Mẩu chuyện số 27 - PHẬT, LÃO, NHO

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45313)
Mẩu chuyện số 27 - PHẬT, LÃO, NHO

O

ng Cả Đào Thành Đô, Hương cả làng Tân An, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc là một nhà nho uyên thâm. Ông cả Đô nặng lòng ái quốc ưu dân, gặp cảnh nước mất nhà tan, ông luôn thao thức trước tiền đồ Tổ Quốc. Ông mượn chức vị Hương cả, đứng đầu Ban hội Tề làng Tân An làm bình phong để tiện bề hoạt động theo ý muốn. Ông cả có sắm chiếc ghe hầu bốn bổ chèo. Khi có việc lên quan xuống huyện, ông xuống ghe bảo gia nhân chèo đưa ông đi. Ông mượn phương tiện nầy chu du khắp Hậu giang, Tiền giang để tìm người tri âm, tri kỷ. Ông cả chẳng những thông suốt Tứ Thư, Ngũ Kinh của Khổng Mạnh mà còn am hiểu về đạo Phật, đạo Lão nữa. Sĩ phu trong vùng đều nghe danh ông Cả. Ông thường lui tới vấn đáp họa thơ với các nhà nho như Năm Di, Bảy Hinh v.. .v.. .

Ngày kia ông Cả nghe Đức Thầy mở Đạo dạy đời ở Hòa Hảo. Đức Thầy có biệt tài trị bịnh bằng giấy vàng nước lã mà bịnh chi cũng lành. Ngài cũng có đặc tài cải tử huờn sanh, làm chấn động y giới lúc bấy giờ.

Ông cả Đô nhớ lại giữa thế kỷ trước, tức thế kỷ mười chín, ở miền Tây Nam Việt nầy đã có Đức Phật Thầy Tây An cứu đời, cũng bằng phương pháp tương tợ như Đức Thầy đang áp dụng ngày nay. Cùng với chuyện lạ ở làng Hòa Hảo mà ông được nghe từ bữa tiệc liên hoan có thịt chim ở quận đường Tân Châu, nên ông quyết đến Hòa Hảo để dò xem hư thực.

Chỉ mới lần đầu đến yết kiến Đức Thầy mà Ngài tỏ ra am hiểu nhiều về ông Cả. Ngài ôn tồn nói:

-Mừng ông Cả Tân An mới đến, mời ông ngồi.

Nếu ai để ý một chút cũng đều thấy Đức Thầy bình đẳng tuyệt đối. Với bất cứ ai cũng vậy, Ngài không chút gì tỏ ra kẻ trọng người khinh, Ngài đối xử giống nhau với hết thảy mọi người đến viếng Ngài. Có điều đặc biệt là gặp ai Ngài cũng biết tất cả, biết rõ họ tên và chỗ ở nữa. Đức Thầy tiếp tục hoằng Pháp độ sanh, trong hàng thính giả bây gờ có thêm ông Đào Thành Đô. Ông cả làng Tân An cũng chú ý ngồi nghe Đức Thầy Thuyết Đạo mà quên mõi mệt, và ông nghĩ rằng bình sinh mình chưa từng gặp Thiền sư hoặc Pháp sư nào có biện tài như Đức Thầy. Thật là danh bất hư truyền.

Về Nhơn đạo, Ngài khuyên ai nấy học theo Khổng Mạnh, cư xử với nhau. Trai thì giữ trung hiếu, gái thì lo tròn tiết hạnh. Đức Thầy chỉ dạy một cách rành mạch lớp lang làm cho ông Đào rất khâm phục. Có lúc ông Đào muốn đứng lên vỗ tay hoan hô tán thán lời Thuyết Pháp lỗi lạc của Đức Thầy, nhưng ông Đào trấn tĩnh ngồi yên theo dõi. Kế Đức Thầy tạm ngưng thuyết Pháp, Ngài xoay sang trị bịnh, bởi lúc bấy giờ có lắm bệnh nhơn chờ đợi thôi kể sao cho xiết.

Bịnh thì ung thư nội ngoại, người đau gan kẻ lại đau tim, đau huyết vận, thổ tả, loạn thần kinh cũng có, lắm bịnh đã đi tới Bác sĩ, các danh y đương thời đều cho là nan y. Thế mà khi chở đến Đức Thầy chỉ dùng giấy vàng, nước lã cho bịnh nhơn uống, kỳ diệu thay, hết thảy đều được Ngài cứu khỏi, được lành mạnh rồi về nhà.

Có lần Đức Thầy nói:

-Có bà con cho rằng tôi lên cơn khùng, người đời nói thế cũng phải. Bởi trước cảnh chết của chúng sanh sông máu, núi xương, tôi biết mà không khùng sao được. Vậy tôi cũng nên nói tiếp chuyện tôi phát khùng, rồi mùa Thu năm nay (1939) bắt đầu trên thế giới từ Âu sang Á, vì danh lợi mà nhơn loại tương tranh chủ nghĩa, họ gây ra cảnh máu đổ thịt rơi, cha lìa con, vợ mất chồng, đệ huynh ly tán, cảnh tóc tang bi thảm, kể sao cho xiết.

Ngài ngâm một đoạn Sấm giảng:

Mèo kêu bá tánh lao xao,

Đến chừng Rồng Rắn máu đào chỉnh ghê.

Con Ngựa lại đá con Dê,

Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.

Khỉ kia cũng bị xáo xào,

Canh khuya Gà gáy máu đào mời ngưng.

(Quyển 1Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm)

Đức Thầy nói thêm:

-Bà con nên biết, đến đó canh khuya gà gáy chiến tranh tạm ngưng chứ chưa dứt. Ấy cũng bởi nhân háo sát nên phải chịu quả tận tiêu, và khi lòng từ bi của Phật Tổ nơi cõi trung ương cho Phật mở đạo cứu đời, thì đồng thời cũng cho mở bốn cửa Trời, sai hung tinh xuống thế tạo ra các thứ dữ để tiêu diệt kẻ hung. Bởi đó họ ngưng tiểu chiến tranh để chuẩn bị đại chiến tranh. Hẳn bà con còn nhớ chuyện Phong Thần, khi trận Tru Tiên kết liễu, chết tất cả là bao nhiêu, nhưng phải đợi đến trận Vạn Tiên, cái chết ôi thôi vô số. Đến đó mới dứt cuộc đại loạn của thời mạt Thương, qua kỷ nguyên nhà Châu hưởng tám trăm năm an lạc.

Nói đến đây Ngài ngâm lên một đoạn kệ trong quyển thứ nhì:

Khắp thế giới cửa nhà tan nát,

Cùng xóm làng thưa thớt quạnh hiu.

Bấy lâu nay nuôi dưỡng chắt chiu,

Nay tận diệt lập đời trở lại.

Khắp thế giới biến vi thương hải,

Dùng phép mầu lập lại Thương Nguơn.

(Quyển 2 Kệ Dân Của Người Khùng)

đoạn Ngài thuyết tiếp:

-Bởi tôi biết cái chết của chúng sanh như thế, vì quá thương thảm cho chúng sanh mà tâm trí tôi dường thể điên khùng.

Kế Đức Thầy xoay qua ông cả Đô, Ngài hỏi:

-Ông Cả Tân An hôm nay muốn hỏi tôi về Lý Tâm Truyền của tôn giáo phải không?

Ông Đào chưa kịp nói thì Đức Thầy nói tiếp:

-Ông Cả nên biết, từ cổ chí kim, khi các vị Giáo chủ ra đời lập giáo đều có chủ thuyết của riêng mình. Muốn được truyền bá chủ thuyết ấy, theo không gian và thời gian bất diệt, gồm có ba yếu tố chính:

1-Phải được thầy khẩu truyền.

2-Phải được trợ tâm đắc.

3-Sau hết thầy mới tâm truyền.

Về Giáo chủ Phật đạo, do Đức Thích Ca Mâu Ni khai sáng, lấy chân không tịch diệt tức là Chánh Pháp Nhãn Tàng Niết Bàn Diệu Tâm làm Tông. Trước khi tịch diệt, Phật Tổ truyền cho Ca Diếp tại Linh Thứu Sơn. Sau đó Ca Diếp truyền xuống ba mươi hai đời Tổ do đó mà đạo Phật trải qua hơn hai ngàn năm rồi mà vẫn còn được thạnh hành.

Đức Thầy giảng tiếp:

-Về Giáo chủ Đạo Tiên là do Lão Tử mở đầu. Trong thời của Ngài, đạo lấy Hư Vô Thanh Tịnh làm Tông, nhưng vì thiếu tín đồ tâm đắc, nên Ngài Lão tử phải truyền qua văn tự, viết bộ Đạo Đức Kinh trên năm ngàn lời. Cho đến một trăm năm sau, Trang Tử học Đạo Đức Kinh được tâm đắc, sẽ được tâm truyền. Trang tử đã làm cho Lão Tử học thuyết vang tiếng một thời và được truyền mãi mãi đến ngày nay.

Kế Đức Thầy thuyết về Đạo Nho:

-Về Giáo chủ Đạo Nho, do Khổng Tử chủ trương, lấy Nhất Quán làm chánh Tông. Phu Tử truyền cho Tăng Sâm, Tăng Sâm mới truyền cho Khổng Cấp là con Khổng Lý, tức cháu nội Đức Khổng Tử. Khổng Cấp tâm truyền cho Mạnh Kha tức Mạnh Tử, do đó mà Đạo Nho được truyền bá cho đến ngày nay.

Đến đây Đức Thầy tạm ngưng để dùng bữa. Trong hàng thính giả hôm ấy được dịp bàn tán sôi nổi, họ thầm phục tài biết nhiều hiểu rộng của Đức Thầy, bởi Ngài chỉ có hai mươi mốt tuổi đời, mà bác lãm quần thơ, suốt thông Tam Giáo. Cuối cùng ai cũng nhận Đức Thầy là bậc Sanh Nhi Tri.

Riêng ông cả Đào Thành Đô, từ khi được Đức Thầy gọi cho tới khi Ngài dứt lời để dùng cơm, ông Đào dường như bị phép định thân, ông ngồi yên như một pho tượng, cho đến khi số người nghe Pháp ra về gần hết, bấy giờ ông Cả mới đứng lên đi thẳng xuống ghe hầu.

PHẦN NHẬN XÉT:

Ông cả Đô tuy là một nhà Bác Lãm Nho Gia, nhưng khi diện kiến Đức Thầy, được nghe lời thuyết giảng của Ngài cũng phải hết lòng kính phục. Mà không phục làm sao được? Xưa nay người chuyên học Phật thì rành Đạo Phật, người học Nho thì am hiểu về nho là lẽ thường của thế sự, nhưng ở đây Đức Giáo Chủ lại khác hẳn với kẻ phàm tình. Nghĩa là Bác Học Nhi Tri, quán thông mọi lẽ. Chẳng những quán thông mọi lẽ theo thế trí biện thông của hàng hữu học, mà lại còn thấu triệt cơ huyền cả vũ trụ càn khôn. Nếu không phải là Phật thì còn ai mà bác lãm như thế nầy? Đọc qua về chữ Khùng mà Ngài đã đề cập đến, ta thấy chỉ có lòng từ bi của bậc Đại Giác mới có tình thương sâu rộng thế kia. Tu hàng nhị thừa cũng không có được đức từ bi thế ấy. Điểm nầy Ngài cũng biểu lộ ở câu:

Thương quá sức bắt cuồng tâm não,

Quyết cứu đời dùng Đạo phổ thông.

(Đến làng Nhơn Nghĩa)

Về việc tiên tri của Ngài, ta thấy ở quyển Nhứt (1939), khởi đầu Đệ Nhị Thế Chiến năm Mèo cho tới hai quả bom Nguyên tử của Đồng minh dội xuống nước Nhựt để chấm dứt chiến cuộc ở tháng Tám năm Dậu:

canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng.

( Sấm Giảng Quyển 1)

Đây chỉ mới ngưng mà thôi, sau cuộc tổng kê con số chết của cuộc chiến hai phe Đồng Minh và Phát Xít từ năm Mẹo tới năm Dậu, nghĩa là từ đầu đến cuối Đệ Nhị Thế Chiến, con số chết trên năm mươi triệu dân:

Lật qua các báo mà coi,

Thấy con số chết có mòi kinh nguy.

(Khuyến Nông)

Nhưng Ngài còn cho biết thêm, đó chỉ là tiểu thế chiến mà thôi. Bởi cơ tận diệt của Lý Tam Nguơn, thì đây khúc cuối của Hạ Nguơn, nên phải có một cuộc tẩy trần để lập lại Thượng Nguơn Thánh Đức. Để sáng tỏ vấn đề hơn, Ngài còn cho biết, vào cuối đời Thương khi chư Tiên lập Bảng Phong Thần, chỉ nội trận Tru Tiên mà chết vô số kể. Thế mà còn chưa hết, phải chờ đến khi Thông Thiên Giáo Chủ lập trận Vạn Tiên, con số chết còn thê thảm gấp mấy lần. Bấy giờ Hồng Quân Lão Tổ mới ra cứu vớt và chấm dứt chiến cuộc đời Phong Thần.

Đọc chuyện trên ta thấy cơ nghiệp của nhà Châu được dựng chỉ có tám trăm năm mà còn phải trải qua một cuộc chết chóc hãi hùng, huống chi đây là cuộc Đại Tam Tai của buổi tận Hạ Nguơn, lọc lừa người hiền trở về với nguơn Thánh Đức, đâu phải là chuyện tầm thường. Nhưng có điều rất hân hạnh cho ta là, chúng ta đã được Đức Thầy vâng sắc lịnh của hai vị Phật Tổ lâm phàm, đã báo trước cho ta biết rằng đây sắp đến ngày tận diệt, những tai họa hãi hùng và chỉ đường cho ta thoát khổ, mà con đường đó là con đường thẳng, tắt dễ đi, đó là đường về Tịnh Độ, đường an lành xác thể, dầu sóng gió dập dồn.

Thời giờ có hạn, chúng tôi xin miễn bàn việc truyền giáo của Khổng Mạnh và Lão Trang, mà chỉ kết thúc lại ở ba yếu tố căn bản mà mỗi người học đạo nào cũng phải được mới đạt đến kết quả hoàn mãn:

1-Được khẩu truyền.

2-Tâm đắc.

3-Mới được Thầy tâm truyền.

Chúng ta hãy bình tâm mà xét lại, về khẩu truyền thì hiện nay mỗi người chúng ta tuy không trực kiến với Đức Thầy để lãnh lấy khẩu giáo của Minh Sư, nhưng cũng được phúc duyên mà tiếp nhận toàn bộ giáo lý của Ngài, thì đó là ta đều được tiếp nhận khẩu truyền của Ngài rồi đấy.

Tâm đắc, về điểm nầy nó thuộc bản tâm, nên phải đòi hỏi ở mỗi bản ngã tự mình biết lấy, nghĩa là khi mình học giáo lý của Thầy mình thì tự tiếp nhận và trau sửa được những gì. Nếu điều nào chưa làm được thì phải nổ lực thiệt thi cho bằng được ở bản tâm mình. Nếu được hai điều ấy rồi thì sẽ kết quả là Thầy mình tâm truyền cho mình vậy. Cũng như Phật Thích Ca đã tâm truyền cho Tổ Ca Diếp, và Tổ Ca Diếp tâm truyền cho Tổ A Nan.

Tóm lại học Giáo lý là khẩu truyền và hành Đạo là Tâm Đắc, mà được Thầy Tâm Truyền thì kết quả chứng đắc vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn