghe thì sáng sớm ngày mai, tôi sẽ ra đây đón cô đi nghe, để tôi đền ơn cô giữ bánh xe cho tôi.

-Nếu được như thế thì may cho tôi quá.

Nói xong ông từ tạ cô chủ quán, lên xe tiếp tục đi mà lòng của ông phát sinh cảm tình sâu xa với cô chủ quán. Khi đến nhà riêng của Bác Sĩ Trần Lũy, ông gặp lại Đức Thầy, chắp tay xá Ngài và tường thuật lại câu chuyện, ông nói tiếp:

-Thầy ơi! Nếu không có bánh xe Thầy gởi, thì giờ này tụi con cũng còn ở nơi đó, chớ làm sao gặp được Thầy!

Đức Thầy cười, Ngài bước đến vỗ vai ông mà rằng:

-Chuyện có một chút vậy mà ông cũng đem lòng thương!

Rồi Ngài tiếp:

-Tôi cho ông biết nghe! Thương cũng khổ, mà ghét cũng khổ đó nghe! Hai cái thương, ghét đều khổ cả.

-Cô đó có cảm tình quá mà không thương sao được Thầy!

Đức Thấy mới nhấn mạnh:

-Thương cũng khổ, mà ghét cũng khổ.

Rồi Ngài tiếp tục giảng thuyết cho mọi người cùng nghe, riêng ông Bác Sĩ Trần Lũy và ông Phan Thành Vọng thì thắm thía gật gù suy nghĩ qua bài Pháp vô thượng của Đức Thầy.

Theo lời hứa, sáng hôm sau, ông Phan Thành Vọng lái xe ra Mông Thọ rước cô chủ quán vô Rạch Giá. Tại sân vận động, người ta đến nghe Pháp thật là đông. Sau buổi thuyết pháp Khuyến Nông, mọi người tan dần ra về, còn cô chủ quán được theo đến nhà riêng của Bác Sĩ Trần Lũy. Lúc đó cơm nước mới dọn ra, Đức Thầy chưa kịp dùng, thì cô chủ quán đến. Thầy đưa mắt hướng về cô chủ quán với ánh mắt vô cùng từ dịu và lời nói ôn tồn, Thầy hỏi:

-Hôm nay cô đến đây, có muốn bàn thêm việc gì và cô cần việc chi?

Cô chủ quán chắp tay thưa:

-Bạch Thầy! Con đến xin phép Thầy cho con được quy y.

-Quy y tu hành là điều tốt! Cô hãy đến trước ngôi Tam Bảo, tôi đọc như thế nào thì cô đọc theo như vậy, rồi y theo đó mà tu.

Sau khi làm lễ phát nguyện quy y cho cô rồi, Đức Thầy kêu ông Bác Sĩ Lũy bảo cho cô chủ quán một bức Trần Dà, một quyển sách nhỏ rồi dặn cô về coi theo đó mà tu. Xong rồi, nhưng thấy cô do dự, như còn cần thêm điều gì, thấy thế Đức Thầy hỏi:

-Cô có cần thêm gì nữa, cô cứ nói.

-Bạch Thầy! Hôm nay quy y theo Phật là một điều hết sức may mắn cho con, còn riêng thân tộc của con, chưa ai biết đạo đức chi cả, họ đang sống ở Chợ Lớn Bình Tây, có cách nào chuyển họ đến diện kiến với Thầy để họ được quy y theo Thầy.

-Thôi! Phần của cô, cô lo, còn phần của giòng họ để giòng họ lo, cô nên nhớ, đầu ai chí nấy, cô khỏi phải bận tâm lo cho người ta. Làm việc giác ngộ cho đời là tốt đó. Tôi nói cho cô biết, cả thân tộc của cô, họ không chịu quy y theo tôi đâu, họ nói, chừng nào tôi nói được tiếng Tàu thì họ mới chịu quy y theo tôi.

Cô chủ quán suy nghĩ, tại sao Đức Thầy biết rõ giòng họ của mình và mình là người Tàu. Cô cáo từ ra về, thẳng đường cô đi luôn về Chợ Lớn.

Gặp thân nhân cô tường thuật lại việc đã xảy ra, và khuyến khích mọi người nên theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Họ trả lời với cô: “Họ có nghe nói đến Đức Thầy lâu rồi, nhưng tất cả đều cho Thầy là người không có học nhiều, tuổi trẻ, sức hiểu biết chưa chắc gì bằng được họ, và họ còn nói, chừng nào Thầy nói đươc tiếng Tàu là họ chịu quy y theo Ngài”.

Cô chủ quán với một lòng tha thiết kêu gọi hãy cứ đến gặp Đức Thầy một lần thôi rồi có theo Đạo hay không theo cũng không sao. Cuối cùng, bởi nể lời trong thân tộc, họ miễn cưỡng đồng ý đi đến gặp Đức Thầy.

Dẫn đầu trong đoàn 17 người là ông tên Nghí, họ tiến về xã Hòa Hảo. Dường như sẵn có túc duyên với Phật, nên Đức Thầy có dịp ghé lại Tổ Đình trên chuyến đường đến Tân Châu Thuyết Pháp. Họ đến nơi thì Thầy từ Tổ Đình bước ra, Ngài chắp tay cúi đầu, người đi đầu là ông Nghí, tay ôm nhang đèn cũng như họ đi cúng chùa vậy. Sau đó Đức Thầy đứng xuôi tay nhìn thẳng về phía họ, ôn tồn Ngài nói một tràng dài tiếng Tàu. Ai nấy nghe xong, ông Nghí buông nhang đèn xuống đất, quỳ lạy Đức Thầy giữa lộ nhiều lạy đến khi Thầy kịp đỡ họ dậy và mời họ vô nhà, trao đổi câu chuyện hồi lâu, tất cả đều xin quy y theo Thầy. Riêng ông Nghí xin được ở lại với Đức Ông một thời gian và sau đó ông đem cả gia đình về lập nghiệp tại xã Hòa Hảo. Ông Nghí cũng là một người Tàu rất thân với Đức Ông thân sinh của Đức Thầy.

PHẦN NHẬN XÉT:

Tâm của một vị chứng đắc, tình thương lúc nào cũng ban rải khắp mọi nơi, tùy duyên mà hóa độ cho muôn loài. Đức Thầy biết rõ tâm tính của người Tàu, có sự tự hào về chủng tộc cũng như ngôn ngữ, muốn cho quy phục Phật Pháp thì Ngài phải dùng ngôn ngữ của họ. Ngài không phân biệt chủng tộc, dưới mắt của Ngài, mọi người, mọi sinh vật đều bình đẳng, Ngài nhìn cái tâm, cái Phật tánh đồng nhất thể của mọi loài.

Người ta lấy làm lạ giữa sự đối đáp của Đức Thầy với nhóm người Tàu, tại sao mới chỉ mấy câu nói của Ngài mà làm cho tất cả những người Tàu này đều quỳ lạy tín phục, trong khi Ngài là một người hết sức trẻ tuổi và thật là quá xa lạ đối với họ.

Nguyên khi được cô em gái cho biết là đã có vị Phật ra đời, kêu gọi họ quy y tu hiền theo Phật Đạo, thì trong nhóm mới thảo luận với nhau: “Mình đã có Đạo Nhân của Đức Khổng Tử, vang danh khắp thiên hạ, hơn thế nữa, đạo Nhân đã ra đời từ lâu thì cần gì học theo Đạo Phật. Họ cho đạo Nhân đã quá đủ rồi và còn hơn cả đạo Phật, tại sao lại phải bỏ cái cao để đi tìm cái thấp, chỉ vì nể tình cô em gái mà cùng nhau đến gặp Đức Thầy”.

Nhưng khi gặp Đức Thầy rồi, lời nói đầu tiên của Ngài đã giải tỏa cho họ cái cao ngạo, dị biệt cố hữu ở trong lòng và cùng lúc Đức Thầy vạch rõ cho họ con đường Phật Đạo mà họ cần thiết phải bước đi, và chỉ có con đường duy nhứt nầy mới mong đạt được quả vị Phật, mới thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Ngài thấu hiểu tâm tư, giải đáp tất cả uẩn khúc trong lòng họ cùng một lúc, trong khi họ chưa một lần mở lời cùng Ngài, thì thử hỏi làm sao họ lại không tín phục cho đặng.

Chúng ta đã theo Phật Đạo, tức là chúng ta theo con đường của Phật đã đi qua, chắc ít nhiều gì hành giả cũng rõ biết đâu là túc duyên với Phật Pháp. Kể từ chuyện Đức Thầy biết rõ xe của ông Phan Thành Vọng bể vỏ trước quán của cô gái người Trung Hoa mà cô và tộc họ của cô có túc duyên cùng Ngài, họ sẽ quy y theo Đạo Phật.

Ngài biết rõ con đường của chúng sanh đang đi và sẽ đi và với Lậu Tận Thông thì Ngài hiểu rõ từ nhiều tiền kiếp những người Tàu này đã có duyên nghiệp cùng Ngài, nên Ngài đã ra công độ cho họ vậy.

Duyên lành rõ được Khùng Điên,

Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần.

(Viếng Làng Mỹ Hội Đông) SG TT TB Trang 243

Mẩu chuyện được chép từ băng nhựa theo lời thuật của Tu Sĩ Nguyễn văn Điềm.

(*) Ông Phan Thành Vọng người gốc Rạch Giá, sau khi Đức Thầy ra đi. Ông về ở Long Xuyên. Ông Vọng có lập Đại Đội Bổ Túc ở Long Xuyên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn