Mẩu chuyện số 54 - CÁI DŨNG CỦA THÁNH NHÂN

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43446)
Mẩu chuyện số 54 - CÁI DŨNG CỦA THÁNH NHÂN

M

ẩu chuyện nầy phát xuất từ năm 1946. Lúc đó là lúc Đức Thầy đang lưu trú tại chiến khu miền Đông. Bấy giờ ông Lê Trường Sanh làm tổ trưởng tiểu đội tình báo, thường ở sát theo Đức Thầy.

Hôm đó Đức Thầy hội nghị suốt buổi chưa về. Ở nhà tới bữa cơm chiều, anh em chừa riêng cho Ngài phần cơm, đựng trong cái thau nhỏ và một con khô sặc rằn.

Vị trí đóng quân cập theo bờ kinh nhỏ, xuồng đậu sát mé, tối lại, anh chiến sĩ có trách nhiệm đi chung xuồng với Đức Thầy, để thau cơm ấy xuống khoang. Tuy ở trên đã có vạc sạp, nhưng anh còn kéo thêm tấm ván lót xuồng, vừa dài, vừa nặng, dằn một đầu lên tấm sạp, vì sợ chuột ăn thau cơm. Còn anh thì lật nóp ngủ đàng sau lái xuồng, chiếc xuồng đậu ghim mũi vào bờ, số anh em khác nằm dọc theo bờ kinh. Ông Lê Trường Sanh thì nằm gần xuồng của Đức Thầy hơn hết.

Đêm ấy trời rất trong, trăng tỏ sáng choang, vào lối 11 giờ đêm, thì Đức Thầy đi hội nghị mới về. Anh chiến sĩ gác giờ đó, lơ đễnh hay là ngủ gục, nên Đức Thầy về tới mũi xuồng mà anh không hay. Nhưng ông Lê Trường Sanh mới nằm mơ màng, ông nghe tiếng người đi, bèn hé mí nóp dòm thử, thì thấy Đức Thầy đã ngồi xuống mũi xuồng.

Sự việc đã lỡ, ông Lê Trường Sanh nằm, giả vờ không hay, song cặp mắt của ông thì luôn luôn theo dõi từ cử động của Ngài. Ông Lê Trường Sanh thấy Đức Thầy ngồi tại mũi xuồng, hai tay nắm vào đầu tấm ván, bưng để lên trên bờ kinh coi nhẹ nhàng như là để cây dầm, đoạn rồi Ngài dỡ vạc lấy thau cơm. Ngài dùng cơm như thường lệ, nhưng chỉ ăn nửa con khô sặc mà thôi. Còn lại nửa con thì Ngài gở xương sạch sẽ rồi úp xuống dĩa, đậy cái chén lên, để cái thau cơm xuống khoang xuồng, lót vạc sạp lại và hai tay bưng tấm ván để xuống như cũ, rồi Ngài rút cái nóp lên bờ nằm ngủ. Mọi cử động của Đức Thầy thật là hết sức nhẹ nhàng, đến đỗi anh chiến sĩ ngủ sau lái xuồng cũng không hay. Có lẽ Đức Thầy sợ làm động mất giấc ngủ của anh em binh sĩ.

Sáng lại trước khi đi hội nghị, Đức Thầy kêu ông Lê Trường sanh nói:

-Hồi hôm tôi cố ý làm cho anh gác không hay, chớ không phải tại anh gác ngủ quên đâu.

Đó rồi Ngài mới đi hội.

Đức Thầy đi rồi ông Trường Sanh mới tập trung anh em hết lại, kêu anh gác giờ đó mà cảnh cáo. Rồi bảo mỗi anh em bưng thử tấm ván như động tác của Đức Thầy hồi hôm coi nổi không? Mỗi người đều thử sức, nhưng không ai bưng nổi cả, cho đến hai người hiệp lại cũng không sao cất lên. Bởi tấm ván ngựa ấy dài 2 thước năm, bề ngang 5 tất và dầy 5 phân, một người đứng ngay chính giữa cặp nách lên mới nổi, chớ ở một đầu thì không sức nào cất lên được.

Đoạn rồi ông Sanh thuật rõ Đức Thầy dùng cơm cho anh em nghe. Nhứt là bữa ăn của Ngài, vừa kỹ lưỡng nhẹ nhàng, vừa tiết kiệm, còn sức khỏe thì như thế đó.

Câu chuyện nầy thuật theo lời của ông Lê Trường Sanh.

PHẦN NHẬN XÉT:

Thời nào người đứng ra lãnh tụ khối quần chúng, hẳn nhiên phải có đủ tài đức và gương mẩu, người ta mới đặt niềm tin và thực hành theo.

Câu chuyện trên, qua đức độ và sức khỏe của Đức Thầy mà ông Lê Trường Sanh đã chứng kiến, chúng ta có thể rút ra những bài học đáng kể:

Thứ nhứt là từ vị trí họp trở về, Ngài không muốn làm mất giấc ngủ của anh em binh sĩ, nên mọi cử động của Ngài rất nhẹ nhàng, đến đỗi làm cho anh gác giờ đó không hay, thật là tình phụ tử chi binh.

Điểm thứ hai là Đức Thầy biết rõ là lúc về tới xuồng anh gác không hay, mà ông Lê Trường Sanh còn thức, thì sáng lại anh gác thế nào cũng bị phạt nặng, vì kỷ luật của quân sự rất nghiêm khắc. Cho nên sáng ra trước khi đi họp, Đức Thầy kêu ông Trường Sanh nói: “Hồi hôm tôi cố tình làm cho anh gác không hay, chớ chẳng phải anh ta ngủ quên”. Thật là chu đáo làm sao, vừa làm cho ông Sanh biết rằng hồi hôm ông còn thức, mà giả vờ ngủ. Đức Thầy thông hiểu và làm cho anh gác chỉ bị cảnh cáo chớ không bị phạt nặng.

Điểm thứ ba là sự ăn của Đức Thầy, ăn để mà sống, chớ không phải sống để mà ăn, đành rằng chế độ ăn của mỗi người trong thời ấy, chỉ một con khô sặc, cấp chỉ huy cũng thế, nhưng Ngài rất tiết kiệm, chỉ ăn với nửa con khô mà thôi, phân nửa còn lại, Ngài gở xương kỹ lưỡng. Tuy việc nhỏ nhưng gương hạnh cho mọi người noi theo.

Điểm thứ tư là về sức mạnh của Đức Thầy như trong cậu chuyện vừa kể, ở đây thay vì bình luận, chúng tôi xin kể thêm một chuyện khác do một chiến sĩ trong quân đội thời ấy kể lại:

Hôm nọ trong vị trí đóng binh, cũng ở miền Đông khoảng 5 giờ sáng, bộ đội chưa kịp cơm nước, bỗng được tin quân Pháp bao vây bằng phi cơ và bộ binh. Chúng đông gấp 5 lần quân ta, thế là liền trong giờ đó quân ta phải rút ra khỏi vòng vây.

Được lịnh, ai nấy đều lo ba lô súng đạn lên vai, khởi hành. Riêng Đức Thầy chỉ vác một bao gạo khoảng 60 ký lô. Nhiều người ngạc nhiên, tự hỏi sao Ngài không vác gì quý hơn bao gạo, nặng quá, đoạn đường khá xa, đoàn quân phải vượt qua khoảng sình lầy, ai cũng bước từng bước, nhảy cho đúng lên góc lúa Trời, nếu trịch một chút bị sa xuống lầy lún sâu tới vế, khó bườn lên đặng.

Đoàn người phải vất vả lắm mới được đến ẩn trú trong cụm rừng tràm. Bấy giờ ai nấy đều đói và mệt lả, kẻ thì ngồi dựa gốc tràm, người thì nằm dài ra thở. Còn Đức Thầy để bao gạo xuống xem vẻ tự nhiên, không mệt nhọc gì hết, gương mặt tươi cười đi khắp vòng quân, thăm hỏi anh em, đoạn Ngài phân phát số gạo cho từng tiểu đội nấu cháo đỡ lòng.

Lúc anh em binh sĩ vừa húp chén cháo nóng, vừa tán thán. Nếu không có cái thấy biết chu đáo và sức khỏe của Đức Thầy thì tụi mình bị chết đói liệt ở đây, chớ ai tiếp tế kịp.

Quân Pháp lùng bố tới hai giờ chiều mới rút, đoàn quân liền trở về vị trí an toàn.

Qua mẩu chuyện chúng tôi vừa kể và có một vài nhận xét, mong rằng anh chị em đồng đạo chúng ta bình tĩnh lắng nghe từ cốt chuyện, từ lời nói. Tuy rằng trong mỗi chuyện có vài câu nói ngắn, một lời dạy dỗ vắn tắt của Đức Thầy, nhưng trong đó hàm chứa bao nhiêu ý nghĩa, nói lên bao nhiêu lời khuyến khích dạy dỗ nhân sinh, nhứt là toàn thể anh em đồng đạo. Chúng ta biết rằng trong quyển Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ của Ngài có biết bao nhiêu lời lẽ, biết bao nhiêu giáo lý pháp môn để chúng ta thực hành theo. Tuy nhiên qua những lời dạy ngắn gọn mà Đức Thầy còn nói riêng cho những anh em đồng đạo có dịp gần gũi bên Ngài, rồi được họ thuật lại và sau khi nghe những câu chuyện ấy, chúng ta nên suy nghĩ câu nào đúng chơn lý, câu nào đúng theo lẽ phải, thì chúng ta cố gắng kinh nghiệm thêm để áp dụng đời sống tu hành của mình. Chúng tôi thiết nghĩ cũng không kém bổ ích.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn