Mẩu chuyện số 15 - CHUYỂN ĐIỂN LÀNH

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44801)
Mẩu chuyện số 15 - CHUYỂN ĐIỂN LÀNH

N

ăm Bính Tuất (1946), Đức Thầy ở Miền Đông về Sài gòn, để vận động duy trì nền độc lập, vì thực dân Pháp đang thực thi tái chiếm Miền Nam lần thứ hai.

Một hôm được thư của Nguyễn Bình xin diện kiến Đức Thầy. Xem xong Ngài hồi âm chấp thuận, và ghi rõ ngày giờ, địa điểm hội kiến. Theo sự hướng dẫn trong văn thư hồi âm của Đức Thầy, Nguyễn Bình và phái đoàn đến địa điểm một cách dễ dàng.

Sáng hôm ấy khi tiếp đón Nguyễn Bình và phái đoàn y xong. Đức Thầy phân ngôi chủ khách và trà nước đãi đằng. Nguyễn Bình mở đầu câu chuyện:

-Thưa ông Tư, tôi có vài điểm muốn hỏi ông, vậy có điều chi sơ xuất, xin ông thứ lỗi cho.

Thưa ông, theo nhận xét của tôi, kể từ ngày Pháp thuộc đến nay, đất nước ta bị ngoại xâm đô hộ, vì thế nên có biết bao tôn giáo, đảng phái ra đời để mưu đồ độc lập. Họ ra đời trước nên đã gom hết phần tử tinh hoa, chỉ còn lại đa số đều là chất phát, thật thà. Đến nay ông mới ra đời thu thập quần chúng, như vậy quá muộn rồi. Tôi nghĩ một xưởng rèn đúc đồ, có nhiều người vào trước, đã lựa hết sắt thép tốt, còn lại sắt vụn. Ông là người tới sau, tôi không biết ông lấy sắt vụn để làm gì?

-Sự nhận xét của ông rất đúng, việc ra đời của tôi là sau rốt, nhưng không muộn mà lại đúng lúc. Ông có biết đâu tôi có sẵn lò nấu, tôi mới gom lại số sắt vụn này cho hết, chừng ấy tôi sẽ đem nó vào lò nấu, lọc rồi đúc những dụng cụ tinh xảo hữu ích để giúp cho nhơn loại. Nếu ông cứ nhìn vào quá khứ, chưa thực nghiệm hiện tại và tương lai mà vội phê bình thì e có điều sai biệt.

Qua câu trả lời ngắn gọn đầy ý vị siêu nhiên của Đức Thầy, Nguyễn Bình và đồng bọn không thỏa mãn. Sau cuộc biệt đàm của chúng, Nguyễn bình đứng lên hỏi tiếp:

-Thưa ông Tư, câu trả lời của ông làm cho chúng tôi đang thắc mắc, càng thêm thắc mắc. Vậy xin ông có cách nào thực nghiệm để chúng tôi vững niềm tin, chắc đây là sự thực.

Đức Thầy từ tốn đề nghị:

-Nếu quí vị muốn thực nghiệm, cần phải khảo thí cấp tốc.

-Thưa ông Tư, thế nào là khảo thí cấp tốc, và ai mới đủ tư cách dự thi?

-Muốn dự thi cần phải có những nguyên tắc này:

1-Thành lập một Ban Giám Khảo, mỗi bên một hoặc hai vị.

2-Cuộc thi trong thời gian mười phút và đề thi tự do.

3-Bốn hồi kiểng đổ:

a-Báo tin làm bài.

b-Báo tin qua chín phút.

c-Báo tin góp bài thi.

d-Chấm dứt cuộc thi.

4-Khi chấm bài và cho điểm phải được mười điểm là xuất sắc nhứt.

Để tìm cách hạ bệ ông Tư Hòa Hảo, thế là cuộc thi được tổ chức tại văn phòng. Muốn chắc ăn thêm, Nguyễn Bình phát biểu ý kiến:

-Tôi đến đây tất cả mười người, tôi và ông Tư làm Giám khảo, còn chín người kia thi hết cho vui.

Đức Thầy mĩm cười và tỏ lời chấp thuận, liền đó Ngài giục Nguyễn Bình:

-À, sao ông chưa lựa bên tôi một thí sinh để vào thi, vì chín đồng chí của ông đang chờ kia.

Không chút ngần ngại, Bình liền chọn một thí sinh trong số sáu mươi người có mặt, nắm tay dắt lại chỗ ngồi.

Thì ra, anh này là một tín đồ ở Lục Tỉnh vừa đến thăm Thầy, hai hôm trước đây và được Thầy lưu lại. Anh ta quần áo lam lũ, tướng hình cằn cỗi, tóc râu lượt thượt, vẻ mặt sợ hãi, anh nói:

-Bạch Thầy! Bạch Thầy! Con có biết gì đâu mà thi!

-Thầy dạy sao chẳng nghe lời, hãy đến thi đi, biết gì thi nấy.

Anh ta lủi thủi đến chỗ ngồi. Tất cả tín đồ đều lo sợ cho anh chàng thí sinh quá chất phát này mà thi với chín vị thức giả kia.

Bình ngồi thản nhiên không giấu nỗi nụ cười tự đắc.

Đoạn Đức Thầy kéo học tủ lấy ra một mảnh giấy, một bình mực, một cây viết ngòi lá tre trao cho tín đồ đem đến cho vị thí sinh đồng đạo. Bình cũng lo giấy viết cho đồng bọn.

Đến phần Ban Giám Khảo tuyên bố nguyên tắc thi. Đồng hồ nơi bàn chỉ mười giờ, cuộc thi bắt đầu. Kiểng đổ lần một, thí sinh bắt tay vào việc. Bầu không khí lúc này càng sôi động hơn lên, vì tất cả tín đồ ở ngoài đều hồi hộp theo dõi và không ngớt lo sợ cho anh đồng đạo thí sinh của mình có đậu hay không đây?

Khi ấy chín vị thức giả kia đang hân hoan, nét mặt thản nhiên, phát họa thi bài đủ kiểu, duy có anh thí sinh Hòa Hảo thì khoanh tay trước ngực, mắt đăm chiêu nhìn ra cửa, như thả hồn vào cõi hư không. Đã năm phút qua rồi mà anh vẫn ngồi im trong tình trạng ấy. Trên bàn Giám Khảo, Nguyễn Bình đầy vẻ tự đắc, chắc thắng trăm bề khi nhìn diện mạo anh thí sinh Hòa Hảo. Còn Đức Thầy thản nhiên hình như không có gì xảy đến.

Đến phút thứ sáu, bỗng anh chàng thí sinh ấy đứng lên, làm toàn thể mọi người hồi hộp, vì sợ anh bỏ cuộc. Không ngờ anh lại ngồi xuống như cũ và giữ y tình trạng ban đầu. Nếu anh nhắm mắt lại thì trông như một thiền gia ngồi thiền.

Đến phút thứ bảy anh lại đưa thẳng tay lên, mọi người giựt mình vì tưởng đã đầu hàng.

Ban Giám Khảo hỏi:

-Anh muốn gì?

-Xin thêm giấy mực.

Đến phút thứ tám, anh chàng thí sinh tỏ ra rất bình tỉnh và an nhiên.

Tiếng kiểng bắt đầu đổ lần thứ hai, mọi người gần như tuyệt vọng, nhưng bất thần anh trải thẳng mảnh giấy lên bàn, lấy bình mực đổ vào lòng bàn tay, rồi thoa đều lên giấy, đen gần hết mảnh giấy. Sau đó anh đứng lên, xếp giấy lại và mang đến bàn Giám Khảo nạp bài thi, rồi anh ta trở về chỗ cũ xem rất tự nhiên. Thế là mười vị thí sinh hôm nay, chỉ anh chàng thí sinh chất phát này nạp bài lên trước, còn lại chín vị kia ngồi thừ ra, vì chắc chắn mình sẽ thắng cuộc trước anh chàng thí sinh này, nên rất tự hào khinh dễ. Cho nên khi chuông đổ lần thứ ba chín vị mới xem lại bài của mình. Văn sĩ thì bài văn chưa kết luận. Thi sĩ, thì bài thơ bát cú chỉ có thất hoặc lục cú. Họa sĩ, thì vẽ rồng, cọp thiếu gạc, thiếu chân. Nhưng vì nguyên tắc, nên phải đem nạp bài. Góp bài xong Nguyễn Bình đề nghị xét bài nhiều trước, Đức Thầy đồng ý.

Khi xét bài Nguyễn Bình không khỏi ngạc nhiên vì không bài nào được trên năm điểm. Tuy nhiên, ông cũng còn hy vọng thắng cuộc. Đến bài sau cùng, Bình lật tờ giấy xếp hai ra, thấy mảnh giấy bị bôi đen gần hết. Tỏ vẻ ngạo nghễ, quay sang hỏi Đức Thầy:

-Chẳng biết tín đồ của ông làm cái gì?

Đức Thầy ung dung nói:

-Tôi cùng ông đều làm Giám Khảo, sao đề thi ông không hỏi thí sinh?

Nguyễn Bình hơi sượng và gọi anh chàng thí sinh lên hỏi:

-Tôi không biết anh làm cái gì như vầy?

Ông vừa nói vừa cầm mảnh giấy đưa lên, cả hội trường xôn xao lên. Anh thí sinh nghiêm nghị trả lời:

-Thưa Ban Giám Khảo, đây không phải là cuộc thi cấp tốc với đề thi tự do hay sao?

Nếu phải sao ông không hỏi tôi làm đề thi gì, mà hỏi tôi làm cái gì. Câu hỏi như vậy có được coi là hợp lý chăng?

Im lặng giây lát anh tiếp:

-Thưa ông, bài làm của tôi hôm nay mang tên đề thi Vân Long. Vân long nghĩa đen là mây rồng. Đề thi này có nhiều ý nghĩa, nhưng tôi chỉ trình bày vài ý thôi:

-Theo truyền thuyết rồng rất quan trọng vì là một trong tứ linh, nhưng truy nguyên rồng phải trải qua nhiều giai đoạn. Như từ kiếp rắn có tu, rắn mới thành cù, cù có tu mới thành rồng, rồng nhờ tu luyện mới có thần thông. Khi bay lượn trên không, vận hành trong vũ trụ, rồng hóa tường vân bao phủ che bọc thân mình, mắt phàm phu không bao giờ trông thấy nguyên hình con rồng được. Nếu họa hình mà không họa mây che là còn khiếm khuyết, vì rồng không ở ngoài mây. Biết rồng là vật tưởng tượng, mây mới là hiện tướng, họa mây hàm xúc rồng.

Ý thứ nhì, mực đen giấy trắng là hai vật liệu dành cho văn nhân, thi sĩ dùng để diễn tả tâm sự của mình, và cũng là vật tượng trưng tuyệt hảo để giúp cho tao nhân mặc khách biểu lộ nhiệt tình đối với nước non vậy. Giấy màu trắng tiêu biểu cho lòng trong trắng của hiền nhơn. Căn cứ vào lịch sử trên bốn ngàn năm văn hiến, tổ tiên ta với một tấm lòng trong trắng can cường, hy sinh xương máu chống lại ngoại xâm để có nền móng gấm vóc hôm nay.

Mực màu đen tượng trưng cho vô minh che khuất lương tri sanh ra sân hận, thù hiềm, ích kỷ làm điều gian ác, bán giống, buôn nòi, quên mình là con cháu Rồng Tiên. Thế nên tôi mượn mực thoa đen giấy trắng.

Đến đây anh thí sinh cúi chào rồi lui ra.

Bầu không khí rất là sôi động, Nguyễn Bình và các đồng chí của y ngạc nhiên tột độ trước một điển lành chưa từng thấy, Nguyễn Bình bỗng đứng lên thay mặt Ban Gám Khảo tuyên bố kết quả:

-Cuộc khảo thi cấp tốc hôm nay, anh thí sinh Hòa Hảo được chấm đậu với số điểm mười.

Lời ông ta vừa dứt thì một tràng pháo tay vang dội. Kiểng đổ lần bốn.

Nguyễn Bình và đồng chí của ông đứng lên gĩa biệt.

Thuật theo lời ông Lê văn Phú tự Tho

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn